Sách Phật giáo

Mô hình của Liên tông Tịnh độ Non Bồng trong công tác trồng rừng, bảo vệ môi trường

Thứ hai, 20/12/2017 09:51

Đạo Phật đã và đang thực hiện nhiệm vụ của chính mình trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất trong việc nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường sống, bằng cách thể hiện sống động các ngôi tùng lâm tự viện đều gắn liền với môi trường xanh hoặc một khoảng rừng thiền thật lớn, có những nơi hiện đang trồng và bảo vệ từ vài trăm ha đến hơn 1000 ha.

1. Dẫn nhập

Hồi ứng với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đề ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cũng như cộng đồng Phật giáo thế giới rất quan tâm thảo luận và tìm biện pháp thực thi chủ đề: Hồi ứng của Phật giáo đối với việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường.

Bằng những thành quả, trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp cho dân tộc trên nhiều phương diện như bảo tồn phát triển các giá trị truyền thống, giữ gìn các văn hóa cổ như các bản in, ngôn ngữ hay các vấn đề về tinh thần hòa bình bất bạo động, trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường,…Hiện tại, không thể không nhắc đến việc trồng rừng của các cơ sở tự viện góp phần gìn giữ môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Với Việt Nam, đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Bảo vệ môi trường sống không phải là vấn đề mới được đặt ra, nhưng nó luôn là vấn đề cấp thiết cho toàn nhân loại.

Theo tinh thần nhân quả, những hậu quả, những di chứng của sự tàn phá môi trường ở quá khứ đã đưa cuộc sống con người đi đến ngõ cụt. Những trận động đất, sóng thần, lốc xoáy, bão lũ, liên tục xảy ra do nguyên nhân trái đất nóng lên đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Tất cả đều có sự tác động của bàn tay con người bằng các hoạt động khai thác quá mức, triệt để đã để lại những hậu quả khôn lường cho nhân loại ngày nay phải chịu đựng. Sự sống và cái chết giữa con người với sự phẫn nộ của thiên nhiên đã đưa đến thiệt hại về người, kinh tế và xã hội với những con số đáng báo động.

Tại Việt Nam, không thể không nhắc đến: Năm 2016, Việt Nam chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt ở Nam Trung Bộ, hạn hán nặng nề, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sụt lún, sạt lở ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Những thảm họa thiên tai diện rộng đó đã gây ra thiệt hại hàng tỷ tỷ đồng. Trong khi đó, con số thiệt hại này trên thế giới lên tới 175 tỷ USD và 8.700 người thiệt mạng do thiên tai trên tổng số là 327 thảm họa, trong đó 191 vụ là thiên tai và 136 vụ do con người gây ra. Đây là con số thiệt hại lớn nhất được ghi nhận trong vòng 4 năm qua(1).

Những con số đáng báo động trên cũng tạo nên một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường, sống gần gũi với thiên nhiên và phát triển mối quan hệ này một cách bền vững. Cuộc đời đức Phật(2) từ lúc đản sinh cho đến Niết bàn là một minh chứng xác thực cho một đời sống tự chủ, an lạc, luôn luôn từ ái và thích ứng với mọi người, mọi loài và cả thiên nhiên. Do vậy, không thể phủ nhận rằng: Phật giáo là tôn giáo tiên phong đi đầu, cũng như có nhiều thành quả tích cực về việc trồng rừng và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên. 

Đạo Phật đã và đang thực hiện nhiệm vụ của chính mình trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất trong việc nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường sống, bằng cách thể hiện sống động các ngôi tùng lâm tự viện đều gắn liền với môi trường xanh hoặc một khoảng rừng thiền thật lớn, có những nơi hiện đang trồng và bảo vệ từ vài trăm ha đến hơn 1000 ha. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam còn tham dự và cam kết thực hiện chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước.

