Kiến thức

Một đời sống đạo

Thứ bảy, 29/12/2023 09:18

Tôn giả Hàn Sơn nói, đời người sống chẳng bao lâu, lại đi lo việc thiên cổ. Là Ngài khuyên chúng ta không nên lo lắng những việc xa xôi. Ngược lại, cuối đời Sơ Tổ Trúc Lâm leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động ở tại thạch thất để tạo cái kế lâu dài.

Audio

 Tức là Ngài trông xa nhìn rộng, muốn tạo kế lâu dài cho hậu thế, cho Thiền tông. Qua hai sự thị hiện khác nhau của hai bậc Tổ đức, chúng ta học được gì? Ở vào đâu, nhằm chỗ nào để thấy quý Ngài?

Tôn giả Hàn Sơn bảo phải buông hết các duyên, nhưng Ngài vẫn làm nhiều việc, thị hiện nhiều hạnh thức tỉnh chúng sanh, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Sơ Tổ Trúc Lâm tạo kế lâu dài cho hậu thế, nhưng chỉ là sáng biết,[1]nào có sanh tâm động niệm gì[2]. Hãy nói, có làm nhưng vẫn không làm, hay ngồi yên mới không làm? Cả hai đều nhằm trên công việc để bàn luận, hiểu biết, là theo tướng, mê tâm, làm sao thấy được quý Ngài? Chư Thiện tri thức tỏ sáng bản tâm, luôn sống bằng tâm thể để khéo léo tùy duyên trôi tròn việc đạo, việc đời bằng diệu lực được lưu xuất từ bản tâm như vậy. Thấy biết, làm nhiều, nhưng vẫn vô tướng, bất động. Đức dụng ấy không nằm trong hiểu biết của tình thức sanh diệt thế gian.

so-to-phat-hoang-tran-nhan-tong-1258-1308-1533

Hòa thượng Tông chủ một đời lo cho đạo pháp, cho Thiền tông Việt Nam cũng kế thừa tâm thể chư Phật, tiếp nối tâm Thiền Tổ sư như thế. Tâm huyết tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cũng nhờ “như thế” mà được thành tựu mỹ mãn. Hàng con cháu về sau thừa hưởng phúc trí của Ngài, được tắm gội trong suối nguồn Trúc Lâm Yên Tử. Tuy làm được nhiều việc lợi đạo ích đời, nhưng Ngài vẫn xem như huyễn mộng, vẫn như chưa làm gì, mới nối nắm được việc lớn Phật Tâm Tông. Ngài nói:

… Mộng tan rồi, Cười vỡ mộng.

Ghi lời mộng, Nhắn khách mộng.

Biết được mộng, Tỉnh cơn mộng.

Không phải ở trong mộng để hiểu biết và nói về mộng. Hòa thượng đã “Mộng tan rồi, cười vỡ mộng”. Tức là hết mộng, đã tỉnh, đã sáng lại nguồn tâm mình để vào trong cảnh mộng dắt dẫn những người còn đang mộng như chúng ta. Đã tỉnh mộng mà biết mộng nên rõ suốt mộng ảo, làm các việc trong mộng để giúp người còn mộng được tỉnh, nhưng vẫn vô tướng, bất động; đây là “Như huyễn tam muội”. Thiền sư Cứu Chỉ từng nói: “Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt”, chính là điền địa này. Con cháu hữu duyên, nhiều vị đã nhận ra, thấu suốt và thừa đương tài sản vô giá như thế.

Như cánh nhạn ngang qua lưng trời, đã qua rồi nhưng bóng nhạn vẫn còn che mát. Hiện nay Hòa Thượng đã nghỉ ngơi, không giảng dạy và làm Phật sự nữa, nhưng những vị hữu duyên vẫn đang thừa hưởng công đức pháp hóa của Ngài. Dù ít hay nhiều, sâu hay cạn, tất cả cùng chung một cảm khái “Không ngờ!”. Không ngờ mình được gặp Hòa Thượng, cuộc đời chuyển sang một trang sách mới, rạng ngời. Không gặp Ngài, không biết cuộc đời của mình bây giờ trôi nổi về đâu! Không ngờ mình lại đủ phúc duyên gặp Ngài, biết được giá trị Thiền tông Việt Nam để chuyển hóa bản thân và nhiều người khác. Cho đến dưới sự đào luyện, khai thị, kích phát của Ngài, tâm mình bùng vỡ – Không ngờ! Và còn nhiều nữa.

Như cơn gió vô tình thổi qua khóm trúc, gió đã qua rồi, vẫn còn đây âm vọng vang rền. Là hiện tại Hòa thượng không còn sách tấn, nhưng mỗi Thiền sinh hằng ngày đang nỗ lực tiếp tục hành trình trở về cố hương chính mình mà Ngài đã chỉ đường, dẫn lối. Con đường ấy không hình tướng, nhưng mỗi ngày lại tiến bộ, mới tươi. Các Phật sự, trọng trách Ngài giao phó lại, dưới sự nối nắm và chỉ đạo của Hòa thượng Trưởng Ban Quản Trị, chư Tôn đức Ban Quản Trị cùng toàn thể hải chúng Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam đang duy trì, phát huy làm cho ngày càng quang huy, xán lạn. Tất cả không ra ngoài ánh sáng chói lọi tâm thiền đã được Hòa thượng Tông chủ nối nắm, truyền trao.

