Sách Phật giáo

Môi trường sinh thái, môi trường nhân sinh theo góc nhìn Phật tính

Thứ hai, 22/02/2016 02:45

Cái nhìn “Phật tính” là cái thấy y như sự thật - nghĩa là từ lý thuyết, phương pháp cùng với kết quả đều hợp lý, không chen chủ quan của mình vào trước hay trong khi suy nghiệm về một sự vật nào đấy. 

Chỉ sau sự suy nghiệm trung thực ấy đạo Phật mới đưa ra lời kết luận. Hết thảy các hành động không phát sinh từ sự hiểu biết như thật, đạo Phật đều không công nhận. Cái thấy như thật ấy là cái thấy của Chính kiến. Nếu không có cái thấy của Chính kiến thì không thể nào có Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp …nghĩa là bảy yếu tố khác trong Bát chính đạo - là con đường tám nhánh để thâm ngộ đạo Phật. Cho nên đạo Phật là đạo giác ngộ đạo của trí tuệ, mà cũng là đạo như thật.

Và từ cái nhìn Chính kiến, như thật ta thấy: Thế kỷ 20 đã khép lại với một truyền thống Duy lý, mà “Không bao giờ mà chúng ta có một niềm kiêu hãnh về trí tuệ của chúng ta như hồi đầu thế kỷ 20 nữa” (David Peat - Từ xác định đến bất định). Thậm chí thời đại ngày nay còn được mệnh danh là Kỷ nguyên bất định. Thực ra điều này đã được các nhà khoa học phương Tây khẳng định từ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Sự thật ấy không do nhận thức cá nhân các nhà khoa học mà nó đã đi cụ thể vào đời sống xã hội toàn cầu, đó là vấn nạn biến đổi khí hậu bởi môi trường sinh thái. Cũng từ vấn nạn môi trường mà các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu đã bắt đầu! Bởi sự thật khái niệm này ra đời mới cách nay hơn hai thập niên do nhà cổ sinh học người Kenya là Richard Leakey và nhà nhân chủng học người Anh Roger Lewin đề xuất. Trên tạp chí Science (Mỹ) các nhà khoa học đã thống kê năm cuộc đại tuyệt chủng mà trái đất chúng ta đã trải qua; trong đó có cuộc đại tuyệt chủng gần đây nhất, cách đây 65 triệu năm là do một thiên thạch đã đâm vào trái đất, làm chấm dứt sự thống trị của loài khủng long - mà bây giờ chúng ta chỉ còn thấy hóa thạch sót lại của loài này. Và hết thảy những cuộc đại tuyệt chủng trước đó cũng đều bắt đầu từ sự biến đổi tự nhiên của hành tinh hoặc các vụ tấn công thảm họa từ thiên thạch tạo ra như cuộc đại tuyệt chủng lần thứ năm.
 
