Sách Phật giáo

Một số góp ý về hoạt động của các Ban, Viện trực thuộc Giáo hội

Thứ hai, 17/03/2018 12:37

Hướng tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022, là thành viên của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi kính trình một số ý kiến và đề xuất liên quan đến hoạt động của các Ban Viện Trung ương và Ban Giáo dục tăng ni Trung ương.

Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh,
Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Trị sự,
Kính thưa quý Đại biểu,

Hướng tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022, là thành viên của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi kính trình một số ý kiến và đề xuất liên quan đến hoạt động của các Ban Viện Trung ương và Ban Giáo dục tăng ni Trung ương.

I. Hoạt động của các Ban Viện Trung ương:

Các Ban Viện Trung ương là cơ quan triển khai các phật sự của Giáo hội dưới sự chứng minh và chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hiện nay, cơ cấu hành chánh Trung ương GHPGVN có 12 Ban và 1 Viện. Các Ban, Viện đã kiện toàn nhân sự, ban hành nội quy và hoạt động ổn định. Trong năm năm nhiệm kỳ VII, các Ban Viện Trung ương đã phát triển ổn định trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng kịp đà hội nhập và phát triển của Giáo hội, các Ban Viện Trung ương cần phát huy vai trò của mình hơn nữa. Chúng tôi kính trình một số ý kiến liên quan đến các Ban Viện Trung ương:

- Ban Trị sự tại các tỉnh thành đều thành lập các Ban tương đương với các Ban Trung ương. Mặc dù, các Ban ở các tỉnh thành hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trị sự các tỉnh thành, tuy nhiên, có những vấn đề, các Ban ở tỉnh thành cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của các Ban Viện Trung ương. Hiện nay, các Ban Viện Trung ương và các tỉnh thành chưa thiết lập kênh liên lạc và các tiểu ban chuyên trách để hướng dẫn và hỗ trợ. Thiết nghĩ, các Ban Viện Trung ương cần thường xuyên liên lạc, hướng dẫn và hỗ trợ các Ban tương đương tại các tỉnh thành nhiều hơn nữa.
 
- Các Ban Viện Trung ương cần tổ chức các Hội nghị sơ kết giữa năm, tổng kết cuối năm và các Hội nghị, Hội thảo chuyên ngành để đánh giá hoạt động phật sự đã thực hiện và đề ra phương hướng hoạt động phật sự sẽ thực hiện. Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để có dịp các thành viên của các Ban Viện Trung ương và tỉnh thành gặp nhau, trao đổi, học hỏi và kiến nghị. Có như vậy, các Ban Viện Trung ương mới có thể lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các thành viên ở các tỉnh thành. Trong nhiệm kỳ VII, chúng tôi nhận thấy chỉ có một số Ban Viện tổ chức một số hội nghị, hội thảo.

- Sau một nhiệm kỳ ban hành và thực thi, một số nội quy, điều lệ của các Ban Viện khi áp dụng thực tế nảy sinh những bất cập. Vì vậy, thiết nghĩ, chúng ta cần xem xét lại và tu chỉnh một số nội quy, điều lệ cho hài hòa và phù hợp với giới luật Phật giáo; pháp luật nhà nước, nhất là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sắp có hiệu lực thi hành và thực tế xã hội.

II. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương:

Ngay từ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, Giáo hội đã chú trọng đến việc giáo dục tăng ni. Từ đó, các trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo), Trung cấp Phật học, Sơ cấp Phật học được thành lập trên phạm vi toàn quốc. Ngành giáo dục dưới sự quản lý, định hướng của Giáo hội Trung ương nói chung và chư Tôn đức Giáo phẩm trong Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương nói riêng, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu học Phật của tăng ni trong cả nước. 

Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập sâu rộng trong xã hội và thế giới, để phát triển đúng tầm một Phật giáo Việt Nam có chiều dài lịch sử gần 2000 năm, ngành giáo dục phải có định hướng, tầm nhìn sâu rộng hơn. Chúng tôi kính trình một số kiến nghị góp phần xây dựng phát triển ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam:

1. Về hoạt động của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương:

Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã đạt được những thành tựu phật sự quan trọng như: nỗ lực thống nhất giáo trình bậc Trung cấp và biên soạn hoàn thành một số giáo trình bậc Trung cấp Phật học; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về giáo dục Phật giáo. Bên cạnh những phương diện đã đạt được, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương chưa phát huy hết tiềm lực vốn có của Ban. 

Chúng tôi nhận thấy chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Ban Giáo dụcTăng Ni và thành viên Ban Giáo dục Tăng Ni là những Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni có tài, có đức, nhiều vị là tiến sĩ, thạc sĩ. Thiết nghĩ, Ban Giáo dục Tăng Ni làm sao quy tụ được trí tuệ của chư Tôn đức trong toàn Ban và chư Tôn đức tăng ni tham gia trong lĩnh vực giáo dục ở các tỉnh thành trong cả nước.

Chúng tôi thiết nghĩ, để hội tụ được tâm lực và trí lực của các thành viên trong cả nước, Ban Giáo dục Tăng Ni cần tổ chức những Hội nghị sơ tổng kết, hội thảo, tọa đàm chuyên ngành, lắng nghe và ghi nhận ý kiến của chư Tôn đức đang tham gia trong lãnh vực giáo dục và chư Tôn đức có tâm huyết với giáo dục trong cả nước. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần quan tâm và nắm rõ tình hình giáo dục và đào tạo tại các trường Phật học trong cả nước. Trường nào giáo dục và đào tạo tốt thì khuyến khích, trường nào giáo dục và đạo tạo chưa tốt thì động viên hỗ trợ cho tốt.

