Kiến thức
Muốn dạy con nên người trước tiên hãy là cha mẹ tốt
Thứ năm, 07/03/2024 10:42
Sinh con ra là một việc khó, nuôi con khôn lớn nên người lại là việc khó hơn. Nhất là trong xã hội hiện đại, những gì cha mẹ cần làm cho con cái càng nhiều, vai trò của cha mẹ càng quan trọng, trách nhiệm, bổn phận càng cao.
Trong một xã hội phức tạp đầy biến động, các bậc cha mẹ thời hiện đại vừa quay cuồng, tất bật với đời sống kinh tế, vừa ra sức chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, vừa nỗ lực đóng góp cho xã hội, phần lớn họ không có đủ thời gian quan tâm săn sóc, dạy dỗ con cái. Thời gian ở nơi làm việc nhiều hơn ở nhà, bận rộn với công việc, hối hả với thời gian, đem cả công việc về nhà, những bữa cơm gia đình trở nên hiếm hoi, không khí gia đình tẻ nhạt, mọi người không có cơ hội gặp gỡ, quan tâm chia sẻ với nhau những ấm lạnh vui buồn, bày tỏ những tình cảm thân thương quý mến.
Nền nếp gia đình lỏng lẻo, con cái không được quản giáo tốt, chúng sống thiếu tình thương yêu của cha mẹ, rơi vào các chứng bệnh trầm cảm, stress, hoặc rơi vào con đường nghiện ngập, các thói hư tật xấu như lạm dụng tình dục, ma túy, rượu bia, cờ bạc, game online…
Không ít thanh thiếu niên vì không được quan tâm dạy dỗ, thiếu nhận thức, không xác định được những giá trị đích thực của cuộc sống, không có mục đích và lý tưởng sống, để thỏa mãn thói đua đòi, tiêu xài hoang phí, đã có hành vi trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người, rơi vào con đường tù tội, trở thành gánh nặng, nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Đa số trẻ vị thành niên phạm tội đều có hoàn cảnh gia đình không tốt, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ hoặc do mồ côi cha, mồ côi mẹ, bỏ học sớm, hoặc sống trong gia đình cờ bạc, rượu chè v.v... Vì thế nên việc ổn định cuộc sống gia đình, ổn định công việc, sự nghiệp, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người là thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ thời hiện đại. Trong việc giáo dục con cái, gia đình phải đồng hành với nhà trường, đồng hành với xã hội.
Ngày nay người phụ nữ ra ngoài làm việc, một phần vì nhu cầu đời sống vật chất (cả hai vợ chồng đều làm mới có thu nhập đủ sống trong thời buổi kinh tế khắc nghiệt), một phần vì nhu cầu làm việc, giao tiếp, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội. Việc gia đình, việc xã hội chồng chất đè nặng lên đôi vai người phụ nữ khiến cho những người mẹ không có đủ thời gian, không có đủ tâm trí để quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con cái. Sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức, chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất mà không quan tâm đến nhu cầu tình cảm, đời sống tinh thần đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng trong đời sống gia đình và xã hội.
Phần lớn cha mẹ thích gởi con cái vào các trường công, trường tư hoặc tại nhà giáo viên để rảnh tay lo cho công việc, sự nghiệp. Từ sáng sớm trẻ đã được đưa vào trường bán trú hoặc tư gia thầy cô giáo, chiều tối mới được đón về nhà, mọi việc chăm lo dạy dỗ, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí của trẻ đều phó thác cho thầy cô. Con trẻ không có thời gian gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với cha mẹ, không được cha mẹ hỏi han, trò chuyện, không được cha mẹ nhắc nhở, bảo khuyên, chia sẻ tâm tư tình cảm, từ đó mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa cha mẹ và con cái không được thiết lập, cha mẹ và con cái không có cơ hội tiếp xúc nhiều để hiểu nhau. Đáng thương hơn, có nhiều đứa trẻ luôn phải chứng kiến cha mình say xỉn mỗi khi về nhà, chưa bao giờ được cha quan tâm hỏi han trong khi chúng lại có nhu cầu được yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
Do tâm sinh lý đang ở độ tuổi hình thành và phát triển, lại gặp những khó khăn, khúc mắc trong quá trình giao tiếp, ứng xử, trong sinh hoạt, học tập, trẻ rất cần được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, rất cần được tư vấn, chỉ dạy, dẫn dắt, định hướng. Trẻ cần cha mẹ truyền trao những kinh nghiệm, hiểu biết để nâng cao nhận thức, để trưởng thành, để phát triển nhân cách, trí tuệ, tùy từng giai đoạn trưởng thành mà trẻ có những nhu cầu cần cha mẹ quan tâm.
Ở trường, trong lớp học, số lượng học sinh nhiều, trình độ không đồng đều, tâm lý tình cảm không giống nhau, thầy cô khó có thể quan tâm một cách chu đáo, kỹ lưỡng từng em một, lại có nhiều trường hợp giữa thầy và trò không có sự thông cảm, hiểu biết nhau, không có sự gần gũi như trẻ và cha mẹ ở nhà.