Trên tinh thần và ý nghĩa đó, bài viết này tập trung giới thiệu và nghiên cứu một trường hợp tiên phong cụ thể trong việc trồng rừng bảo vệ môi trường sống của Phật giáo Việt Nam: Liên tông Tịnh độ Non Bồng (LTĐNB), một môn phái Phật giáo phát triển trong lòng GHPGVN có truyền thống tu tập và có những đóng góp nhất định trong công tác trồng rừng từ khi mới thành lập môn phái theo nghị quyết kỳ II của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc phát huy tự túc kinh tế nhà chùa.

2. Hoạt động trồng rừng của Liên tông Tịnh độ Non Bồng

Theo HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, tại cuộc thảo luận của đoàn Hà Nội trong chiều 07/06 về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi): “Giáo lý của đạo Phật nghiêm cấm việc chặt cây. Chặt cây cũng bị coi là sát sinh như giết hại con người. Lời di chúc của đức Phật trước khi rời cõi đời này là không được chặt cây cối, phá hoại núi rừng. Cây cối cho ta sự sống, che mát cho ta nên cấm tuyệt đối việc chặt cây. Phật giáo rất yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất mong mọi người đều bảo vệ môi trường, trái đất, bảo vệ cho cuộc sống, bầu khí quyển bằng việc phát động trồng cây. Mỗi người trồng một cây, thì các khu đô thị, cao ốc đều phủ màu xanh của cây cối. Rừng không phải rừng đặc dụng mà rừng còn có thể trồng ngay trong các khu đô thị, khu dân cư”.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cho biết, giáo lý Phật giáo luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ “Đảm bảo bền vững về môi trường” (mục tiêu thứ 7), thực thi cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường ở Paris (Pháp), cộng đồng Phật giáo thế giới đã cùng chung tay hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
 
Thông điệp Phật đản Phật lịch 2560 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là sự cụ thể hóa chương trình hành động đó và cũng là thực hiện Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Rõ ràng, mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều là một tế bào của cả hành tinh xanh, có sự tác động qua lại và liên hệ mật thiết với nhau, dù là con người hay muôn loài động vật và cả cây cỏ đi nữa, cũng đều có quyền tồn tại phát triển hỗ trợ cho nhau. Chúng ta không thể sống với những tòa nhà bê tông, cốt thép chọc trời ốp toàn kính được mà chúng ta cần phải có cây xanh, thảm cỏ tạo nên môi trường sống mát mẻ, nhất là gần đây hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhiệt độ tăng cao trong các thành thị, khói bụi ô nhiễm và cả sự ô nhiễm tiếng ồn từ các nhà máy, khu công nghiệp, trong khi đó các hàng cây xanh bên ngoài có thể giảm thiểu mức ô nhiễm. 

Cây cho con người ôxy để sống, cho chúng ta hoa thơm trái ngọt để thưởng thức, thậm chí là các phương thuốc chữa bệnh cứu sống con người từ xa xưa tới hiện nay, do đó khi chúng ta có những hành động vô ý về sự khai thác triệt để, tận thu các nguồn tài nguyên; không có ý thức tái tạo trở lại, thì chính chúng ta đang tự hủy hoại cuộc sống của chúng ta.

Làm ảnh hưởng đến lợi ích và sự sống của các thế hệ mai sau. Trong khi đó, đức Phật và các môn đệ của Ngài luôn khích lệ và tán thán tinh thần chung sống hài hòa với thiên nhiên để có một đời sống an lành và khỏe mạnh, thuần khiết nhất. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Kinh Tăng Chi: “Ở đây, này Nagita, Ta thấy một tỳ kheo ngồi thiền tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, Ta suy nghĩ như sau: Nay vị tôn giả này sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt sự nhất tâm. Do vậy, Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị tỳ kheo ấy”. Đức Phật luôn tán thán và xem núi rừng là nơi ẩn trú lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo(3). “Làng mạc hay núi rừng, thung lũng hay đồi cao, La Hán trú chỗ nào, đất ấy thật khả ái” (Pháp cú 98). 

