Kiến thức

Muốn chuyển nghiệp phải tu thế nào? (I)

Thứ hai, 16/03/2021 11:34

Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề tu chuyển nghiệp. Nghiệp là gì? Muốn chuyển nghiệp phải tu thế nào?

Đây là vấn đề hầu hết huynh đệ chúng tôi tuy đã có thời gian nhiều năm theo học với Hòa thượng Ân sư nhưng vẫn canh cánh trong lòng. Hòa thượng dạy chuyển được nghiệp chính là sự thành công của việc tu hành. Nghiệp là một loại năng lực bắt nguồn từ thói quen. Thói quen nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành sức mạnh. Lâu ngày sức mạnh đó phát triển kết thành năng lực, năng lực ấy mỗi ngày được nuôi nấng tưới tẩm thì dễ dàng nhanh chóng chuyển thành nghiệp lực.

Một điều rất tệ là ai cũng có nhiều thói quen ngủ ngầm bên trong. Chủng tử tập khí tiềm ẩn thật khó lường. Vì không lường nên khó điều phục chuyển hóa, do đó không làm chủ được nó, từ đó phát triển thành năng lực. Năng lực có sức mạnh giống như bánh xe đã bắt trớn, khi chạy nhanh rồi nó tạo ra nghiệp lực. Đã có nghiệp còn cộng thêm lực, do đó nó rất mạnh sẽ lôi chúng ta đi một cách dễ dàng. Vì vậy người tu cố gắng nhận biết thói quen của mình ở chỗ tinh tế nhất. Từ đó gầy dựng chủ lực sẵn sàng đối kháng khi thói quen dấy động, điều này đồng nghĩa với việc làm chủ các dấy niệm.

Tỉnh thức để dạy con chuyển nghiệp thành nguyện

Những sở thích riêng như ham chơi game, thích hát, hút thuốc, uống rượu, hay làm việc này việc kia là do thói quen. Ngay từ thời ban sơ, chúng ta đâu có biết gì. Hồi mẹ còn ẵm bồng trên tay, đói khóc thì được cho ăn. Tùy theo thói quen riêng của mỗi người mà ba mẹ, anh chị có cách chăm sóc, giáo dục khác nhau. Đôi khi mầm thói quen từ đây phát triển mạnh hoặc tan mất. Một đứa bé có thói quen mỗi khi đói bụng khóc ré lên không ai dỗ được, nhưng cho ăn là bé hết khóc liền. Đó là biểu hiện của thói quen từ nhiều đời bây giờ nó phát tiết ra. Khi thói quen mạnh tạo thành lực rồi thì không chỉ biết khóc thôi, những phản ứng khác theo đó mà nảy nở. Càng lớn chừng nào lực phản ứng càng mạnh chừng nấy.

Nghiệp là một loại năng lực bắt nguồn từ thói quen.

Nghiệp là một loại năng lực bắt nguồn từ thói quen.

Thói quen mỗi người không ai giống ai. Có người hay buồn khóc, chuyện không đáng gì cũng có thể khóc dễ dàng. Có người hay giận, hay la hét mỗi khi không bằng lòng với ai hoặc gặp nghịch duyên. Mỗi lần khát nước, có bé biểu hiện rất lạ. Bất cứ ai ở gần dù mẹ hay ba, bé đều quơ tay đánh, bực tức khua múa lung tung. Những hành động này chẳng qua chỉ là biểu hiện muốn thỏa mãn bản ngã.

Mẹ biết bé muốn uống nước, cho chút nước vào miệng là xong ngay. Với người tu, khi kiểm nghiệm chỗ này chúng ta phải ghi nhận và tìm phương thức chuyển hóa, không nên nuôi dưỡng các dấy niệm lâu ngày, nó sẽ tạo thành năng lực của nghiệp thì khổ. Chuyển nghiệp, dừng nghiệp để phát huy và sống được với tánh giác của mình.

Khi về thăm quê, chú bác hay nói với tôi rằng:

- Thầy giống ba Thầy một điểm.

Vì không biết ông già tôi ra sao nên tôi hỏi lại:- Mấy chú thấy giống như thế nào?

- Cái đầu ba Thầy hồi đó sói sọi. Thầy bây giờ cũng không có mấy cọng tóc ở giữa.

