Sách Phật giáo

Nền tảng đạo Phật và học thuyết Tây Phương Cực Lạc (Hết)

Thứ ba, 19/05/2017 03:47

Cho nên, đức Phật nói tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Chính yếu của sự tu hành là tu ngay nơi thân-miệng-ý mà tâm là chính vì sự tu hành của chúng ta phát xuất từ tâm. Tâm suy nghĩ chân chánh rồi mới phát sinh ra hành động tốt đẹp. Tâm suy nghĩ tà thì phát sinh ra những hành động xấu ác. Vậy thân này hành động tốt hay xấu đều do tâm chủ động điều hành nên tâm là quan trọng hơn hết, không có tâm thân này như phế bỏ.

MUỐN ĐẠT ĐƯỢC NHẤT TÂM BẤT LOẠN PHẢI ĐẦY ĐỦ GIỚI ĐỊNH TUỆ

Giới định tuệ: Giới như ngọn đèn sáng hay phá tan tối tăm, mờ mịt. Giới như sức mạnh hay dựng đứng những gì đã ngã. Giới như ánh sáng trí tuệ hay chuyển hóa các phiền muộn, khổ đau. Giới là phương thuốc nhiệm mầu, chữa lành các bệnh khổ đau ở đời.
 
- Không trực tiếp sát sinh hại vật, xúi bảo người khác giết hại hoặc vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Người có tâm sát sinh hại vật thì không bao giờ có thể Thiền định, vì trong các nghiệp xấu ác nặng nhất là tội giết hại. Kẻ giết người cùng kẻ bất hiếu với cha mẹ cũng không thể Thiền định. Muốn tu Thiền được kết quả tốt đẹp chúng ta phải từ bỏ giết hại, bởi khi giết vật mắt thấy, tai nghe chúng giãy giụa đau thương nên chủng tử đó huân tập vào tàng thức, lâu ngày ta thấy con vật la khóc đến đòi nợ.

- Người giết hại nhiều hay lo lắng, sợ hãi, bất an nên trong tâm lúc nào cũng day dứt, khó chịu. Người tại gia vì gia đình, người thân nên phải làm việc để có nguồn thu nhập, vẫn phải ăn mặn để đủ sức khoẻ mà dấn thân đóng góp, phục vụ; nhưng nên ăn mặn theo Tam tịnh nhục, không trực tiếp giết hại, không xúi bảo người khác giết hại, không vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Ta có quyền mua thịt cá đã làm sẵn hoặc đã nấu chín, nếu mua thịt cá mần sẵn thì phải để ý kiểm tra, đừng mua đồ ương thối tuỳ theo kinh nghiệm mỗi người. Người hay sát sinh hại vật tức làm khổ chúng sinh nên không có lòng từ bi, do đó khó mà Thiền định được kết quả tốt đẹp.

- Không gian tham trộm cướp, lấy tài sản của cải người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai lấy. Muốn Thiền định mà trong tâm cứ tính toán làm sao để lấy của người khác thì chắc chắn không bao giờ tâm an định. Nhân trộm cướp quả hiện đời bị tù tội và nghèo khổ, thiếu thốn. Cho nên, người tại gia tu Thiền mà còn bệnh này tức lòng tham lam, ích kỷ quá nhiều, do đó không thể đạt kết quả như ý muốn.

- Người hay tà dâm cũng vậy, vì lòng dục nặng nề thích đắm sắc mê hoa nên lúc nào cũng toan tính, tìm cách chiếm đoạt để hưởng thụ khoái lạc dục tính. Muốn được như vậy trước nhất người tà dâm phải nói dối “tôi không hạnh phúc” hay “tôi bị bắt buộc”, cốt để làm sao cho người khác phái tin mình. Tham lam, dối gạt để hưởng thụ cho riêng mình là thói quen xấu nhiều đời nhất của đấng mày râu. Dù có vợ đẹp con xinh nhưng vẫn muốn kiếm thêm, vẫn ham thích của lạ để chứng tỏ khả năng chinh phục.