Đức Phật có rất nhiều lời dạy liên quan mật thiết đến việc bảo vệ môi trường. Trong Kinh Angutara Sutra (Tăng Chi bộ), Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Trong kinh A Hàm, đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu hoặc chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết bàn… Này các tỳ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”.

Vì vậy, trồng rừng là một hành động thiết thực đóng góp bảo vệ môi trường, duy trì sự sống của muôn loài, tạo ra không gian yên tĩnh, nâng cao chất lượng tu tập cho hàng tu sĩ Phật giáo. Liên tông Tịnh độ Non Bồng được chính thức thành lập vào năm 1959 do Hòa thượng Thiện Phước - Nhựt Ý(4), thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41 thành lập. Từ đây, nhiều ngôi chùa đã được tiếp tục dựng lên, đánh dấu thời kỳ hình thành của Liên tông Tịnh độ Non Bồng. Liên tông Tịnh độ Non Bồng chủ trương theo tinh thần Phật giáo dấn thân mạnh mẽ, đem đạo vào đời bằng cách tổ chức các hoạt động TTXH như: thành lập cơ sở nuôi dưỡng cô nhi, người già neo đơn, trồng rừng bảo vệ môi sinh, mở lớp dạy học, tham gia công tác giáo dục, xây nhà tình thương, đem ánh sáng cho người mù(5)…

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác(6), Tông trưởng đương kim của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Viện chủ Quan Âm Tu Viện(7), cho biết: Toàn bộ hệ thống tự viện của Tông phong gồm hơn 170 ngôi chùa, tịnh xá ở khắp miền Tây cho đến Đông Nam Bộ. Từ năm 1982, Quan Âm Tu viện tiếp nhận 150 ha đất hoang trồng rừng theo giao ước tự trồng, tự hưởng. Tiếp đó, theo tinh thần nghị quyết kỳ II của TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc phát huy tự túc kinh tế nhà chùa và hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. 

Hòa thượng Thích Thiện Phước phát động toàn thể tăng ni trong tông môn trồng cây gây rừng, phủ màu xanh cho rừng núi, mỗi người trồng ít nhất là 100 cây tràm, điều, bạch đàn, sao... Sau 2 năm, mầm xanh đã nhú lên trên mặt rừng khô cằn, hạt ươm ngày nào trở thành những cây con khắp nơi. Nhận thấy hiệu quả ấy, Cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục giao thêm đất rừng cho Quan Âm Tu viện quản lý.

Đến năm 1984, nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, Ni trưởng Huệ Giác lần đầu tiên phát động phong trào trồng cây gây rừng. Tham gia buổi lễ có ông Phạm Văn Hy, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Lê Văn Nà, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Lê Hữu Sanh, Giám đốc Sở Nông Lâm Nghiệp thời bấy giờ. Quan Âm Tu viện nhận đất và trồng rừng bắt đầu từ khu rừng ở ấp 5 xã Long Phước, huyện Long Thành trải dài cho đến tận núi Dinh (xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Quan Âm Tu viện đã quản lý được khu rừng đóng trên địa bàn 2 tỉnh với diện tích 350 ha. 

Duy trì được đến ngày nay và mở rộng việc trồng rừng phủ xanh đồi đất hoang vu khoảng hơn 1000 ha ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận. Ni trưởng nói khu rừng tỉnh Đồng Nai của chùa trồng đã được tỉnh nhà công nhận là khu rừng điểm. Thật vinh dự nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, Cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai(8)... Tất cả đã xác nhận hiệu quả công tác bảo vệ rừng của hệ thống tự viện thuộc Liên tông Tịnh độ Non Bồng. Các đoàn khách tham quan nước ngoài như Thụy Điển, Úc, Nhật đã đến các ngôi rừng điểm của môn phong để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thêm về phương thức trồng - bảo vệ rừng.

