Sống an vui
Nghĩ đến mọi người với lòng thương…
Thứ sáu, 27/12/2023 03:32
Ta đang nợ người nghèo vì họ là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra sản phẩm cho ta sử dụng. Hãy làm điều gì có thể để họ giảm bớt khổ nghèo!
Tôi không phải là người nghiên cứu hàng nghìn quyển kinh để giảng về Giải thoát hay đi làm Thầy thiên hạ. Tiếng Thầy cao quý lắm và rất dễ sinh ngã mạn, không khéo sẽ bị đọa! Bài học ấy tôi thấy nhiều từ cuộc sống quanh mình.
Giá trị cốt lõi của Phật giáo là Từ bi - Trí tuệ - tiêu chí luôn được khắc trước cổng các ngôi chùa. Nhờ trí và bi ấy, ta biết buông bỏ Tham - Sân - Si, dọn tâm thanh tịnh, đoạn nghiệp trần - tiến tới Giải thoát.
Đức Phật chỉ bày tám vạn bốn ngàn pháp tu, tuỳ năng lực mỗi người mà chọn pháp tu phù hợp. Theo đó, không có pháp tu nào thù thắng hơn pháp tu nào cả; quan trọng là ta có diệu dụng được đúng pháp để chữa “tâm bệnh” của mình. Khi chọn đúng pháp môn, pháp ấy đúng với ta, nhưng chưa chắc đã hợp với người nên cũng đừng ép ai phải theo mình; càng không nên nhận định tu không giống mình là… tu sai.
Thực sự, khi tâm ta thật sự buông sẽ liền có an lạc. Và buông đến mức độ nào thì sẽ cho kết quả tương ứng với tâm ấy. Tu đơn giản như thế, gói gọn ở chỗ buông, học cách buông phù hợp, chẳng có gì ồn ào. Tất nhiên, cũng không chấp chặt ở chỗ phải xuất gia mới chứng đạo! Xuất gia được là quá tốt, nhưng nếu chưa đủ duyên để thế phát vẫn có thể tu trong vai trò Phật tử tại gia.
Lắng lòng quán chiếu cuộc sống sẽ thấy:
- Cây cầu, con đường ta đi, ngôi chùa thầy tu ở là công sức, mồ hôi của biết bao người thợ xây nghèo.
- Hạt gạo, thực phẩm ta ăn cũng từ lao động cực nhọc của người nông dân.
- Quần áo, gối mền, điện thoại, bàn ghế, tủ giường, dao cạo râu tóc… Tất cả đồ dùng do công nhân trực tiếp làm ra.
- Cao cả hơn hết là sự hy sinh của biết bao người cho ta hoà bình để yên ổn mà tu, mà hành thiện…
Tất cả chúng sinh tham gia tạo ra vật chất cho xã hội, từ cái cây, ngọn cỏ đến con người được phân vai trò riêng. Đến những anh hùng liệt sĩ - họ đều có quê hương, có cha mẹ thân nhân ở những vùng quê nghèo khó. Bản thân họ có người rất khổ vì hoạnh tử, đang cần sự giúp đỡ, đang cần Tâm Đại Từ Đại Bi nhà Phật chuyển nghiệp.
Thực tế, có rất nhiều Bồ-tát hóa thân đi vào đời để làm việc tế độ, cứu chúng sinh trầm luân thoát nghèo thoát khổ, rồi dẫn dắt họ về tâm linh. Làm thiện, sống thiện từng chút, từ ý-khẩu-thân, trau mình thành thói quen tốt, tính cách hay, lâu dần những hạnh lành sẽ xây nên thân tâm mình một vẻ an vui, giải thoát. Bậc thượng nhân dạy mình “tu mót”, cố gắng làm thiện, từ nhỏ đến lớn, cần lưu tâm thực hành.
Có thể nói, khi ta vô cảm với nỗi khổ của chúng sanh thì đạo làm người còn chưa trọn, đừng nói chi giải thoát Niết-bàn cho xa xôi.