Báo chí vừa qua cũng đã đăng tin các đại gia bỏ tiền mua dâm với một số người mẫu, hoa hậu với số tiền quá cao trong một lần quan hệ. Quan niệm chồng chúa vợ tôi, trai năm thê bảy thiếp là tập tục trọng nam khinh nữ phát xuất từ thời phong kiến. Vua có quá nhiều cung phi mỹ nữ nên ít có ông nào sống thọ. Vậy muốn tu Thiền có kết quả tốt chúng ta phải biết tiết chế trong sinh hoạt tình dục bằng cách sống thuỷ chung “một vợ một chồng”. Người quá nặng tính dục sẽ giảm sức khoẻ, tinh thần không sáng suốt nên ngồi Thiền khó an định, do đó tâm niệm cứ lăng xăng dính mắc “ta-người-chúng sinh”.

- Người hay nói dối để lường gạt hoặc hại người cũng khó lòng Thiền định vì tâm tư lúc nào cũng tính toán hơn thua, tìm cách sén bớt của người. Tâm không ngay thẳng, hay nghĩ điều tà dại như nói dóc, nói láo để lường gạt, khoe khoang, nói lời mắng chửi nặng nề tức tâm nóng giận, thù hằn chất chứa nhiều trong lòng. Hạng người như vậy cũng khó mà Thiền định an ổn. Cho nên, muốn tu Thiền đạt được kết quả phải buông xả phiền não tham-sân-si, phải giữ giới không nói dối hại người hoặc nói lời hằn học, mắng chửi.

- Uống rượu hoặc dùng các chất kích thích, ăn uống đồ độc hại, hút chích xì ke ma tuý thì càng không thể Thiền định vì tinh thần mê muội, thân thể bất an, không có tinh thần tự chủ. Khi ta tiêu thụ những thứ trên quá nhiều sẽ làm tàn hại thân tâm, bệnh hoạn, si mê, cuồng loạn; làm hại mình, hại gia đình, người thân và xã hội. Hạng người như thế lúc nào cũng tìm cách lường gạt của người khác, nếu làm có tiền cũng tiêu tốn hết vào đó. Gia đình nào có những con người như thế sẽ khổ đau vô cùng cực vì làm khổ chính mình lẫn gia đình, người thân. Nếu ghiền những thứ đó mà không có tiền thì phải trộm cướp, lường gạt của người khác bằng mọi cách. 
 
Một xã hội có nhiều con người như vậy trước sau cũng sẽ tan nhà nát cửa, đất nước loạn lạc, khủng hoảng nhân cách đạo đức làm mất tính người. Biện pháp duy nhất giúp cho con nghiện là sống cách ly xã hội, được hướng dẫn đạo đức tâm linh để tin sâu nhân quả, được tạo công ăn việc làm tại chỗ, sống đơn giản, đạm bạc thì hoạ may mới cứu chữa được; bằng không xã hội phải xây cất nhiều trung tâm thần kinh và trung tâm cai nghiện để chứa những con người này, dần hồi nhà tù sẽ được mở rộng để dung nạp nhiều kẻ lường gạt, trộm cướp, biếng nhác, ăn không ngồi rồi. 

Hiện nay xã hội chỉ chữa bệnh tạm thời trên phần ngọn nên tốn kém, mất mát, hao hụt quá nhiều; muốn giúp thế gian giảm bớt tệ nạn xã hội chỉ có cách duy nhất làm sao hướng dẫn mọi người tin sâu nhân quả, gieo nhân tốt gặt quả tốt, gieo nhân xấu gặt quả xấu.

Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển toàn diện về mọi mặt, nếu con người không ý thức và có hiểu biết chân chánh thì chỉ được lợi ích vật chất bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang sống chung với ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hóa phẩm đồi truỵ, ô nhiễm thực phẩm đồ ăn thức uống, hầu như đại đa số mọi người đều dùng những hoá chất độc hại đưa vào cơ thể do nhu cầu sự sống. Ngành quản lý chức năng cần hạn chế cấp giấy phép một số hoạt động có tác hại lớn như các quán nhậu, các làng nướng, vũ trường… đang mọc lên như nấm mà không có giờ giấc hạn chế. 