Còn cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu “đã bắt đầu” này mà hơn ai hết, mỗi con người trên hành tinh xanh của chúng ta đều cảm nhận được, đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường đang xẩy ra, và chắc chắn sẽ bất thường hơn nữa trong tương lai. Các mùa trong một năm là rõ rệt trước đây, thì bây giờ hòa lẫn vào nhau, dần dần sự phân hóa này sẽ có thể làm cho không còn mùa nữa. Phát thải khí carbon đã gây  ra hậu quả này. Chỉ số cực trị xuất hiện, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp bất thình lình xẩy ra - nhiều khi chỉ trong một ngày - làm con người không kịp trở tay. Biến đổi khí hậu chả đang “gõ cửa” từng nhà chúng ta đấy thôi. Không ngạc nhiên khi mùa mưa mà chẳng có mưa, mùa khô lại ngập úng. Còn nhìn rộng ra: khí hậu thay đổi đã tạo ra những vùng biển chết, mà con số hiện nay các nhà khoa học thống kê là hơn 400 vùng. Những cơn sóng nhiệt gây ra cháy rừng khủng khiếp ở Úc, ở châu Âu năm 2003, châu Phi kiệt quệ do hạn hán. Liên hợp quốc xác nhận: Hạn hán và xa mạc hóa là kết quả của việc chặt phá rừng. Các nhà sinh thái học lên tiếng khẩn cấp bởi loài thú hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà con số dự đoán là 16.000 loài trên địa cầu. Các tảng băng khổng lồ ở Băng đảo và Nam cực đang tan rã dẫn đến thảm họa nước biển dâng cao và bão tố mãnh liệt kèm theo. Trên đại dương hiện đã có 18 đảo bị chìm hoàn toàn. Một tường trình từ Tổ chức quốc tế về Di cư tuyên bố: có lẽ 200 triệu, thậm chí có thể một tỷ người sẽ phải tỵ nạn do khí hậu thay đổi trước năm 2050. Đó là các cư dân ở đảo đang bị chìm dần và những miền duyên hải khi nước biển dâng cao. Mới đây nhất trong những tháng cuối 2015 này thế giới đã chứng kiến dòng người di cư “khổng lồ” vào các nước châu Âu. Họ là những cư dân ở Trung Đông và châu Phi, nhưng nhiều hơn cả là Sirya. Các vùng có chiến sự và nạn khủng bố hoành hành đã khiến họ phải dời nhà cửa quê hương để tỵ nạn. Như vậy “niềm kiêu hãnh về trí tuệ con người” với truyền thống Duy lý thế kỷ 20 với  những tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng để lại một thứ “rác thải” cho cả hai hệ môi trường sinh thái và nhân sinh đó là vũ khí hạt nhân. Thứ “rác thải” này được sản sinh ra từ cuộc chạy đua vũ trang ở nhiều quốc gia. Sự tàn sát đồng loại trên phạm vi toàn cầu, hay “ngày tận thế” sẽ đến bất cứ lúc nào nếu thứ “rác thải” kinh khủng nhất này không bị phân hủy do sự nỗ lực chuyển hóa thân tâm của loài người chứ không ai khác.

Lại nữa, tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc với cuộc xâm lăng biển đảo của họ với Việt Nam mà gần đây nhất, họ (tức Trung Quốc) đã ngang nhiên hút cát, phá các thềm san hô để lấn biển, xây đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phá hủy môi trường rất tàn bạo, bất chấp cả luật pháp quốc tế.

Nhiều nhà khoa học có uy tín, từ những thập niên cuối thế kỷ 20 đã lên tiếng kêu gọi mọi người đừng xem trái đất như một vật thể vô tri, vô giác, tồn tại thụ động mà trái đất cũng có “nhịp sống” và nó đóng vai trò quan trọng đối với con người. Xa hơn nữa họ coi trái đất như một sinh thể vũ trụ “đang phát triển” có thân vật lý (nhìn thấy được) và thân mảnh (không nhìn thấy được), có tri giác và ý chí tự do, có khả năng tự hoàn thiện trên con đường tiến hóa do các định luật tự nhiên chi phối.

Việc làm sáng tỏ bằng khoa học thực nghiệm các vấn đề nên trên còn rất khó khăn và phải có thời gian trải nghiệm. Mặc dù vậy, những quan điểm mới lạ của các nhà khoa học đã nhận được sự ủng hộ  nhiệt thành của nhiều nhà tiên tri, nhà ngoại cảm có danh tiếng.

Nhìn từ Phật giáo mà luận giải về những giá trị trường tồn và biến đổi thì không có gì là bất ngờ cả: Thiên nhiên đã nổi cơn “thịnh nộ” để trừng phạt con người hay đó là hành trình nhân quả? Ấy là cái nhìn Chính kiến, cái nhìn giác ngộ về Duyên khởi một cách trọn vẹn. Tính chất “toàn cầu hóa” mà nhân loại hôm nay nhận ra không chỉ thể hiện trong lĩnh vực văn hóa, mậu dịch… với đỉnh cao là Tổ chức thương mại thế giới WTO nữa. Kinh Hoa Nghiêm - đức Phật của chúng ta đã có cái nhìn như thực về điều này: Một là tất cả. Tất cả là một. Thì ra sự tương quan, tương duyên là không thể nghĩ bàn.