Điển hình nhất: Năm 2006, phật tử từ Quan Âm Tu viện, Biên Hòa vượt hàng trăm cây số để tham gia chương trình truyền thống “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Bác nhằm chào mừng Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp. Đứng trước những cạn kiệt của rừng nguyên sinh, môi trường sống của con người không còn được trong lành như xưa, hôm nay được những đôi tay của người tu sĩ Phật giáo Quan Âm Tu viện vun trồng lên những chồi non xanh tươi mát với số lượng 30.000 cây tràm bông vàng và 4200 cây gió bầu (trầm hương) cho đợt phát động này. 

Với niềm hy vọng lớn lao là những mầm non hôm nay sẽ lớn nhanh thành những khu rừng trù phú phủ kín đồi trọc, góp phần tạo nên một môi trường, một hệ sinh thái mới và cũng là góp phần phát triển kinh tế quốc dân tại địa phương, kinh tế nhà chùa, xóa đi những sự khó nhọc quanh năm của người dân nghèo nơi vùng đất thường được gọi là vùng “đất cày lên sỏi đá” và “cái nắng cháy da người”.

Hiện tại, công tác trồng rừng của LTĐNB được thể hiện qua bảng thống kê sau:
 
Qua bảng thống kê các tự viện của LTĐNB đang tham gia hay trồng và quản lý rừng thì tổng diện tích rừng bảo vệ là 907 ha chiếm 90% tổng diện tích đất rừng. Số liệu này chứng tỏ LTĐNB hoạt động có hiệu quả trong công tác trồng rừng gần gũi môi trường tự nhiên. Thời gian đầu lúc thành lập môn phong đã có chủ trương tự túc kinh tế, nhưng sau này khi các cơ sở tự viện đã hình thành ổn định thì hướng mạnh về vấn đề trồng rừng bảo vệ môi trường môi sinh nhiều hơn, không còn đặt nặng vấn đề khai thác hay chú trọng vấn đề trồng rừng vì kinh tế. Đôi lúc, do những cánh rừng tràm quá già cỗi thì mới chủ động thay đổi cây trồng. 

Tuy nhiên, không thể không nhắc đến những trở ngại cho việc trồng rừng này. Theo Đại đức Thích Thiện Trì(9), do chủ trương ban đầu là trồng cây bảo vệ môi trường môi sinh nên đã không đặt nặng vấn đề khai thác kinh tế. Nên khi cây mọc hoang, xen tạp thì vẫn giữ nguyên, ít tỉa cành nhánh, cây mọc tạp hay chặt bỏ nên khu rừng trở nên rậm, không có hàng lối dẫn đến khó khăn trong việc gom lá, khoanh vùng chống cháy. Ví dụ khi có sự cố xảy ra thì xe cứu hỏa hay các phương tiện khó tiếp cận. Mặt khác, không hoạch định việc sẽ khai thác và trồng cây như thế nào là tối ưu hóa, chỉ chủ trương trồng rừng theo vùng khí hậu, thổ nhưỡng. 

Khi cải tạo một vùng đất đồi hay trồng mới không có cày xới, cải tạo đất hay lấy gốc cũ nên rừng cây phát triển theo cách rất tự nhiên, không phụ thuộc vào việc canh chỉnh hàng lối mà chỉ chủ trương trồng cây xanh phủ hoang… nên tạo điều kiện thuận lợi, môi trường sống tốt cho các loài sinh vật khác hay chim chóc đều về trú ngụ, làm tổ. Tạo môi trường sống gần gũi với thiên nhiên. Hằng ngày, chư tăng ni đều chia ra đi kiểm tra tháo bẫy thú của thợ săn hay khuyên nhủ họ cùng phát hiện cháy, không đốt thui thú rừng tại rừng, hay phổ biến cho họ biết về việc bảo vệ môi trường môi sinh giảm việc săn bắt sát sinh(10), chặt phá rừng...