Cơ sở giáo dục chưa phù hợp với sự hiểu biết của con người nên không có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học tập, làm việc và tu dưỡng đạo đức tâm linh. Việc thay đổi, phát triển, mở mang là điều tốt nhưng phải dựa theo trình độ dân trí, nếu phát triển quá nhanh sẽ làm con người không theo kịp, thành ra phản tác dụng và làm tổn hại trở lại. Có tiện nghi vật chất đầy đủ mà không có tinh thần sáng suốt, cùng hiểu biết chân chánh thì nguy hiểm vô cùng vì sẽ đưa con người vào hố sâu tội lỗi.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, muốn mọi người sống thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vị tha, biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, hay san sẻ và nâng đỡ bằng tình người trong cuộc sống thì trước nhất ta phải tin sâu nhân quả, tin nhân quả luôn theo ta như bóng với hình, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện. Ta tin tâm mình là Phật, siêng năng cố gắng làm lành, buông xả tâm niệm về hành động xấu ác. Ta tin bản thân có khả năng làm được tất cả mọi việc trên thế gian mà không phải cầu khẩn, van xin một đấng quyền năng nào đó. Chính ta là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc.

Ngày xưa khi ta chưa biết tu thì ý nghĩ xấu phát sinh ra lời nói, dẫn đến thân giết hại, trộm cướp, lường gạt của người khác; bây giờ biết tu rồi ta suy nghĩ điều thiện, miệng nói lời từ ái, chân thật, sống bao dung, giúp đỡ người khác. Chúng ta chỉ cần thay đổi nhận thức thì nhân quả xấu sẽ từ từ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng ta phải bền chí, kiên trì, đừng ham mau lẹ mà trở thành tham lam. 

Mình mới tu Thiền chỉ có vài năm mà muốn có kết quả liền thì không thể được vì vô số kiếp khi chưa biết tu ta đã huân tập biết bao nhiêu thói hư, tật xấu; nay biết tu rồi chỉ cần kiên trì, bền bỉ lâu dài thì việc gì cũng có thể làm được; ví như tấm gương sáng lâu ngày bị bụi bám đầy, ta chỉ cần lau bụi phiền não tham-sân-si, ganh ghét, tật đố, ích kỷ, mê muội chất chứa hại người cho đến khi nào bụi hết thì gương tự trong sáng.

Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn ở đây là đi vào đời sống gia đình và xã hội, ai muốn sống tốt, không làm tổn hại người khác thì ngay bây giờ phải biết tu tâm sửa tánh để quay về con người tâm linh của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu Thiền thành tựu đã giáo hoá 49 năm không biết mệt mỏi, nhàm chán vì Ngài không thấy ai là kẻ thù mà chỉ thấy người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Dù bị người hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn không buồn phiền mà còn thương họ nhiều hơn vì Ngài đã sống được với tâm thanh tịnh, sáng suốt. Người không biết tu Thiền khi gặp việc xấu sẽ tìm cách trả thù trở lại nên nhân quả vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt.

- Miệng niệm hơi thở hay biết vọng không theo hoặc niệm Phật Bồ-tát, tai chú tâm lắng nghe từng tiếng một rõ ràng, nhờ vậy không bị thất niệm, do đó dễ dàng định tâm. Hành giả Thiền Chỉ một thời gian, nhờ chú tâm nên lâu ngày dẫn đến nhất niệm, chỉ nghe âm thanh niệm Phật Bồ-tát một cách rõ ràng. Hành giả tu đến đây đã được định nên tâm an trú vào câu niệm Phật Bồ tát.

- Nếu có định mà không có tuệ thì không thể buông xả hết phiền não tham-sân-si và phát tâm giúp đỡ hay san sẻ với mọi người. Do đó, bước thứ hai hành giả phải tu Thiền Quán. “Quán” có nghĩa là xem xét, tìm tòi, soi sáng thân tâm và hoàn cảnh để tìm ra lẽ thật-hư của nó. Trước nhất hành giả quán sát về thân xem có “thật ngã” hay không; sau đó quán sát tâm suy tư, nghĩ tưởng của mình có thật hay không; kế đến là quán sát mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này xem có thật hay không. Khi quán sát như vậy hành giả thấy tất cả đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, không có gì là thực thể cố định nên thân tâm, hoàn cảnh đều vô thường hoại diệt, nhờ vậy buông xả hết tâm niệm cố chấp xưa nay khi cho thân tâm này là “thật ngã”.
 
