Sống an vui
Mục đích của cuộc đời bạn là gì?
Thứ bảy, 12/11/2022 08:56
Mục đích của cuộc đời bạn là gì? Ðó là một câu hỏi tưởng như tầm thường nhưng không dễ để có câu trả lời thỏa đáng. Cuộc sống hiện đại cuốn mọi người trong cơn lốc của những bận rộn tham muốn, điều này tạo ra vô vàn cạm bẫy khổ đau khiến chúng ta xa rời chân hạnh phúc.
Trong thực hành tâm linh, chúng ta thường nóng vội chạy theo nghi thức sự tướng bên ngoài với hy vọng nhanh chóng đạt giác ngộ. Việc coi giác ngộ và hạnh phúc là những nhu cầu và tham vọng sẽ khiến bạn đi lầm đường. Nếu chưa hiểu biết thấu đáo mà lại cố gắng thực hành, bạn sẽ dần cảm thấy hoài nghi về mục đích những việc mình làm rồi tự chuốc lấy thất vọng, nghi ngờ, thoái nản.
Trong Tứ diệu đế, Đức Phật đã chỉ bày rất rõ ràng đích đến của con đường thoát khổ, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được quả vị giải thoát chân thật. Trạng thái giải thoát đó thường được gọi dưới cái tên Niết bàn tịch diệt.
Bạn cần hiểu rằng, Niết bàn không phải một cõi, một nơi nào đó xa rời thế gian này, cũng không thể hiểu một cách máy móc rằng nơi đó chỉ có sự rỗng không, vắng lặng, diệt trừ hết tất cả chẳng còn gì tồn tại, hiện hữu. Niết bàn là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ đau, là sự vắng mặt của tham, sân, si là tâm giác ngộ tuyệt đối vốn siêu việt mọi ngôn từ và nhận thức thế gian thông thường.
Một cách thực tiễn hơn, khi đã giác ngộ được chân lý về khổ được trình bày trong Khổ đế, hiểu được bản chất những nguyên nhân gây ra đau khổ trong Tập đế, cũng như thành tựu thực hành tu tập các phương pháp diệt khổ trong Đạo đế, hành giả coi như đã thành tựu quả vị giác ngộ, đạt được chân hạnh phúc và giải thoát luân hồi sinh tử. Mỗi chúng ta đều có thể đạt được quả vị giác ngộ theo cách này. Dù chưa thể thành tựu giác ngộ tuyệt đối, chúng ta vẫn có thể đạt được những cấp bậc giác ngộ khác nhau tương ứng với trình độ hiểu biết và thực hành ba chân lý còn lại của Tứ Diệu đế.
Chẳng hạn, ngay khi nhận ra rằng cái tôi này không phải thực ngã, chỉ do sự ngộ nhận và bám chấp vào ngũ uẩn mà hình thành, chúng ta sẽ giảm bớt được tâm chấp trước, vị kỷ, tham lam… để trở nên một con người cởi mở, vị tha và hoan hỷ hơn. Khi thấu hiểu về bản chất khổ đau của cuộc sống cùng những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chúng ta dám đối diện với những khó khăn, bất trắc, đau khổ trong cuộc sống, biết cách chấp nhận cũng như hóa giải chúng thay vì đổ lỗi cho người khác, hay bi quan, chán nản, trốn tránh hoặc tìm lối thoát trong những mê tín giáo điều. Chúng ta sẽ tinh tấn thực hành con đường thoát khổ, đổi ác làm lành, tránh xa đường tà, bạn dữ, trưởng dưỡng từ bi và trí tuệ. Nhờ đó, ta có được sự tự tại, an lạc ngay trong đời sống này. Hoặc chí ít, chúng ta cũng sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi các xúc tình phiền não, không còn mù quáng chạy theo sự sai sử của cái tôi vô minh. Đó chính là các khía cạnh của Diệt đế mà chúng ta có thể đạt được ngay trong hiện đời.
Bên cạnh đó, sự giác ngộ tuyệt đối vốn siêu việt mọi ngôn từ. Cảnh giới giác ngộ là không thể nghĩ bàn bởi càng dùng ý niệm và ngôn từ phân biệt để diễn tả thì càng xa với chân lý. Dù vậy, đức Phật từ bi vô lượng, vì muốn cho chúng sinh được thấu rõ chân lý và phát khởi tín tâm tu tập, Ngài đã khai thị một cách khái quát về các quả vị giác ngộ này. Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rằng các cấp bậc đó cũng chỉ là sự chia chẻ mang tính tương đối, giúp tâm đối đãi nhị nguyên của chúng sinh dễ tiếp cận mà thôi.
Diệt đế tức Niết bàn
Kinh Niết Bàn dạy: "Các phiền não diệt gọi là Niết Bàn, xa lìa các pháp hữu vi cũng gọi là Niết Bàn". Nói một cách khác, Diệt đế tức là Niết bàn.
Niết bàn hay Niết bàn na hay Nê hoàn là do dịch âm chữ Phạn Nirvana mà ra. Niết bàn có nhiều nghĩa như sau:
- Niết (Nir) là ra khỏi; Bàn (vana) là rừng mê, Niết bàn là khỏi rừng mê.
- Niết là chẳng; Bàn là dệt. Còn phiền não thì còn dệt ra sinh tử, không phiền não thì không còn dệt ra sinh tử. Vậy Niết bàn là không dệt ra sinh tử luân hồi.
Chữ Bàn cũng có nghĩa là không ngăn ngại. Niết bàn còn có nhiều nghĩa khác nữa, song tóm lại không ngoài ba nghĩa: Bất sinh, giải thoát, tịch diệt.
