Kiến thức
Năm mới, suy ngẫm về lời khuyên của Đức Dalai Lama
Thứ hai, 23/01/2021 02:30
Gần đây, tại Dharamsala (miền Bắc Ấn Độ), Đức Dalai Lama đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với TS.Anupam Sibal, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gốc Ấn Toàn cầu (GAPIO, New Delhi); GS.TS.Akshay Anand, Viện Nghiên cứu và Giáo dục Y khoa Sau đại học (PGIMER, Chandigarh) cùng nhiều chuyên gia hoạt động trong ngành y tế tại nước này.
Qua đó, các chuyên gia đều bày tỏ rằng, trong sự căng thẳng và bất an do đại dịch Covid-19 gây ra, nhân viên y tế và đội ngũ tham gia công tác phòng chống dịch khắp nơi trên thế giới, hơn bao giờ hết cần thực hành lòng từ bi để hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh cứu người của mình. Đồng thời, Đức Dalai Lama cũng chia sẻ quan điểm và lời khuyên đối với một số vấn đề và câu hỏi được nêu ra trong cuộc trò chuyện.
Sự khỏe mạnh của mỗi người bao gồm cả bình yên bên trong
Một người khỏe mạnh không chỉ có sự tráng kiện thân thể mà còn phải lưu tâm đúng mực đến đời sống tinh thần và cảm xúc của mình. Để có được tinh thần vững vàng và bình yên nội tại, mỗi người cần thực hành lòng từ bi và yêu thương trong đời sống hàng ngày. Thậm chí khi phải đối mặt với khó khăn hay bị ai đó chỉ trích, lòng từ bi cho chúng ta sức mạnh để cảm thấy biết ơn họ - đây là giải pháp hữu hiệu đối trị sân giận và lo âu.
Thông điệp của Đức Dalai Lama nhân khánh tuế thứ 85
Yoga và các bài tập về hơi thở giúp ổn định nhịp tim. Quán sát và niệm hơi thở giúp hành giả có được sự bình tĩnh, giải tỏa lo lắng và cải thiện sức khỏe thể chất. Trong thảo luận với các nhà khoa học, học giả phương Tây nhiều thập niên qua, tôi quan sát thấy sự quan tâm của họ đối với các công trình về tâm thức và cảm xúc con người trong kho tàng tri thức Ấn Độ, bên cạnh thế giới vật chất. Mãi đến cuối thế kỷ XX, khoa học hiện đại mới bắt đầu tập trung nghiên cứu về não bộ, cùng với sự manh nha tìm hiểu các khái niệm về tâm thức và thế giới bên trong của con người.
Trong quá khứ, nghiên cứu của con người chỉ thuần túy phục vụ mục tiêu bảo vệ sức khỏe thể chất. Nhưng đến nay, các nhà khoa học dần đi đến sự đồng thuận rằng, để khỏe mạnh toàn diện, con người cần đồng thời bảo hộ sự bình yên nội tâm bằng việc điều chỉnh và áp dụng các nguyên lý về cảm xúc.
Mỗi người ai cũng mong muốn được hạnh phúc và sống trong một thế giới bình yên - dù đôi khi sự bất an, hỗn loạn đó do chính bản thân mình tạo ra. Việc giảm thiểu những tạo tác này xuất phát nơi chúng ta và vì chúng ta. Giáo dục con người là điều tối quan trọng; đặc biệt là giáo dục cách thức tu dưỡng, rèn luyện để đạt được bình yên trong tâm hồn.
Trong thế kỷ XX, lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi giới thiệu phương thức bất bạo động trong đấu tranh chính trị. Ông là người có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho những người tiếp sau mình (trong đó có Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và nhà hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ Martin Luther King,...) trong vận dụng tư duy này. Một khía cạnh khác của bất bạo động chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, làm cho tâm được bình yên - đây không nhất thiết là mục tiêu tâm linh, mà là phương thức rèn luyện sự định tĩnh cho mỗi cá nhân.
Đức Dalai Lama đứng đầu danh sách nhân vật có ảnh hưởng tinh thần
Lời khuyên cho những người đang từ bỏ hy vọng
Nếu khuếch đại các ước muốn, khao khát trong bối cảnh không gian chật hẹp và cái nhìn thiển cận, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất hy vọng vào cuộc sống hay đối tượng nào đó. Tuy nhiên, nội tâm bình an và tĩnh lặng có thể cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang xảy đến với mình hay diễn ra quanh mình.
Là con người, chúng ta hầu hết đều phải trải qua thăng trầm trong những giai đoạn của cuộc đời. Với sự sáng suốt và định tĩnh được rèn luyện và thực tập hàng ngày, mỗi người có thể tìm ra giải pháp hiệu quả, tốt đẹp trước những thử thách cuộc sống.
Khi có bất ổn xảy ra, hay ngay trong đời sống bình thường, nếu chỉ tri nhận mọi việc trong phạm vi thấy biết bó hẹp của mình, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin và hy vọng. Thay vào đó, với góc nhìn mở rộng, bạn sẽ dễ dàng trở nên tích cực hơn trong tư duy của mình.
Tôi rung cảm mạnh mẽ với lời khuyên của một bậc thầy Phật giáo Ấn Độ từ thế kỷ thứ VIII, rằng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng cần cố gắng nhìn nhận mọi việc một cách sáng rõ (khách quan và đa chiều). Nếu có bất ổn, chúng ta phải tìm cách khắc phục và vượt qua. Nếu không thể thay đổi hay cải thiện tình hình, lo lắng về nó cũng không thể giúp ích được gì.
Nếu có thể, bạn hãy ăn chay…
Theo nghiên cứu, răng và móng tay của con người, tương tự một số loài khác như hươu nai, có cấu tạo thích hợp hơn cho việc ăn rau củ quả. Trái lại, sư tử và cọp báo, lại được trang bị bộ răng và móng vuốt sắc nhọn để ăn thịt sống.
Tuy nhiên, tại một số nơi, chẳng hạn như các bình nguyên ở miền Bắc Tây Tạng, không có rau củ hay trái cây; thực phẩm duy nhất tại đây là thịt động vật và bơ sữa. Ở Ấn Độ và trên thế giới hiện nay, có khá nhiều người ăn chay và điều này thật tuyệt vời. Theo báo cáo của các nhà khoa học, những trang trại chăn nuôi động vật lấy thịt và ngành công nghệ súc sản đang từng ngày góp phần phá hủy sinh thái của Quả đất. Do vậy, nếu có thể, chúng ta nên cải thiện và đẩy mạnh nguồn cung thực phẩm thực vật.
Không riêng đối với thịt gia súc và gia cầm, cá và thủy hải sản cũng được nuôi trồng, đánh bắt phục vụ nhu cầu thực phẩm ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi nghĩ rằng, ngoại trừ những vùng miền quá đặc thù về mặt thổ nhưỡng khiến các cộng đồng nơi đây không có lựa chọn thực phẩm khác ngoài thịt động vật, chúng ta đành chấp nhận; tuy nhiên mọi người có thể lựa chọn, tăng cường rau củ quả để giảm thiểu hoạt động chăn nuôi, súc sản và tiêu thụ thịt động vật ở những nơi có nguồn cung thực vật dồi dào và có thể canh tác mùa vụ. Điều này có lợi cho cả con người và môi trường về lâu dài.
Bộ phim tài liệu về Đức Dalai Lama tại Liên hoan phim Quốc tế Venice
Năm 1964, tôi quyết định ăn chay. Một thời gian ngắn sau đó, khi tôi đến thăm Nhật Bản, một người pháp huynh trêu chọc tôi về điều này. Sau khoảng 20 tháng không dùng đến thịt động vật, tôi cảm thấy cơ thể không khỏe và bị chứng vàng da. Các bác sĩ khuyên tôi nên duy trì việc tiêu thụ một ít thịt động vật trong bữa ăn để hỗ trợ cho sự phục hồi của cơ thể.
Nên nói về niềm tin tâm linh với trẻ như thế nào?
Dù mang tính triết lý, các tôn giáo lớn trên thế giới đều cùng chuyên chở thông điệp về yêu thương, từ bi, độ lượng và tha thứ. Dù chúng ta có chấp nhận sự hiện diện của tôn giáo nào đó hay không, bản chất hướng thượng của những lời dạy đều đã tồn tại trong thế giới ngày nay.
Hãy hỏi con trẻ xem chúng thích nhìn cha mẹ cười vui hay cáu gắt. Một cách tự nhiên, trẻ sẽ nói rằng chúng thích nụ cười thường trực trên gương mặt cha mẹ. Người thầy đầu tiên của tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi và một trong những điều khiến tôi luôn ghi nhớ về mẹ là bà luôn để cho chúng tôi nhìn thấy nét từ ái và nụ cười trên gương mặt mình. Và bạn cũng thử hỏi, trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi học tập với người thầy thường xuyên mỉm cười hay với người thầy có vẻ mặt đầy nghiêm nghị, lạnh lùng. Trẻ sẽ cho bạn biết, người thầy mỉm cười khiến trẻ thấy vui vẻ, không sợ hãi và học hành tự tin hơn.
Nếu chỉ được rèn luyện kỹ năng và sự thông minh về mặt não bộ trên ghế nhà trường, chúng ta sẽ không thể đảm bảo trẻ không phạm sai lầm và gây rắc rối. Để cân bằng những bộ não hiếu động, chúng ta cần có con tim ấm áp. Càng nhận biết và tiếp nhận được tình yêu thương xung quanh, trẻ sẽ có thêm chất liệu trở thành những công dân hữu ích cho xã hội khi trưởng thành.
Thông điệp gửi đến nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19
Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế dấn thân trong điều trị và hoạt động phòng chống virus SARS-CoV-2 minh chứng lòng can đảm và từ bi nơi họ. Và không ít người đã cống hiến cả sự sống của mình cho nhiệm vụ cao quý này. Tôi thực sự cảm phục họ.
Nhiều người thầy thuốc tận tâm giúp đỡ cộng đồng trong khổ bệnh, bất chấp nguy hiểm đối với bản thân. Họ nhiệt thành và dành trọn sự quan tâm cho người cần đến sự giúp đỡ của họ. Tôi tin rằng, sức mạnh bên trong sẽ giúp họ bảo vệ bản thân mình. Điều quan trọng là họ cần giữ được sự dũng cảm và tự tin. Cũng như vậy, các nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu phương cách điều trị và đẩy lùi bệnh tật, cũng cần giữ sự kiên cường, bên cạnh các kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Không chỉ khi đương đầu với dịch bệnh, nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm nên là một phần quan trọng trong tiếp cận đối với sức khỏe, vô cùng cần thiết đối với nhân viên y tế. Xoa dịu và giúp bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhõm hơn là nhiệm vụ thiêng liêng của nghề y. Khi đến kiểm tra sức khỏe ở bất cứ nơi đâu, tôi đều cảm thấy thoải mái và yên lòng hơn với sự ấm áp, gần gũi cùng nụ cười trên môi của các bác sĩ, điều dưỡng.
(Lược dịch từ “Compassion in Medical Practice”, dalailama.com)