Chùa Việt

Ngày Rằm thăm một trong những danh lam cổ tự bậc nhất của Việt Nam

Thứ sáu, 14/02/2014 01:47

Chùa Dâu – Một trong những danh lam cổ tự bậc nhất của Việt Nam và lễ hội Dâu một sinh hoạt Phật giáo và hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu và đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc, đã và đang trở thành điểm hẹn linh thiêng và hấp dẫn đối với đông đảo tín đồ phật tử

Chùa Dâu, tên chữ là Pháp Vân tự, Diên Ứng tự hay Cổ Châu tự, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa năm ở trung tâm một khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và phong phú bậc nhất của quê hương Kinh Bắc, bao gồm thành cổ Luy Lâu, hệ thống chùa Tháp, dấu tích đền đài, dinh thự, đường xá, bến bãi, phố chợ, hàng trăm mộ táng, lò gạch ngói, gốm cổ…làm chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau công nguyên, nơi đây là thủ phủ của quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất nước ta.
 
Những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” cơ niên đại 1752, cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Pháp giáo Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định chùa Dâu là Tổ đình Phật giáo Việt Nam.
 Tháp Hòa Phong
Vào đầu Công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu Khâu Đà La, đã tới Dâu – tức Luy Lâu, tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất Việt Nam.
 
 Tượng Pháp Vũ
Chùa Tháp được xây cất nguy nga bên cạnh thành quách, đền đài, cung điện, lầu gác, bến bãi, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu, trong đó có chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) – Một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt ở vùng Dâu, chùa Dâu trở thành trung tân của thiền phái Tì Li Đa Lưu Chi – Thiền pháp Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch Kinh Phật, đào tạo tăng tài. Chùa Dâu trở thành thiền viện đầu tiên ở Việt Nam.
 
 Tượng Pháp Vân
Thời Lý Trần, chùa Dâu được trùng tu, mở rộng với quy mô lớn, mà người có công đầu là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, với hàng chục hạng mục công trình, gồm hàng trăn gian chùa, tháp chín tầng và cầu chin nhịp, trở thành trung tâm Phật giáo lớn của quốc gia Đại Việt.

Vua quan, các cung tần mỹ nữ các triều đại  thường lui tới thăm chùa, lễ Phật, cầu đảo, cầu tự. Đặc biệt, lễ hội chùa Dâu vào ngày mùng 8 tháng 4, ngày kỷ niệm Phật Mẫu Man Nương sinh hạ nữ nhi, sau hóa thân thành Phật Thạch Quang và Phật tứ Pháp, trở thành lễ hội Phật giáo lớn của vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ.
 Ban Ngoại Công Đồng
Hội do 12 làng thuộc Tổng Khương Tự (hay còn quen gọi là Tổng Dâu) cùng phối hợp tổ chức là: Khương Tự, Đại Tự, Thanh Tương, Lũng Khê, Thanh Hoài, Mãn Xá, Đông Cốc, Trà Lâm, Tư Thế, Văn Quan, Phương Quan, Công Hà với các lễ thức độc đáo: Rước Phật tứ Pháp về Công Đồng tại chùa Dâu, diễn trò “Mẹ đuổi con”, “cướp nước”, cầu mưa cùng nhiều trò vui dân gian hấp dẫn như múa gậy, đu, vật, hát ca trù, hát quan họ, kể hạnh…
 
Hội Dâu là lễ hội Phật giáo và diễn xướng dân gian đặc sắc và hoành tráng, phản ánh tập trung sự kết hợp các yếu tố văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng Châu thổ Bắc bộ.
 
 
Trải đường kỳ lịch sử với bao biến cố của thiên nhiên và xã hội, thành lũy đền đài, dinh thự của trung tâm Luy Lâu bị hoang phế và vùi lấp, nhưng chùa Dâu với tháp Hòa Phong vươn cao và hàng trăm gian chùa cổ kính vẫn tồn tại cùng thời gian.

Chính là do nhân dân vùng Dâu và tín đồ thập phương  cùng nhiều nhà hảo tâm đã liên tục đóng góp công sức, tiên của vào việc tu bổ, tôn tạo và bảo vệ ngôi chùa cổ kính này. Các công  trình hiện còn là kết quả của các lần sửa chữa, tu bổ lớn ngôi chùa này vào thời Lê và thời Nguyễn, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều bộ phận kiến trúc và điêu khắc thời Trần.

Đặc biệt, ngôi tháp Hòa Phong 3 tầng vươn cao, hệ thống tượng Pháp Vân (tức bà Dâu), Kim đồng Ngọc nữ, tượng Mạc Đĩnh Chi, các ngai thờ, tượng “Thạch Quang”, bia đá… là những di sản nghệ thuật quý và tiêu biểu của thời Lê. Đáng chú ý là bộ ván khắc “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” là nguồn sử liệu đặc biệt quan trọng giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam.
 Ban thờ Tổ Tăng
 
 Tứ vị Thiên Vương trong tháp Hòa Phong
Ngày nay, chùa Dâu đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc, được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định công nhận năm 1962 và cấp bằng Di tịch Lịch sử văn hóa. Một dự án nhằm tu bổ toàn bộ các hạng mục công trình hiện còn và phục dựng một số công trình đã mất của chùa Dâu, đã được nhà nước phê duyệt, đầu tư và ngành văn hóa thông tin Bắc Ninh đang triển khai thực hiện. Lễ hội chùa Dâu tiếp tục được duy trì, đồng thời được lưu giữ trong chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh.
 
 
 
 Những văn bia cổ
Chùa Dâu – Một trong những danh lam cổ tự bậc nhất của Việt Nam và lễ hội Dâu một sinh hoạt Phật giáo và hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu và đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc, đã và đang trở thành điểm hẹn linh thiêng và hấp dẫn đối với đông đảo tín đồ phật tử và quý khách thập phương trên con đường hành hường về chốn Tổ Phật giáo Việt Nam.

An Hoàng
loading...