Kiến thức

Mẹ hiền Quan Âm luôn che chở, cứu giúp chúng sinh

Thứ hai, 22/09/2023 09:36

Hàng ngàn năm qua, tại khắp các quốc gia, trong những hoàn cảnh tuyệt vọng khổ đau đã có vô số câu chuyện và chứng nhân về năng lực cứu độ và sự cảm ứng gia trì nhiệm màu của Đức Phật Quan Âm.

Trên thực tế, việc xưng niệm danh hiệu Đức Quan Âm là cách huân tập hạt giống Từ bi giúp phát khởi bản thể Đại bi và khai thác những năng lượng tích cực, nhiệm mầu tiềm tàng trong thân tâm. Ở góc độ bên ngoài, đó là lời tán thán công hạnh, cầu thỉnh thiết tha Ngài ban gia trì cứu độ. Nhưng bản chất sâu xa của lời cầu nguyện này là chúng ta đã hòa nhập vào tự tính Đại từ bi của chư Phật Bồ tát, của toàn bộ vũ trụ và đạt được diệu dụng cứu độ không thể nghĩ bàn. Giây phút hướng về bản thể Đại bi là lúc chúng ta dẹp tan hiểm nạn tai ương, tai ách chướng nạn để trở về với tự tính Từ bi, sống trong tự tại, bình an, giải thoát, giác ngộ.

Mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ tát.

Mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ tát.

Năng lực cứu độ của Đức Quan Âm

Đức Quan Âm với tinh túy tâm Đại bi giống như người mẹ hiền luôn yêu thương, che chở, cứu giúp chúng sinh vượt qua mọi đau khổ, nhưng tôn chỉ của Ngài là giúp cho muôn loài tự mình giác ngộ để vượt thoát vòng sinh tử luân hồi. Nói cách khác, Ngài không chỉ cứu khổ cứu nạn mà còn giáo hóa chúng sinh, ban cho sự không sợ hãi để đạt được giác ngộ.

Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni ghi rằng: “Quán Thế Âm Bồ tát có sức uy thần chẳng thể nghĩ bàn… do nguyện lực Đại bi làm an vui cho chúng sinh nên hiện làm Bồ tát”.

Do nhân tu pháp “Nhĩ căn viên thông”, Ngài nhập thể chân, chứng được chân tâm thanh tịnh sáng soi viên mãn khắp cả mười phương thế giới nên được những diệu dụng sau:

1) Nhờ chứng được chỗ đồng thể với chư Phật, Ngài hiện ra 32 ứng thân để tùy thuận chúng sinh mà hóa độ.

2) Nhờ chứng được chỗ đồng thể với chúng sinh, Ngài ban cho muôn loài 14 công đức vô úy (tức là 14 món không sợ hãi).