Các bậc cha mẹ cần phải “tri túc”, đừng bị cuốn theo danh lợi, quyền lực, nên dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình nếu như điều kiện sống của gia đình mình ổn định, cuộc sống khá tốt. Và có lẽ các doanh nghiệp nên “thiểu dục”, bớt chạy theo doanh thu, lợi nhuận, đồng thời Nhà nước nên có phương án giảm thuế cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tăng lương và giảm giờ làm cho người làm công, giúp người làm công có điều kiện tốt ổn định cuộc sống và dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái, không còn tình trạng tăng ca làm đến 21-22 giờ, có khi làm luôn ngày lễ, Chủ nhật, vợ chồng và con cái trong gia đình không có thời gian gặp mặt nhau. Được như thế chắc chắn xã hội sẽ giảm tệ nạn do gia đình được sự quan tâm, thế hệ trẻ được yêu thương và giáo dục tốt; xã hội sẽ ổn định hơn, có an ninh trật tự hơn, đời sống người dân có chất lượng hơn.
Nếu vì mải chạy đuổi theo những mục tiêu tham vọng (quyền lực, giàu sang, danh tiếng, sự hưởng thụ…), vì quá bận rộn mà không có thời gian tiếp xúc để hiểu nhau, yêu thương nhau, chia sẻ với nhau những cay đắng ngọt bùi, giúp nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống, thì đời sống cá nhân và xã hội sẽ gặp nhiều rắc rối, chất lượng sống giảm, cuộc sống mất đi nhiều ý nghĩa, con người lúc bấy giờ có khác chi là những cỗ máy vô cảm vô hồn, hoặc người ta chỉ sống theo bản năng như các loài động vật.
Trở lại vấn đề vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ, góp phần xây dựng thế hệ tương lai. Ông bà cha mẹ nhất định phải dành thời gian cho con cái, chăm sóc và dạy dỗ, giáo dục bằng lời nói và hành động, làm tấm gương cho con cái. Tình trạng cha mẹ trút những căng thẳng, bực bội do áp lực đời sống, áp lực công việc lên đầu con cái; cảnh cha mẹ thường gây gổ với nhau, có khi thiếu kiềm chế, có những hành vi thiếu văn hóa như văng tục, chửi thề, nói năng cộc cằn thô lỗ, la ó quát tháo cũng khiến cho trẻ có những ấn tượng xấu khắc sâu trong tâm hồn. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Sống trong hoàn cảnh gia đình như thế, có nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà đi hoang vì bi quan chán nản, hoặc trẻ bị trầm cảm, stress, rối loạn tâm thần, không ít trường hợp trẻ nổi loạn, bất cần đời và có hành vi phạm tội.
Trẻ luôn có nhu cầu được quan tâm, được yêu thương, được chăm sóc, được chia sẻ, động viên, khích lệ. Chúng không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt mình, trước mặt bạn bè, hàng xóm, không muốn cha mẹ có những hành động cư xử không đẹp (bởi trong lòng con trẻ, cha mẹ luôn là hình tượng cao đẹp, đáng kính, là niềm tin yêu của con cái), chúng muốn cha mẹ tôn trọng lẽ phải, điều tốt, tôn trọng công bằng, sống chân thật và có lòng bao dung độ lượng. Một khi hình ảnh cha mẹ bị xấu đi, gia đình không còn là điểm tựa, không còn là tổ ấm thì trẻ có cảm giác bơ vơ lạc lõng, khổ đau, trẻ hụt hẫng, mất niềm tin, mất phương hướng, thậm chí không còn thiết sống.
Cha mẹ cần làm tốt vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, chăm lo cho con cả đời sống vật chất lẫn tình cảm, tinh thần, giúp con hình thành và phát triển nhân cách tốt, trang bị cho con những kỹ năng, giá trị sống, giúp trẻ biết cách ứng phó với những tình huống xảy ra trong cuộc sống, biết cách tự điều chỉnh hành vi, lối sống, biết trau giồi nhân phẩm, đạo đức của bản thân.
Giá trị giáo dục, sức thuyết phục con trẻ càng cao khi hành động, việc làm, cách ứng xử, lối sống của cha mẹ không trái với những gì cha mẹ đã dạy con cái, cha mẹ phải là tấm gương về nhân cách, đạo đức. Có nhiều bậc cha mẹ không quan tâm điều này, bắt con cái phải làm điều này điều nọ nhưng lại dễ dãi với chính mình, cho phép bản thân mình làm ngược lại. Càng tệ hơn khi không ít cha mẹ vô tình dạy cho con cái những điều không tốt, ví dụ như bỏ tiền ra mua việc làm, bằng cấp, chạy trường, xin điểm, chạy án v.v... Cha mẹ hướng con cái vào tệ nạn, lối sống tiêu cực: tập cho con rượu chè, cờ bạc, tiêu tiền, xa hoa trụy lạc, nhận thức sai giá trị của đồng tiền, đua đòi chạy theo lối sống thực dụng, ỷ lại, dựa dẫm vào tiền bạc, quyền thế…
Sinh con thì dễ, nhưng để trở thành cha mẹ tốt, trở thành cha mẹ đúng nghĩa, làm tròn trách nhiệm, bổn phận thực sự là điều không dễ dàng. Đôi khi chúng ta muốn con mình ngoan, con mình giỏi, thật xứng đáng, nhưng lại quên rằng mình vẫn chưa là người cha người mẹ tốt của con. Vì thế, trước tiên hãy là cha mẹ tốt!