Sách Phật giáo
Nền tảng đạo Phật và học thuyết Tây Phương Cực Lạc (P.1)
Thứ ba, 25/04/2017 02:21
Khi kinh Phật được phát triển lan rộng đến các nước thì tùy theo phong tục của nước đó mà kinh Phật có sự thay đổi về ngôn ngữ và kinh nào vẫn giữ được bản chất chân lý bốn sự thật Tứ diệu đế thì coi như kinh đó là kinh sống đáng được mọi người tin và tu theo. Văn-tư-tu là ba dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của người tu, kinh Phật chân chính đều dựa trên nền tảng nhân quả hãy tự mình thắp đuốc lên với ánh sáng trí tuệ của chính mình, thắp lên với chính pháp, ta là chủ nhân của bao điều họa phúc. Còn học thuyết nào chỉ cho con người hướng ra bên ngoài, cầu bên ngoài với tư tưởng ỷ lại và nhờ vả thì đó là kinh ngụy tạo hư dối.
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niệm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn, lấy kinh-luật-luận làm nền tảng.
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền. Phàm phu chuyển hóa, lữ khách xoay đầu. Tuy nhiên chỗ này, ranh giới mê ngộ trong đường tơ kẻ tóc, phải thật là cẩn thận mới được.
Chiếc chìa khóa vạn năng của việc này không gì khác hơn là sự quyết tâm đổi đời, làm mới lại chính mình với những chất liệu của bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Mấu chốt của việc này nằm ở chỗ khởi phát lòng tự tin chính mình, quyết tâm nỗ lực làm mới để chuyển hóa những thói quen làm tổn hại cho người và vật mà sống đời an vui, hạnh phúc.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại văn minh vật chất dưới sự tiếp cận của khoa học hiện đại, do đó cần phải truyền bá Phật giáo thích hợp với căn cơ, trình độ của mọi người mà vẫn giữ được bản chất giác ngộ, giải thoát. Ở đây, chiêu thuật của nhà Thiền chỉ là “tâm cảnh như như”, vào được thì sống, không vào được thì chết. Tuy nhiên cũng phải mất mấy mươi năm tương chao mới có thể thốt ra được lời “à, thì ra là vậy” trước muôn ngàn ngổn ngang của cuộc tồn sinh nhiễu nhương này.
Mục đích của đạo Phật là tìm ra lẽ thật của thân tâm và hoàn cảnh. Chúng ta phải nói ra những gì chân thật để mọi người hiểu đúng Phật giáo mà không còn nghi ngờ điều gì. Phá bỏ những tập tục mê tín của các truyền thuyết khác xen vào làm mờ tối đạo Phật là việc cần thiết tối quan trọng nhằm giúp mọi người tin sâu nhân quả theo nguyên lý duyên sinh, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.
Này các thiện hữu tri thức! Không có gì là kết thúc, không có gì không thể làm được, miễn là ta không nản lòng, không thất vọng, hay bỏ cuộc nửa chừng. Với một quyết tâm cao độ, với ý chí sắt đá, với nhận thức làm mới, tôi tin chắc rằng, ta sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được vận mệnh của mình.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân của đức Phật, giảng tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như nghe, Bát Chính Đạo là nội dung chính đức Phật muốn nói ra, khi Ngài đã lìa khỏi hai cực đoan. Đức Phật đã trải qua hai lối sống hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực trong cung điện, và sáu năm tu khổ hạnh nhưng không tìm ra lối thoát. Ý nghĩa chính của con đường trung đạo là sự thức tỉnh và thấy biết đúng như thật của đức Phật qua hai kinh nghiệm từng trải trong đời, để rút ra một kết luận và khuyên nhủ mọi người đừng để bị rơi vào hai cực đoan ấy.
Thứ nhất là đắm mình trong dục lạc thế gian như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều, dẫn đến nguy hại, là một điều chúng ta cần phải tránh xa. Tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh, ép xác, dẫn đến thân đau khổ, tâm u mê, không sáng suốt, tác hại vô cùng là điều ta không bao giờ nên làm.