Hai pháp Thiền Chỉ và Thiền Quán phải được hỗ tương lẫn nhau, có khi hành giả dùng Thiền Chỉ để dừng vọng niệm, có khi dùng Thiền Quán để phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật. Có định mà không có tuệ gọi là “si định”, có tuệ mà không có định thì vọng niệm mãi lăng xăng.

- Khi hành giả Thiền trong mọi hoàn cảnh và đã định tâm và phát sinh trí tuệ thì sang giai đoạn bảo trì tính giác, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy nhưng không dính mắc vào sự thấy nên tâm thanh tịnh, sáng suốt; giống như chiếc gương lâu ngày bị bụi bám, bây giờ bụi không còn nữa nên chiếc gương tự sáng trở lại. Giai đoạn này hành giả từ từ chuyển hoá tập khí, thói quen nhiều đời còn xót lại cho đến khi nào vọng niệm hết sạch thì gương trong sáng hoàn toàn, không tỳ vết. Tai có tiếng thì nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng.

Tất cả âm thanh lớn nhỏ đều nghe nhưng không bám dính vào một âm thanh nào, nhờ vậy hành giả thành tựu được tánh nghe. Mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Đến giai đoạn này hành giả không cần trụ tâm vào Chỉ hay Quán nữa mà chỉ cần nhận diện rõ ràng từng vọng niệm của mình, nó như thế nào thì biết như thế đó thì vọng niệm từ tan hoà vào hư không.

Sau khi niệm Phật Bồ tát hay quán hơi thở và biết vọng không theo đã thuần thục tức là đang tu thiền chỉ, chúng ta dùng pháp quán chiếu - tức Thiền quán xem xét, soi sáng các pháp duyên sinh vô ngã, vô thường ngay nơi thân tâm, hoàn cảnh; nhờ vậy hành giả biết được lẽ thật của các pháp không thực thể cố định nên dễ dàng buông xả tâm dính mắc “ta-người” và hoàn cảnh bên ngoài; do đó hằng sống với tâm thanh tịnh sáng suốt, không nhơ, không sạch.

Muốn vậy Bồ tát phải quán trí tuệ rộng lớn để chuyển hóa tối tăm, si mê và sống với tính biết sáng suốt, nương nơi mắt thấy tai nghe không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế; từ đó phát khởi lòng từ bi rộng lớn đi vào đời cứu độ chúng sinh mà không thấy mình ban cho, người được cho và vật đã cho.

Thiền chỉ là bước đầu để cột tâm con khỉ ý thức của chính mình, xưa nay chúng ta quen chạy rong ruỗi đầu này đầu kia, muốn cho tâm an định thì phải chú tâm vào Phật Bồ-tát, hoặc niệm hơi thở hay biết vọng không theo, chú tâm vào mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, nhờ vậy mới từ từ đánh bạt những vọng niệm lăng xăng khác. Thiền Chỉ lâu ngày thuần thục thì phát sinh định tĩnh, nhưng trụ vào đây mãi sẽ trở thành si định vì không có trí tuệ nên không đủ sức hoá giải phiền não tham-sân-si.

Thiền Quán để thấy rõ thực chất thân tâm và hoàn cảnh. Nhờ xem xét, quán chiếu, ta thấy thân này không thật có, do bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành bởi tinh cha, huyết mẹ cùng với thần thức một chúng sinh. Nếu thân này thiệt thì trước sau như một không biến chuyển, đổi thay, bởi nó giả nên phải già-bệnh-chết. Rồi hằng ngày ta phải vay mượn các thức ăn uống để nuôi thân, mượn vô rồi phải trả ra, cứ như thế hết vay mượn lại trả ra, cho đến khi nào không còn vay mượn nữa thì mạng sống chấm dứt. Nhưng chết không phải là hết, chết chỉ là thay hình đổi dạng, nếu trong đời này ta không biết tu tâm sửa tánh để sống có nhân cách đạo đức và giúp đỡ người khác thì mình khó có cơ hội làm người trở lại khi mất thân này.

