Kiến thức

Muốn tăng trưởng phước báu khi hồi hướng công đức - người đệ tử Phật cần biết rõ điều này

Thứ năm, 07/07/2022 01:13

Phúc báu có tính chất bảo hộ, giúp chúng ta gặp điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống. Chính vì vậy, chúng ta cần nỗ lực tu học, làm việc thiện để tăng trưởng phước báu, đem phước báu đó hồi hướng cho mình, cho người thân và khắp pháp giới chúng sinh.

Vậy khi hồi hướng công đức cho chúng sinh khác, phước của mình có giảm không? Chúng ta nên hồi hướng thế nào để mình cũng như người nhận đều được lợi ích? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua lời giảng giải của Đại đức Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.

Hồi hướng phước báu là gì?

Đầu tiên, để đại chúng hiểu khái niệm: “Phước báu là gì?”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Phước là kết quả của các việc thiện. Các việc thiện sinh ra phước báu, phước đem đến may mắn, an lành, tốt đẹp, hạnh phúc cho chúng ta”.

Y lời Đức Phật dạy trong Kinh Thập thiện, Đại đức cũng chia sẻ 3 nguồn sinh ra phước báu gồm: Thứ nhất là bố thí, thứ hai là trì giới và thứ ba là do tu tập. Cụ thể là từ một số việc làm như: phóng sinh, bố thí, cúng dường, sống chung thủy, nói lời chân thật, sống lành mạnh, không bảo thủ, không tà kiến.

Cùng với đó, Đại đức giải thích “hồi hướng” theo quan điểm của nhà Phật: “Ví dụ, chúng ta làm một thiện sự gì đấy, sau khi làm như vậy thì sinh phước báu, ta thu phước báu về gọi là hồi; sau đó hướng đến ai gọi là hướng. Đại chúng vừa tụng kinh vừa sám hối xong sinh ra phước báu, phước báu ấy ta gom lại sau đó sẽ hướng cho ai, gửi đến cho ai đó gọi là hồi hướng”.

Từ lời Đại đức giảng giải, chúng ta hiểu rằng, hồi hướng phước báu nghĩa là thu hồi phước báu phát sinh từ việc làm thiện lành và gửi phước báu đó đến đối tượng mà chúng ta mong cầu được sống an lành, tốt đẹp.

Khi hồi hướng, phước báu có bị giảm đi hay không?

Trong buổi vấn đáp Phật Pháp về chủ đề: “Hồi hướng công đức - phước của mình có bị giảm đi không?”, Sư Phụ đã kể câu chuyện về một người nông dân rất nghèo, ông đã cúng dường toàn bộ phần cơm trưa của mình cho vị Phật Độc Giác với lòng thành kính. Ngài hoan hỷ thọ nhận và chú nguyện cho người nông dân này được phước báu. Việc đó được chư Thiên, Quỷ thần ca ngợi, tán thán đến tai nhà vua.

Vua đã đến gặp người nông dân để xin chia phước vì không có duyên được cúng dường Phật Độc Giác. Người nông dân lo lắng rằng, nếu chia phước cho nhà vua thì mình sẽ mất hết phước, cho nên ông đã đi tìm gặp Phật Độc Giác để bạch hỏi. Đức Phật Độc Giác đã lấy ví dụ về bó đuốc đang cháy và hỏi vị nông dân rằng, ví như bó đuốc của ông đang cháy mà mọi người mang đuốc của họ đến xin lửa ở bó đuốc của ông thì lửa ở bó đuốc của ông có bị mất đi hay không?

Các Phật tử chắp tay trang nghiêm hồi hướng công đức sau buổi nghe Pháp tại chùa

Các Phật tử chắp tay trang nghiêm hồi hướng công đức sau buổi nghe Pháp tại chùa

Vị nông dân hiểu ra và trả lời rằng, lửa ở bó đuốc của ông vẫn không bị giảm. Qua đó, Đức Phật Độc Giác cũng khẳng định việc vị nông dân hồi hướng phước báu cho nhà vua với tâm chân thật thì phước báu của ông ấy không bị mất đi.

Từ câu chuyện trên, Đại đức khẳng định: “Khi làm một việc thiện, một nghiệp thiện sinh ra được quả phước, chúng ta hồi hướng cho thân quyến hay cho ai thì thân quyến mình được phước và được phước như thế nào là còn tùy thuộc vào nghiệp duyên của họ. Về phía mình thì mình không bị mất phước đi. Cho nên tại sao chúng ta vẫn thường nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả, cho cả pháp giới này”.

Cách hồi hướng để tăng thêm phước báu

Để chúng ta dễ tư duy và thực hành, Sư Phụ giảng giải: “Nếu chỉ hồi hướng miệng mà tâm ý không có, tâm xả tham của mình chưa có, tâm ích kỷ của mình vẫn còn thì hồi hướng không được bao nhiêu. Phước ấy không chuyển đi được. Cho nên, khi làm phước, chúng ta hồi hướng phước thì phước của mình không mất. Nhưng ta chân thành hồi hướng thật sự với tâm rộng lớn thì phước của mình không những không mất đi mà còn tăng lên. Từ đó, đại chúng yên tâm thực hành thiện pháp, phước báu được nhân rộng ra”.

Tiếp đó, Đại đức khuyến tấn: “Chúng ta tu tập, làm việc phước thiện thật nhiều và chân thành hồi hướng không chỉ cho thân quyến mà cho pháp giới này cùng được hưởng phước báu thì chúng ta không mất phước mà pháp giới lại được tăng thêm phước báu”.

Như vậy, nếu chúng ta hồi hướng công đức đến cho những chúng sinh khác với tâm chân thật, rộng lớn, mong muốn khắp pháp giới giác ngộ Phật Pháp, được kết duyên với Phật Pháp thì phước báu sẽ tăng trưởng.

Phật tử hồi hướng công đức sau thời khóa tu tập tại nhà (ảnh minh hoạ)

Phật tử hồi hướng công đức sau thời khóa tu tập tại nhà (ảnh minh hoạ)

Qua những lời chia sẻ quý báu, thiết thực trên Đại đức, chúng ta đã hiểu rõ hơn về hồi hướng phước báu và lợi ích khi hướng tâm hồi hướng một cách chân thật. Kính chúc quý Phật tử cùng độc giả luôn tinh tấn, tư duy, thực hành lời Phật dạy để đem lại lợi ích cho mình và cho muôn loài chúng sinh.

Đức Thụ

 

loading...