Và cũng từ cái nhìn như thực chúng ta thấy những đóng góp căn bản của đạo Phật cho hạnh phúc và sự tiến bộ của nhân loại; đó là những giá trị về từ bi, bình đẳng, bao dung, sự tương ái và tinh thần trách nhiệm. Những giá trị này giúp chuyển đổi cá nhân và xã hội theo chiều hướng tích cực, như không sa đà vào vấn đề đổ lỗi vào gây lỗi, thấy bổn phận mình trong mối tương quan sinh tồn: Thiên nhiên, con người - Một thế giới; “đánh thức” tính hổ thẹn - một phẩm chất cao quý chỉ có ở con người. Và đương nhiên những người lãnh đạo phải có trách nhiệm cao hơn. Và dù vậy “Trong kiếp sống loài người nếu không có dục vọng, tình cảm thì con người không tồn tại  được, không lớn lên được. Dục vọng và tình cảm không phải là xấu, mà vấn đề là làm thế nào để chuyển hóa nó. Chúng ta không phải hủy diệt, đánh đuổi nó, chỉ cần chuyển hóa nó”. Đó là câu trả lời - một pháp thoại khá thú vị của Ngài Gyalwang Drukpa trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 7 vào ngày 22 tháng 9 năm 2015 vừa qua. Ngài được coi như vị “Phật sống” mà sự luân hồi của Ngài được báo trước rất huyền bí và ly kỳ. Bậc lãnh đạo Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa Drukpa này cũng là nhà hoạt động xã hội thiện hạnh tích cực với các dự án, chương trình bảo vệ môi trường văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Ông đã được các tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý “Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc, cúp “Anh hùng xanh” của Tổng thống Ấn Độ… Trong cuộc tọa đàm mang tên Thiên nhiên, con người - Một thế giới của Ngài cùng Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngài đã chia sẻ “Tôi luôn tin rằng, tôi giống như các bạn, chúng ta đều là anh em trong thế giới loài người. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi ở cấp độ cao cấp hơn các bạn. Chỉ có điều tôi biết phương pháp để thực hành chiến đấu với những tình cảm sâu ẩn trong lòng. Con người thế gian đều bị “con quỷ dục vọng” chi phối, kêu gọi và rất khổ sở với nó. Dường như những con quỷ ấy hiện hình trong lòng tham, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, chiến tranh; con quỷ ấy cuốn mình đi. Điểm khác biệt giữa tôi với các bạn chỉ là tôi có cách và tôi đang thực sự có phương tiện để chuyển hóa những tình cảm, dục vọng xấu thành thiện hơn, tốt hơn”.

Được biết Ngài Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn trong những chuyến hành hương vì môi trường đã trực tiếp tham gia nhặt rác ở rất nhiều quốc gia. Đó như một bài học trực quan nhắc nhở mọi người không vứt rác làm ô nhiễm môi trường nữa. Chúng ta tin rằng, bằng vai trò và uy tín đặc biệt của mình. Ngài đã tác động tích cực tạo môi trường nhân sinh để môi trường sinh thái dần được cải thiện bởi các giải pháp tốt trong đó những yếu tố văn hóa và đạo đức được đề cao; nhận ra bản chất thực của con người và cuộc đời - Nguyên tắc căn bản giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc, yên vui, trong nỗ lực chuyển thân tâm để có cái nhìn  như thực.

Nam mô Thường Tinh tiến Bồ Tát Ma ha tát! 

Pháp Vương Tử/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2015
loading...