Kiến thức
Mua vàng ngày vía Thần Tài, liệu có đem lại tài lộc may mắn?
Thứ hai, 22/02/2021 11:27
Vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), nhiều người thường đi mua vàng vì cho rằng sẽ gặp được may mắn và tài lộc trong cả năm. Tuy nhiên, việc mua vàng vào ngày này có đem lại tài lộc? Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này như thế nào?
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, việc thờ cúng Thần Tài bắt nguồn từ rất nhiều thuyết. Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thần Tài xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ Trung Quốc. Trước đó, có thể do nền thương nghiệp chưa phát triển nên nhân dân không biết thờ. Tục mua vàng ngày vía Thần Tài cũng xuất phát từ một trong các thuyết này.
Một thuyết phổ biến cho rằng, Thần Tài là vị Thần Trời. Do uống rượu say nên rớt xuống trần gian, đầu ông ấy va vào đá nên quên hết mọi chuyện. Không trở về trời được, ông đi lang thang xin ăn. Dân chúng thấy ông ăn mặc kiểu dáng rất lạ, nghĩ là người điên nên lột quần áo của ông và lấy đi.
Thờ thần tài có mang đến nhiều may mắn?
Khi đến một hàng bán phở, cháo gà xin đồ ăn, ông được chủ quán đón về nuôi. Từ khi đón vị thần về, cửa hàng buôn may bán đắt hơn rất nhiều, khách khứa tấp nập. Tuy nhiên một thời gian sau, người chủ thấy ông này chỉ ăn với chơi, lại toàn ăn bốc, người thì bẩn thỉu; nghĩ khách hàng vào quán ăn nhìn thấy sẽ cảm thấy dơ bẩn, không dám ăn; cho nên đã đuổi ông đi. Cửa hàng đối diện thương xót đón ông ấy về nuôi. Từ hôm đó, cửa hàng bán phở làm ăn rất sa sút. Còn cửa hàng đối diện lại đông khách và làm ăn phát đạt. Sau khi phát đạt, họ mua quần áo cho ông thần, mua đúng bộ quần áo mà trước đây ông bị mọi người lấy mất. Sau khi mặc quần áo thì ông nhớ được mọi chuyện và bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng.
Từ ấy, trong dân gian cho vị thần đó chính là Thần Tài và lấy ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này, người dân thường đi mua vàng để cầu tài lộc, may mắn. Vậy điều đó có đúng hay không?
Nên trang trí bàn thờ như thế nào? Phật tử có nên thờ thần tài, Đức Quan Thánh không?
Mua vàng ngày vía Thần Tài có thực sự mang lại may mắn và tài lộc?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: Tài lộc của mỗi con người có được bằng hai cách: một là chính, hai là tà. Trong đó, tài sản có bằng cách chân chính bao gồm:
- Thứ nhất, chúng ta lao động bằng bàn tay, khối óc của mình để có được tài sản.
- Thứ hai, chúng ta được thừa hưởng của cải do gia tiên, tiền tổ, cha mẹ,... để lại (tài sản được thừa kế mà có).
- Thứ ba, chúng ta được mọi người cho, biếu, tặng, cúng dường,... tài sản.
Ví dụ: Chư Phật, các vị Thánh Tăng, chúng Tăng được Phật tử cúng dường. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng khẳng định tài sản có được do phương cách chân chính thể hiện phước báu của mỗi người và đó là tài sản bền vững, chắc thật.
Tục ngữ có câu rất đúng với sự thật: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” hay “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Tài sản hay tài lộc phải do chính chúng ta tạo dựng bằng những việc làm chân chính như tu dưỡng, tạo lập các công đức. Đó là con đường chân thật để sinh phước báu giúp chúng ta có tài lộc.
Từ những phân tích trên, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Con đường chân thật, chân chính nhất để chúng ta có tài lộc không phải là thờ Thần Tài, cúng vía Thần Tài, hay đi mua vàng tích trữ vào ngày vía Thần Tài để tài lộc đến với mình. Việc đó hoàn toàn là mê tín, không phải chính tín. Và khi mê tín, chúng ta không những không được lợi ích, phước báu mà ngược lại sẽ bị mất đi phước báu”.
Ngày Thần Tài nhớ lời Phật dạy
Qua đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khuyến tấn: “Thầy mong mọi người khi giác ngộ điều này rồi thì chúng ta không cần thiết phải thờ cúng Thần Tài và đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài, khiến cho giá cả thị trường tăng đột biến, không tốt cho nền kinh tế của nước nhà”.
Từ chia sẻ trên, chúng ta hiểu rằng tâm lý mua vàng để lấy may hay để tích trữ trong ngày vía Thần Tài là điều không đúng. Chúng ta nên tích lũy phước báu để có được tài lộc chứ không nên làm như vậy.
Cần tích lũy phước báu như thế nào để có được tài lộc?
Đức Phật dạy, tài sản có được phải do tu tập để có công đức và phước báu. Chúng ta tu tập bằng cách: bố thí, trì giới, thiền định.
Về bố thí: Phật dạy bố thí sinh phước báu và có ba cách bố thí: Bố thí tài sản, bố thí Pháp và bố thí vô úy.
Bố thí tài sản gồm nội tài và ngoại tài. Bố thí ngoại tài là đem tiền của, cơm ăn, nước uống, áo mặc,... cho mọi loài.
Bố thí nội tài là đem sức lực, kể cả máu thịt, thân thể của mình để bố thí cho chúng sinh. Bố thí Pháp là chúng ta đem giáo Pháp chân chính, những lời dạy chân lý đến với mọi người, để mọi người sáng tâm, thấy rõ sự thật của vạn sự vạn vật.
Bố thí vô úy, tức là đem sự bình an, không sợ hãi đến với mọi người, giúp mọi người được bình an, được yên tâm. Về tu tập: Chúng ta thực hành trì giới, giữ gìn giới luật của Phật hoặc tu thiền định, nghĩa là chúng ta tu tập. Khi có tu tập thì sẽ sinh ra công đức, công đức sẽ sinh ra phước báu cho chúng ta.
Khi kinh doanh có cần thờ Thần Tài để có sự lợi lạc may mắn hay không?
Như các bậc Thánh tu tập, khi các Ngài chứng Thánh quả, ai ai cũng cung kính, muốn được cúng dường. Đó là do từ công đức của các Ngài sinh ra các phước báu và phước báu ấy sinh ra tài lộc.
Đức Phật cũng vậy, Ngài ở đâu thì tài lộc đến đó. Ông Cấp Cô Độc, do kính quý Đức Phật nên dùng vàng trải ra mua đất, xây Tinh xá cúng dường Ngài.
Chúng ta hiểu rằng để có tài lộc một cách chân chính thì chúng ta phải tu tập để tạo ra các công đức, phước báu. Chúng ta lao động bằng bàn tay, khối óc của mình để có tài sản thì tài sản ấy cũng là tài sản chân chính, cũng nằm trong phước báu của mình. Nếu chúng ta không có phước báu thì tài sản không đến được với mình.
Hy vọng qua bài viết trên, quý Phật tử có được cái nhìn đúng đắn về ngày vía Thần Tài và hiểu được cách tự trở thành “Thần Tài” của chính mình. Chúc quý Phật tử tinh tấn, thực hành lời Phật dạy để công việc kinh doanh trở nên thuận lợi, gặp nhiều may mắn, từ đó có đầy đủ tài lộc cho mình.