- Bất sinh, nghĩa là không sinh ra, không sinh các thứ mê lầm tội lỗi.
- Giải thoát, nghĩa là thoát ra ngoài sự ràng buộc, không mắc vào các huyễn ngã, huyễn pháp.
- Tịch diệt, nghĩa là vắng lặng, dứt sạch. Vắng lặng, an lành, dứt sạch tất cả nguồn gốc mê lầm.
Vì lẽ Niết bàn có nhiều nghĩa như thế, nên trong kinh thường để nguyên âm mà không dịch nghĩa.
Quả vị của Nguyên thủy Phật giáo
Trải qua các thứ lớp tu tập và chứng ngộ từ quả Dự lưu (bắt đầu nhập dòng Thánh). Quả Nhất lai (hành giả còn phải tái sinh lại một lần nữa để tu tập đoạn trừ nốt mê lầm). Quả Bất lai (hành giả dứt hết mê lầm nên không phải tái sinh vào cõi Dục thêm nữa mà sinh về cõi trời Sắc cứu kính và tiếp tục tu tập để đoạn dứt vi tế hoặc), cuối cùng hành giả chứng đắc quả vị cao nhất trong hàng Thanh Văn thừa là A la hán quả (còn gọi là quả Vô sinh). Ở quả vị này bậc A la hán đã tận diệt tham, sân, si nên không còn chịu sự chi phối của sinh tử luân hồi.
Ngoài ra, còn có quả vị Bích Chi Phật (còn gọi là Độc Giác Phật). Bậc Bích Chi Phật ra đời vào thời không có giáo pháp của đức Phật, các Ngài tự quán sát Mười hai nhân duyên mà chứng đạt giác ngộ.
Câu chuyện ngụ ngôn về Niết bàn
Tính cách của Niết bàn quá rộng rãi, cảnh giới của Niết bàn quá cao thâm, nên hay gây ra nhiều sự hiểu lầm cho các hành giả sơ cơ. Người đời hay lấy tâm lượng hẹp hòi của mình để hình dung Niết bàn, và đã hình dung một cách sai lạc, nên cuối cùng họ kết luận rằng: cứu cánh của đạo Phật là một sự không tưởng. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây chứng minh một cách hùng hồn tâm trạng ấy:
"Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra không biết gì hết.
Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa, mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào:
- Chào anh! Ðã từ lâu tôi không gặp anh. Vậy xưa rày anh ở đâu?
- Ồ! Tôi đi du lịch từ trên đất liền về. Trên ấy, mặt đất khô ráo quá!
- Ðất khô! Anh nói cái gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào kỳ lạ như vậy. Lẽ nào lại có đất khô?
- Xin thề rằng tôi không nói đùa với anh đâu. Nhưng nếu quả tình anh không thể tin được thì tùy anh, không ai ngăn cản được anh; nhưng dù sao, tôi cũng mới từ đó về.
- Này anh, anh hãy cố gắng diễn đạt cho hợp lý hơn. Tôi nghi rằng cách diễn đạt của anh chưa được rõ ràng lắm. Anh vui lòng cho tôi biết đất mà anh nói đó có giống như cái gì trong thế gian của chúng ta ở đây? Nó có ẩm ướt không?
- Không! Nó không ẩm ướt.
- Thế nó có mát dịu và lạnh không?
- Nó không mát, không dịu mà cũng chẳng lạnh.
- Thế nó có trong suốt để cho ánh sáng xuyên qua được không?
- Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể xuyên qua được.
- Thế nó có mềm và dễ bị ép để cho tôi có thể quậy vi và đi lại dễ dàng trong ấy không?
- Không, nó không mềm, không bị dồn ép dễ dàng và trong ấy, anh cũng không thể bơi lội được.
- Thế nó có lưu động và đổ thành thác được không?
- Không, nó không lưu động và cũng không đổ thành thác được.
- Vậy thì nó có dâng lên để tạo thành những mũi sóng bạc đầu được không?
- Không, tôi chưa bao giờ thấy nó dâng thành làn sóng cả.
Ðến đây, con cá vênh váo tự đắc than rằng:
- Tôi đã từng nói với anh rằng: đất mà anh nói đó là không phải cái gì cả. Tôi cũng vừa hỏi anh về đất ấy và với câu hỏi nào anh cũng trả lời rằng không. Ðất anh nói đã là không phải bất cứ cái gì tôi nêu ra, vậy thì đất hẳn là ngoan không. Anh đừng tìm cách bịp tôi nữa.
- Tốt! Anh đã quả quyết rằng không có đất liền. Tôi cũng không có cách nào hơn là cứ để anh tiếp tục tin như anh đã nghĩ. Nhưng một mai, có ai khác hơn tôi và đủ sức phân biệt cho anh thấy sự sai khác giữa đất và nước, ngày ấy anh sẽ thấy rằng anh chỉ là một con cá ngốc".
Tâm trạng của con cá này là tâm trạng của một số người thường dựa vào sự hiểu biết nông cạn của mình, để quan niệm Niết bàn. Có người nghĩ rằng Niết bàn là một trạng thái hư vô tịch diệt luôn; có người nghĩ Niết bàn là cảnh Thiên đường như của ngoại đạo; có người lại bảo nếu Niết bàn không phải là hư vô tich diệt mà cũng không phải là Thiên đường, thì Niết bàn là một không tưởng.
Tóm lại, muốn thấy được Niết bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải thể nhập Niết bàn. Muốn thân chứng, thể nhập Niết bàn, cần phải tu theo phương pháp mà đức Phật đã dạy trong phần Ðạo đế.
Theo: daibaothapmandalataythien.org