Kiến thức

“Nên cho người cái họ cần, không nên cho cái mà ta có”

Thứ hai, 28/09/2023 03:00

Một người ăn mày lang thang đã non một ngày mà chưa kiếm được miếng ăn. Đến một đầu phố nọ, ông ta ngửi thấy mùi bánh mì thơm bốc ra từ một ngôi nhà. Người ăn mày gặp may. Đây chính là lò bánh mì.

Ngài làm ơn cho kẻ bất hạnh này xin một miếng bánh ăn cho đỡ đói lòng, người ăn mày năn nỉ ông chủ lò bánh.

- Ồ, ngươi là kẻ khôn ngoan. Ngươi đến đúng chỗ rồi đó! Chủ lò bánh mì thao thao nói.

- Làm sao ngươi biết lò bánh của ta mà tới? Ai chỉ cho ngươi? Chắc chắn là bánh của ta rất ngon nên ai ai cũng biết. Ta tiết lộ cho ngươi một bí mật: Bánh của ta làm theo công thức gia truyền từ cụ tổ bảy đời kia đấy. Nó được ghi chép trong cuốn sách bìa da màu đỏ nằm trên kệ kia kìa. Ngươi thấy không?

Người ăn mày cố gượng cười:

- Dạ thấy, nhưng thưa ngài, con đói lắm. Gần cả ngày nay con chưa có tí gì trong bụng, con xin ngài làm phước. Con chỉ xin một mẩu bánh mì thôi ạ.

Không chú ý tới nét mặt nhăn nhó của người ăn mày, ông chủ tiếp tục rao giảng về bí quyết nhào bột. Ông ta kéo người ăn mày vào sát lò nướng. Từng mẻ bánh nóng giòn bốc mùi thơm phức.

- Ngươi thấy chưa? Bánh mới đẹp, mới thơm làm sao! Nướng bánh là một nghệ thuật. Để có bánh ngon, bánh đẹp cần phải có lòng yêu nghề.

- Nhưng thưa ông, con đói. Con xin ông… Người ăn mày lắp bắp.

- Ngươi phải hiểu, con người cần rất nhiều thứ, nhưng bánh mì là cái cốt yếu nhất. Không ai có thể sống được nếu thiếu bánh mì…

- Chính vì thế con mới phải gõ cửa ông… Người ăn mày rụt rè nói chen.

- Khoan, nghe ta nói cái đã, nhưng không phải ai cũng có đạo đức như ta. Ra đây mà xem.

Ông chủ lò bánh mì kéo người ăn mày ra cửa rồi nói tiếp:

- Ngươi thấy không, cả dãy phố này, nhà nào cũng có lò nướng bánh mì. Nhưng chớ tin họ. Nhà thì pha thêm bột xấu, nhà thì cho nhiều muối quá, kẻ thì nướng quá lửa. Thế mà chúng nó dám bảo cái chúng làm ra là bánh mì!

- Thưa ngài, con chỉ xin một miếng bánh để ăn thôi ạ! Người ăn mày mệt mỏi nhắc lại.

- Nhưng điều ta sắp kể với ngươi mới là quan trọng nhất. Ông chủ lò bánh vung tay nói tiếp.

Bất chợt, người ăn mày quay lưng lầm lũi bỏ đi.

- Này, ngươi không thích ăn bánh mì của ta sao? Bánh mì ngon nhất xứ này được làm theo công thức gia truyền từ bảy đời… Ông chủ lò bánh mì nói với theo.

- Không, thưa ngài. Bánh mì ở chỗ khác có lẽ mặn hơn, làm bằng thứ bột xấu hơn, bị cháy sém nhưng nó làm tôi no bụng. Ở chỗ ngài, chỉ no tai thôi.

Theo Nghệ thuật sống. 

Cho và nhận đều thanh tịnh, phước đức mới đủ đầy

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài học đạo lý: 

Đúng là, nên cho người cái họ cần, không nên cho cái mà ta có. Vì cái ta có, muốn đem cho kia dù giá trị và hay ho đến mấy cũng trở nên vô dụng đối với người chưa thực sự cần. Một hành khất bất hạnh và mệt lả vì đói thì mẩu bánh mì mới là mục tiêu đích thực, còn lại tất cả chỉ là phù phiếm, không cần thiết.

Đọc kinh Phật, chúng ta thường thấy Ngài căn dặn phải cho chúng sanh ăn mặc no đủ, rồi sau mới thuyết pháp cho họ. Quả thật, Đức Phật rất tinh tế trong phương thức tiếp cận, ứng xử và thuyết pháp nên Ngài đã giáo hóa được rất nhiều đối tượng khác nhau quy hướng Tam bảo.

Những lời của ông chủ lò bánh mì dẫu không sai, nhưng đáng tiếc là chưa khế thời (không đúng thời điểm). Mặt khác, bánh vẽ chỉ no mắt, nghe kỹ thuật làm bánh chỉ no tai, chỉ có bánh thật (dở cũng được) mới no bụng. Phải êm cái bụng trước mới nghe lọt lỗ tai sau là một đạo lý sống tuy rất bình thường nhưng vô cùng cần thiết. Nên “có thực mới vực được đạo” là chỗ này.

Đối với những người thuyết giảng Phật pháp, để thính chúng được lợi ích thì giảng sư cần phải thực tập để thể nghiệm và sống với những giáo lý rồi mới đem ra nói cho thính chúng hơn là trao truyền hiểu biết của mình về các giáo lý đó. Những người nghe pháp, ví như người hành khất chỉ xin bánh mì chứ không xin (có lẽ cũng không cần) lý thuyết về quy trình sản xuất bánh mì.

loading...