Sống an vui
Món chay không chỉ ngon mà còn mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thuần khiết
Thứ năm, 05/02/2022 04:42
Nhắc đến ẩm thực chay ở xứ sở kim chi Hàn Quốc thì sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến sư thầy Jeong Kwan. Sư thầy Jeong Kwan là một nữ tu Phật giáo và chính là một trong những người nấu món chay tài hoa bậc nhất Hàn Quốc.
Những món chay của sư thầy không chỉ ngon mà còn mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thuần khiết khiến ai nhìn vào cũng muốn được thử.
Sư thầy biến những thứ từ khu vườn của mình thành ẩm thực chay đỉnh cao
Sư thầy Jeong Kwan đi tu từ năm 17 tuổi và hiện sống ở trong ngôi đền Baekyangsa, cách Thủ đô Seoul 270km về phía Nam, đây cũng là nơi bà hàng ngày làm vườn, chăm chút từng cây cà tím, cà chua, dưa chuột… và gọi chúng một cách trừu mến là “những đứa con của tôi”.
Ẩm thực chay trong Phật giáo: Luận về ý nghĩa
Ẩm thực chay của sư thầy Jeong Kwan sử dụng chủ yếu là thực vật và thảo mộc đặc trưng của Hàn Quốc, tuy nhiên sư thầy không dùng tỏi và hành tây vì đây là những nguyên liệu mà giới Phật giá cho rằng không có lợi trong việc tu tâm dưỡng tính.
Theo sư thầy Jeong Kwan thì chúng ta tạo ra hương vị cho món ăn thì chúng ta cũng cần có hiểu biết về loại nguyên liệu đó. Ví dụ chúng ta cần biết một quả dưa chuột khi nào nó sẽ vào độ ngon nhất. Chúng ta cũng cần biết khi nào chúng ta cần thu hoạch nó, thu hoạch rồi bảo quản như nào, lúc chế biến thì thái nó ra sao hay khi nêm nếm thì phải cho gia vị như nào thì đủ? Thậm chí hương vị nó có khác nhau khi chúng ta cắt chúng với kích thước khác nhau không?
Việc quan sát cây trái giúp sư thầy khám phá được đặc tính của nó và điều đó giúp ích cho việc nấu ăn rất nhiều. Không chỉ chăm sóc vườn rau sư thầy còn luôn tìm tòi, nghiên cứu vì đối với sư thầy hương vị của mỗi loại rau luôn kích thích sư thầy thử nghiệm công thức mới.
Ẩm thực chay trong Phật giáo Bắc Tông
Nếu có thời gian đến với tu viện của sư Thầy Jeong Kwan, bạn sẽ nhận thấy thời gian chính là nguồn “nguyên liệu” quý giá tạo nên những món ăn tinh tế của sư thầy. Các món ăn của sư thầy là sự kết hợp tinh tế giữa nguyên liệu được hái tại vườn và nguyên liệu được ủ trong thời gian dài. Bên cạnh những cây rau, củ, quả thì bạn sẽ được nhìn thấy những chum vại chứa các loại gia vị bí mật như tương đậu nành hay tương ớt lên men. Có những loại không chỉ được lên men vài tuần mà thậm chí là vài năm.
Những món ăn của sư thầy Jeong Kwan luôn khiến người ăn phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đó có thể là món lê Hàn Quốc tẩm sốt quýt, rau thơm muối chua, nấm bọc đậu phụ, hạt cơm vàng ươm được nấu cùng hạt dành dành. Có lẽ chẳng ai có thể cưỡng lại được món bánh pancake được bào từ khoai tây và phủ một lớp rau bạc hà tươi ngon được trồng ngay tại vườn hay gạo được bọc trong lá tre, nhồi vào ống tre rồi đem luộc chín thơm.
Thiền trong ẩm thực
Nghệ thuật ẩm thực đền chùa của Hàn Quốc vốn dựa trên một nguyên lý nền tảng và cốt lõi: Đừng tạo nên sự thèm khát đối với thức ăn. Vận dụng quy tắc ẩm thực truyền thống của dân tộc, sư thầy Jeong Kwan tâm niệm: Nấu ăn không bao giờ nên là sự nhồi nhét tham lam, làm béo cơ thể và đầy khuôn miệng. Nấu ăn phải là để phục vụ một nhu cầu cao hơn - cho cơ thể khỏe mạnh, tâm trí được thảnh thơi tinh sạch. Thực phẩm chay trong tư tưởng của bà có ý nghĩa vừa để nuôi dưỡng cơ thể, vừa giúp con người được giác ngộ. “Đó là một cách đưa con người về gần với thiên nhiên, với thiền tịnh”.
Sư thầy từng được tạp chí New York Times cử một đoàn chuyên gia ẩm thực vượt 18 tiếng bay và 4 giờ xe bus từ Seoul đến Baekyangsa, để được gặp gỡ và nếm thử món ăn do sư thầy tự tay chế biến. Sau đó, các chuyên gia có bài viết ca ngợi ẩm thực của vị sư thầy là “thức ăn tinh tế nhất trên thế giới”. Họ nhấn mạnh: “Hơn cả một đầu bếp, bà còn là một triết gia”.
Hãy ăn chay vì sự sống của muôn loài
Các món ăn thuần chay của sư thầy Jeong Kwan thu hút sự chú ý của thế giới, khi đầu bếp lừng danh người Pháp E.Ri-péc (Eric Ripert) tới thăm ngôi đền Baekyangsa. Cũng là một người theo đạo Phật, đương nhiên Ripert luôn có đam mê mãnh liệt với ẩm thực chùa, và ông bắt đầu để ý tới những món ăn chay thanh tịnh hòa quyện giữa các loại rau củ được các vị sư sãi nơi đây phục vụ. Vị bếp trưởng của một trong những nhà hàng hàng đầu thế giới ngạc nhiên vì tác giả của những món ăn đó không hề được đào tạo trường lớp đã đành, ông còn thán phục trước những cảm nhận và sự khéo léo của vị nữ tu đã tạo nên những món ăn tinh tế, giàu dinh dưỡng, và trên tất cả, là đậm chất “thiền”.
Từ các món chay ngon ngọt lành cho đến triết lý về một cuộc sống hạnh phúc
Sư thầy Jeong Kwan luôn xuất hiện trong một bộ đồ màu xám giản dị và mộc mạc của người xuất gia, sư thầy dường như chẳng quan tâm đến danh tiếng mà đối với sư thầy việc được hàng ngày chăm sóc vườn, nấu ăn từ chính những thứ mình tạo ra là điều hạnh phúc nhất.
Có lẽ ai cũng phải bất ngờ khi biết rằng sư Thầy Jeong Kwan chưa từng có kinh nghiệm làm việc tại nhà hàng hay được đào tạo qua một trường lớp nào cả. Tất cả những công thức nấu ăn, những món ăn tinh tế mà thơm ngon của sư thầy được đúc kết từ chính kinh nghiệm cá nhân.
Đối với sư thầy, chế độ ăn chay sẽ giúp chúng ta quay lại với tự nhiên, giúp chúng ta tìm về với con người mình, cũng có lẽ vì thế mà những người ăn chay thường có tính cách ôn hòa hơn.
Trong một bộ phim tài liệu nói về sư thầy Jeong Kwan, khi đứng trên một chiếc cầu nhỏ bắc qua một con kênh, sư thầy đưa tay lên tai của mình và lắng nghe âm thanh của dòng chảy và nở một nụ cười thật tươi. Đôi khi những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống như vậy cũng đủ khiến chúng ta hạnh phúc.
Có lẽ qua câu chuyện của sư thầy Jeong Kwan chúng ta có thể nhận thấy rằng khi nấu ăn tinh thần cũng là một điều rất quan trọng. Bên cạnh đó điều quan trọng không kém để làm nên món chay ngon đó chính là nguồn nguyên liệu. Chúng ta hãy lựa chọn những nguyên liệu tự nhiên, có nguồn gốc organic hay các loại gia vị được đảm bảo chất lượng để đem đến những món chay thơm ngon, ngọt lành nhé!