Đức Phật cho thấy, cuộc sống của chúng ta ít bao giờ được hoàn hảo với bất cứ một ai. Ai cũng có một nỗi khổ, niềm đau riêng, bởi bản chất của con người, ai cũng đều có khát vọng, mong muốn, tìm cầu hưởng thụ tiện nghi vật chất. Khi những chướng duyên, nghịch cảnh của xã hội làm cho con người phiền muộn, đau khổ, họ sẽ tìm về với gia đình, người thân, mong được an ủi, sẻ chia và nâng đỡ.
Đức Phật có tầm nhìn và sự hiểu biết sâu rộng hơn, nhờ trải qua hai lối sống thái quá, nên Ngài biết cách tìm về con đường trung đạo, nhằm giúp bản thân hoàn thiện, cùng nâng đỡ, sẻ chia, để mọi người cùng đạt đến sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.
Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về trí tuệ. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về giữ giới. Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về định lực.
Tám nguyên tắc hành động Bát Chánh Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như việc yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Trên phương diện thiết lập để tu học, tám yếu tố này được chia ra làm ba nhóm:
Nhóm giới luật được liên kết nhau bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Nhóm định lực được kết hợp hài hòa bởi chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định. Nhóm trí tuệ được chiêm nghiệm và tu tập bởi chánh kiến và chánh tư duy.
Nói rộng ra là Bát Chánh Đạo, nói gọn lại là Giới-Định-Huệ. Do đó, trí tuệ là một phương tiện tu tập thiện xảo, hầu giúp mọi người thức tỉnh để mở mang tâm trí, và thấy biết đúng như thật. Bát Chánh Đạo là tám con đường ngay thẳng, hay là tám phương pháp nhiệm mầu mật thiết, luôn giúp người phật tử đạt đến an lạc, hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Trong đạo Phật, Bát Chánh Đạo được xem như phương pháp số một, giúp chúng ta biết cách dứt trừ phiền muộn, khổ đau để đạt đến an vui, tự tại, giải thoát. Đây là sự hiểu biết thông suốt toàn diện về mọi mặt từ thân, tâm và mọi hiện tượng sự vật, giúp ta thức tỉnh để vượt thoát sự ràng buộc ra khỏi cái thấy biết sai lầm, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn, ngu si, mê muội thuộc chủ nghĩa cá nhân.
Đức Phật chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân, quay lại chính mình để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Vì thấy biết sai lầm mà ta phải chịu khuất phục bởi một đấng thần linh giả tạo, với niềm hy vọng mong mình được cứu rỗi, thoát khỏi bao cảnh lầm than, khổ sở mà chính mình đã tạo ra. Trí tuệ không phải là sự hiểu biết bình thường của tri thức? Mà là một sự thẩm thấu qua quá trình văn, tư, tu đúng phương pháp.
Phật dạy Tứ diệu đế là nền tảng sâu sắc của đạo Phật chân chánh, mỗi hành giả phải thấm nhuần và thẩm thấu bốn nguyên lý chắc thật này:
Đây là đau khổ, tức khổ đế là một sự thật.
Đây là nguyên nhân sinh ra đau khổ, tức tham sân si mạn nghi, ác kiến là sự thật.
Đây là sự chấm dứt đau khổ tức là diệt đế hay còn gọi là Niết bàn hoặc tâm Phật như như… là sự thật.
Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau hoàn toàn, đó là Bát Chánh Đạo, nói gọn lại Giới-Định-Huệ là một sự thật.
Kính ghi
Sa môn Thích Đạt Ma Phổ Giác
TỨ DIỆU ĐẾ LÀ NỀN TẢNG ĐẠO PHẬT
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, kinh-luật-luận được truyền tụng lại bằng miệng, sau này mới được ghi chép lại thành sách. Kinh thì có tam sao thất bản do người sau thêm thắt vào, để kiểm chứng lại cho chính xác Kinh nào nói dựa trên bốn chân lý Tứ diệu đế dựa trên nền tảng nhân quả đạo đức thì đó là Kinh Phật nguyên chất. Đây là một công thức siêu khoa học để xác định Kinh Phật giáo chân chánh và Kinh ngụy tạo. Gọi là Kinh tức có Phật nói và đệ tử Phật nói, bây giờ thì các tổ nói cũng dựa trên nền tảng Tứ diệu đế, để triển khai rộng hơn. Bồ tát Sĩ Đạt Ta từ khi ra đời đến khi xuất gia và thành đạo dưới cội Bồ đề, thuyết giảng 49 năm hơn ba mươi ngàn quyển Kinh và an nhiên tự tại báo trước ba tháng trước khi nhập Niết bàn đều nói đến bốn chân lý Tứ diệu đế.
