Sống an vui
Mình có đang thật sự sống không?
Thứ sáu, 18/06/2023 11:45
Một số người trong chúng ta cảm thấy rằng đời sống của họ không có ý nghĩa, không đáng sống. Họ đau khổ vì không có hướng đi. Dầu ta giàu có cách mấy, có nhiều quyền uy trong tay, nhưng nếu tâm trí ta bị rối loạn, không có hướng đi rõ ràng thì ta là người đau khổ nhất trên đời.
Nếu ta có hướng đi ý nghĩa cho cuộc sống, hướng đi ấy thể hiện được lòng từ bi của ta, thì ta sẽ biết cách giúp cho chính mình và mọi người quanh mình bớt khổ.
Ta có cơ duyên tiếp nhận giáo pháp, có kinh nghiệm tu tập và biết rằng mỗi khi có những giây phút khó khăn thì giáo pháp có thể cứu giúp ta và mọi người ra khỏi tình huống khó khăn và tuyệt vọng. Giáo pháp có công năng đưa ta tới bến bờ của an lạc và giải thoát. Chỉ cần trở về tiếp xúc với khả năng tỉnh thức trong ta, có niềm tin nơi bản thân, thì an lạc, hạnh phúc tự nhiên phát sinh và điều đó làm cho ta hạnh phúc thật sự. Ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi ta có thật nhiều tiền, vợ đẹp, danh tiếng, quyền uy và địa vị trong xã hội, thỏa mãn được sự thèm khát về tình dục…
Nhiều người trong chúng ta đã chạy theo con đường hưởng thụ dục lạc và họ nhận thấy rằng càng vướng vào sự thèm khát của ngũ dục như tiền tài, danh vọng, quyền hành, sắc dục, thức ăn cao lương mỹ vị và ngủ mê bao nhiêu thì họ càng khổ bấy nhiêu. Ta thường cho rằng năm thứ dục lạc là những yếu tố tất yếu của hạnh phúc, nhưng bây giờ ta đã giác ngộ rằng hạnh phúc chân thực chỉ có thể có được khi mình có khả năng buông bỏ và thiết lập lại được tự do của nội tâm.
Do đó, đức Thế Tôn đã khuyên chúng ta phải thường xuyên thực tập nhìn sâu để hiểu bản chất chân thực của ngũ dục và học cách chế tác niềm vui và hạnh phúc lành mạnh để tự nuôi dưỡng mình. "Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui.” Đây không phải là sự mơ tưởng hão huyền mà là kết quả ta đạt được từ sự thực tập nhìn sâu vào ý niệm hạnh phúc của ta và tập tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, an vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Niềm vui được phát sinh là nhờ ta biết thực tập buông bỏ – Ly sinh hỷ lạc. Rồi đến Định sinh hỷ lạc, tức là niềm vui và hạnh phúc được phát sinh nhờ khả năng chuyên chú, an trú trong Định. Ta đã được học về sự lợi lạc do Định đưa tới. Ví dụ khi ăn cam, ta ăn cam có hạnh phúc nhiều hay ít, điều đó tùy thuộc vào khả năng Niệm và Định của ta. Trong khi ăn cam, nếu ta an trú vững chãi, thiết lập Niệm, Định hùng hậu thì niềm vui và hạnh phúc sẽ rất lớn.
Những điều kiện của hạnh phúc luôn có đó trong ta và quanh ta, nhưng vì tâm ta không an trú, không có Định nên ta không nhận diện được chúng. Có một cô thiền sinh sống ở Paris, cô rất thích pháp môn thiền đi. Nhưng sống trong một môi trường bận rộn, trong đó hầu hết mọi người đều chạy như bị ma đuổi nên cô cũng bị cuốn hút theo. Một hôm cô đi lên cầu thang máy cùng với một bà cụ; thấy bà cụ đi chậm rãi, không có vẻ gì vội vã; trông thấy cụ, tự nhiên cô ngẫm lại mình và nói: "Mình có đang thật sự sống hay không? Sao mình cứ chạy hoài như vậy nè? Hình như mình đang sống như một người chết.” Bà cụ nhìn cô ta và nói: ”
Đúng vậy. Nhưng cô còn trẻ, hai chân còn khỏe mạnh, còn có thể chạy nhảy mà. Còn tôi thì khác. Tôi già rồi. Tôi không thể chạy nhảy như cô được nữa. Nếu tôi chạy như cô thì e sẽ té nhào về phía trước mất.” Còn có đôi chân khỏe mạnh để đi, để chạy là một điều kiện của hạnh phúc. Có nhiều người muốn chạy nhưng họ không thể chạy được. Vậy thì, thay vì than phiền, quý vị nên vui mừng mới phải chứ. Chánh niệm làm phát sinh cái thấy và cái thấy ấy đem lại hạnh phúc. ”Thở vào, tôi biết hai chân còn khỏe, còn có thể chạy nhảy, đi đây đi đó. Thở ra, tôi mỉm cười hạnh phúc.” Niệm và Định là nền tảng làm phát sinh hạnh phúc.