Đức Phật có tầm nhìn và sự hiểu biết sâu rộng hơn, nhờ trải qua hai lối sống thái quá, nên Ngài biết cách tìm về con đường trung đạo, nhằm giúp bản thân hoàn thiện, cùng nâng đỡ, sẻ chia, để mọi người cùng đạt đến sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.

Chính vì vậy, ai biết tu Thiền sẽ sống một đời bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Ai không biết tu Thiền khi phước hết hoạ đến sẽ trả quả xấu ác, lúc này dù có ăn năn hối hận cũng đã muộn. Phật dạy “giống như con rùa mù 100 năm mới trồi lên trong biển cả, để tìm được bọng cây chui vào rất khó”. Cũng vậy, nếu ngay trong hiện đời ta không biết gieo trồng phước báo thì khó có cơ hội được làm người trở lại. Người tại gia phải cố gắng gia công Thiền định trong bốn oai nghi cho đến khi nào tâm dứt hết các tạp niệm phải quấy, hơn thua, buồn thương, giận ghét mà lặng lẽ, thanh tịnh mới thật là an nhiên, tự tại. Thật ra không phải vậy, người tu bỏ những niệm lăng xăng tạp loạn để tập trung vào một việc thì sáng thêm chớ làm sao ngu được.

Khi làm việc cũng vậy, nếu buông hết chuyện tạp, tập trung, chú tâm vào công việc thì kết quả sẽ tốt hơn. Khi ta càng buông lại càng nhớ, nhớ một cách tự nhiên, trong sáng nên mọi việc hiện ra rất rõ ràng, phân minh. Chúng ta thử nghiệm xét lại xem khi nào mình rối mà việc này, việc kia cứ dồn dập đến thì mình quên trước, quên sau, không có đầu đuôi gì hết. Khi ấy chúng ta chỉ cần ngồi Thiền, tập trung lại một chút sẽ nhớ rõ ràng trở lại, chính vì vậy nhiều người mới tập tu Thiền. Nhiều người nói không nhớ gì hết nhưng sao đến lúc ngồi Thiền lại nhớ nghĩ đủ chuyện trên đời.
 
Lúc chưa Thiền ta không có thời gian định tâm nên việc này việc kia chồng chéo lên nhau nên mình không nhớ, khi ngồi Thiền tâm an tịnh nên ta nhớ biết rõ ràng đủ thứ chuyện. Xưa nay ta lãng quên không biết ứng dụng Thiền vào cuộc sống nên thấy khó tu, giờ đã tu nên khi ngồi lại thấy rõ ràng từng vọng niệm thương ghét phát sinh nhưng không dính mắc theo, chỉ nhìn chúng rõ ràng thì tự động chúng lặng xuống, ta khỏi cần phải xua đuổi hay đối trị gì hết.

TÂM PHẬT VÀ NIẾT BÀN

Ngày xưa khi đức Phật ngồi Thiền dưới cội Bồ đề và chứng được Túc Mạng Minh, Ngài nhớ lại vô số kiếp trước đã làm gì, ở đâu như nhớ chuyện ngày hôm qua. Khi buông hết các tạp niệm lăng xăng ta tưởng như quên hết mọi việc nhưng trái lại càng Thiền càng nhớ rõ nhưng tâm không dính mắc, việc gì cần nhớ thì nhớ, không cần thì thôi. Hiểu như vậy ta mới thấy tâm mình là kho chứa đựng các thứ buồn thương, giận ghét, tốt xấu, phải quấy, hơn thua. Những thứ cần biết thì ta không biết, những thứ không cần biết ta lại tìm tòi để dính mắc vào đó nên sinh ra phiền muộn, khổ đau.

