Kiến thức
Nét đẹp ở người Phật tử, doanh nhân Phật tử
Thứ năm, 22/07/2022 12:49
Người Phật tử là người thọ trì Tam quy, giữ gìn Ngũ giới, biết đi chùa, thờ Phật, lễ Phật, tụng kinh, sám hối và các chư Tăng giảng thuyết pháp. Để làm người Phật tử chân chính thì cần cố gắng nhiều hơn là phải biết đem những lời Phật dạy vào trong đời sống của bản thân và gia đình.
Thực hành lối sống tốt đẹp không làm điều sai trái, không làm hại đến những người xung quanh, biết tu tâm dưỡng tính để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Để Phật pháp được phát triển và lan rộng đến khắp muôn nơi thì trách nhiệm của những người Phật tử tại gia là vô cùng quan trọng, duy trì chánh pháp bằng cách xây dựng đời sống của bản thân và gia đình hướng đến chân thiện mỹ theo tinh thần chung của Phật giáo. Làm được như thế sẽ góp phần làm tôn lên nét đẹp người Phật tử trong mắt mọi người, giúp người ta có cái nhìn tốt đẹp về đạo Phật nói chung và người Phật tử tại gia nói riêng.
Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình.
Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất.
Khi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê. Kết quả thực tế cũng là phần thưởng cho những cố gắng nỗ lực không ngừng của người tu tại gia, trước mắt là những chuỗi ngày hạnh phúc, vui vẻ, đầy an lạc.
Làm cha mẹ muốn tu tại gia, vừa trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho gia đình cho các con, lại còn phải hộ trì Tam bảo, tu học Phật pháp, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, tự soi rọi thanh lọc tâm. Nếu thực hành vẹn toàn được công phu “tu tại gia”, người tu luôn chịu hy sinh rất nhiều cho riêng bản thân mình, tâm ý cao thượng khó làm khó thực hiện, nhưng đó chính là môi trường “tu tâm dưỡng tính” tuyệt vời nhất.
Người muốn tu ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, nghĩa là áp dụng tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ Xả, khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kiềm chế thú vui vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen. Người tu tại gia tự độ và còn có thể độ được cho những người thân trong gia đình và làm tấm gương cho con cháu noi theo.
Sống biết đủ không đòi hỏi nhiều, không bận rộn vào cuộc vui vô nghĩa, người tu tại gia sẽ có rất nhiều thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển, tu học để khai sáng trí tuệ, trưởng dưỡng từ bi.
Nét đẹp của người tu tại gia là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ Tát tại gia vô chấp vô phân biệt, vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.
Người tu tại gia có thể đem lại cho mình cho những người thân sống chung quanh sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ. Đó là ý nghĩa vi diệu tuyệt vời, ngay từ những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hàng ngày.
Nét đẹp người tu tại gia là ở tâm hạnh Bồ Tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung.
Mùa xuân tuyệt đẹp với một tâm thức an bình tự tại, người biết tu hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi, thấy được Phật tánh không sanh không diệt của mình, để ngộ ra “ý xuân vi diệu” này.
Doanh nhân Phật tử là người thanh thản sống đời, không tự ti cũng không tự tôn, với cái nhìn tự tại, vô úy giữa muôn sự có không, đúng sai, hơn thua, được mất, vinh nhục. Có thể gọi những người kinh doanh nhưng có niềm tin và phụng trì Phật pháp là doanh nhân Phật tử, biết vận dụng giáo lý Phật pháp vào công việc làm ăn. Trong quá khứ, thời đức Phật có thể kể đến Trưởng lão Cấp Cô Độc, Duy Ma Cật, còn trong thời hiện đại điển hình như Steve Job, nhà sáng lập Apple là một người có khuynh hướng Phật giáo.
Ở Việt Nam có thể nhắc đến: chủ tịch tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ, chủ tịch Thái Hà Books - Nguyễn mạnh Hùng… Những vị doanh nhân này đều đóng góp không nhỏ vào sự phát triển Phật giáo trong nước. Họ chọn con đường vừa kinh doanh vừa thực hành giáo lý Phật dạy như: Tụng kinh, niệm Phật, thiền tập, phóng sinh, sám hối, ôn lại lời Phật dạy để nâng cao chất lượng đời sống. Đồng thời còn ban rải tâm từ bằng việc tham gia phụng hiến với những hoạt động thiện nguyện, có niềm tin chân thành với Tam bảo, tin vào Thế Tôn và giáo lý đức Phật đã truyền trao.
Thọ trì Tam quy, giữ gìn Ngũ giới, đi đứng oai nghi, bồi dưỡng bản thân hướng thượng và có đầy đủ lý luận đạo đức tôn giáo, giúp bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Có lòng tri ân xã hội: Có hai món tài sản quý giá mà Đức Thế Tôn dạy đệ tử phải nuôi dưỡng là phước đức và trí tuệ. Cần phải biết khéo léo vận dụng tinh thần xuất thế để làm những việc nhập thế, tích cực chủ động tham dự vào công tác xây dựng, kiến thiết lại những đạo đức ngành nghề cho phù hợp với xã hội ngày nay.
Có đầy đủ trí huệ đối với việc phát triển và giữ gìn tài sản: Cần phải nuôi dưỡng, bồi đắp ruộng phước điền công đức - chính là học Phật và hành theo lời Phật dạy. Đưa công ty trở thành đạo tràng tu học, chuyển hóa càng nhiều người bước vào cửa Phật, cùng nhau thành Phật đạo.
Luôn tự giác giữ gìn nền tảng đạo đức: đem tinh thần người Phật tử lan tỏa khắp năm châu, sẽ tạo nên một xã hội hòa ái tốt đẹp, đó chính là mỗi người đã cống hiến một chút sức lực của mình cho cộng đồng.
Nếu mỗi thành viên trong xã hội đều thực hành theo phương châm: “Người khỏe giúp đỡ người yếu, người giàu giúp người nghèo”, đời sống này trở nên ấm áp biết bao.
Người Phật tử mà biết rèn luyện và khéo sử dụng được tính khiêm cung, nhẫn nhịn trong sự tu sẽ được lợi rất nhiều. Với tâm cung kính, quý trọng, quan tâm, lo lắng của chúng ta thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn và thương yêu nhiều hơn.
Hoa Đạo