Kiến thức
Năm cách chế ngự cơn giận
Thứ bảy, 02/12/2023 09:30
Sân hận hay giận dữ là một trạng thái tâm lý rất thông thường của con người. Hầu như ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó, khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng.
Trong bộ Pháp tụ, sân hận được định nghĩa là “sự nóng nảy, sự hãm hại, sự đối lập, sự chống đối, sự hung dữ, sự lỗ mãng, sự không hoan hỷ của tâm”.
Là danh pháp, sân hận không có hình thức, nhưng rất dễ nhận biết khi người ta sân hận, vì sân hận biểu hiện rất rõ trên thân. Tâm lý học mô tả, “sân hận được biểu hiện với cặp mắt đỏ ngầu, mặt mày dữ tợn, nghiến răng, bặm môi, siết tay, đấm ngực, đập phá, gây gổ, đâm chém, giết chóc, v.v…”. Cũng có một số người biểu hiện sự giận dữ một cách thâm trầm bằng cách im lặng mặc dù đang sôi sục trong lòng. Nhưng cả trong trường hợp đó, người sân hận cũng không hề thân thiện, không dễ chịu chút nào, và điều này ảnh hưởng không ít đến quan hệ của người đó đối với người xung quanh.
Về sự tai hại của sân hận, trong Tương ưng bộ kinh (kinh Sân hận, phẩm Không tuyên bố), Đức Phật có nói đến 7 điều xảy ra cho một người hay sân hận:
“Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, rồi người ấy cũng trở thành xấu xí; dầu có nằm trên giường nệm, chăn len, họ vẫn ngủ một cách khổ sở; thâu hoạch bất lợi, lại nghĩ rằng ‘ta được lợi ích’, thâu hoạch điều bất lợi ích, lại nghĩ rằng ‘ta không được lợi ích’. Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài; những tài sản nào của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch hợp pháp, các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua; nếu có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng ấy lánh xa họ; nếu người đó có những bạn bè thân hữu, bà con huyết thống gì, họ sẽ xa lánh, từ bỏ người đó, vì người đó bị phẫn nộ chinh phục; người đó làm ác hạnh với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Do tác hại như vậy nên chúng ta cần phải chế ngự tâm sân hận. Trong kinh Tăng chi bộ (phẩm Hiềm hận), Đức Phật dạy:
“Có năm trừ khử hiềm hận này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
- Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, Từ (metta) cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, Bi (karuna) cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, Xả cần phải được tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, Vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải được tu tập là: ‘Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm, Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy’. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
Này các Tỷ-kheo, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải trừ khử một cách hoàn toàn”.
Người ta thường nói, mặn thì mất ngon, giận thì mất khôn; hay tâm sân hận khởi lên thì đốt cháy cả rừng công đức. Khi giận thì khuôn mặt trở nên xấu xí, khó coi. Nên chúng ta cần tu tập theo năm cách mà Đức Phật đã dạy để chuyển hóa cơn giận, đừng để cơn giận chi phối làm hại đến đời mình.