Việc đi tuần chống cháy hay bảo vệ rừng được chủ trương đặt quan trọng lên hàng đầu nên không xảy ra cháy vào mùa khô hạn. Điều này tạo nên cảnh quan đẹp, tạo nên môi trường sống xanh hòa hợp với tự nhiên theo chủ ý ban đầu của người trồng rừng. Còn theo Ni sư Lan Nhã(11), thì trong việc trong rừng thì mỗi lần gió thổi những tán lá cây xào xạc như reo vui, chim các nơi về sinh sống, làm tổ, kêu hót rất vui, tạo nên cảnh trí phù hợp trong việc tu tập. 

Mỗi lần phật tử về chùa tu tập thì đều thích vì tự viện có cảnh trí tu tập rất thanh tịnh và không khí trong lành. Có rừng cây thì những đồi đất gần sông, suối không còn bị sạt lở, đất không còn bị cuốn trôi và cây giữ đất rất tốt, đặt biệt là những nơi có rừng thì nguồn nước không bao giờ bị cạn kiệt. Do quản lý rừng tốt, trồng có quy hoạch nên công việc chống cháy cũng dễ dàng hơn. Sư nói thêm: Đôi lúc sợ thợ đi lấy mật ong, trong khi đốt lửa hun khói cũng dễ xảy ra hỏa hoạn. Lúc nào mình cũng canh họ và nhắc nhở thêm, kinh nghiệm của mình nên làm cỏ lúc mùa mưa thì cỏ mục hoại làm phân cho cây, nhưng làm cỏ mùa khô đôi lúc cỏ khô rất dễ bắt lửa, dễ cháy rừng. 

Về kinh tế thì Sư chia sẻ: "Ban đầu chùa mới thành lập thì kinh tế khó khăn, trồng rừng ở bưng cũng khó, nhưng dần về sau này thì nhờ khai thác rừng mà mình làm được rất nhiều việc quan trọng, đúng là “rừng vàng, biển bạc”. Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác đã tổ chức cho chư tăng ni các nơi kết hợp với địa phương trồng khoảng hơn 1000 hecta rừng sinh thái(12) nhằm tạo ra nguồn kinh phí cho các hoạt động từ thiện - xã hội. 
 Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác
Quỹ được trích từ nguồn lao động sản xuất thu nhập từ trồng rừng và nguồn vận động đóng góp của các tăng, ni, phật tử, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… Ni trưởng đã tổ chức cho các tăng, ni lao động, sản xuất, làm ruộng, trồng rừng… tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập chân chính bằng sức lực của chư tăng, ni để nuôi sống bản thân, có nguồn kinh phí tu học, xây dựng và đóng góp làm từ thiện nhân đạo. Tạo việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời giáo dục cho toàn thể tăng, ni, phật tử học tập và tu tập theo đúng đạo pháp, thực hiện tốt theo các quy định của pháp luật. Từ năm 1984 đến nay, Ni trưởng đang quản lý trên 1000 hecta rừng phòng hộ và tự trồng tự hưởng(13).

3. Lời kết

Chúng ta cần nỗ lực hoạch định và có kế hoạch tốt hơn trong công tác trồng rừng và có biện pháp quản lý chống cháy hiệu quả nhất. Nâng cao ý thức bảo vệ rừng và giáo dục ý thức sống gần gũi môi trường thiên nhiên cho các thế hệ trẻ, con em gia đình phật tử hay đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học nhất là mỗi em đều tự tay mình trồng được cây xanh ở môi trường mình đang sống, đang học hay đang làm việc. 

Thông qua mô hình trồng rừng hiệu quả của LTĐNB thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời nhân rộng và phát triển mô hình Tòng lâm Tự viện trồng và bảo vệ rừng hiện nay để đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ môi trường sống, tạo ra nền tảng vững chắc ngăn ngừa thiên tai thảm họa mà Việt Nam đang đối mặt. Đồng thời, đây còn là một hành động thiết thực mà Phật giáo đóng góp cho mục tiêu bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc đề ra.