Thế cho nên, xưa và nay đã tốn biết bao giấy mực sách vở và những diễn đàn tranh luận để phân biệt Kinh-luật-luận chính tà mà tới giờ này cũng chưa có học thuyết nào làm sáng tỏ chân lý Phật đà. Chúng tôi, kẻ hậu học theo suy nghĩ riêng của mình đưa ra phương pháp để xác định Kinh Phật nguyên chất và Kinh Phật đời sau thêm thắt vào để cho phù hợp với phong tục tập quán của nước đó. Phật dạy Tứ diệu đế:
Đây là đau khổ, tức khổ đế.
Đây là nguyên nhân sinh ra đau khổ, tức tham sân si mạn nghi, ác kiến.
Đây là sự chấm dứt đau khổ tức là diệt đế hay còn gọi là Niết bàn.
Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ, đó là Bát Chánh Đạo.
1-Khổ đế
Khổ đế là sự thật rõ ràng, là chân lý chắc chắn cho thấy tất cả nỗi khổ đau của mọi chúng sinh trên trần thế này đều phải gánh chịu, như sinh sống là có khổ, đau ốm là khổ, già nua là khổ, chết là khổ v.v…Yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ, thân tâm không hòa hợp khổ. Những nỗi khổ niềm đau ấy tràn ngập khắp thế gian. Chính vì vậy đức Phật thường ví cuộc đời như là một biển khổ mênh mông vô cùng tận.
2-Tập đế
Tập đế là chân lý chỉ rõ nguyên nhân nguồn gốc của thực trạng đau khổ của kiếp con người. Tập có nghĩa là nhóm lại, gộp lại, là sự huân tập lâu dài rồi trở thành thói quen thâm căn cố đế khó chừa bỏ. Con người và chúng sinh nói chung thấy khổ, biết khổ trong cuộc sống của mình, nhưng thực ra không biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nỗi khổ niềm đau. Đức Phật đã chỉ rõ: do vô minh che lấp nên con người không nhận ra thực tướng của vạn vật mà cứ tham đắm chạy theo cái hư ảo nên tạo ra nghiệp. Đó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ.
3-Diệt đế
Diệt đế là chân lý thực sự nói về về cảnh giới tốt đẹp mà chúng sinh đạt được khi đã diệt trừ những nỗi khổ cùng những nguyên nhân gây ra đau khổ và được giải thoát. Đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt tức là tịch diệt, nghĩa là không còn khổ đau trong luân hồi sống chết. Khi đó liền thể nhập trạng thái Niết bàn (Hữu dư Niết bàn). Khi xả bỏ huyễn thân, thân tứ đại không còn (chết, tịch, tịch diệt nay nhập Niết bàn), khi đó gọi là Vô dư Niết bàn. Diệt đế còn được gọi là Niết bàn.
4-Đạo đế
Đạo đế là con đường, là phương pháp hữu hiệu để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý, là thể nhập Niết bàn, là trạng thái tâm hoàn toàn không còn khổ não. Hay nói khác đi, đó là những phương pháp đúng đắn đưa ta đến con đường diệt mọi đau khổ.
Khi Kinh Phật được phát triển lan rộng đến các nước thì tùy theo phong tục của nước đó mà Kinh Phật có sự thay đổi về ngôn ngữ và Kinh nào vẫn giữ được bản chất chân lý bốn sự thật Tứ diệu đế thì coi như kinh đó là Kinh sống đáng được mọi người tin và tu theo. Văn-tư-tu là ba dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của người tu, Kinh Phật chân chánh đều dựa trên nền tảng nhân quả hãy tự mình thắp đuốc lên với ánh sáng trí tuệ của chính mình, thắp lên với chính pháp, ta là chủ nhân của bao điều họa phúc. Còn học thuyết nào chỉ cho con người hướng ra bên ngoài, cầu bên ngoài với tư tưởng ỷ lại và nhờ vả thì đó là Kinh ngụy tạo hư dối.