Đây là biểu hiện di truyền gen trong gia đình, hình thành nên cấu trúc thân thể chúng ta. Bộ sọ thành hình từ một cái chủng, cái gen, cũng có thể từ một thói quen. Nói từ một thói quen có khi các nhà khoa học sẽ chê không đúng. Nhưng thật sự toàn bộ thân tâm chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghiệp thuộc về tinh thần, từ đó nó phát tiết ảnh hưởng đến thân vật chất, mà nguyên ủy là tế bào. Do vậy trong gia đình từ cha đến con đều có cấu trúc thân thể tương đối giống nhau. Nếu có khác thì đó là phần giống mẹ chứ không thể giống ai bên ngoài.

Biết rõ nguyên ủy tức nguồn gốc của sự vật là như vậy, người tu phải khéo léo chuyển sửa nó. Đây là việc làm không mấy dễ dàng. Người huynh đệ này trước đây chưa hề biết hút thuốc, uống trà đậm hà huống uống rượu bia. Thời gian sau tham gia công tác chung đụng với mọi người, không biết từ hồi nào anh lại thích uống trà mà phải là trà ngon, đậm đặc. Rồi cà phê, dù nghe mọi người xung quanh nói cà phê là một chất độc, uống không đúng liều lượng lá gan sẽ không chịu nổi. Vì không chuyển tải được nên chính những cặn bã tụ thành chất độc gây ra bệnh, thường là bệnh u xơ hoặc ung thư chẳng hạn. Mọi người khuyên không nên tiếp tục dùng những chất đó, nó sẽ phá hủy nội tạng của anh. Nhưng bấy giờ anh đã bị ghiền rồi, trước mắt nếu không sử dụng anh sẽ chịu không nổi. Không bao lâu anh ngã bệnh.

Lời Phật dạy về cách chấm dứt 'đời cha ăn mặn, đời con khát nước': Phải tu tập chuyển hóa bản thân

Có nhiều người sống không điều độ nhưng lại sống tùy lượng. Một huynh đệ nói với tôi điều này: - Ngồi trên mâm cơm món gì cũng cữ hết, thôi thà nghỉ ăn cho rồi. Cho nên huynh thoải mái cầm đũa, món nào muốn ăn thì cứ gắp, không cần kiêng cữ. Chiên xào, cay mặn gì cứ ăn tự nhiên, rồi kiếm thuốc uống. Thuốc tây không có thì uống phương ngoại cũng tự nhiên sống bình thường. Ở con người này quả là có một phong cách riêng. Tuy nhiên trên phương diện tu như vậy là khó chuyển được thói quen. Có lần ngồi ăn cơm với nhau, tôi nói:

- Anh cứ dùng tự nhiên. Có những món nếu dùng sẽ hại đến gan nhưng tôi có thể dùng những thứ khác như rau củ chẳng hạn, không chết đi đâu cả. Giống như chiếc xe muốn nó khởi động phải đổ xăng, xăng nào cũng được, đâu nhất thiết phải xăng Tây xăng Tàu gì.

Tuy rằng những suy nghĩ của anh chưa làm tổn thương đến sức khỏe ngay, nhưng các tế bào bên trong không chấp nhận, không chuyển hóa. Giống như người đi bộ giỏi, nhưng đi mười bước rồi đứng lại hoặc có khi thụt lùi hai ba bước. Từ sáng tới chiều chỉ loay hoay trong khoảng chừng ấy thôi, không tới đâu hết. Đây là một kinh nghiệm nhắc nhở chúng ta cố gắng làm chủ mình, phát huy được chất xám để chuyển hóa những ương yếu bên trong. Đó cũng là một cách rèn luyện công phu.

Như trên đã nói thói quen phát triển mạnh sẽ chuyển hóa thành nghiệp lực. Khi đã thành nghiệp lực mà thiếu trí tuệ thì tạo tác các nghiệp nhân không tốt. Đây là chỗ chúng ta cần phải gạn lọc. Tu là sửa. Sửa cái gì? Từ bé thơ, ba mẹ, anh chị luôn kêu mình chỉ dạy, dặn dò từng chút. Sáng ra ôm cặp đi học, tới bà nội nhận một xu rồi chào ba mẹ, anh chị. Lại chào bố, đi chưa tới nơi đã gật đầu một cái định vọt liền. Mẹ kêu lại dạy: “Con phải đứng ngay ngắn, chào ba lễ phép để ba gật đầu lại với con chứ, đâu có trộm như vậy được. Chào mẹ, chào anh chị cũng phải như thế. Một lễ nghi bình thường thôi mà làm không được thì mai kia mốt nọ lớn lên con làm gì?” Nội việc đi học thôi mà linh tinh đủ thứ chuyện. Được một đồng ten để vô trong bị rồi là muốn vọt đi cho kịp với chúng bạn. Nhưng không, mẹ bắt phải chào hết mọi người trong nhà. Nếu không được chỉ dạy cặn kẽ như thế, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen không tốt.

