Kiến thức
Muốn an, sẽ an
Thứ ba, 30/06/2023 02:31
Một thời, Thế Tôn ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỷ kheo: - Này các Tỷ kheo, có năm an ổn trú này, thế nào là năm?
- Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. An trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. An trú từ ý nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị uế nhiễm, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Đối với tri kiến này, thuộc bậc Thánh đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng.
- Năm pháp này, này các Tỷ kheo, là năm an ổn trú.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm An ổn trú, phần An ổn trú, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.522)
Lời bàn:
An ổn nghĩa là sống yên lành, cuộc sống có yên ổn mới làm được mọi việc, vì thế phải an cư mới lạc nghiệp. Đối với đời sống xuất gia, được sống yên ổn là một nhu yếu quan trọng để từng bước hướng đến thanh tịnh tâm hồn, phát triển và thăng hoa tâm linh.
Trong ý nghĩa cao quý của an cư kiết hạ mà mỗi người xuất gia đều phải tuân thủ khi mùa mưa đến là thân an cư và tâm an cư thì được ở yên hay an ổn trú thuộc về thân an cư. Người xuất gia có truyền thống sống chung với Tăng đoàn, do vậy để đạt được hòa hợp, an vui cần phải tuân thủ những nguyên tắc, quy củ thiền môn mà Phật đã chế định và quan trọng hơn phải có một nghệ thuật sống tràn đầy chất liệu tuệ giác và tình thương.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn yên ổn, một hành giả cần phải nỗ lực để kiện toàn tự thân bằng cách thực hành những nghệ thuật sống thoát tục. Trước hết, đối với ba nghiệp gồm suy nghĩ, lời nói và hành động phải được nuôi dưỡng và biểu hiện bằng tâm từ, phát xuất từ lòng yêu thương chân thật đối với những người bạn đồng tu, các đồng Phạm hạnh, trong mọi lúc và mọi nơi. Kế đến, muốn sống chung an lạc, một hành giả phải tuân thủ thanh quy, giới luật. Chính sự tự giác khép mình trong khuôn khổ, an trụ trong giới pháp của mỗi cá nhân tạo nên sự bình ổn trong cộng đồng, góp phần giúp đại chúng ở yên. Đặc biệt là sự thành tựu Chánh tri kiến, thấy rõ về sự thật của các pháp là vô thường, vô ngã; nhận thức đúng đắn về con đường xuất ly, ly dục, đoạn diệt khổ đau để thực hành trọn vẹn Bát Thánh đạo.
Mỗi người xuất gia là một tế bào trong cơ thể Tăng đoàn. Vì thế, một người sống an ổn sẽ góp phần tạo nên sự an ổn và thanh tịnh trong đại chúng. Đây cũng là một phần ý nghĩa an cư mà mỗi người con Phật cần thực hành và chứng đạt trong mùa an cư kiết hạ và trong đời sống tu tập hàng ngày.