Chùa Việt
Ngày xuân vãng cảnh những ngôi chùa lưu dấu Thiền phái Tào Động ở Hà Nội
Chủ nhật, 23/02/2021 11:14
Thiền phái Tào Ðộng được truyền vào Ðại Việt từ thế kỷ thứ XVII, cả ở Đàng ngoài lẫn Đàng trong, nhưng phát triển mạnh ở Đàng ngoài.
Chùa Ngũ Xá - Nơi an vị pho tượng Phật khổng lồ đặc biệt của Hà Nội
Cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử từng cho biết: Hoà thượng Thuỷ Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Bắc tông Tào Động và là Đệ nhất tổ của Nam Tông Tào Động. Sư Tổ Thuỷ Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn…Cũng theo cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử thì Hoà thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hoè Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội ngày nay.
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, cùng giới thiệu tới quý bạn đọc những cảnh chùa lưu dấu Thiền phái Tào Động, để cùng trải lòng với cảnh sắc thanh tịnh, giản dị bên những mái chùa, tận hưởng từng hơi thở của đất trời, hương xuân ngào ngạt, khói hương lan tỏa những ngày đầu năm. Không những vậy, chúng ta còn có dịp tìm hiểu lịch sử ngôi chùa, tìm hiểu lịch sử các chư Tổ tại chùa, tìm hiểu lịch sử của một Tông phái, như vậy vãng cảnh chùa ngày xuân thêm càng ý nghĩa, dụng công tu tập theo công hạnh của các Tổ, để có cuộc sống hạnh phúc, an lạc.
1. Chùa Hòe Nhai
Tương truyền chùa được xây dựng từ đời nhà Lý. Là một ngôi chùa có bề dày lịch sử và là chốn Tổ đình đầu tiên của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam.
Chùa gồm 2 bái đường trong và ngoài, chạy song song, mỗi tòa 5 gian; Chính điện gồm 3 gian; nhà Tổ gồm 7 gian ở phía sau, nằm song song với Tiền đường, tạo nên bố cục kiểu chữ công.
Trong Thượng điện còn giữ được nhiều bức cốn chạn hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Nhìn chung kiến trúc nhà chùa mang phong cách kiến trúc thế kỷ 19.
Đặc sắc nhất pho tượng kép hình một vị vua quỳ để tượng Phật trên lưng. Tương truyền sau khi vua Lê Hy Tông đuổi nhiều Hòa thượng lên núi, sư Tông Viễn đã thức tỉnh vua, nên vua Lê Hy Tông cho làm pho tượng này thể hiện sự sám hối của mình.
2. Chùa Châu Long
Chùa được một vị vua đời Trần khởi công xây dựng năm 1278 đến năm 1293 hoàn thành (16 năm thi công) cho công chúa Khiết Cô xuất gia.
Chùa hiện còn tiền đường 5 gian, chuôi vồ 3 gian. Kiến trúc có 8 cửa võng chạm trổ lộng lẫy, sơn son thép vàng, các hình chạm trổ rất tinh xảo. Bộ tượng thờ, khám thờ, bia đá, hoành phi câu đối, chuông đồng đều là những hiện vật mỹ thuật có giá trị cao.
Chùa Bằng - Linh Tiên tự: Ngôi cổ tự nơi thủ đô phồn hoa
3. Chùa Quảng Bá
Chùa Quảng Bá là một ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời. Văn bia ghi tên cũ của chùa là Long Ân, do công chúa tiền triều tên húy Ngọc Tú dựng nên, vào năm Mậu Thìn đời vua Lê Vĩnh Tộ (1628).
Chùa chính (tiền đường và hậu cung) gồm 5 gian, lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải chạy thẳng, chính giữa đắp hổ phù đội mặt trời. Trước hiên là hai cột trụ biểu, trên nóc đắp hình búp sen.
Kiến trúc chùa chủ yếu làm theo lối bào trơn đóng bên với hình thức chồng giường con nhị kèo ngồi xa nách. Gian giữa có hệ thống cửa bức bàn. Các mảng chạm kỹ lưỡng với với những mảnh chạm điển hình của Huế.
Hậu cung 3 gian xây liền vào tiền đường, Nhà Mẫu, nhà khách, nhà tổ kết cấu đơn giản, vùa phải, không rườm rà.
Chùa Quảng Bá còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, gồm có chuông đồng; 33 tấm bia từ thế kỷ thứ 19 đến thế kỷ 20; 30 pho tượng có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Chùa Âng – kiệt tác chùa Khmer nghìn năm tuổi ở Trà Vinh
4. Chùa Cầu Đông
Theo bia “Đông Môn tự ki” dựng năm Vĩnh Tộ 6 (1024) thì chùa do một người tên là Đạo Án và vợ, hiệu là Diệu Bi đem khu đất cúng và xây dựng chùa.
Chùa còn giữ nhiều di vật có giá trị như đại hồng chung đúc năm Cảnh Thịnh (1800), 3 tấm bia đá thời Lê, nhang án, giá gỗ đỡ bát hương tạo hình Tứ vị Kim Cương và khoảng 60 tượng thờ.
Đặc biệt ở chùa Cầu Đông còn có một bàn thờ có tượng Trần Thủ Độ vàvợ là Trần Thị Dung là những người có công mở mang cơ nghiệp nhà Trần.
Chùa Cầu Đông không chỉ là một di tích văn hoá của người Hà Nội mà còn là một cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
5. Chùa Mễ Trì Thượng
Chùa Mễ Trì Thượng được xây từ lâu đời. Tương truyền khoảng thế kỷ 18 – 19, có một vị sư pháp danh là Quang Lộ Thích Đường, nhân đi qua đây thấy thế đất đẹp, bèn xin với dân làng lập chùa để mở mang đạo Phật. Được dân ủng hộ, nhà sư đã tổ chức xây dựng và đặt tên là Thiên Trúc tự, Quang Lộ Thích Đường nhận về trụ trì ở đây. Chùa thuộc phái Tào Động (có liên quan đến chùa Hòe Nhai).
Toàn bộ kiến trúc của chùa gồm có gác chuông (Tam quan), tiền đường, tòa thượng điện và hành lang chạy dọc hai bên thượng điện.
Ngoài ra còn một số ngôi chùa từng thuộc Thiền phái Tào Động như: chùa Vũ Thạch (Q.Hoàn Kiếm); chùa Hàm Long (Q.Hai Bà Trưng); chùa Quán La (Q.Tây Hồ); chùa Phổ Giác (Q.Đống Đa); chùa Trung Kính (Q.Cầu Giấy); chùa Mọc Quan Nhân, chùa Bồ Đề (Nhân Chính) (Q.Thanh Xuân); chùa Triệu Khánh (Q.Hoàng Mai); chùa Bảo Phúc (Quận Hà Đông); chùa Hưng Khánh (huyện Mỹ Đức); chùa Trầm (huyện Chương Mỹ); chùa Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì).
Nguyễn Hoàng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 1/2018