Kiến thức
Nếp chùa
Thứ năm, 17/11/2022 01:46
Thuở ấy, chúng ta sống còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp. Ăn mặc thiếu thốn, dậy sớm thức khuya để làm việc. Ngôi chùa mới được dựng lên còn sơ sài, vật liệu làm chùa được tận dụng từ ngôi trường cũ, có sẵn ở khuôn viên chùa.
Phật tử lên rẫy canh tác mưu sinh, đốn cây gỗ Ké còn lại. Gỗ Ké rất cứng, chắc và chịu được nắng mưa. Cưa, búa, bào, đục chạm vào là rất mau lụt, phải mài dũa nhiều lần trong một buổi, làm rất nhọc sức và mất công. Phật tử cùng nhau công quả, nhờ thêm bò kéo cộ mới chở gỗ về được. Đường đất lên rẫy qua dốc rồi lại xuống trũng. Cộ bò mới kéo được đất đắp nền. Đi xa chở nước tưới nền, nước đựng vào các thùng phuy. Phải hết lòng mới dựng được chùa rộng thoáng và mới có nơi cho đông người ngày đêm tu học. Hồi ấy, điện nước chưa có, đèn dầu thì hạn chế theo chỉ tiêu, không có bán ở ngoài cửa hàng hợp tác xã. Một hộ được mấy lít theo định kỳ. Thế mà thầy trò vẫn tu học đều đặn mỗi đêm. Học giáo lý nội dung không chờ đợi thần linh, ngày giờ tốt xấu. “… Tự mình thanh tịnh mình, không ai thanh tịnh ai”. Tụng kinh sám hối bằng kinh Pháp cú. Những đoạn trong bộ Nikaya, dễ hiểu, có thể ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Bài giảng như cách niệm Phật, cụ thể sau đây: “không đào khoai từ, khoai tía, không hái đu đủ, rau lang là niệm Phật thiết thực, an lạc ở trần gian”. Sinh hoạt không khí vui tươi, đầm ấm thân tình. Qua năm tháng, chúng ta có đủ sức duy trì, tu bổ và phát triển tuỳ duyên. Nhờ thế mà chùa mỗi ngày mỗi tươm tất hơn.
Phật tử âm thầm thu xếp việc nhà, lúc thời tiết cho phép, đem nông cụ đến cuốc đất trồng mì, bắp, đậu… Đến lúc thu hoạch, lại đến giúp đỡ, xắt phơi… Có nhà phát tâm làm giúp một sào. Diện tích đất của khuôn viên chùa là hơn 2 mẫu tây. Nhờ thế, thầy và mẹ thầy có đủ ngày tháng sống không chút thiếu thốn. Mì lát khô dư ra thì đem đổi lấy xi măng đúc nền chùa, mua gỗ để lúc cần thì sử dụng. Thời gian thầy qua Pháp tu học, phật tử ở nhà tự chia phiên nhau ngủ đêm, trực ngày để vừa tự tu học, vừa làm các việc cần làm. Còn thầy luôn để tâm nâng cao phẩm chất của sự thực tập và cải thiện phương pháp hướng dẫn sao cho hiệu quả cho mọi giới. Có bao nhiêu nghi ngờ khó khăn đã đến. Song, thuận duyên vẫn đủ để đi tới. Đó là nhờ ơn tổ tiên che chở, nhờ quý Phật tử yểm trợ hết lòng. Và nhờ lòng người cảm thông rộng mở, cho nên chúng ta vẫn thực tập chánh pháp cho tới hôm nay. Trải qua gần nửa thế kỷ, Từ Đức đã thay đổi một cách đáng trân quý, dù con đường hành trì vẫn chưa đến đâu.
Con Phật muốn tu, giáo hội giúp đỡ và xã hội khắp nơi cảm thông, lòng tin trong sáng trong chúng ta mới được lớn lên qua tháng ngày. Chúng ta thực tập đạo lý Duyên khởi, Tứ đế, Bát chánh đạo. Đặc biệt, pháp hành hằng ngày là Chánh niệm. Chánh niệm là hạt giống giác ngộ tiềm ẩn trong tâm thức. Trong mọi sinh hoạt, chúng ta nuôi dưỡng ý thức sáng tỏ bằng hơi thở, bước chân thì hạt giống giác ngộ sẽ phát khởi cho mầm, cho lá và cho cây. Cây giác ngộ giúp ta minh mẫn an lạc, hạnh phúc, hiểu và thương tự thân, mọi người, mọi loài, giúp mọi người tiếp nhận hành trì cải thiện nếp sống mỗi ngày. Lúc ấy, thiên nhiên phản hồi trị liệu dưỡng nuôi. Đó là con đường có khả năng chuyển hoá khổ đau, tạo niềm an lạc, hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội.
