Kiến thức
Một lòng tín, hạnh, nguyện hướng về Đức Phật và Bồ Tát
Thứ bảy, 22/01/2024 02:01
Trong chúng ta có ai lại không có tham, sân, si? Có ai mà không có vọng tưởng tạp niệm? Như vậy nhất định sẽ đọa lạc trong luân hồi sinh tử thời vị lai, chẳng phải đọa một đời mà còn nhiều đời nữa là khác.
Vậy chúng ta còn luân hồi trong sáu nẻo, đây là “việc lớn của đời người”. Việc lớn nầy không mang tính tương đối, mà mang tính tuyệt đối. Cái gọi là tương đối thì có nhỏ có lớn, còn tính tuyệt đối thì vượt qua lớn và nhỏ. Bởi vậy mục đích tu hành, học Phật về thế giới Cực lạc, phải là việc lớn cần giải quyết luân hồi sanh tử. Để thoát khỏi được sáu đường, chúng ta cần phải tu học, sửa đổi hành vi, xả ác thủ thiện, ly dục đến với đường đạo, đi đứng nằm ngồi đều hướng đến Phật và Bồ tát. Nói chung là đừng tạo nghiệp và một lòng hướng về hạnh nguyện của Đức Phật A-di-đà và hai vị Bồ tát Từ bi, Trí tuệ Quán Âm và Thế Chí.
Về bản thân, thông thường, người ta cho rằng phải trốn tránh thế sự mới có thể thực hành giáo lý của đức Phật được. Thật là không đúng. Đó chỉ là ngụy biện vô ý thức để từ khước. Trong nền văn học Phật giáo có nhiều bằng cớ dẫn chứng rằng đã có nhiều người nam và người nữ, sống trong gia đình, hành đạo được kết quả và đắc Niết bàn. Học Phật là học thành Phật. Song muốn thành Phật trước hết phải thành người. Đó là một con người sống có ý thức và trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh hiện thực, mà trái lại còn dạy chúng ta phải dũng cảm đối diện với vấn đề, dùng trí tuệ và từ bi để hóa giải khó khăn, phiền não trong cuộc sống, nhằm xây dựng nếp sống của gia đình êm đẹp và hạnh phúc, góp phần cho thế giới hòa bình, xã hội an lạc. Lục tổ Huệ Năng đã từng bảo:
Phật pháp vốn tại thế gian
Trong đời giác ngộ chớ màng đâu xa
Bồ đề cuộc sống quanh ta
Bôn ba cầu ngộ, chỉ là uổng công.
Để có cuộc sống an lạc hiện tại và hướng đến con đường giải thoát. Chúng ta cần phải tu học nhiều hơn nữa. Người cư sĩ chẳng những thực hành Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, mà còn phải tinh tiến ngày một thêm hơn, học Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... để mỗi ngày tự hoàn thiện trên bước đường tu tập đạo giải thoát. Cho nên, điều cơ bản của người học Phật là đừng tạo nghiệp, bởi nghiệp là hành động có tác ý, phát khởi từ thân, khẩu, ý. Có thiện, có ác hoặc vô ký, nhưng nghiệp ấy sẽ đưa đến một kết quả đáp trả gọi là báo, theo suốt ba đời như bóng theo hình, tự làm tự chịu không ai thay thế được... Có thực hành được như vậy mới thấy con đường phía trước thênh thang rộng mở đầy hoa.
若 使有人作 不善 業 必 受苦果地 獄 之 報
“Nhược sử hữu nhân tác bất thiện nghiệp tất thụ khổ quả địa ngục chi báo” (Nếu có người tạo nghiệp bất thiện, chắc chắn nhận nghiệp báo khổ địa ngục).
Tai họa khủng khiếp hơn là khi đã tạo nghiệp rồi thì khó mà dứt ra được, nó theo như bóng theo hình suốt cả cuộc đời.
唯 有罪福 業 生死未曾捨如影之 隨形
“Duy hữu tội phước nghiệp sinh tử vị tằng xả như ảnh chi tùy hành” (Duy chỉ có nghiệp tội phước, sinh tử chưa từng bỏ, như bóng theo hình).
Chúng ta hãy nhận thức rõ luật nhân quả xảy ra xuyên suốt ba đời, phải hiểu trước sau cho trọn vẹn, mau hay chậm để tự răn mình mà sửa đổi ác thành thiện, cho mai sau được quả tốt hơn.
我今所以獲此尊勝皆由 往昔,積 諸善業,今宜作 諸善, 造來生果
“Ngã kim sở dĩ hoạch thử tôn thắng giai do vãng tích, tích chư thiện nghiệp, kim nghi tác chư nghiệp, tạo lai sinh quả” (Ta nay sở dĩ được vượt trội cao quý như thế nầy, đều do xưa kia cất chứa các việc lành. Nay nên làm các việc lành để tạo quả tiếp mai sau).
