Chùa Việt
Ngày Xuân thăm tổ đình Thiên Bửu
Thứ bảy, 15/02/2016 07:48
Sắc tứ Thiên Bửu (còn có tên gọi là chùa Tổ), với diện tích hơn 1 héc-ta, tọa lạc tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được biết đến như một trung tâm văn hóa và sinh hoạt tâm linh tại thị xã Ninh hòa, cũng là nơi tìm về của khách hành hương phương xa mỗi khi có dịp đi qua đây.
Hòa vào dòng người xuất hành sáng mùng Một Tết Bính Thân, chúng tôi đã đến chùa Thiên Bửu trong tiết trời se lạnh. Trong lúc chờ mấy anh chị trong đạo tràng Bát quan trai đến chúc tết và đảnh lễ Hòa thượng đạo hiệu Thích Ngộ Tánh, Trưởng BTS Phật giáo thị xã Ninh Hòa, chúng tôi tranh thủ dạo một vòng quanh khuôn viên chùa ghi lại vài hình ảnh đẹp trong ngày đầu năm.
Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Tục hái lộc, xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ.
Những năm gần đây, theo sự chỉ dạy của Hòa thượng viện chủ, quý thầy ở chùa Sắc tứ Thiên Bửu tổ chức phát lộc và cho chữ đầu năm. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất thì những dòng chữ “như phượng múa rồng bay” mà quý thầy đã gửi lời, gửi ý, gửi những hoài vọng trong câu đối, câu chúc Tết để đón chào năm mới, cũng là một trong những món quà tinh thần được biểu thị cho những ước vọng ngày xuân. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Bên cạnh điện Quan Âm là nơi quý thầy gửi tặng lộc đầu năm, đó là một cành tầm xuân với 4 câu Kinh Pháp cú kèm với lời chúc Tết của Hòa thượng viện chủ.
Thú vị nhất có lẽ là nơi cho chữ đầu năm được bố trí ở bên cạnh gác chuông, sư chú Đức Tâm với nét bút tài hoa đã làm vừa lòng khách thập phương khi đến viếng cảnh chùa, nhất là các bạn trẻ.
Như đã hẹn, nhóm phật tử chúng tôi xin phép thầy thị giả được vào đảnh lễ và chúc Tết Hòa thượng bổn sư. Thầy tặng cho chúng tôi mỗi người một xâu chuỗi bồ-đề và ân cần nhắc nhở nên tinh tấn thực hành lời Phật dạy để làm gương cho con cháu.
Trong Phật giáo, ý nghĩa của “Tôn sư trọng đạo” được đức Phật nhắc nhở nhiều hơn qua các bài giảng có liên quan về sự tri ân và báo ân mà một người con Phật phải thực hành để đưa đến phước báu an lạc và hạnh phúc tối thượng trong đời sống tu tập để có thể tự hoàn thiện và tiến hóa mình từ một con người phàm phu đầy dẫy tham ái và si mê trở nên những bậc Thánh hiền vô nhiễm, vô cấu, thuần tịnh và trong sáng nhất.
Trong tinh thần đó, Đại đức trụ trì Thích Nhuận Chương đã dẫn đoàn phật tử chùa Phước Long (xã Ninh Đông) về đảnh lễ và chúc tết Hòa thượng bổn sư. Niềm hoan hỷ lộ rõ trên khuôn mặt của quý cô, quý bác Phật tử khi được nhận quà pháp bảo và lời chúc tết của Sư ông viện chủ Tổ đình.
Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng khi về đảm nhận trách nhiệm trụ trì nơi đây, HT.Thích Ngộ Tánh, Phó BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, trưởng BTS PG thị xã Ninh Hòa đã đem đến cho chốn tổ già lam nơi đây luồng sinh khí mới. Chỉ sau 25 năm, trở lại thăm nơi này, không ít người đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục về cái tài cũng như cái tâm của thầy với những công trình như: ngôi tổ đường thô sơ năm nào đã trở nên khang trang với mái ngói đỏ tươi và nhà khách, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, Quan Âm các, vườn tháp Tổ, nhà vãng sanh, tôn tượng Phật Bổn sư Niết bàn, tường bao bọc xung quanh khuôn viên v.v... cũng được thiết kế uy nghiêm, tạo nên nét hài hòa độc đáo với lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Nam Trung Bộ..
Từ lâu, mái chùa hiện hữu trong lòng người dân Việt, là nơi sinh hoạt tâm linh, nơi dung dưỡng và ươm mầm cho những điều phúc thiện; bên cạnh đó, ngôi chùa còn là “chốn về tâm linh” của mỗi người. Chùa Sắc tứ Thiên Bửu nằm trong quần thể du lịch văn hóa của ngôi làng cổ Việt Nam, ngôi chùa cũng góp phần trong nét đẹp điểm tô văn hóa thôn làng và là điểm đến không thể thiếu của những người con xa xứ mỗi khi Tết đến xuân về.
Tin, ảnh: Quảng Ấn
Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Tục hái lộc, xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ.
Bên cạnh điện Quan Âm là nơi quý thầy gửi tặng lộc đầu năm, đó là một cành tầm xuân với 4 câu Kinh Pháp cú kèm với lời chúc Tết của Hòa thượng viện chủ.
Thú vị nhất có lẽ là nơi cho chữ đầu năm được bố trí ở bên cạnh gác chuông, sư chú Đức Tâm với nét bút tài hoa đã làm vừa lòng khách thập phương khi đến viếng cảnh chùa, nhất là các bạn trẻ.
Trong Phật giáo, ý nghĩa của “Tôn sư trọng đạo” được đức Phật nhắc nhở nhiều hơn qua các bài giảng có liên quan về sự tri ân và báo ân mà một người con Phật phải thực hành để đưa đến phước báu an lạc và hạnh phúc tối thượng trong đời sống tu tập để có thể tự hoàn thiện và tiến hóa mình từ một con người phàm phu đầy dẫy tham ái và si mê trở nên những bậc Thánh hiền vô nhiễm, vô cấu, thuần tịnh và trong sáng nhất.
Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng khi về đảm nhận trách nhiệm trụ trì nơi đây, HT.Thích Ngộ Tánh, Phó BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, trưởng BTS PG thị xã Ninh Hòa đã đem đến cho chốn tổ già lam nơi đây luồng sinh khí mới. Chỉ sau 25 năm, trở lại thăm nơi này, không ít người đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục về cái tài cũng như cái tâm của thầy với những công trình như: ngôi tổ đường thô sơ năm nào đã trở nên khang trang với mái ngói đỏ tươi và nhà khách, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, Quan Âm các, vườn tháp Tổ, nhà vãng sanh, tôn tượng Phật Bổn sư Niết bàn, tường bao bọc xung quanh khuôn viên v.v... cũng được thiết kế uy nghiêm, tạo nên nét hài hòa độc đáo với lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Nam Trung Bộ..
Từ lâu, mái chùa hiện hữu trong lòng người dân Việt, là nơi sinh hoạt tâm linh, nơi dung dưỡng và ươm mầm cho những điều phúc thiện; bên cạnh đó, ngôi chùa còn là “chốn về tâm linh” của mỗi người. Chùa Sắc tứ Thiên Bửu nằm trong quần thể du lịch văn hóa của ngôi làng cổ Việt Nam, ngôi chùa cũng góp phần trong nét đẹp điểm tô văn hóa thôn làng và là điểm đến không thể thiếu của những người con xa xứ mỗi khi Tết đến xuân về.
Tin, ảnh: Quảng Ấn