Mọi người sống hiếu thảo với chính mình, với tổ tiên và với cuộc đời. Từ lâu, chúng ta đã bỏ hút thuốc, rượu bia… xóm làng yên ổn, hiền hoà. Chúng ta đã cùng nhau trồng cây phủ xanh đồi trọc gần khoảng 9 mẫu. Tuy rằng do dịp nắng lớn, lâu ngày không mưa đã làm rừng cây bị chết, nhưng năng lượng bảo vệ thiên nhiên vẫn còn đó với đời sống của chúng ta.
Các dịp lễ lớn hoặc sáng mồng 4 Tết Nguyên Đán, chúng ta về chùa, chia nhau đi nhặt rác khó phân huỷ ở đường tàu, ở chợ Vĩnh Thái, ở nghĩa trang và một số con đường chính sau khi trình rõ với chính quyền địa phương. Chúng ta thực tập chánh niệm trong việc làm này để mọi người có hạnh phúc tập thể, tạo được một năng lượng chung để bảo vệ môi trường nơi tâm thức cộng đồng. Đó là pháp môn “niệm rác”. Pháp môn giản đơn mà ảnh hưởng rất sâu sắc và lâu dài.
Khuôn viên chùa, từ năm 1975 đến nay, không bón phân hoá học, thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu. Không đốt rác, rác được trộn xuống để cải thiện đất. Chúng ta đã trồng cây xanh qua nhiều giai đoạn. Ban đầu là cây Tràm, một ít cây Sứ, rồi cây Sao, Sến. Rồi cây Xà Cừ, cây Bàng nhỏ lá, cây Gió, cây Tùng, Bằng Lăng, Dầu. Cuối cùng, là một ít cây Ô Môi và cây Giáng Hương. Đến bây giờ cây xanh trồng không còn chỗ trống. Bỏ dần gần hết cây Điều và Xoài mà ban đầu đã được trồng để làm kinh tế. Chùa còn trồng thêm một ít cây Mít múi đỏ để đại chúng dùng lúc chín. Chất đốt của chùa chưa bao giờ thiếu. Vài bữa nữa thợ đến, xây hai lò nấu bằng củi có thể đảm bảo đủ cho số đông người ăn uống. Các thức ăn được nấu bằng bếp củi thì có nhiều ích lợi cho sức khoẻ hơn là nấu bằng bếp gas hay bếp điện. Đó là kinh nghiệm của đông y. Nấu củi ít ô nhiễm môi trường, ít xảy ra tai nạn cho người đứng bếp. Lò nấu củi do thợ có chuyên môn thi công, nên không những sẽ tránh được khói toả ra lung tung, mà còn ít tốn củi và ít nóng bức cho người đứng bếp. Các thứ treo ở giàn bếp được xông khói sẽ bảo quản được rất lâu và có thể làm thuốc theo đông y. Thầy trưởng ban xây dựng cho biết, chùa chuẩn bị xây 2 lò nấu củi, chi phí khoảng hơn 100 triệu. Tuy số tiền nhiều nhưng vì lợi ích nhiều mặt nên chùa vẫn thực hiện. Mong sao bếp củi được hoàn thành càng sớm càng hay.
Về phần nước uống, chúng ta đã có máy lọc nước điện phân, rất tốt cho sức khoẻ và có ích cho việc trị bệnh. Nhiều vị Phật tử xa gần vì cảm được cách sống ở Từ Đức, nên đã phát tâm yểm trợ. Nhờ vậy, chùa càng ngày càng thêm đầy đủ, có thêm điều kiện để chăm sóc cho các vị thường trú và mọi giới xa gần đến đây. Chăm sóc thân thêm sức khoẻ và tâm thấy thư thái, lắng yên. Đồng thời, biết cách chuyển hoá khổ đau, căng thẳng, chế tác an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại và cả trong tương lai lâu dài. Đây là nhu cầu rất cấp thiết giữa thời đại có quá đủ tiện nghi mà đầy khó khăn, sầu khổ và chán chường.
