Kiến thức

Nghệ thuật thương yêu

Chủ nhật, 26/01/2022 02:53

Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được.

Hôm qua quý vị đã hỏi Thầy khoảng hai chục câu hỏi, cho nên hôm nay Thầy cũng muốn hỏi quý vị vài câu. (Thầy và đại chúng cùng cười). Người xuất gia cũng như người tại gia, ai cũng phải trả lời cho thiệt, chỉ khoảng bốn, năm câu hỏi thôi. Quý vị chỉ cần trả lời có hay không. Nếu có thì giơ hẳn tay lên, không giơ nửa chừng.

Câu thứ nhất là: Ai đã từng yêu rồi, giơ tay lên? Một là giơ tay thẳng lên, hai là không. (Một rừng tay đưa thẳng lên trời). Cũng khá đấy!

Câu thứ hai là : Ai chưa biết yêu là gì ? Giơ thẳng lên (chỉ lác đác hai ba người giơ tay). Tội nghiệp quá!

Câu thứ ba : Ai đang còn yêu? (gần nửa đại chúng giơ lên) Cũng còn khá đấy!

Câu thứ tư : Sau khóa tu này, hôm nay là ngày cuối rồi, ai đã mở cửađược trái tim, giơ tay lên ? (Giơ gần hết) À, làm ăn cũng khá đấy!

Thương yêu trước hết là yêu cuộc đời, yêu sự sống

6108434011_9f516246fa_z_303243902

Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy chúng ta phải thực tập “yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá.

Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba chục thanh niên, thiếu nữ tự tử. Bên Anh, bên Nhật số người tự tử còn nhiều hơn nữa. Có người nhảy từ tòa cao ốc hai ba chục tầng xuống để chết, rất thương tâm. Bên Mỹ cũng nhiều. Xót xa lắm. Đó là vì những người đó không có khả năng xử lý những cảm xúc mạnh trong lòng. Vì vậy, mình là người có thực tập, mình phải học cách xử lý những nỗi khổ, niểm đau trong mình. Đó là những cảm thọ khó chịu, đau thương, bức xúc, những cảm xúc mạnh của giận hờn, tuyệt vọng.

Con người của mình được làm bằng nhiều yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức). Đó là năm yếu tố làm thành con người. Cảm xúc chỉ là một phần nhỏ tí tẹo của mình thôi, tại sao mình phải tự tử vì một phần nhỏ bé như vậy. Cho nên mình phải học cách làm thế nào để xử lý được những cảm xúc đó, và mình phải trao truyền cho người trẻ khả năng đó.

Trước hết mình phải cho họ biết rằng cảm xúc là một cái gì tới, ở lại một thời gian, rồi cuối cùng nó cũng phải đi. Tại sao mình lại phải chết vì một cảm xúc? Đó là một tuệ giác mình cần phải có. You are much more than your emotion. Mình không phải chỉ là cảm xúc. Mình là hình hài, là cảm thọ, là tri giác, là tâm hành, là nhận thức. Khi biết điều này rồi, mình có thể học được phương pháp xử lý những cảm xúc mạnh.

Khi một cảm xúc mạnh tới, mình phải nhận diện nó. Giống như khi trời sắp có cơn giông thì sẽ có những dấu hiệu nhận biết. Khi đã mình thấy dấu hiệu đó rồi thì mình phải ngưng lại, phải trú lại, để đối phó với cơn giông bão. Phải ngưng hết mọi chuyện để lo chống bão. Mình ngồi xuống hay nằm xuống để theo dõi hơi thở. Ngồi tư thế hoa sen, bán già, kiết già, hoặc nằm dài ra với hai tay buông xuôi dọc theo thân. Bắt đầu theo dõi hơi thở, để ý hơi thở vào, hơi thở ra. Để ý đến sự phồng xẹp của bụng. Thở vào thấy bụng mình phồng lên, thở ra thấy bụng mình xẹp xuống. Chỉ để ý tới điều đó thôi. Đừng suy nghĩ. Đừng để tâm mình trên đầu mà hãy kéo tâm xuống dần tới bụng, xuống tới rốn, rồi thấp hơn nữa tới huyệt đan điền. Hết sức chú tâm vào huyệt đan điền đó. Mình có thể đưa tay sờ vào huyệt đan điền để cảm nhận sự phồng xẹp của bụng theo hơi thở. Phồng... xẹp, phồng...xẹp. Không suy nghĩ, chỉ để ý tới một chỗ đó thôi.

