Kiến thức
Mùa xuân lạy Phật
Thứ hai, 19/02/2024 09:56
Mỗi độ tết đến xuân về, người vẫn theo nếp cũ đến chùa lạy Phật. Năm mới mang theo cơ hội mới, gác lại muộn phiền lo lắng, ai cũng trông một tân niên cát tường. Người gửi những ước vọng chốn linh thiêng, mong cho gia đạo được hộ trì, thương nhân xin phát tài, quan gia cầu công danh,…
Hoa khai - hương cùng thời
Xuân về - khắp đất trời
Lòng thành - ý tươi mới
Lễ Phật - trong ba đời
Mỗi độ tết đến xuân về, người vẫn theo nếp cũ đến chùa lạy Phật. Năm mới mang theo cơ hội mới, gác lại muộn phiền lo lắng, ai cũng trông một tân niên cát tường. Người gửi những ước vọng chốn linh thiêng, mong cho gia đạo được hộ trì, thương nhân xin phát tài, quan gia cầu công danh,…
Người quên mất những cầu xin kia đều có sẵn trong tâm mình.
Người quên mất rằng, khi lạy Phật, là tán thán công hạnh và nhắc mình nương theo những hạnh cao đẹp ấy, thực tập được đại đạo thì đâu còn ý nguyện nào không viên thành.
Ngày xuân, dâng nén hương lòng, vang tiếng chuông ngân, đảnh lễ chư Phật muôn phương, thể nhập với khối mênh mông đất trời, từ từ cảm nhận sự rung động nội tâm, một cái gì mới mẻ đang dần đâm chồi nẩy lộc, sinh động đầy sức sống. Lộc mùa xuân, lộc của trời, của tuệ giác khai mở chánh kiến:
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đảnh lễ đức bổn sư – người thầy gốc của ta, nhớ đến lòng biết ơn, tri ân nguồn cội của mình với vị thầy vĩ đại trong đời. “Thích Ca Mâu Ni” được dịch là “Năng nhân tịch mặc” – nghĩa là người có khả năng sống bằng sự tĩnh lặng. Cảnh giới Phật Thích Ca làm giáo chủ là cõi ta bà được dịch là “kham nhẫn”- nghĩa là “chịu đựng, sự tăng cường bản năng trước áp lực của phiền não”. Vì vậy, cúi đầu đảnh lễ Phật bổn sư, một nguyện làm người biết trước biết sau, biết tri ơn báo ơn những người giúp ta; hai nguyện tập tĩnh lặng để áp chế sân hận khi đối trước nghịch cảnh; ba nguyện không cầu mọi điều như ý, chỉ mong bản thân có khả năng chịu đựng và vượt qua những khắc nghiệt cuộc đời.
Nam mô Tương lai hạ sanh Di Lặc Phật.
Mùng một tết cũng là ngày vía của Phật Di lặc. Vào ngày khởi điểm của một tương lai đang tới, đảnh lễ vị Phật tương lai, nhớ lời xác quyết của Thế Tôn: “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Con xin học theo hạnh nguyện ngài, để nuôi dưỡng Phật tính viên thành đạo quả mai sau. Di Lặc là vị Phật tu hạnh từ bi tam muội từ vô lượng kiếp. Với nụ cười thoải mái vô tư cùng chiếc bụng bự gần gũi, được xưng tán:
Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian
Thực tập hạnh nguyện này để cái Tôi của mình vắng mặt lại, nụ cười xuất hiện thường xuyên hơn. Nhân sinh vạn người không ai giống ai, học cách dung hoà khác biệt, buông xả chấp chướng trong những vụn vặt đời thường, ngày lại ngày, đến cuối năm nhìn lại hoá ra đã có một năm hanh thuông suông sẻ.
Nam mô A Di Đà Phật.
Đảnh lễ đức A Di Đà – bậc có danh hiệu Vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức. Đầu xuân gặp gỡ chốn thiền môn, chắp tay chào nhau “A Di Đà Phật”, trao gửi câu chúc đối phương được thêm tuổi thọ, tăng thêm trí huệ, làm được nhiều việc tốt. “A Di Đà Phật!” là lời chúc tốt lành đầu năm, còn là đề mục thực tập để hướng tới mục tiêu an tịnh bản thân và cuộc sống của mình. Nhiều cá nhân an tịnh sẽ tạo thành từ trường an tịnh. Người sống giữa từ trường này có được một năm hanh thông, dù gặp tai ương cũng dễ dàng được hoá giải, không cần chạy vạy dâng sao, giải hạn, tâm tịnh, việc sẽ tịnh.
Nam mô Dược Sư Phật.
Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật được mệnh danh là Đại Y Vương Phật – Ngài thông suốt hết các loại y dược thế gian và xuất thế gian có thể chữa trị tất cả thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh. Các tự viện thường khai pháp hội Dược Sư vào đầu năm để trì tụng và học lại 12 bổn nguyện của Phật Dược Sư. Áp dụng và thực tập theo 12 nguyện và trì niệm danh hiệu Dược Sư Phật sẽ giúp ta thoát khỏi tâm bệnh khi va chạm chướng duyên. Để mỗi người là vị Phật Dược Sư của bản thân mình và của những người thân, cùng tạo nên đạo tràng Dược Sư. Đầu năm đảnh lễ Phật Dược Sư – đầu năm chúc nhau sức khoẻ, bình an, viên toàn.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
Vị Bồ Tát thân thuộc và gần gũi của người Việt với bổn nguyện cứu khổ cứu nạn. Với nữ giới, Quán Âm lại càng như người mẹ hiền sẵn lòng dang tay che chở và xoa dịu những tổn thương. Nương Bồ Tát, người tập quán chiếu mọi việc thấu đáo, sâu sắc với tâm rộng lớn, để hiểu mọi ngọn nguồn của khổ đau và dính mắc. Đảnh lễ Quán Âm, năm nay người tập nhìn vấn đề sâu hơn, để trong mọi việc thuận hay không thuận xảy đến, đều thấy cái Bi trong đó mà dùng Từ ái để giải quyết.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Lạy đức Bồ Tát tượng trưng cho hạnh nguyện tâm rộng như đại địa, tâm bình lặng như đại địa, tâm dung chứa tất cả như đại địa, đối với mọi thứ đều bình đẳng, không phân biệt, không thiên chấp. Người dặn lòng đối với muộn phiền không nên phẫn nộ, đối với thành công không kiêu ngạo, đối với thị phi không cần hoảng loạn, đối với lợi lạc không nên tham chấp. Nam mô Địa Tạng Bồ Tát, con nguyện tâm như đất, con nguyện an ổn như đất.
Vô lượng chư Phật, Bồ Tát, chư thánh tăng tiên tổ đều có vô biên hạnh nguyện trên con đường chứng đạo. Oai lực của chư vị không nằm ở thần thông biến hiện ban phước giáng hoạ, mà ở nguyện lực chuyển đổi nội tâm và phụng sự nhân sinh. Ai cũng muốn hạnh phúc, vậy hãy cùng làm những người hạnh phúc bằng chân tình, bằng từ ái, bằng trí lực thanh tịnh nương theo tam bảo. Thâm nhập, thực hành và chia sẻ những hạnh nguyện của Phật là đang đồng tâm đồng nguyện với chư Phật, lúc ấy mới cảm nhận được sự gia hộ của chư Phật trong mười phương.
Năm mới, xuân mới, chúc tất cả chúng ta đều được tâm đồng tâm, nguyện đồng nguyện, thâm nhập pháp giới Tam bảo.