Phật dạy không nhân nào không có quả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân không tốt thì tương ứng quả không tốt.

Phật dạy không nhân nào không có quả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân không tốt thì tương ứng quả không tốt.

Năm anh 16 tuổi, gia đình có sự cố, ba mẹ xích mích nhau nên mẹ về sống với ngoại. Anh ở lại với ba, mấy bà cô và anh chị. Anh nhớ mẹ vô cùng. Những nhắc nhở hàng ngày của mẹ không còn nữa, thay vào đó là sự bảo ban của ba và các bà cô, trong đó có một bà cô thường đi chùa. Hôm nào trước khi đi học gặp bà cô là chết rồi, không phải khoanh tay chào như cách mẹ dạy. Bà bắt phải chắp tay thành hình búp sen, không được so le mười ngón, cúi đầu còn hơi cứng, bà lấy tay đè đầu xuống. Những lúc ấy anh thấy sao luộm thuộm quá, nhưng không dám cãi, chỉ làm nhanh để chạy đi cho rồi. Nhưng lớn lên hình dung lại những hình ảnh đó thấy được giá trị cần thiết của nó trong cuộc đời. Thật đáng tiếc khi đến một đạo tràng, một ngôi chùa, mình là người Phật tử mà lại không biết những nghi thức sơ cơ như vậy. Nếu không được ba mẹ, người thân gầy dựng ngay từ nhỏ thì làm sao chúng ta cung kính, thành tâm khi đến những nơi tôn nghiêm như chùa viện. Cho nên lễ nghi cúng kính nếu có công đức thì phần ấy dành cho mình, chứ đâu dành cho ai khác.

Khéo tích công bồi đức

Dù ước mơ Phật ban nhiều công đức mà trong tận đáy lòng, tận thâm tâm sự thành kính chưa trọn vẹn thì công đức không thể có. Đây là một thí dụ về hình thức. Phật dạy không nhân nào không có quả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân không tốt thì tương ứng quả không tốt. Ngay từ nhỏ nếu nền tảng đạo đức không được xây dựng từ sự học tập trong môi trường tốt là một thiệt thòi. Do đó cơ hội để hình thành những điều kiện, gầy dựng những nhân tốt bị thiếu hụt. Việc chuyển nghiệp nhất định đòi hỏi phải sáng suốt, tức đòi hỏi trí tuệ. Dùng trí tuệ quán chiếu soi xét kỹ từng phần mới có thể chuyển hóa nghiệp. Không để thói quen tự tung tự tác tạo thành năng lực, phải chủ động sáng suốt làm chủ nó. Đây chính là tu chuyển nghiệp. Nghiệp từ thời nào không biết nhưng nó luôn ấp ủ trong sâu thẳm của tàng thức. Tuy chúng ta đã trưởng thành, có kiến thức nhưng đối với một vài thói quen nhỏ lại không trị được. Nếu trị không được nó sẽ thành hình lớn hơn, năng lực mỗi ngày câu thúc mạnh hơn, chừng đó thì bất trị.

Tu hành là sửa. Một chữ sửa thôi có khi cả đời chúng ta làm không xong. Nếu chuyển được nghiệp tức có thanh tịnh, từ đó đi đến giác ngộ không khó. Vì còn nhiều nghiệp tập chưa chuyển được nên ta chưa giác ngộ. Pháp của Phật tuy có chia ra nhiều môn: Nguyên thủy, Phát triển… nhưng tựu trung đều là phương tiện đưa chúng sanh đi đến giải thoát. Không một pháp môn nào Phật dạy lại không điều trị được bệnh của chúng sanh. Tùy theo căn cơ và mức độ bệnh, cộng với điều kiện xung quanh mà áp dụng phương pháp trị bệnh cho đúng. Cũng như phải biết trong kho hiện giờ thiếu gạo, thiếu nước tương, thừa cà phê, thuốc lá, bánh kẹo. Thiếu thì bổ sung, thừa thì thảy ra.

(Còn tiếp)

loading...