Chưa được khai tâm thì diệu chỉ Phật Tổ vô cùng ẩn ý, bí mật. Bừng ra rồi, mới hay ra việc Phật Tổ cũng là việc chính mình hiện nay. Trong chân trời ấy, Thầy trò Mã Tổ đã lưu xuất một trường hòa hội vô cùng sinh động. Thấy ra thì cùng nhau hợp xướng. Ngược lại thì dù chân trời ấy thênh thang không giới hạn, được mời vào cũng không chỗ đặt chân.

Một đêm Ngài Trí Tạng, Hoài Hải và Phổ Nguyện đang hầu Mã Tổ ngắm trăng. Mã Tổ hỏi:

- Chính khi ấy thế nào? (Bây giờ, nên làm gì?).

Trí Tạng Tây Đường thưa:

- Chính nên cúng dường.

Bá Trượng Hoài Hải thưa:

- Chính nên tu hành.

Nam Tuyền Phổ Nguyện phủi áo ra đi.

Sư bảo:

- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện “riêng siêu ngoài vật”.[3]

Như vậy, ai hơn, ai kém?

Nếu cho rằng Kinh vào Tạng là thấp thì tại sao chư đại Thiền sư lại đọc Kinh, nói pháp? Nếu bảo Thiền về Hải là vẫn còn dấu vết tu hành, chưa rốt ráo thì tại sao đã thành đạo, lớn tuổi, đức Phật vẫn thiền tọa? Ngài Phổ Nguyện “riêng siêu ngoài vật”, cũng như Thiền sư Đức Sơn đốt Kinh Kim Cang, nhưng Thiền sư Triệu Châu, một bậc kiệt xuất tùng lâm lại đọc Kinh Kim Cang. Vậy thì đọc Kinh là phải, hay đốt Kinh mới phải? Nếu nhằm trên hiện tượng để thấy biết thì chỉ thấy biết dấu vết thị hiện bên ngoài của quý Ngài, thấy thế nào cũng không ổn, bởi chưa thấu tột. Sáng lại tâm thể chính mình thì tự suốt thông tâm thể ba đời chư Phật, rõ suốt tất cả, vào ra tự tại. Vào Kinh, vào Thiền cũng “riêng siêu ngoài vật”. Như Tổ Pháp Loa gánh vác sơn môn, làm nhiều Phật sự, nhưng Ngài bảo cũng chỉ là việc “nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa” mà “diệu huệ vô thượng chiếu soi không cùng”. Siêu vượt tất cả tức không ngăn ngại, vẫn hay tự tại vào Thiền, vào Kinh. Dường tợ Sơ Tổ Trúc Lâm ban đầu xả bỏ vương vị, tu hạnh đầu đà. Khi tâm tánh đã hiện sờ sờ (Riêng siêu ngoài vật) thì Ngài lại tự tại tùy duyên vào nhân gian dạy Thập Thiện, tùy cơ khai thị, nhổ đinh tháo chốt, cho đến tính kế lâu dài, cũng đâu phải là việc gì khác bên ngoài?

Vào tất cả, vẫn luôn vượt thoát tất cả. Huýnh thoát tất cả, vẫn hay tự tại ra vào linh thông đến chủ động, nhưng vẫn bất động, không thấy có tướng vào ra. Một đời tu tập và làm Phật sự của Hòa thượng Tông chủ hiện nay cũng sống động đạo lý như vậy. Hòa Thượng từng nói: “Muốn cho Phật pháp trường tồn thì phải có người tu hành sáng đạo”. Chính Ngài đã sáng cho nên mới nhận ra giá trị của điều kiện cốt lõi cần thiết, tiên quyết không thể thiếu này. Đã trăm năm qua Hòa Thượng lo cho đạo pháp, nhiệt huyết lo cho Thiền tông Việt Nam, muốn thực hiện đạt đến rốt ráo viên mãn, Ngài không thể rời bản tâm sáng ngời này mà thực hiện được. Đây là bày cái thể trên động dụng. Thể ấy vô tướng, ai bảo có làm! Hiện tại Ngài đã nghỉ ngơi, nhưng trông thấy liền biết, thưa thỉnh liền nghe, có duyên liền ứng hiện. Không động, lặng yên, nhưng động dụng linh thông đến chủ động không ngăn ngại; là ẩn cái dụng trong tánh thể. Dụng đang sẵn bày, nhằm chỗ nào thấy đã nghỉ ngơi? Đã như thế rồi thì dù trăm năm, ngàn đời, cho mãi đến ngàn sau cũng đều như thế. Bởi một khi đã thể nhập, tánh này không biến đổi. Nếu nhằm trên làm và không làm, nghỉ ngơi hay còn lo cho Phật sự, cho đến thấy Hòa thượng Tông chủ là như thế nào đó, tất cả đều nhằm trên dấu vết để bàn luận, thấy biết, chưa thể thật thấy quý Ngài. Hiện nay, chúng ta nhằm chỗ nào để thấy biết và niệm ơn Hòa Thượng? Trăm năm qua Ngài đã nói rõ hết rồi. Những gì làm được, Ngài cũng đã làm cho chúng ta hết rồi. Nay đây còn lại là việc mỗi người phải tự thấy ra, không một ai khác có thể làm thay được.

[1] Sơ Tổ từng nói: “Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý. Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm”.

[2] Sơ Tổ từng nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

[3] Ngũ Đăng Hội Nguyên Tiết Dẫn.

loading...