Chúng ta nên nhớ việc gì đáng lo thì mình lo, việc gì không đáng lo thì đừng bận tâm đến. Người khéo tu Thiền trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng nhớ quay lại chính mình, nhận ra và sống được với Phật tính sáng suốt; ngoài ra tất cả đều là vô thường hư ảo nên không cần chú tâm đến làm gì, như thế các tạp niệm lăng xăng từ từ không có chỗ bám víu, sẽ tan hoà vào chân tâm. Đến đây thì:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Đây là bài kệ của vua Trần Nhân Tông khi còn làm Thái Thượng Hoàng. Ở giữa cuộc đời này mà ta luôn sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân và còn đóng góp lợi ích cho xã hội. Sống và làm việc như vậy mà không bị dính nhiễm bụi trần nên thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Người đã thể nhập chân lý không còn lo toan, bận bịu một thứ gì. Việc gì cần làm thì làm, làm trong vui vẻ, an nhiên; cho nên đói thì ăn mà không thèm khát, khi mệt thì đi ngủ một giấc ngon lành như Lục tổ nói, “duỗi thẳng hai chân ngủ”.

Ngay nơi thân này mình đã sống với ông Phật của chính mình nên đâu cần tìm cầu, tìm kiếm nơi khác, khỏi phải lăng xăng chạy tìm Phật pháp ở phương nào. Ý nghĩa câu kệ cuối cùng rất quan trọng, khi làm việc, tiếp xúc, đối duyên chạm cảnh thì tâm hằng biết mà không tính toán so đo, do đó bình an, tự tại nên không cần phải hỏi tới Thiền. Tâm không vướng mắc với trần cảnh, thấy tức là biết mà không dính vào hình ảnh sự vật, như vậy không phải Thiền là gì? Còn đi tìm kiếm, còn hỏi Thiền là dư rồi, tới đó trong nhà đã có báu nên thôi tìm kiếm, đối cảnh đã vô tâm nên không phải hỏi Thiền.

Như vậy, quyền cao chức trọng, địa vị danh vọng, nhà lầu xe hơi, tiền bạc dư dã, vợ đẹp con xinh, những thứ này người thế gian ai cũng ước ao mong muốn; nhưng vị vua Thiền sư Trần Nhân Tông tuy có đầy đủ mà dám bỏ hết để lên núi tu hành và thành tựu đạo pháp. Gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông là ông vua thiền sư đã biết áp dụng Thiền khi làm Thái thượng hoàng, đã truyền mãi đến bây giờ hơn 700 năm, chúng ta may mắn là người dân đất Việt nên được thừa hưởng trực tiếp tinh ba của ngài nhờ biết Thiền trong cuộc sống.

Vua Trần Nhân Tông đã biết áp dụng “Thiền” trong cuộc sống, nên khi xuất gia lên núi Yên Tử tu hành chỉ trong thời gian ngắn đã sáng đạo. Thiền sư xuống núi khuyên dạy mọi người giữ năm giới, tu mười điều thiện và phá bỏ những tập tục mê tín có tính cách làm tổn hại nhân loại. Nhờ vậy Phật giáo đời Trần là một nét son vàng chiếu sáng khắp toàn thể nhân gian nước Việt, phát triển tinh thần làm chủ bản thân nhờ biết “thiền” trong gia đình và cuộc sống.

Chỉ cần mọi người chúng ta noi theo gương hạnh của người xưa qua sự hướng dẫn của chư Tăng ni trong thời hiện tại. Chúng ta có đầy đủ lòng kính trọng Tam bảo và tin tâm mình là Phật mà cố gắng kiên trì, bền bỉ, dù không thành tựu trọn vẹn trong kiếp này, ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau vì đã ta có chất Thiền trong người.

Muốn được thành tựu viên mãn ta phải dùng cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch mọi ma mị trong tâm, cho đến khi nào thanh tịnh, sáng suốt, lặng lẽ mà hằng chiếu soi muôn sự vật. Cảnh là cảnh, vật là vật, ta là ta cùng hoà hợp nhịp nhàng với nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim yêu thương và hiểu biết. Mỗi hành giả tu Thiền nên lấy bài kệ của Thiền sư Huyền Giác để nghiệm xét chính mình:

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai,
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