Trong quá trình hóa độ chúng sinh, do căn tính không đồng đều và tùy theo sở cầu riêng của chúng sinh nên Đức Quan Âm đã nương vào Tam Muội Phổ Hiện Sắc Thân khởi hiện các thân ứng hoá chẳng thể nghĩ bàn, luôn luôn ở trong mười phương thế giới làm việc cứu giúp vô biên khiến cho chúng sinh bị khổ nạn được an vui giải thoát. Điều này được gọi là Phổ Môn Thị Hiện và được minh họa rất rõ trong Phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Với ý nghĩa “tâm Đại bi là cội nguồn tinh túy để dẫn dắt chúng sinh tiến đến giác ngộ tối thượng”, trong Kinh Hoa Nghiêm, Quán Tự Tại Bồ tát đã vì Thiện Tài Đồng Tử mà tuyên nói Pháp môn Đại Bi Hạnh Giải Thoát của Bồ tát: “Này Thiện Nam Tử! Ta đã trải qua việc thành tựu Pháp môn Đại Bi Hạnh Giải Thoát của Bồ tát… và dùng môn Đại Bi Hạnh này bình đẳng giáo hóa chúng sinh nối tiếp nhau chẳng dứt. Có khi Ta, hoặc là dùng bố thí để nhiếp lấy chúng sinh. Hoặc là dùng lời nói yêu thương. Hoặc là dùng hành vi làm lợi ích cho người khác. Hoặc là dùng hành vi hòa chung với công việc của chúng sinh để nhiếp lấy họ. Hoặc là hiện bày các loại lưới ánh sáng trong sạch chẳng thể nghĩ bàn để nhiếp lấy chúng sinh. Hoặc là dùng âm thanh, hoặc là có đủ uy nghi để vì họ nói Pháp. Hoặc là hiện bày thần thông biến hóa, khiến họ đều hay thành thục khai ngộ. Hoặc vì họ hóa hiện thân đồng loại, cùng ở chung với họ để thành tựu họ. Bởi vì Ta tu hành môn Đại Bi Hạnh này, nguyện xin cứu giúp chúng sinh, nguyện khiến cho tất cả chúng sinh đều hay xa lìa sợ hãi, con đường khó khăn nguy hiểm, xa lìa sợ hãi phiền nao, xa lìa sợ hãi mê hoặc, xa lìa sợ hãi bị trói buộc, xa lìa sợ hãi bị giết hại, xa lìa sợ hãi nghèo túng, xa lìa sợ hãi chẳng thể sinh sống, xa lìa sợ hãi mang tiếng xấu, xa lìa sợ hãi chết chóc, xa lìa nơi sợ hãi trong đại chúng, xa lìa sợ hãi đầu thai nẻo ác, xa lìa sợ hãi ám tối, xa lìa sợ hãi dời đổi, xa lìa sợ hãi cùng với quyến thuộc thân yêu biệt ly, xa lìa sợ hãi cùng với oán thù gặp nhau, xa lìa tất cả sợ hãi bức bách sinh lý, xa lìa tất cả sợ hãi bức bách tâm lý, xa lìa sợ hãi lo lắng buồn thương. Do đó, Ta lại phát nguyện rằng: Phàm có người nào nhớ niệm Ta, tụng xưng tên Ta, hoặc là thấy được thân tướng chúng sinh của Ta, đều hay miễn trừ hết thảy sợ hãi. Này Thiện Nam Tử! Ta dùng Pháp môn phương tiện này, hay khiến cho chúng sinh xa lìa các loại sợ hãi, và dạy bảo họ phát khởi Tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển”.

Như thế, với Tâm Đại bi nhằm giúp chúng sinh nắm vững mọi phương tiện thiện xảo trong khi tu hành Bồ đề hạnh, Đức Quan Âm đã hiển thị uy lực của Tam Muội Như Huyễn Kim Cương để tự trang nghiêm thân và tế độ muôn loài hữu tình.

Thực hành pháp tu tập Đại Bi Quan Âm thù thắng trong những ngày đầu năm mới công đức sẽ tăng trưởng hàng trăm nghìn lần. Có nhiều phương pháp tu tập khác nhau như thờ phụng, lễ bái, xưng tán danh hiệu Ngài, trì tụng Kinh Phổ môn, sám hồng danh Quan Âm… Theo Mật thừa, chúng ta có thể tu trì theo Nghi quỹ giản lược, kết hợp với Pháp Trì Tháp. Vì Bảo Tháp là sự hiển bày Tâm Giác ngộ, Chân Ngôn Quan Âm là Khẩu Giác Ngộ, Đức Quan Âm là Thân Giác Ngộ, thực hành trì Tháp hay sự hợp nhất của Thân – Khẩu – Ý Giác ngộ là Pháp môn tích lũy công đức trí tuệ vô cùng thù thắng. Mật điển dạy rằng: “Việc trì chân ngôn OM MANI PADME HUNG của Đức Phật Quan Âm giúp hành giả tiêu trừ tất cả nghiệp xấu, khổ đau, không đọa lạc tam đồ ác thú, cuộc sống đạt hạnh phúc bình an, lâm chung được vãng sinh Tịnh độ”. Về việc trì Tháp, Đức Phật cũng dạy: “Ai có những tâm nguyện như cầu trường thọ, công danh sự nghiệp, tịnh trừ chướng ngại hãy đến nơi thanh tịnh họa hình Bảo tháp lên cát và bắt đầu trì tụng Chân ngôn cho đến khi thấy dấu hiệu thành tựu. Hoặc nếu như không đến được những nơi linh địa, thì có thể ngay tại nơi thanh tịnh trong tư gia, họa hình Bảo Tháp trên giấy rồi điểm dấu lên trên Tháp để trì tụng cho đủ Pháp số thành tựu. Khi đó, tất cả tâm nguyện thế gian và xuất thế gian hướng đến giải thoát giác ngộ của người trì Tháp sẽ đều thành tựu viên mãn!”.

Nguồn: Drukpa Vietnam

loading...