Ngày hôm nay tăng ni cả nước gần 50.000 ngàn người, nhưng số thầy giảng Kinh thuyết pháp mở khóa tu chỉ đếm trên đầu ngón tay, đây là một thực trạng đau buồn, là nguyên nhân dẫn đến Phật giáo suy đồi bởi do nhiều thế lực chính trị đồng hóa. Các tu sĩ thực tu thực học thì ít, các tu sĩ mượn đạo tạo đời thì nhiều do ảnh hưởng nền văn hóa thực tại của đất nước Việt Nam.
Một số người là cán bộ cấp cao sở văn hóa cấp tỉnh, họ nói rằng xây chùa và phục hưng chùa để thờ cúng tính ngưỡng dân gian. Họ đồng hóa chức năng chùa với đền, miếu giống nhau, vậy mà họ vẫn nắm giữ các chức vụ cao trong nghành văn hóa cấp tỉnh. Chùa được xây dựng để hướng dẫn đạo đức làm người, hướng dẫn chân lý sống đạo đức Phật giáo chân chánh, mở các khóa tu để hướng dẫn cho phật tử tại gia tu học, chứ không phải như nhiều người lầm tưởng đền, chùa, miếu, phủ giống nhau như một. Chúng ta cùng nghe bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề đức Phật dạy 5 anh em Kiều Trần Như:
Chúng tôi xin dẫn bài Kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân, đức Phật dạy năm vị Tỳ kheo trước kia đã từng theo Ngài tu khổ hạnh. Đó là bài Kinh nói về Tứ diệu đế. Đây là bài Kinh hết sức cụ thể, thực tế, không có gì khó hiểu hay huyễn hoặc.
KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
Tôi nghe như vầy, sau khi thành đạo, lần đầu tiên đức Thế Tôn chuyển bánh xe chánh pháp tại Vườn Nai. Tại đây, Ngài dạy năm vị Tỳ kheo đầu tiên rằng:
"Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia không nên làm theo. Những gì là hai. Một là đam mê say đắm các dục lạc thấp hèn, có tính cách thô bỉ, phàm tục, không dẫn đến phẩm hạnh cao quý thánh nhân, làm xa rời mục đích tu tập. Hai là tự làm khổ mình bằng các lối tu khổ hạnh ép xác, không thích hợp với các phẩm hạnh bậc thánh, không dẫn đến mục đích giác ngộ, giải thoát.
Này các Tỳ kheo, các vị phải loại bỏ và tránh xa hai cực đoan vô ích này. Hãy đi theo con đường Trung Đạo do Như Lai chứng ngộ, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấy biết đúng như thật, dẫn đến sự an tịnh, thánh trí, giác ngộ và Niết bàn.
Này các Tỳ kheo, đây là Thánh đế con đường Trung Đạo diệt khổ, chính là tám phương pháp nhiệm mầu: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, ý niệm chân chánh và thiền định chân chánh.
Này các Tỳ kheo, sau đây là bốn chân lý cao quý vi diệu của cuộc đời:
Chân lý thứ nhất là thực tại đau khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, thù ghét mà phải gặp nhau là khổ, mong cầu mà không toại nguyện là khổ, chấp vào thân năm uẫn là khổ và cuối cùng là sầu bi khổ não.
Chân lý thứ hai là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là phiền não nhiễm ô, là tâm dính mắc ái dục, là sự tham đắm và chấp thủ về cái ta, cái của ta, là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.
Chân lý thứ ba là Niết bàn, tức là sự trừ diệt hoàn toàn gốc rễ của khổ đau và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là sự không còn chấp trước bởi đam mê say đắm ham muốn, biết buông xả và dẫn đến giác ngộ, giải thoát.
Chân lý thứ tư là con đường dẫn đến Niết bàn, đó là tám phương pháp tâm linh mầu nhiệm, là con đường Trung đạo.
