Đức Phật
Năm phận sự của Đức Phật
Thứ bảy, 30/06/2020 10:00
Gia tài pháp bảo là vô giá. Đó là con đường hướng chúng sinh đến giác ngộ và giải thoát mà đức Phật đã để lại. Chánh pháp được xem là gia tài vô giá mà tất cả mọi người con Phật cần phải có ý thức kế thừa, làm giàu đẹp đời sống tâm linh và phẩm hạnh của chính mình.
Tri ân và báo ân Đức Phật thế nào mới trọn vẹn?
1. Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ:
Mỗi buổi sáng, đến giờ đi khất thực, đôi khi đức Phật đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó; đôi khi đức Phật cùng với chư Tỳ-kheo đi vào xóm, thành để khất thực. Khi đức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh đức Phật thuyết pháp; có số xin quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới; có số xin đức Phật cho phép xuất gia xong, đức Phật trở về tinh xá.
2. Phận sự sau khi độ ngọ:
Khi đức Phật trở về tinh xá, rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư Tỳ-kheo: “Này chư Tỳ-kheo! Các thầy hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh đế, bằng pháp không dễ duôi, tiến hành Tứ niệm xứ. Ðức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Ðược sinh làm người là một điều khó. Có được cơ hội hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó. Ðược xuất gia trở thành Tỳ-kheo là một điều khó. Ðược nghe chánh pháp là một điều khó”. Ðó là những điều khó mà đức Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư Tỳ-kheo chớ nên dễ duôi!
Xong, đức Phật vào thất, còn chư Tỳ-kheo mỗi vị về nơi ở của mình để thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ.
Đức Phật là bậc Vô thượng Y vương
3. Phận sự canh đầu đêm:
Ðức Phật giáo huấn chư Tỳ-kheo, có số hỏi pháp, luật; có số xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ; có số nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ-kheo đảnh lễ đức Phật trở về chỗ ở của mình.
4. Phận sự canh giữa đêm:
Ðức Phật cho phép chư Thiên, Phạm Thiên trong mười phương thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong đứng một nơi để bạch hỏi pháp. Ðức Phật giảng giải những câu hỏi của chư Thiên, Phạm Thiên xong, hết canh giữa, chư Thiên, Phạm Thiên đảnh lễ đức Phật trở về cảnh giới của mình.
5. Phận sự canh chót đêm:
Ðức Phật phân chia canh chót làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Ðức Phật đi kinh hành.
- Giai đoạn giữa: Ðức Phật vào thất nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có tuệ tri biết mình thức dậy.
- Giai đoạn chót: Ðức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh trong mười phương thế giới bằng Phật nhãn tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành với Ngài, đã từng tạo Ba-la-mật từ chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc bốn Thánh đạo – bốn Thánh quả, Ngài đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa, ở thế giới này hay thế giới khác.
Qua đó, có thể thấy tinh thần cứu độ chúng sinh của đức Phật là tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi. Ngài đã hoan hỷ lìa bỏ ngôi báu, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đàn hay múa đẹp, mùi ngon vị lạ để sống một đời kham khổ, đạm bạc, thiếu thốn giữa rừng thiêng nước độc. Một khi rời bỏ thứ mà người đời cho là quý báu nói trên, Ngài không một phút giây nào hối tiếc, muốn quay về để hưởng thụ lại. Ma vương đã sai con gái mình giả làm nàng Gia-du đến kêu gọi van xin Ngài trở về cung, mà Ngài không một chút bận tâm thối chuyển. Ngài cũng xứng đáng với danh hiệu là đại hỷ đại xả.
Tuổi trẻ hướng Phật: Ngày đầu mang giáo trình 'Đạo đức Phật giáo' đến khóa tu giới trẻ
Tinh thần cứu độ chúng sinh của đức Phật càng được thể hiện qua lời dạy của Ngài: “Này các Tỳ-kheo, mỗi người nên đi một đường. Hai người không nên đi trùng hướng nhau để mang lại hạnh phúc, an lạc cho số đông, cho chư Thiên và loài Người”.
Mỗi ngày, mỗi đêm đức Phật hành trọn đủ năm phận sự ròng rã suốt bốn mươi chín năm, cho đến giây phút cuối cùng tịch diệt Niết-bàn.
Bài học cuộc đời của đức Phật dạy cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Nhưng điều quý báu nhất đối với kẻ sơ cơ như chúng ta là phải phát tâm Bồ-đề rộng lớn, nguyện vì đời, vì chúng sinh mà tu hành, chứ không phải là ích lợi riêng cho chúng ta. Tu là phải thường xuyên quán xét thân tâm, soi rọi từ bên ngoài thân đến bên trong của tâm, đừng để cho tham, sân, si, phiền não, tật đố... chi phối.
Phật giáo thịnh hành là mỗi người con Phật sống phải có đạo đức, có chánh kiến, có oai nghi, có tịnh giới. Mỗi người đệ tử Phật là một viên gạch để xây dựng bức tường thành Phật giáo vững chắc. Trong kinh Trung Bộ (kinh Thừa Tự Pháp), đức Phật khuyên tất cả đệ tử của Ngài hãy trở thành những người kế thừa gia tài chánh pháp mà Ngài đã dày công dạy dỗ, chứ không nên trở thành những người thừa kế gia tài vật chất.
Giá trị tâm linh của người xuất gia bắt đầu bằng một đời sống thanh cao, không màng đến sở hữu tài sản vật chất thế gian. Mục đích của người tu không phải để được làm trụ trì một ngôi chùa, được người đời cúng dường và cung kính, mà nhằm tìm cầu con đường tâm linh, hướng đến các giá trị nội tại. Các giá trị đó chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành theo con đường trung đạo, con đường ít muốn biết đủ, khởi đầu bằng cái nhìn đúng đắn với chánh kiến và kết thúc bằng đời sống thiền định.
Đức Phật dạy Ca Diếp Bồ tát phân biệt chính tà
Tóm lại, gia tài pháp bảo là vô giá. Đó là con đường hướng chúng sinh đến giác ngộ và giải thoát mà đức Phật đã để lại. Chánh pháp được xem là gia tài vô giá mà tất cả mọi người con Phật cần phải có ý thức kế thừa, làm giàu đẹp đời sống tâm linh và phẩm hạnh của chính mình. Có thể nói:
“Chánh pháp vô biên thật tuyệt vời
Giúp người vững chãi vượt trùng khơi
Vô minh phiền não không còn nữa
Trí tuệ chân như hiện giữa đời”.
>Xem thêm video: "Khắc phục lòng sân hận":