Pháp môn chánh niệm giúp con người xuất gia hay tại gia biết thay đổi tư duy và hành động. Từ chối mọi cách sống sa vào cạm bẫy độc hại của máy móc tối tân. Từ chối thức ăn, thức uống đã được chế biến sẵn, tuy hấp dẫn cho con mắt và cho vị giác nhưng làm tổn hại cho sức khoẻ con người và cộng đồng. Nhờ vậy, mọi người dễ dàng sống theo con đường Tứ thực (Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực), con đường của Bát chánh đạo.
Chánh niệm về hơi thở là khi thở vào, ta để tâm bám sát hơi thở vào cho đến lúc thở ra. Khi thở ra, ta cũng để tâm bám sát hơi thở ra cho đến lúc thở vào. Bám sát hơi thở vào và hơi thở ra như vậy sẽ tạo nên sự hoà hợp giữa thân thể, hơi thở và tâm. Tâm thức làm một với hơi thở, tâm là hơi thở. Đó là thực tập sống có Chánh niệm. Chánh niệm có mặt thì Định lực có mặt, đồng thời Tuệ giác cũng có mặt. Niệm, Định, Tuệ chân chánh giúp con người biết cách sống một nếp sống an lạc và tự do. Một thời gian nếp sống ấy chín muồi, Niệm, Định, Tuệ giúp con người có cái thấy rõ bản chất của sự sống là sát na Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Đến đây, con người không còn bị trói buộc vào ý nghĩ, vào ý niệm sinh, già, bệnh, chết cho dù điều đó vẫn cứ diễn ra. Chúng ta thường hiểu rằng mục đích của sự tu tập là để chấm dứt luân hồi sinh tử. Nhưng luân hồi làm sao mà chấm dứt được. Vì luân hồi chấm dứt là sự suy tư trái với sự thật, trái với bản chất của sự sống, của các pháp là Vô thường, luôn biến chuyển từ dạng này qua dạng khác một cách cực kỳ nhanh chóng. Tu chỉ có mục đích là chuyển từ luân hồi sinh tử buộc ràng liền biểu hiện thành luân hồi sinh tử an lạc và tự do. Đó là đạo lý Duyên khởi tương tức “không sinh cũng không diệt, không có cũng không không, không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt. Tuệ giác qua bờ ấy không một pháp nào trên”.
Mong sao chúng ta có đầy đủ duyên lành để có thể sống theo được ít nhiều nếp sống mà đức Thế Tôn đã để lại. May thay, nhờ có bậc Thầy tuệ giác hiện tại, một bậc Thầy đã hết lòng chỉ dạy những pháp môn hành trì một cách rõ ràng và cụ thể cho mọi giới. Những pháp môn ấy đã và đang được người Việt Nam cũng như mọi người ở các nước phương Tây tiếp nhận để hành trì và tiếp tục hướng dẫn cho mọi thành phần trong xã hội bây giờ và mãi mãi. Ngỏ hầu báo đáp Năm ân cao quý sâu dày. Muốn ước mơ này trở thành sự sống cụ thể, thì chúng ta cần chia sẻ thế nào để cho con cháu mình để tâm đầu tư vào nếp sống tâm linh chân chính. Để thực hiện được điều đó thì mọi lứa tuổi cần về chùa tu tập mỗi đêm, mỗi Chủ nhật trong ngày Quán niệm. Có như vậy thì hạt giống Chánh niệm và những hạt giống tốt khác trong chiều sâu tâm thức của mỗi chúng ta mới được tưới tẩm thường xuyên và sớm có hiệu quả. Ở chùa, chúng ta lại nương nhờ vào năng lượng Chánh niệm tập thể để cùng thực hành những pháp môn cụ thể, rõ ràng. Nhờ sử dụng tiếng Việt trong sáng, linh động và chúng ta là người Việt, nên sẽ rất dễ dàng để tiếp nhận các nội dung thâm sâu như Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường… Sự tiếp nhận này giúp cho cái học, cái hiểu của chúng ta thêm thấu đáo và sự hành trì của chúng ta mỗi ngày sẽ thêm vững chãi và thảnh thơi hơn trên con đường chánh pháp. Vì hạnh phúc an lạc cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội, các Phật tử thơ ấu lẫn đã lớn tuổi nên phát tâm về chùa thực tập với quý Thầy, quý Sư chú và các bạn đồng tu đang chăm chỉ thực hành.