Này các Tỳ kheo, mỗi hành giả cần phải thấu hiểu về thực tại khổ đau. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe biết, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ mọi sự vật.
Này các Tỳ kheo, mỗi hành giả cần phải trừ diệt hoàn toàn gốc rễ dẫn đến khổ đau. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe biết, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ mọi sự vật.
Này các Tỳ kheo, mỗi hành giả cần phải tu tập trọn vẹn con đường dẫn đến Niết bàn. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe biết, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ mọi sự vật.
Như vậy, này các Tỳ kheo chỉ khi nào tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn chân lý vi diệu của cuộc đời dưới ba sắc thái, gồm mười hai khía cạnh đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, thì khi ấy Như Lai mới xác nhận với thế gian, gồm chư thiên, ma vương, Phạm Thiên, giữa các đoàn thể Sa môn, Bà-la-môn, giữa loài trời và loài người rằng Như Lai đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm Như Lai đã giải thoát và an tịnh tuyệt đối, đời sống này là cuối cùng, Như Lai không còn bị luân hồi sinh tử nữa. (Bản dịch Hòa thượng Minh Châu)
Khổ đế là một sự thật, khi những đau khổ về vật chất và tinh thần bất kỳ ai từ khi bắt đầu nhận thức đã buộc phải trải qua ở các mức độ khác nhau. Khi chúng ta chưa được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ, tam chuyển vẫn có ý nghĩa lớn trong việc làm giảm bớt nỗi đau thế gian, nếu mỗi người đều biết nhận diện, ôm ấp vỗ về và chuyển hóa nỗi đau của chính mình và người xung quanh. Bước đầu tiên phải là công nhận có sự đau khổ đó, chúng ta mới thể giúp mình và giúp người khác vượt qua nó.
Tập đế là căn nguyên gây ra sự Khổ, là do “ tham ái”, những ham muốn của chúng ta, thường là vì ta bám vào chính ta. Dục ái thể hiện những tham muốn khoái lạc qua năm giác quan, ví dụ như là ở trong cái gì mắt thấy đẹp thì ưa, tai nghe âm thanh êm dịu thì say mê, mũi ngửi mùi thơm thì vui, ăn thì thích món ngon, xúc chạm thì muốn sự thoải mái. Hữu ái là bị phụ thuộc lôi kéo bởi “tôi là” và những thứ “tôi muốn, tôi có, tôi nhất định phải có”. Phi hữu ái là bị khó chịu vì những thứ “không phải là tôi” và “tôi không chấp nhận được”. Bám víu vào “luyến ái” làm ta khổ. Mức độ tham ái càng cao, thì con người chúng ta càng xa con đường trí tuệ và càng sa lầy vào vũng bùn đau khổ.
Diệt đế là diệt bỏ những căn nguyên gây ra sự khổ, không tham ái, không chấp trước, không dính vào thân tâm và hoàn cảnh. Sự buông bỏ chấp trước, giúp chúng ta tu tập về quán sát canh giữ tâm mình, để có cái nhìn khách quan về bản thân và ngoại cảnh, và không bị những ý thích chủ quan che mờ lý trí, từ đó sinh ra tâm không phân biệt, khởi đầu của trí tuệ giải thoát. Ngoài ra cũng có một số Sa môn, Bà-la-môn khác xuyên tạc đức Phật một cách hồ đồ, họ bảo rằng: “Sa môn Gotama chủ trương chủ nghĩa Hư vô, đề cao đoạn diệt, nhằm tiêu diệt các loài hữu tình”.
Để trả lời những người này, đức Phật giải thích: “Này các Bà-la-môn, Ta chỉ nói lên sự khổ và phương pháp diệt khổ. Do vậy, nếu có người hủy báng, nhục mạ làm cho Ta tức giận, thì ở đây Ta không tức giận. Trái lại, nếu có người tôn kính, tán thán Ta, thì ở đây Ta không hãnh diện. Vì sao vậy? Vì Ta nghĩ rằng: Pháp này đã có từ nghìn xưa, và đây là những bổn phận mà Ta phải thực hiện.”
Đạo đế chỉ ra con đường đưa đến Khổ diệt, hay còn gọi là Bát Chánh Đạo, bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác