Kiến thức
Một cách hiểu và phân loại Thiền trong Phật giáo
Thứ hai, 06/08/2023 10:30
Thiền là gì? Vốn là một câu hỏi không phải ai cũng trả lời được một cách tường tận và thấu đáo. Vì thiền là một phạm trù rộng, sâu và vi tế, hiện nay chúng ta có hàng trăm định nghĩa, khái niệm về thiền, từ những góc độ, khía cạnh chiều kích khác nhau sẽ có cách hiểu về thiền khác nhau.
Có thể khẳng định chắc chắn thiền là cốt tủy của Phật giáo; thiền là trái tim của Phật giáo. Không hiểu rõ về thiền học thì chắc chắn sẽ không thể hiểu sâu, hiểu đúng về Phật giáo được.
Thiền có thể ví như chiếc chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa an vui hạnh phúc cho chư thiên và con người cho nên sức lan tỏa ngày càng lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, nên việc hiểu đúng là rất cần thiết. Đương nhiên nếu hiểu sai và thực hành sai thì sẽ có kết quả không như mong đợi.
Thiền có lợi ích lớn, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nên trong thực tế đã và đang phát sinh một số hình thái, hình thức biến thể của thiền như: thiền luân xa, thiền diệu âm, thiền xuất hồn, thiền tân diệu, thiền vi diệu thức, thiền pháp luân, thiền hỗn hợp, thiền cực đoan... do những nhóm, những người không thật hiểu thông đạt và có chứng nghiệm thiền tạo ra vì nhiều mục đích khác nhau, gây hoan mang cho những người có tâm muốn học và thực hành thiền đúng pháp theo tinh thần Phật giáo.
Thiền định - thuốc hay chữa trị tâm bệnh
Đức Phật Thích Ca mâu ni và các bậc thánh Alahan đều do ngồi thiền, tu thiền mà thấu suốt chân lý đạt được giác ngộ, thành tựu đạo quả giải thoát.
Tinh thần thiền tinh thần nhất quán trong giáo lý đạo Phật, dù học tu theo trường phái, pháp môn nào.
Thiền là tập trung tâm ý
Thiền là tư duy tu
Thiền là quán chiếu để thấy đúng như thật về các đối tượng (cuộc đời, con người, thế giới...)
Thiền là thiện
Thiền là dừng vọng niệm (ngưng các suy nghĩ lung tung)
Thiền là tĩnh lự, là, tư duy chiệm nghiệm trong sự tĩnh lặng của tâm thức.
Thiền là cách đốt cháy các phiền não trong tâm thức
Thiền là tỉnh giác chánh niệm
Thiền là phản quan tự kỷ
Thiền là soi sáng tâm thức tối tăm
Trong không động là thiền ngoài không loạn là định
Tâm không bị ngoại cảnh tác động, chi phối, dẫn dắt là thiền
Thiền có nhiều loại, nhiều cấp, nhiều cách. Một trong những cách phân chia phổ biến là:
1. Thanh văn Thiền (Tiểu thừa thiền)
2. Bồ tát Thiền (Đại thừa thiền)
3. Như Lai Thiền (Thiền đức Phật)
- Thiền của Thanh Văn
Căn cứ trên 37 phần bồ đề:
- Tứ niệm xứ: Quán thân như thân; Quán thọ như thọ;, Quán tâm như tâm, Quán pháp như pháp.
- Tứ chánh cần: Niệm lành, việc lành chưa sanh, đã sanh. Niệm ác, việc ác chưa sanh, đã sanh.
- Tứ như ý túc: Dục ,Tinh tấn, Hỷ, Nhất tâm.
- Ngũ căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.
- Ngũ lực: Sức mạnh giúp Ngũ căn phát triển: Tín Tấn, Niệm, Định, Tuệ
- Thất Bồ đề phần: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả.
- Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định
Tinh thần thiền trong 37 phẩm bồ đề giúp hành giả thâm nhập tri kiến Phật
- Thiền của hàng Bồ Tát:
Căn cứ theo sáu pháp trọn vẹn giúp Bồ Tát tu thành Phật gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.
Tổ sư thiền của người Trung Hoa thuộc về thiền Đại thừa với chủ trương không lập văn tự, truyền riêng ngoài kinh, chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật. Nói dễ hiểu là ai rõ tâm thấu tính là Phật; ngộ tâm thành Phật.
Theo người viết Tổ sư thiền ít có tính phổ quát nên khi thực hành phải rất cẩn thận, nhất là phải có có bậc thiền sư ngộ đạo hướng dẫn nếu không sẽ dễ bị lạc thiền, rơi vào tình trạng thiền cửa miệng, thiền đăng...
Tốt nhất muốn học và thực tập thiền thì phải có bậc thầy thông đạt cả lý thiền và có công phu thực nghiệm sâu sắc
- Thiền của Như Lai (Phật)
Căn cứ trên nội dung các kinh quan trọng do đức Phật giảng dạy như kinh Đại niệm xứ, kinh Tứ niệm xứ, kinh Thân hành niệm, kinh Thiền, kinh Quán niệm, kinh Nhập tức xuất tức niệm....
Thiền là chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, giao tiếp, làm việc, sinh hoạt.
Cách phân loại thiền như trên cũng mang tính tương đối phương tiện để người học hiểu rõ hơn các cấp độ, các phương pháp tập thiền, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là thành tựu định lực, phát huy tuệ giác, nhìn thấu chân lý đạt đến giác ngộ
Bản chất của thiền Như Lai là đạt tới tâm định tĩnh, sáng suốt thấy biết đúng như thật về thân thể; thấy biết đúng như thật về cảm thọ; thấy biết đúng như thật về tâm thức và thấy biết đúng như thật về vạn pháp (mọi sự vật hiện tượng). Còn cốt lõi của Tổ sư thiền là thấy biết đúng như thật về tâm (chân tâm, Phật tính), tức là không ra ngoài nội dung của thiền Như Lai.
Tóm lại, Thiền là phương pháp tu tập quan trọng và phổ biến trong toàn bộ nền giáo lý Phật. Toàn bộ Tam tạng Kinh, Luật, Luận đồ sộ của Phật giáo không đi ra ngoài tinh thần thiền. Cho nên trước phải học Kinh, Luật, Luận thông suốt vững vàng thì khi thực hành tu tập thiền mới mang lại kết quả khả quan nhất mà tránh được lạc thiền tẩu hỏa nhập ma, gây ra tai hại đáng tiếc cho sức khỏe và tâm lý tinh thần. (theo sách Thiền học Việt Nam, cùng tác giả).
Thiền Phật giáo
Thiền Thanh Văn
Thiền học Đại thừa
Minh tâm kiến tánh
Thiền Như Lai