2. Về định hướng giáo dục:

- Sau hơn 35 năm hoạt động và phát triển, giáo dục Phật giáo đã đào tạo nhiều tăng ni đầy đủ tài đức, nhiều trong số đó đã và đang tham gia công tác phật sự của Giáo hội. Tuy nhiên, hiện nay ngành giáo dục Phật giáo vẫn chưa có định hướng rõ ràng. Mỗi trường tự giảng dạy theo phương cách và giáo trình của mình, chưa thống nhất chương trình giảng dạy của các cấp bậc học. Và chúng ta quá chú trọng đến việc giáo dục pháp học, theo cách học thuật, chưa quan tâm đứng mức cách giáo dục pháp hành, thực hành những giáo lý được học trong môi trường giáo dục.

 - Chúng tôi được biết Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đang biên soạn giáo trình thống nhất để giảng dạy bậc Trung cấp Phật học; và sẽ có kế hoạch biên soạn giáo trình thống nhất các bậc học khác. Nội dung giảng dạy của các bậc học phải định hướng rõ lối đi cho tăng ni sinh. Theo chúng tôi, lối đi đó phải kết hợp được tinh thần giáo dục truyền thống và hiện đại của Phật giáo Việt Nam; trong đó, kết hợp pháp học và pháp hành, tự lợi và lợi tha. 
Thiên Ấn tổ đình

Giáo hội Phật giáo Việt Nam dung hòa nhiều tông phái, truyền thống Phật giáo khác nhau. Trong đó, có Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Nam tông người Kinh, Khất sĩ, Bắc tông. Cho dù tông phái, truyền thống Phật giáo nào cũng mang tinh thần Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam, đặc biệt Phật giáo Lý - Trần, là Phật giáo nhập thế. Vì vậy, soạn thảo chương trình giảng dạy các bậc học không thể không chú trọng đến nội dung tinh thần Phật giáo nhập thế. Cụ thể là tinh thần Bồ Tát đạo. Tinh thần Bồ Tát đạo được lưu giữ chính yếu trong Hán tạng. Nhưng hiện nay, nhiều kinh điển trong Hán tạng vẫn chưa được chuyển dịch sang tiếng Việt. Vì vậy, giáo dục các cấp Phật học cần chú trọng giảng dạy Hán văn.

3. Về đội ngũ tham gia trong lãnh vực giáo dục:

Như chúng tôi đã trình bày, định hướng giáo dục Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa pháp hành và pháp học. Cho nên, theo chúng tôi, chư Tôn đức tăng ni tham gia trong lãnh vực giáo dục phải hội đủ những yếu tố truyền thống và hiện đại, thật tu và thật học.

Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành, có nhiều chư Tôn đức tăng ni có tài, có đức nhưng không có bằng cấp nên không đủ điều kiện tham gia giảng dạy tại các trường Phật học. Và cả nước có rất nhiều tăng ni trẻ tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều vị trong số những tăng ni trẻ này đang tham gia giảng dạy tại các trường Phật học. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các vị giảng viên, giáo thọ bận nhiều phật sự khác, nên nhiều vị giáo thọ chưa thật sự chuyên tâm cho công tác giảng dạy. Vì vậy, chúng ta cần xem xét lại những quy định về điều kiện tham gia giảng dạy và đánh giá lại tầm quan trọng của công tác giáo dục để xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo thọ chuyên nghiệp, toàn tâm toàn lực cho giáo dục. Có như vậy mới theo kịp đà phát triển của giáo dục hiện đại.

4. Về môi trường giáo dục:

Môi trường giáo dục cần phân thành hai loại. Môi trường hoàn toàn nội trú dành cho những tăng ni sinh chuyên sâu và ứng dụng nội điển. Ví dụ, chúng ta có thể mở những lớp học chuyên về luật tạng. Trong môi trường này, tăng ni sinh phải hành trì nghiêm mật về giới luật, không chỉ những giới điều liên quan đến cá nhân mà cả những giới luật liên quan đến tập thể như những pháp yết ma. Chúng ta cũng có thể mở những lớp học chuyên về Kinh tạng, Luận tạng. 

Trong những môi trường này, tăng ni sinh chú trọng nhiều hơn về tranh biện. Hoặc chúng ta cũng có thể mở những lớp học chuyên về Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, v.v… Trong những môi trường này, tăng ni sinh có thể hành trì theo phương pháp đã được học. Môi trường nội trú là nơi hội tụ nhiều vị giảng viên, giáo thọ uy tín trong lãnh vực chuyên môn và đức độ.

Bên cạnh những trường lớp được giáo dục và đào tạo trong môi trường hoàn toàn nội trú, chúng ta có thể mở những trường lớp linh hoạt hơn, vừa nội trú vừa ngoại trú. Môi trường này, tăng ni sinh có thể theo học nhiều lãnh vực, bao gồm những lãnh vực khoa học xã hội. Với môi trường này, tăng ni sinh có thể vừa học, vừa linh hoạt làm phật sự. Chúng ta có thể chưa thiết lập được những trường lớp theo những mô hình này ở các tỉnh thành trong cả nước. Nhưng chúng ta có thể chọn một số tỉnh thành có truyền thống giáo dục làm thí điểm.

Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa Quý Đại biểu,

Hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, trong tinh thần xây dựng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi kính trình Đại hội một số ý kiến.

Kính chúc chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Trị sự và quý Đại biểu pháp thể an khương, tuệ đăng quảng chiếu.

Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành tựu viên mãn.

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII của BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi
loading...