Không ít người thắc mắc, sao tôi làm việc thiện mà gặp cảnh ác hoài, còn người làm việc ác lại gặp điều tốt. Xin nhắc lại, biết đâu đời trước mình tạo ác mà nay mình trả chưa hết nên phải trả tiếp. Còn người tuy làm ác nhưng phước báu đời trước còn. Nên tin rằng: Tạo nghiệp ác, hoặc trước hay sau, khi hình thành kết quả cũng giống như nhau.
若復少時作福長時作罪. 後生之時少時受福長時受罪 .
“Nhược phục thiếu thời tác phước, trưởng thời tác tội, hậu sinh chi thời, thiếu thời thọ phước, trưởng thời thọ tội”
Đều đáng nói là nghiệp báo rất công bằng, đó là ai làm nấy chịu
- 自作善惡業, 今自受苦樂
Tự tác thiện ác nghiệp, kim tự thọ khổ lạc.
- Tín tâm tha lực: Nói là nghiệp báo theo suốt cả cuộc đời (ba đời) nhưng đạo Phật vốn từ bi, nếu biết tu tập nghe lời Phật dạy (cải tà quy chánh) thì quả báo có thể chuyển đổi, đây là cơ hội, niềm lạc quan trên bước đường tu tập (Nghiệp báo không cố định; chuyển nghiệp nặng thành ra quả nhẹ nhỏ).
Như chúng ta biết ,việc sống chết là việc lớn, vậy ngay bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị hành trang để chúng ta mang theo. Đời sống hàng ngày có đâu bằng phẳng, nào là danh lợi, tham, sân, si lúc nào cũng chờ chực nổi lên để hòng mong đạt được dục vọng mà con người đòi hỏi, người tu hành phải nhìn thấy tất cả dục vọng ham muốn đều là vật ngoại thân, khi chết đi không mang theo được, lại không cứu ta thoát ra khỏi sáu đường. Vậy từ ngay bây giờ chúng ta phải chọn con đường để mà đi, con đường đó, Phật và Bồ tát đã chỉ dạy và luôn quan tâm giúp chúng ta.
Quán Thế Âm Bồ tát có sức oai lực rộng lớn khi có tiếng xưng niệm đến Ngài là Ngài cứu giúp chỉ một “niệm” một “tiếng”. Trong kinh Phổ môn ta thấy đức Phật đã bảo Vô Tận Ý Bồ tát, Thiện nam tử, nếu có vô lượng chúng sinh chịu khổ não, dù vào trong lửa lớn, bị nước lớn cuốn trôi, một lòng xưng danh Quán Thế Âm Bồ tát, tức thời xem tiếng tăm kia đều đặng giải thoát, đều đặng đến chỗ cạn. Nếu gặp quỷ La Sát hay có người sắp hại, liền niệm danh hiệu Ngài thì thoát khỏi quỷ La Sát, người kia cầm dao gậy liền gãy từng đo. Nếu người có tội hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc, xưng danh hiệu Bồ tát, thảy đều nứt rã, liền đặng giải thoát...
Tất cả những lời dạy trên, dù chúng ta hiểu cách nào đi nữa, nhưng có điều không thể thiếu cho người tu tập là phải trì niệm, ngưỡng vọng, quán chiếu thì công đức phước báo sẽ giúp thoát khỏi chướng ngại cho người tu tập giải thoát, dù đó chỉ là phương tiện, nếu hiểu được thì sự cảm ứng Quán Thế Âm Bồ tát hiệu nghiệm, ắt lòng ta được nhẹ nhỏm, thanh thản thoát ra chốn Ta-bà, trầm luân đau khổ.
Đó là nói về trên bước đường tu của người tại gia khi còn gặp nhiều chướng ngại phiền não. Việc nhớ, nghĩ, hướng về Bồ tát xưng niệm danh hiệu cũng là cách tốt nhất để bớt lo sợ trên bước đường tu học. Còn để thoát khỏi sáu đường thì hãy nghe lời đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni giảng nói trong tám vạn bốn nghìn pháp môn, trừ pháp môn Tịnh độ này ra, các pháp môn khác đều là tự cứu, đều là Phật Thích Ca Mâu Ni cấp cho chúng ta vũ khí giới định tuệ, vũ khí này, chúng ta có cầm nổi hay không? Giống như thanh đao Thanh long yểm nguyệt nặng hơn tám mươi cân của Quan Công, tuy sắc bén, nhưng chúng ta cầm không nổi, không sử dụng được mà có cầm thì chỉ thêm phiền phức. Nếu thân thể chúng ta cường tráng, lại có thể sử dụng tự tại thì mới có thể đột phá vòng vây. Vậy nên theo hạnh nguyện đức Phật Di Đà mà trì niệm sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” đặng được giải thoát.
Nghiệp lực của chúng sanh có thể sánh bằng núi Tu Di, nhưng nghiệp lực của chúng ta so với núi Tu Di còn cao hơn, sâu rộng như biển, đại hải là sâu nhất, nhưng tội nghiệp của chúng ta so với đại hải còn sâu hơn. Như vậy, nếu đức Phật A Di Đà không phát ra lời thệ nguyện: “Nếu Ta thành Phật, mười phương chúng sanh về cõi nước ta, cho đến mười niệm, nếu chẳng được sanh về thì Ta không ở ngôi Chánh giác. Chỉ trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”, thì chúng ta vĩnh viễn phải chịu luân hồi trong ba cõi sáu đường. Điều nguyện nầy hết sức từ bi. Bởi vậy, đức Phật A Di Đà đã kiến tạo thế giới Cực-lạc. Ngài nhất định phải hoàn thành công đức vãng sanh, sau đó mới hồi hướng hết cho chúng ta. Kinh Vô Lượng Thọ nói:
Ta ở vô lượng kiếp
Không làm đại thí chủ
Cứu khắp người nghèo khổ
Thề không thành Chánh giác.
Đức Phật A Di Đà bình đẳng cứu độ chúng sanh nghèo khổ ở khắp mười phương. Chúng ta từ khi còn nhỏ ở thế gian này, phải chịu đủ mọi sự bần cùng khốn khổ, sau khi chết lại phải chịu luân hồi trong sáu nẻo, khổ không thể nói hết. Đức Phật A Di Đà đã nhất định làm một đại thí chủ đến cứu độ chúng ta.
Chúng ta là hạng phàm phu chịu nhiều tội nghiệp, tự ta đã tu hành, nhưng có biết thoát khỏi sáu đường hay không, vậy điều cần nhất là ta phải nương theo tha lực. Nói theo thế gian là phải nương theo cha mình, cha nào mà không thương con (con bỏ cha thì có, nào đâu cha bỏ con). Và đã đến lúc con nhà ai về nhà nấy. Vậy ngay từ bây giờ một lòng niệm Phật Di Đà (đi, đứng nằm, ngồi) lúc nào, ở đâu làm việc gì cũng nghĩ nhớ về cha, nhớ về nhà, thì nhất định sẽ được cha dẫn về nhà. Đây không còn là phương tiện nữa mà là nhu cầu ước nguyện của người tu không thể thiếu để đi đến giải thoát.
Chúng ta khắc cốt ghi tâm rằng, dù đã có giữ gìn Tam quy Ngũ giới, thực hành Thập thiện… chăng đi nữa thì cũng không thể sạch tội, mà phải lột lần lần như lột bẹ chuối cho đến khi nào đến lõi tận cùng mới được. Như vậy, chúng ta phải vừa tu học vừa nương vào nguyện lực của đức Phật Di Đà mới có thể được vãng sanh. Chúng ta cần giữ tín nguyện đối với tha lực, mà “Tín quý ở chỗ sâu dày. Nguyện quý ở chỗ tha thiết”, một lòng hướng về Phật tâm không dao động thì đây chính là tiến trình để chúng sanh tu hành, là con đường ngắn nhất để tiến vào thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Có không chấp chặt tại lòng ta
Khổ khác vui đâu chốn Ta bà
Vô lượng Từ bi miền diệu hữu
Muôn ngàn Hỉ xả cõi hằng sa
Cảnh trần ách nạn cầu Bồ tát
Cực lạc Tây phương niệm Di Đà
Tinh tấn tu hành nương cửa Phật
Đường về tịnh độ chẳng còn xa.
Việc tu niệm Phật giống như việc đi thuyền, dù là bản thân có sức lực nên suốt lộ trình không cần sử dụng. Huống hồ, bản thân không có một chút sức lực nên mới đọa lạc, thì nhất định phải nhờ vào sức cứu độ của đức Phật A Di Đà. Giống như người đi đường thủy, ngồi trên thuyền, rất thoải mái, không những dễ đi, còn đến mau, chắc chắn, nghĩa là chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà mà không cần nhờ vào các công đức khác để hồi hướng, chỉ cần nhất hướng chuyên xưng A Di Đà Phật là đủ rồi, hơn nữa kết quả lại nhanh, thành tựu ngay trong hiện tại, được vãng sanh không còn thoái chuyển.
Trên bước đường tu học tự thân, chúng ta cần phải nhờ đến tha lực của đức Phật và các vị Bồ tát, đó là con đường tốt nhất giúp ta giải thoát. Mong rằng chúng ta ở chốn Ta bà có thể học được từ ngôn hạnh của các vị tổ, các thầy, thấy được niềm hy vọng và ánh sáng để bước ra khỏi con đường quanh co khúc khuỷu, ra khỏi sáu đường, đến cõi Tịnh độ Cực lạc, dùng công đức thệ nguyện của Phật để trang nghiệm tự thân, nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà. Được như vậy thì như hoa sen mọc giữa bùn nhơ, như ngọn lửa bùn cháy từ đống tro tàn, tuy rằng, chưa ra khỏi chốn Ta bà mà đã chẳng phải khách Ta bà dài lâu, chưa vãng sanh về miền Cực lạc, mà đã là khách quý ở chốn Lạc bang.
Nam mô A di đà Phật.