Nếu làm được như vậy thì có thể qua được cơn bão. Cơn bão tới một thời gian, 5 phút, 10 phút, có thể nửa giờ, nhưng nếu mình làm như vậy thì nó sẽ đi qua. Khi nó đi rồi thì mình sẽ không còn sợ nữa. Lần sau nó tới thì chỉ việc làm như vậy thôi. Cái đó gọi là deep breathing – thở sâu, hay belly breathing – thở bụng, chứ không phải chỉ thở bằng phổi. Chỉ để ý tới sự phồng xẹp của bụng. Hoàn toàn chấm dứt sự suy nghĩ.

Giống như trong lúc trời bão tố, mình thấy cái cây trước sân oằn oại trong gió bão, nếu để ý phía ngọn cây mình sẽ thấy cây rất mong manh và cảm giác cây có thể bị gãy. Tuy nhiên nếu để ý ở gốc cây, mình sẽ có cảm giác khác hơn, thấy cội cây vững chãi, với bao nhiêu rễ cắm sâu xuống lòng đất. Cơ thể mình cũng vậy, phía đầu óc, não bộ chỉ là cái ngọn nên khi có cảm xúc lớn, đừng để tâm ở trên đó mà phải đi xuống, thân cây là bụng, gốc cây là đan điền. Ôm lấy chỗ đó thì rất là vững. Mình sẽ thở vào, thở ra và nhận diện sự phồng xẹp của bụng mình. Làm được như vậy thì chắc chắn cảm xúc lớn của mình không thể đẩy mình tới chuyện làm bậy và tự tử.

Chỉ có một điều mình nên nhớ đó là: cảm xúc chỉ là cảm xúc, là một phần rất nhỏ của con người, tại sao mình phải chết vì cảm xúc? Đó là sự thật. Mình phải duy trì tuệ giác đó. Phải thực tập điều đó ngay ngày hôm nay, khi cảm xúc mạnh chưa tới, nếu không thì lúc đó mình sẽ quên ngay. Mỗi ngày phải thực tập năm phút, mười phút phương pháp thở bụng, trong tư thế nằm cũng như tư thế ngồi. Sau vài ba tuần điều này sẽ thành thói quen. Một ngày nào đó khi cảm xúc mạnh tới thì tự nhiên mình nhớ thực tập và mình sẽ vượt qua cảm xúc đó một cách dễ dàng. Mình không sợ nó nữa, sẽ thách thức nó: tới đi, không sao hết, ta biết cách để xử lý ngươi.

Khi biết được điều này rồi, mình phải dạy cho em mình, con mình, cháu mình làm cho được. Nếu mình là giáo viên thì trong lớp học mình cũng dành thời gian để trao truyền phương pháp này cho học sinh của mình. Có nhiều vị giáo viên từng tu học ở Làng Mai đã về dạy cho học sinh của mình và giúp được cho các em rất nhiều. Các thầy, các sư cô của làng Mai ở khắp nơi đang tìm cách dạy điều này cho các giáo viên để họ nắm vững điều này và đem vào trường học để trao truyền cho sinh viên học sinh. Mình cần dạy cho người trẻ làm thế nào thở cho có ý thức và buông bỏ sự căng thẳng trong thân tâm. Dạy cho họ làm thế nào để chế tác niềm vui. Dạy cho họ làm thế nào để nhận diện và ôm ấp niềm đau. Những điều này có thể trao truyền mà không cần có màu sắc của Phật giáo, hoàn toàn là đạo đức học ứng dụng.

Ngày 13 vừa rồi, thầy cùng với một nhóm các thầy, các sư cô có gặp ông thống đốc bang California. Chúng tôi đã đề nghị với ông thống đốc làm thế nào để có thể đưa sự thực tập này vào trường học, không những trường tư mà cả trường công. Có nhiều trường tư đã bắt đầu làm rồi. Hi vọng rằng ở Mỹ có thể bắt đầu từ tiểu bang này. Ông thống đốc bang này đã thực tập thiền, cho nên trong khi gặp gỡ chúng tôi mới đề nghị như vậy. Mình sẽ đối thoại với ông và các cộng sự của ông để đưa sự thực tập này vào trường học mà không bị chống đối. Nếu đưa vào như một tôn giáo thì sẽ bị chống đối, nhưng nếu mình đưa vào như một sự thực tập luân lý đạo đức thông thường thì có thể sẽ được chấp nhận.

