Hỏi - Đáp
Nên duy trì hay nên bỏ thiền định để đối mặt với nỗi đau và cái chết?
Chủ nhật, 03/06/2022 01:53
Con có nên buông luôn cả Thiền Định để cảm nhận rõ mà không đối kháng với sự đau đớn, hay sự chết hầu thấy sự sinh diệt của tất cả các Pháp lúc đó? Như con đã nói con rất sợ đau đớn, liệu bài học đau đớn (nếu có) cuối cùng này con có thể kham nổi hay không?
Hỏi:
Con có một câu hỏi rất quan trọng đối với việc tu tập của con, xin Thầy cho con lời chỉ dạy. Vốn con rất sợ cảm giác đau đớn nên từ lâu con đã chuẩn bị bằng cách tu tập thiền định để khi chết tâm con không tán loạn vì sự đau đớn. Nhưng khi nghe Thầy giảng về thái độ buông rỗng lặng trong sáng tự nhiên của tánh biết, thì con lại thấy nhất niệm hay nhất tâm của thiền định vẫn còn chỗ dính mắc bám trụ, tuy tâm không tán loạn nhưng cũng không thật sự nhẹ nhàng thanh thoát.
Vậy con có nên buông luôn cả Thiền Định để cảm nhận rõ mà không đối kháng với sự đau đớn, hay sự chết hầu thấy sự sinh diệt của tất cả các Pháp lúc đó? Như con đã nói con rất sợ đau đớn, liệu bài học đau đớn (nếu có) cuối cùng này con có thể kham nổi hay không? Sự phân vân của con là nên duy trì hay nên bỏ thiền định để đối mặt với nỗi đau và cái chết?
Đáp:
Lúc lâm chung, với người đời thì được nhất niệm hay cận định (do niệm) hoặc nhất tâm (do định) là tốt rồi, như vậy sẽ không tái sinh vào các đường ác (cõi khổ). Nếu chết với tâm nhất niệm hay cận định thì được sinh vào các cõi trời Dục Giới, nếu chết với nhất tâm từ sơ thiền cho đến tứ thiền thì sẽ tái sinh vào cõi Sắc Giới, nếu chết với một trong 4 tâm thiền "đối tượng không" thì sẽ tái sinh vào cõi Vô Sắc Giới.
Nhưng vì tam giới vẫn còn vô minh ái dục, nghĩa là vẫn còn bản ngã nên vẫn chưa giác ngộ giải thoát được, do đó người tu buông luôn cái ngã, sẵn sàng đối diện với thực tánh pháp, dù đó là đau đớn hay an lạc. Thật ra, sợ hãi chỉ là một ảo tưởng khi con tưởng tượng đến cơn đau, nhưng khi cơn đau thực sự đến thì con có thể trải nghiệm nó, không có gì đáng sợ.
Tánh biết vốn rỗng lặng trong sáng nhưng bị cái ta ảo tưởng tham sân si, lo lắng, sợ hãi... che lấp nên mới không an lạc được. Không an lạc nên bản ngã lăng xăng tìm kiếm và chuốc lấy bất an.
Khi bản ngã đã bất an thì nó lại muốn trú vào định để được an lạc. Đó là lý do vì sao nhiều người ham thích thiền định. Nhưng trú vào định thì vẫn còn vô minh ái dục nên không bao giờ thấy được thực tánh pháp.
Đó không phải là pháp đưa đến giác ngộ giải thoát. Nếu con muốn giải phóng mọi nỗi sợ hãi thì đừng trú vào đâu và đừng trốn tránh sự thật. Hãy buông cái ta đầy sợ hãi ấy ra thì ngay đó tánh biết liền đầy đủ giới định tuệ (vốn viên mãn bên trong) chứ không phải trạng thái định hữu hạn do bản ngã tạo tác bên ngoài.