“Tỉnh tỉnh lặng lặng phải” là sao? “Tỉnh tỉnh” có nghĩa là chúng ta thường biết rõ ràng, “lặng lặng” có nghĩa là không vọng niệm lăng xăng, cho nên “tỉnh tỉnh lặng lặng” là thành tựu viên mãn. Phật đã sống được như vậy trọn vẹn nên không có gì làm cho Ngài dao động, suốt 49 năm giáo hoá bị người mắng chửi, vu oan giá họa bằng mọi thủ đoạn nhưng Phật vẫn an nhiên, tự tại mà chứng minh sự trong sáng của mình. “Vô ký lặng lặng sai” là sao? Ở đây ý nói người tu Thiền nhờ chú tâm vào một chỗ nên tâm an định nhưng không có trí tuệ, do đó rơi vào hôn trầm, không biết gì. “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải” cũng giống như đã nói, còn “loạn tưởng tỉnh tỉnh sai” ý nói chúng ta xử dụng Thiền quán nhiều mà phát sinh trí tuệ, nhưng có trí tuệ mà cứ nhớ hoài Thiện pháp, không buông xả được nên khi đó chúng là vọng niệm lăng xăng, tức loạn tưởng. Chỉ có “tỉnh tỉnh lặng lặng” là đúng, coi như thành tựu Phật đạo mà bình thản, an nhiên, tự tại.

Cái biết ai cũng có
Ngay nơi thân mọi người
Chỉ vì ta không nhận
Nên đành chịu khổ đau.

Khi mê thì Phật độ
Khi biết thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
 tất cả chư Phật.

Bây giờ chúng ta hãy nghe ông vua Thiền sư Trần Thái Tông, ông Tổ của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên núi xin Quốc sư Trúc Lâm làm Phật. Quốc sư ân cần nắm tay vua bảo: “ trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thường biết rõ ràng thì đó chính là tâm Phật. Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải khổ nhọc tìm cầu bên ngoài”. Ngay nơi đây mọi hành giả tu thiền sẽ nhận lại cái sẵn có nơi mình, cái đó rỗng rang sáng suốt nhiệm mầu nói không thể đến. Trong nhà Phật có nhiều danh từ để chỉ ra cái biết sáng suốt của mình. Để nói lên sự bình đẳng của một chúng sinh Phật đã từng xác quyết rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật là danh từ chung, ai cũng có quyền sống với cái biết sáng suốt của mình nương nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý hay còn gọi là Phật tánh. 
 
Như ngài Thần Quang trước khi gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma là ông tổ của Thiền tông, hành giả Thần Quang dù có ngồi Thiền cả ngày mà tâm niệm vẫn cứ lăng xăng, loạn động. Cho nên một hôm gặp được Tổ, ngài thưa hỏi pháp yếu liễu thoát sinh tử!

Ngài Thần Quang thưa rằng: “Tâm con không an, xin thầy chỉ dạy”. Tổ bảo, ngươi đem tâm ra đây ta an cho. Theo thói quen hằng ngày, ai cũng thấy tâm của mình là thật có, cho nên tôi suy nghĩ, tôi tính toán mọi đúng sai trong cuộc đời, và tôi là tất cả… Ở đây, bằng diệu thuật trong nhà thiền Tổ không nói cái gì cao siêu mà chỉ bảo rằng, “ông đem tâm ra ta an cho”. Ngài Thần Quang quay lại tìm tâm không thể được vì tâm có lúc ẩn, lúc hiện không rõ ràng, nên khi nhìn lại không thấy tâm ở đâu, do đó Ngài thưa với Tổ: Con tìm tâm không thể được. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”.

Như vậy, an tâm là ở chỗ nào? Chỗ này quý vị phải nhìn kỹ lại mới thấy rõ ý sâu xa của nó. Đây là diệu thuật của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, “pháp an tâm” của Tổ rất đơn giản và bình thường, bình thường đến nỗi ta khó mà chấp nhận được. Khi có niệm tham khởi lên, ta biết ta đang tham, biết một cách rõ ràng, không nhầm lẫn, đó là “pháp an tâm”. Khi biết như vậy niệm tham tự nhiên biến mất, ngay khi đó không phải an tâm là gì? An mà không có chỗ để an, chỉ đơn giản vậy thôi.

Một hôm, tổ Huệ Khả sau thời gian nhận pháp an tâm, rồi đến trình Tổ sư: Con đã dứt hết các duyên. Tổ nói: Coi chừng rơi vào không. Huệ Khả thưa: Không rơi được. Tổ hỏi lại: Làm sao con biết? Con rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Tổ bảo: Đây là chỗ truyền của chư Phật, xin chớ có hoài nghi.

