Kiến thức
Mười cách sanh phước
Chủ nhật, 14/01/2022 12:36
Một số người sống thường gặp nhiều an lạc, mọi điều được thuận lợi một cách khá dễ dàng mà không phải nhọc công hơn nhiều người khác. Có khi người ta cho đó là sự may mắn. Nhưng đối với một người Phật tử chân chánh sẽ hiểu rằng đó chính là do năng lực của phước thiện chiêu cảm mà được như vậy.
Phước thiện, từ Pàli là punna có nghĩa là pháp làm cho tâm trở nên trong sạch hay pháp có công năng đem lại hạnh phúc cho cõi người, hạnh phúc cõi trời, hạnh phúc tịch lặng níp-bàn.
Phước thiện gồm có 10 loại:
1. Bố thí.
Phước phát sanh do cho hay dâng tặng những vật mà mình sở hữu. Có hai thành tố tạo nên công đức bố thí: tác ý thí và vật thí. Chính tác ý thí mới đem lại phước báu đời sau chứ không phải là vật thí. Vật thí chỉ trợ giúp cho tác ý thí thêm mạnh hơn, bén nhạy hơn mà thôi. Ta nên suy gẫm những lợi ích của bố thí và biết ơn người thọ thí. Vì có người thọ thí thì phước thiện ta mới thành tựu trọn vẹn. Nhất là phải khéo léo để cho tâm hoan hỷ trong việc phước thiện cả ba thời: Ý định làm việc lành bố thí khi mua sắm chuẩn bị trước khi hiến tặng; lúc đang hiến tặng; sau khi làm việc thiện thì vui thích đã làm được việc thiện và thường nhớ lại giây phút đó.
2. Giữ giới.
Phước phát sinh do tuân giữ ngũ giới (cố ý tránh xa: Sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, dễ duôi uống rượu và các chất say), bát quan trai giới (gồm ngũ giới cộng thêm ba giới là tránh xa: sự ăn sái giờ; sự múa hát, thổi kèn đờn, xem múa hát nghe đờn kèn, trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa; tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp). Giữ giới sẽ đảm bảo sự an toàn cho chúng sanh, không gây khổ đau cho người khác và dễ phát sanh các tâm vô lượng như lòng từ, lòng bi mẫn, sự hoan hỷ.
3. Hành thiền.
Phước phát sinh do đào luyện tâm để trở nên trong sạch và cao thượng. Thiền gồm hai loại chính là thiền định và thiền quán.
4. Cung kính.
Phước phát sinh do biết cung kính những bậc xứng đáng được cung kính. Bậc xứng đáng được cung kính như những bậc có giới đức, bậc có định, có tuệ, cha mẹ, thầy tổ, các bậc lớn tuổi…. Biết cung kính tăng là những bậc đang mang màu cờ sắc áo của các bậc giải thoát.
5. Phục vụ.
Phước phát sinh do giúp đỡ người khác trong cách thiện phước. Đến chùa làm công quả, giúp đỡ người khác, hộ độ chư tăng, chăm sóc người khác… thì phước báu cũng sẽ trổ sanh.
6. Hồi hướng phước.
Phước phát sanh do chia phần phước mình đã tạo cho người khác. Thật ra thì người thí vẫn nhận trọn vẹn phần công đức của chính mình đã làm theo đúng luật nhân quả, nhưng do tâm trong sạch mong muốn gia quyến, những người khác hoặc chư Thiên cũng được phần phước báu như chính mình. Chính tâm cao thượng đó phát sinh làm tăng trưởng phước của người thí. Ngay sau những thời hành thiền hay sau ngày thọ bát quan ta nên hồi hướng đến ông bà cha mẹ đã quá vãng, cửu huyền thất tổ… để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành.
7. Tùy hỷ phước.
Phước phát sinh do tâm hoan hỷ trước việc thiện của người khác. Phật tử Nam Tông thường tỏ sự hoan hỷ trước sự hồi hướng của người khác bằng cách tán thán: ‘sàdhu! Sàdhu! Lành thay’.
Bà con quyến thuộc của vua Bình Sa Vương trong thời Đức Phật Phussa, do ác nghiệp trộm phần thực phẩm dâng cho chư tăng mà phải trải qua thời gian vô cùng lâu dài chịu đói khát, chịu lạnh, thiếu y phục, nơi trú ngụ. Nửa đêm khuya than khóc vì chẳng có ai hồi hướng phước cho chúng. Vua liền tác bạch với Đức Phật và được Ngài dạy cho cách hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc. Sau buổi cúng dường đến chư tăng, khi được vua hồi hướng, các ngạ quỷ phát sinh tâm hoan hỷ trước phước thiện của vua, liền thoát kiếp quỷ đói.
8. Thính pháp.
Phước phát sinh do lắng nghe chân diệu pháp của Đức Phật. Những lời giáo huấn cao quý của Đức Phật được các bậc có trí giảng giải, sau khi nghe rồi thì: Được hiểu thêm những điều hay, nếu đã nghe rồi thì càng hiểu sâu hơn, dứt được các mối nghi ngờ trước sự hay biết mông lung không rõ ràng, có được chánh kiến, hiểu đúng, chính xác không sai lầm, đức tin và trí tuệ tăng trưởng, tâm trở nên trong sạch.
9. Thuyết pháp.
Phước phát sinh do với tâm trong sạch cung kính thuyết giảng, dạy bảo những lời huấn từ cao quý của Đức Phật. Hoặc với tâm cung kính hội đàm thân mật về Pháp bảo, trao tặng các sách, ấn tống CD về Phật học cũng là pháp thí. Phước phát sinh do bố thí pháp sẽ thù thắng hơn mọi hình thức bố thí khác.
10. Chánh kiến.
Phước phát sinh do việc sửa cho thẳng ngay, chính xác một quan điểm. Phải nghe nhiều, học cho thấu đáo, suy nghiệm kỹ càng, nhận thức chân lý và hành theo chân lý đó, sẵn sàng từ bỏ những điều sái quấy mê tín dị đoan các chấp thủ sai lầm trước đó. Có đức tin chân chánh rằng: Có hành vi thiện, có hành vi ác; có quả tốt hay xấu do hành vi thiện hay ác gây ra; bởi có nhân nên có đời này, có đời sau; có chư thiên, phạm thiên; nếu có người khéo thực hành chánh pháp thì sẽ chứng đạt được thiền, thần thông, chứng đạo, chứng quả và níp-bàn.
Tất cả chúng sanh khi chấm dứt thọ mạng của mình đều phải theo nghiệp thiện hay ác đã gieo trong đời sống. Tất cả mọi tài sản, con cháu ruộng vườn đều phải để lại mà không ai có thể đem theo được. Nếu làm ác thì chắc chắn gặt quả khổ, chuyên hành thiện thì sẽ gặt quả an vui. Đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi người.
Người hằng hành thiện trong hiện tại thường được an vui, ngủ được an vui, thức được an vui, thường thọ sanh ở những cõi trời có nhiều phúc lạc, nếu thọ sanh ở cõi người cũng thường sinh ở những gia đình giàu có danh giá, đạt được nhiều may mắn, an lạc cũng như là bóng không rời hình vậy. Và cuối cùng, các phước thiện sẽ hộ trì cho người vượt thoát mọi tai họa, đạt tuệ giác ngộ níp-bàn tuyệt đối trong ngày vị lai.