Hơn nữa, đây còn là một mô hình tiêu biểu cho việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng và lối sống gần gũi môi trường thiên nhiên cho tín đồ phật tử, các thế hệ trẻ với quan niệm trồng cây bảo vệ rừng là một công đức lớn. Trồng cây xanh là gieo được cội phúc cho mình, tạo môi trường sống trong lành, thân thiện với môi trường tự nhiên để nuôi dưỡng lòng từ bi và cơ hội thực hành tâm linh của chính bản thân tăng ni, phật tử.

Thích Thiện Huy - Môn phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Chú thích
1. Theo số liệu từ công ty tái bảo hiểm Munich RE của Đức.
2. Siddhārtha Gautama hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm (phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn) cũng được phật tử gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) hay gọi đơn giản là đức Phật, là một người giác ngộ (trong Phật giáo) và là một đạo sư có thật từng sống vào thời kỳ Ấn Độ cổ đại. Theo tương truyền và sử liệu, ông đã sống và truyền dạy giáo lý ở phía Đông tiểu lục địa Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN. Siddhārtha đã đề xướng con đường Trung đạo (Majjhimāpaṭipadā), vừa từ bỏ đời sống xa hoa và cũng vừa từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh thịnh hành trong các học thuyết tôn giáo Ấn Độ thời đó. Những lời giáo pháp trong thời gian ông đi truyền bá đã đặt nền tảng cho sự hình thành của Phật giáo.
3. Tăng Chi II, tr. 336.
4. Năm 1956, vị đạo nhân đi về miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, qua nhiều trú xứ, đến cầu pháp với Đại lão Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu, được truyền pháp “Thiền Tịnh song tu” pháp phái Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch tại Long Sơn Cổ tự, xã Tân Ba, Quận Tân Uyên. Lúc bấy giờ, đạo nhân được ban đạo hiệu là Nhựt Ý Tiện Phước và cuối cùng đăng sơn núi Dinh, Bà Rịa, được Yết Ma Sen giao phó Tổ đình Linh Sơn cho đạo nhân làm trụ trì. Vị đạo nhân đó là đức tôn sư Hoà thượng Thiện Phước Nhựt Ý, biệt hiệu đức Mẫu Trầu Bồng Lai, người sáng lập môn phái Liên tông Tịnh độ Non Bồng, chứng minh đạo sư Quan Âm Tu Viện (QATV), nay đã có 170 ngôi tự viện, tịnh xá, tịnh thất, đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn tăng ni, hàng chục vạn tín đồ phật tử quy y tu tập theo pháp môn. 
Như vậy, từ đầu thế kỷ XX, ở Nam Kỳ đã xuất hiện một pháp môn tu hành học đạo theo Tịnh độ tông, do đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức khởi xướng. Đến năm 1955, đức Sư Ông truyền dạy pháp môn này cho Ngài Thiện Phước Nhựt Ý và vào năm 1959, Ngài Thiện Phước chính thức thành lập Liên tông Tịnh độ Non Bồng tại vùng đất Đồng Nai, khu vực núi Bồng Lai. Để phát huy truyền thống đạo pháp và dân tộc, Tôn sư thể hiện chơn lý trước tiên qua các phật sự khẩn hoang, truyền thừa pháp môn tu khai sơn pháp phái, trùng hưng chùa cũ, tu bổ chùa hư nền sập trở lại khang trang tốt đẹp.
5. Bùi Tấn Huy (2017), Các hoạt động từ thiện - xã hội của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, kỷ yếu hội thảo khoa học “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện” tổ chức tại Kiên Giang, trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức.
6. Thế danh của Ni trưởng là Nguyễn Thị Cưng. Ni trưởng sinh năm 1936 tại làng Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ni trưởng xuất gia vào ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Tuất (1958) pháp danh Huệ Giác.
7. Lịch sử các chùa trong tỉnh Đồng Nai - NXB Văn hóa Thông tin 25/10/2002,”Quan Âm Tu viện được xây dựng trên một quả đồi cao thoáng mát, cây cối xanh tươi, tọa lạc trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn ngang cầu Hang), một đại lộ giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, phố xá đông đúc nhưng tu viện vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng và vô cùng thanh tịnh. Những dãy nhà làm học viện, am phòng tăng ni, trai đường, liêu, thất, phòng chẩn bệnh… với ngôi Chánh điện, đền đài, bảo tháp thật đồ sộ, nguy nga tráng lệ, vươn lên giữa trời xanh, tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh, ẩn bóng dưới những rặng cây Bồ đề, cây công chúa, cây dầu cổ thụ và những táng anh đào cành lá sum suê râm mát vạn niên. 
Nhìn toàn cảnh ngôi Quan Âm Tu viện có địa thế đẹp, phong thủy tốt, mặt hướng ra dòng đại giang (sông Đồng Nai) xa xưa trìu mến, lưng dựa vào núi Châu Thới ngàn đời thân thương. Quan Âm Tu viện từ bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại trong sự oai nghiêm, cổ kính như một nhân chứng lịch sử phát triển của Phật giáo Đồng Nai nói chung và Liên tông Tịnh độ Non Bồng nói riêng”.
8. htp://www.redcross.org.vn/redcross2/vn/home/InfoDetail.jsp?area=1&cat=1945&ID=17059
9. Hiện đang giữ và chăm sóc hơn 60 ha tại xã Hiệp Khánh, Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
10. Đức Phật xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại: “Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem không làm hại cho vô lượng chúng sinh”.(Tăng Chi III, 229) Ngài tuyên bố rất rõ, Ngài không chấp nhận vì Ngài hay vì đệ tử của Ngài mà giết hại các chúng sinh để cúng dường đồ ăn.
11. Ni sư có kinh nghiệm trên 30 năm trồng rừng, trụ trì Bửu Hoa Ni viện, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 
12. htp://dacsanhoadam.com/vi-dao-giup-doi/
13. htp://www.redcross.org.vn/redcross2/vn/home/InfoDetail.jsp?area=1&cat=1945&ID=17059