Đến đây, ông tổ thiền tông ấn chứng cho tổ Huệ Khả đã sống trọn vẹn với pháp an tâm. Cái chỗ con tìm tâm không thể được mà vẫn thường biết rõ ràng đó, ai biết? Khi mắt chúng ta nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật, đen biết đen, đỏ biết đỏ, sự vật như thế nào biết rõ như thế đó, thấy chỉ là thấy, thấy tức là biết, biết tức là tâm, tâm tức Phật.

Thân là cây Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để dính bụi bặm. 

Ngài Thần Tú ví thân này như cây Bồ đề cũng đúng, nếu không có thân làm sao mình có cơ hội làm những điều thiện ích. Do đó, ngài Thần Tú nói “tâm như đài gương sáng”. Thân và tâm không thể tách rời nhau, thân làm việc tốt hay xấu là do tâm điều khiển, chỉ đạo. Mặc dù tâm như đài gương sáng, trong sạch, tinh khiết, thuần nhất nhưng nếu ta cứ để cho lòng tham lam, ích kỷ, hờn giận, si mê, ghen ghét, hận thù chen vào thì sẽ dẫn đến tranh đấu, giành giựt, tìm cách sát phạt, triệt buộc lẫn nhau để vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho người và vật. Tâm si mê, mù quáng do thấy biết sai lầm nên đưa thân đi tới những hành động nông nổi, thấp hèn mà tạo nghiệp tày trời làm khổ đau nhân loại. Tâm nóng giận, hờn mát dẫn đến ăn không tiêu, khó ngủ, lâu ngày phát sinh bệnh suy nhược thần kinh. Bởi vậy, tâm là chủ nhân của bao điều họa phúc, thiện ác, nên hư, thành bại trong cuộc đời.

Chính vì thế, muốn thân đứng vững mà không làm các việc xấu ác để sống lâu dài thì phải an tâm. Tâm an thì họa trở thành phúc, ngu trở thành trí, khổ đau phiền muộn trở thành an lạc hạnh phúc. Tâm không an thì họa khổ đau sẽ làm cho thân dễ bị nghiêng ngã. Cho nên từ xưa đến nay các bậc hiền thánh đều tu tâm trước rồi mới lập thân, nhờ đó mà thân đứng vững vàng để đi vào đời làm lợi ích cho tha nhân mà không bị dòng đời cuốn trôi. Ngài Thần Tú cũng vì thế mới chỉ dạy phải luôn luôn dọn dẹp phiền não tham-sân-si, muốn vậy ta phải siêng năng lau chùi bụi bặm bám dính đầy nơi thân.

Lời dạy của ngài Thần Tú phù hợp với số đông nên dễ hành trì vì chúng sinh nghiệp tập sâu dày. Bản chất của tâm được ví như đài gương sáng nhưng vì bị bụi phiền não dính vào, ta chỉ việc lau chụi bụi bám dính trên mặt gương, khi bụi hết gương sẽ trong sáng trở lại. Bài kệ của ngài Thần Tú khi được viết trên vách khi được Ngũ tổ đọc xong liền nói chỉ để lại một bài kệ này cho mọi người đọc tụng, thọ trì y như bài kệ này mà tu hành khỏi bị đọa vào ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh.

Những ai y bài kệ này mà tu hành thì lợi ích rất lớn. Tất cả mọi người trong chùa khi tụng đọc bài kệ thảy đều khen hay. Rõ ràng, nếu nhìn ở chiều có sự quán chiếu thực thể hai mặt, kẻ si mê chấp thân là thật ta, rồi đến của ta. Ngược lại với kẻ si mê là những người trí tuệ, tuy biết thân này giả có, không thực thể cố định nhưng không vì thế mà họ bi quan, chán nản. Họ biết lợi dụng thân này để tu tập chuyển hóa, nhờ vậy biết kết hợp nhuần nhuyễn tu thân-miệng-ý, do đó đạt được lợi ích thật sự. Kẻ mê thì bám víu vào thân để gây tạo những điều tội lỗi, người trí tỉnh giác nương nơi thân để làm những việc thiện lành, tốt đẹp mà giúp người, cứu vật. Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy:
loading...