Trước hết mình phải dạy cho em mình, con mình. Tuy còn nhỏ nhưng nó đã có cảm xúc và cả cảm xúc mạnh. Ba tuổi, năm tuổi đã có thể có cảm xúc mạnh rồi, đã có những đứa trẻ muốn tự tử. Thành ra mình phải nắm vững sự thực tập và giúp con em mình nắm vững. Mình nói: “Con nắm tay mẹ, con thở đi, hai mẹ con mình cùng thở. Có phải lúc mình thở vào, cái bụng mình phồng ra hay không? Có phải lúc mình thở ra, cái bụng xẹp xuống hay không ? Nào, hai mẹ con mình cùng thở... phồng... xẹp...” Mình truyền năng lượng chánh niệm của mình cho nó, giúp nó quên đi những tư tưởng, những cảm thọ đang tràn ngập trong đầu nó. Giống như thiền hướng dẫn ở làng Mai mà các thầy, các sư cô làm, em bé nắm tay ba hoặc nắm tay mẹ và ba mẹ truyền cho con sự vững chãi của mình và hai cha con cùng thở vào, hai mẹ con cùng thở ra.“Con biết không, cái giận, cái buồn đó đến rồi đi, nếu mình biết thở thì cái nào mình cũng vượt thắng được. Và đây, ba đang thở với con, ba giúp cho con. Có Bụt ở trong lòng mình, yểm trợ cho mình.” Mình thực tập với con thì mai mốt khi ở một mình, cảm xúc tới, nó sẽ nhớ và thực tập và như vậy là mình cứu được đời của nó. Phải dạy nó thực tập liền, đừng đợi. Có rất nhiều người trẻ đã đi tự tử.

Các khóa tu tại Âu châu, Mỹ châu, cách mình giúp là mình trao truyền cách thở cho cha mẹ, cho thầy cô giáo để cha mẹ, thầy cô giáo chăm sóc và trao truyền lại cho người trẻ. Mình làm phần của mình thôi, còn nhà nước sẽ lo việc của họ. Không cần đợi nhà nước, mình làm được gì thì làm. Bộ Giáo dục, các nhà chính trị chắc cũng thấy được những đau thương đó và cũng sẽ có cách của họ. Mình có cách của mình rồi thì mình cứ đem ra thực tập và giúp xã hội bằng cách của chính mình.

Thương yêu nghĩa là có mặt cho nhau

Nếu các vị đã từng yêu rồi thì các vị biết rằng giây phút ngồi với người yêu là giây phút rất mầu nhiệm. Và có những phương pháp để giúp cho giây phút đó kéo dài. Chứ ngồi với nhau mà bất đồng ý kiến hay cãi nhau thì hư bột hư đường hết. Ngồi với nhau như thế nào để cả hai cùng tận hưởng được những giây phút mầu nhiệm và thiêng liêng ở bên nhau. Khi được ngồi với người yêu mười phút, hai mươi phút, các vị sẽ làm gì để cho những giây phút đó là giây phút thần tiên và kéo dài? Hay là lại nói chuyện chính trị, nói xấu người này người kia và trách móc nhau? Nếu như thế thì hư hết! Vì vậy yêu là một nghệ thuật. Thì giờ ngồi cạnh người yêu là thì giờ vô cùng quý giá. Phải bảo vệ thời gian đó. Thời gian đó rất là nuôi dưỡng, rất là trị liệu.

Về chuyện đi thiền hành, đi chơi với người yêu, tôi nhớ có bài thơ của Xuân Diệu :

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy cả lối đi.

Ở Lộc Uyển trăng rất sáng, mình có thể đi với người yêu của mình, sư anh của mình, sư chị của mình, thầy của mình, bạn tu của mình. Ai mình cũng thương, mình đi với năm trăm người thì năm trăm người đều là người yêu của mình hết.

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy cả lối đi

Tôi với người yêu qua nhè nhẹ

Im lìm chẳng dám nói năng chi.

Tại vì nói năng sẽ làm tan vỡ khung cảnh mầu nhiệm đó. Đây là kinh nghiệm của Xuân Diệu. Ông rất trân quý giây phút đó. Rất thiêng liêng.

Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng

Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang

Xuân Diệu không dám bước mạnh vì sợ bước mạnh thì tất cả sẽ tan biến. Vậy nên đi bên cạnh, ở bên cạnh người yêu là một nghệ thuật. Làm thế nào để đừng phá hỏng, đừng làm hư giây phút đó. Cách tôi uống ly trà cũng như vậy. Trong khi tôi uống ly trà thì tôi có mặt thật sự. Quý vị biết là khi đang uống trà mà đầu óc mình để chỗ khác thì đâu phải là mình đang uống trà mà là một con ma nào đó đang uống trà! Muốn có mặt tại đó cũng dễ lắm! Chỉ cần theo dõi hơi thở. Đem tâm của mình trở về với thân. Thân tâm nhất như thì mình có mặt. Khi mình có mặt thì ly trà đó là một thực tại. Mình cũng là thực tại, hai thực tại tiếp xúc với nhau. Ly trà là đại diện cho sự sống, cho những mầu nhiệm của sự sống. Khi ta uống ly trà như vậy thì ta có niệm và có định. Ta uống từng ngụm trà, trân quý từng ngụm trà. Quý vị đã thấy tôi uống trà chưa? Đó là yêu đó. Yêu trà! Vì vậy các thiền sư ngày xưa mới đặt ra cái gọi là Trà Đạo và Thiền Trà. Thiền trà là các bạn ngồi với nhau hai giờ đồng hồ mà chỉ uống với nhau một chén trà mà thôi.

Cái làm cho ta hạnh phúc không phải là âm nhạc hay ca hát, tiền bạc hay giàu sang. Hạnh phúc chân thực là do niệm và định đưa tới. Chúng ta biết rằng chúng ta đang được ngồi với nhau. Chúng ta đang có mặt cho nhau và chúng ta đang được uống trà với nhau. Chỉ cần một chén trà thôi mà mình có được hai giờ hạnh phúc. Hạnh phúc đó không phải do giàu sang mang lại mà do niệm và định mang lại. “Niệm” là mình có mặt thực sự, “định” là mình không để tâm đi chỗ khác. Mình chỉ có một nhóm bạn thôi, một ly trà thôi nhưng hạnh phúc rất lớn. Niệm và định là suối nguồn của hạnh phúc. Mình có thể đem niệm và định vào đời sống gia đình, trân quý từng giây phút bên nhau để gia đình, lứa đôi có hạnh phúc hơn.

Bữa ăn sáng của gia đình là một cơ hội để mình có mặt và nhận diện sự có mặt của những người khác trong gia đình. Ăn sáng như thế nào để mỗi giây phút của bữa ăn sáng là một giây phút của hạnh phúc. Đó là một sự thách thức. Chúng ta có biết yêu khi ăn sáng không? Yêu tức là phải có mặt đích thực. Phải trân quý những cái gì đang có trong vòng tay của ta. Phải thưởng thức từng giây phút như thưởng thức từng ngụm trà. Đó là một sự thách thức. Nếu quý vị luyện tập về niệm và về định thì có thể luyện tập như vậy. Luyện tập trong mỗi bữa ăn sáng như vậy có thể đem lại hạnh phúc rất nhiều. Nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng những người chung quanh mình. Nếu mình làm hấp tấp, ăn cho xong để lo chuyện này chuyện kia thì bữa ăn sáng đó không đủ sự sống. Không chỉ lúc ăn sáng ta hạnh phúc, mà ngay cả lúc sửa soạn bữa ăn sáng cũng có thể là giây phút hạnh phúc. Mình thấy người kia đang xuống bếp nấu nước nóng, nướng bánh mì thì tại sao mình không xuống. Giây phút mình và người kia cùng chuẩn bị bữa ăn sáng cũng hạnh phúc.

Hạnh phúc có thể có mặt ngay trong bất cứ giây phút nào, ngay cả trong giây phút mình chải răng. Chải như thế nào để trong khi chải có sự thong dong, hạnh phúc. Có những lúc mình quên không đem theo bàn chải, kem đánh răng, mình thấy rất khó chịu. Bây giờ mình có nước nóng lạnh, có bàn chải, có kem đánh răng, có tất cả mà mình làm hấp tấp như bị ma đuổi. Vì vậy hãy đánh răng như thế nào để có hạnh phúc. Cái đó là yêu sự sống.