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.
2. CDKN , ODI, AGULHAS (2012), Quản lý các sự kiện khí hậu cực đoan và thảm họa ở châu Á: Các bài học từ báo cáo SREX IPCC.
3. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội, Nxb. Văn hóa thông tin.
4. Bùi Tấn Huy (2017), Các hoạt động từ thiện - xã hội của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, kỷ yếu hội thảo khoa học “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện” tổ chức tại Kiên Giang, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức.
5. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam (2002), Giới thiệu về quản lý thảm họa tại cộng đồng, Hà Nội.
6. Đức Khánh, Biến đổi khí hậu - thách thức lớn cho Đồng bằng Sông Cửu Long. In trong: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 1/7/2010.
7. Nguyễn Kim Liên (2008), Giáo trình phát triển cộng đồng, Hà Nội, Nxb Lao động Xã hội.
8. Nhiều tác giả (2002) Lịch sử các chùa trong tỉnh Đồng Nai - NXB Văn hóa Thông Tin.
9. Thích Giác Quang, (2016) “Hoa Sen Bên Núi Xưa”, NXB Phương Đông.
10. Thích Giác Quang, (2016) Liên tông Tịnh độ Non Bồng - 57 năm hình thành và phát triển. NXB Hồng Đức.
11. Thích Nhật Từ - Trương Văn Chung - Nguyễn Công Lý (đồng chủ biên) (2014), Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.
12. Võ Văn Sen - Nguyễn Thế Nghĩa (2014), Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.
13. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM (2015), Phật giáo vùng Mê Kông ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.
14. htp://www.redcross.org.vn/redcross2/vn/home/InfoDetail.jsp?area=1&cat=1945&ID=17059
loading...