Hỏi - Đáp
Nếu con thương một người tu sĩ nhưng không nói cho vị tu sĩ biết, như vậy con có tội không?
Chủ nhật, 20/04/2022 09:17
Người xuất gia không phải để biến mình thành cỏ cây sỏi đá, vô tình lãnh cảm với tất cả mọi người. Người xuất gia lấy việc tu hành làm trọng và thấy được chí nguyện của mình là hơn hết nên sẽ vượt thắng tình cảm đó...
Hỏi:
Nếu con thương một người tu sĩ nhưng không nói cho vị tu sĩ biết, như vậy con có tội không?
Đáp:
Thầy Thích Pháp Hòa trong một buổi thuyết pháp đã chia sẻ: “Thưa đại chúng, không có gì là tội cả, mình là một con người, mình cũng có quyền thương yêu bất cứ một người nào dù người đó là người tu. Nhưng nếu mình biết được vị Thầy đó hay vị Sư cô đó là một người tu có lí tưởng thì mình thương bằng cách hộ trì, giúp đỡ để thực hiện và hoàn tất tâm nguyện, lí tưởng của vị đó, không cần chiếm hữu. Tình yêu nhiều khi không còn nếu mình đã được chiếm hữu.”
Người xuất gia không phải để biến mình thành cỏ cây sỏi đá, vô tình lãnh cảm với tất cả mọi người. Người xuất gia lấy việc tu hành làm trọng và thấy được chí nguyện của mình là hơn hết nên sẽ vượt thắng tình cảm đó.
“Thoát tục tức tiên cốt
Đa tình thị Phật tâm”
Cốt cách của một bậc tiên nhân là thoát tục, người mà sống có nhiều tình cảm đó là tâm của Phật. Nhưng “đa tình” ở đây có nghĩa là tình thương của Phật vốn rất nhiều nhưng không có tình thương chiếm hữu.
"Ta có tình yêu rất đượm nồng
Yêu đời yêu lẫn cả non sông
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ
Không thể yêu riêng khách má hồng"
Bởi lẽ người muốn xuất gia là muốn đi về hướng thực tập để tự chuyển hóa bản thân, để có một tình thương lớn với trái tim rộng mở, có thể thương không chỉ riêng bạn mà rất rất nhiều người. Trong tình thương này không có sự vướng mắc, chiếm hữu. Thương một người là mong muốn và giúp cho người đó đi về hướng chân, thiện, mỹ...