Ngay chính khi mình đi tiểu hay đi cầu cũng vậy. Nhớ lại lúc mình muốn đi tiểu mà không có chỗ đi tiểu, những lúc muốn đi cầu mà không có chỗ đi cầu. Trong khi đó bây giờ mình có thời gian thoải mái. Người Tây phương gọi chỗ đó là “Rest room”, là chỗ nghỉ dễ chịu, thoải mái, thì tại sao mình không thừa hưởng những giây phút thoải mái ở trong restroom đó ? Restroom đó là một chỗ để thực tập. Ở đó không kém linh thiêng hơn thiền đường đâu. Cho nên trong các thiền viện, ở trong restroom luôn có một bình hoa để nhắc cho mình là những mầu nhiệm có thể có mặt ở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chính vua Trần Thái Tông của mình đã nói rằng : “Ngủ là Phật pháp, thức cũng là Phật pháp, ăn cơm cũng là Phật pháp, đi bộ cũng là Phật pháp, đi cầu cũng là Phật pháp, đi tiểu cũng là Phật pháp” thì phải biết rằng nhà vua tuy là một nhà chính trị, có nhiều việc phải làm nhưng cũng đã thực tập rất hay, rất giỏi. Đó là tổ tiên của mình!

Nghệ thuật thương yêu đích thực

Khi mình đi thiền hành với nhau thì mỗi bước chân là một niềm hạnh phúc. Mình còn hình hài này, mình đang đi trên tinh cầu đẹp đẽ này và mỗi bước chân có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc. Mỗi bước chân là trị liệu, mỗi bước chân là nuôi dưỡng, mỗi bước chân là thảnh thơi. Điều này chúng ta phải tiếp tục thực tập vì trong khoá tu này tôi thấy có một số các vị chưa đi thiền hành đàng hoàng, bước chân còn sự hấp tấp trong đó. Mình phải tới trong từng bước chân, mình phải về trong từng bước chân, phải cảm thấy an lạc, hạnh phúc, thỏa mãn ngay trong từng bước chân thì mới giúp cho cơ thể trị liệu và chuyển hoá mau chóng được. Đó là bí quyết của sự dừng lại, bắt đầu sống thật và sống sâu sắc.

Cũng giống như khi mình ngồi uống một chén trà. Chén trà đó mình có thể uống như thế nào mà suốt trong thời gian uống chén trà đó phút nào cũng hạnh phúc, giây nào cũng hạnh phúc. Đó là một thách thức. Chúng ta ai mà không có cơ hội để uống một chén trà. Cũng như ăn một trái cam. Nếu có người đem một trái cam tới tặng thì quý vị có khả năng ăn trái cam trong hạnh phúc không? Quý vị có thể cầm trái cam mà nhìn trái cam không? Nhìn trái cam để thấy rằng trái cam là một cái gì rất màu nhiệm. Cây cam kia đã mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần để làm ra những hoa cam, rồi nắng, rồi gió, rồi mưa đi ngang qua để hình thành nên một trái cam từ nhỏ xíu. Cây cam đã thở, đã sử dụng các chất dinh dưỡng từ đất để nuôi trái cam lớn lên và trái cam bây giờ to, vàng. Trái cam là một thực tại màu nhiệm trong tay mình. Đó là thiền. Nhìn vào trái cam mà thấy được như vậy, thấy được trái cam mới là thiền.

Còn nhìn vào trái cam mà chỉ thấy những lo âu, buồn khổ và những dự án của mình trong tương lai thì chưa thấy trái cam và khi ăn không phải là mình ăn cam mà là ăn những sầu khổ, ăn những lo lắng của mình mà thôi. Cho nên đây là nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu sự sống. Nhìn vào trái cam đâu phải ba, bốn giờ đồng hồ mới thấy được điều đó, có thể chỉ trong ba giây, năm giây là thấy được tất cả những mầu nhiệm đó. Khi bóc trái cam ra mình phải có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Mình ngửi mùi vỏ cam, việc này rất mầu nhiệm và có thể đem lại hạnh phúc cho mình vì mình là một con người tự do, một người thảnh thơi cho nên mới nhìn trái cam và bóc trái cam được như vậy. Khi tách một múi cam ra, mình nhìn và để nó trong miệng, mình ép hai cái hàm răng của mình lại để nghe được chất cam ngọt thấm dần trong lưỡi. Nhờ có niệm và có định mình mới làm được chuyện đó và trong thời gian đó mình không lo âu, không suy nghĩ, không tính toán gì hết. Mình đang thực sự ăn một trái cam. Và ăn một trái cam như vậy là cả một nghệ thuật, nghệ thuật đó là do thiền định và niệm đưa tới.

Kỳ sau, nếu quý vị có dịp ăn một trái cam, quý vị thử ăn như vậy coi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp các thiền sinh ở bang California ngoài bãi biển, tôi tặng cho mỗi người một trái cam và mời họ ăn cam. Họ không biết rằng tôi đang giúp cho họ thực tập thiền vì đối với họ thực tập thiền tức là gồng mình lên và ngồi giờ này sang giờ khác. Khi mình ăn một cây kem cũng vậy. Khi con nít ăn kem thì nó hay liếm. Nó liếm một cái, rồi liếm cái thứ hai. Nếu không biết ăn thì cây kem sẽ hết rất mau. Do đó mỗi lần mình thấy cái hương, cái vị của cái mình đã ăn và mình sống cái giây phút đó một cách rất là sâu sắc. Bên Pháp, có hãng Yaourt tên là Yoplait quảng cáo yaourt của họ như thế này: “Mangez le doucement pour que ça dure longtemps” tức là ăn chầm chậm để nó được kéo dài. Giống như khi mình ngồi với người yêu vậy. Mình muốn giây phút này kéo dài, có phải vậy không? Thì ăn yaourt cũng vậy, phải có thời giờ để thưởng thức một hũ yaourt. Đó là sự thực tập thiền và mình phải có thảnh thơi, có tự do.

hoa-bo-cong-anh

Tự do là nền tảng của hạnh phúc. Tự do không phải là tự do chính trị mà là tự do đối với những lo lắng, những tính toán, những sầu khổ của mình. Mình bị những cái đó vây hãm thì mình không phải là con người tự do. Mình không có hạnh phúc tại vì mình không có tự do. Dù cho mình có tự do chính trị đi chăng nữa thì mình vẫn không có hạnh phúc như thường tại vì mình không có tự do đối với những âu lo, những sầu khổ, những buồn phiền, những bực tức của chính mình. Thực tập thiền là để đạt tới tự do và những thanh gươm, những phương tiện để đạt tới được tự do đó là niệm, định và tuệ. Nếu mình được gần thầy để có cơ hội học hỏi và thực tập  thì phẩm chất đời sống của mình sẽ càng ngày càng cao nếu mình biết thực tập niệm, định để có hạnh phúc ngay bây giờ chứ không phải là hy vọng một hạnh phúc sau này, sau khi mình chết rồi.

Vì vậy khi đi thiền hành từ lều của mình tới thiền đường là một bữa tiệc, có thể thưởng thức được mỗi một bước chân. Vậy thì tại sao lại chạy như ma đuổi, tại sao lên tới thiền đường rồi mới thực tập thiền? Tập thiền ngay từ bước đầu tiên từ lều của mình cho tới thiền đường thì mỗi một bước chân như vậy là một bài thuyết pháp linh động, và theo tôi đó là tình yêu đích thực. Mình không có tình yêu thì mình không có niềm vui sống.Và tình yêu là một cái gì mình cần chế tác. Mình hãy thử nghĩ ngày xưa mình ngồi như thế nào? Mình có biết trân quý giây phút đó hay không? Mình học được gì trong các giây phút đó và nếu mình có lầm lỡ, vụng về thì bây giờ mình có biết cách làm hay hơn không? Không có gì mất đi hết.

Với trí tuệ đó, kinh nghiệm đó, sự thực tập đó, chúng ta có thể phục hồi được tất cả những gì mà chúng ta tưởng rằng đã mất. Nó không mất, không bao giờ mình muộn hết. Nếu mình chưa biết cách uống trà thì bây giờ mình thực tập cách uống trà, nếu chưa biết cách đi thì mình thực tập cách đi, nếu chưa biết cách đánh răng thì mình học đánh răng, làm thế nào để trong mỗi giây phút, mỗi hành động như vậy đều có thể thảnh thơi, đều có sự vững chãi và hạnh phúc. Mình là bạn tu với nhau thì phải nâng đỡ cho nhau. Mình tới với nhau là để làm chuyện đó chứ không phải là để lập hội và làm chuyện gì khác. Tu tập là chuyện quan trọng nhất.

loading...