Kiến thức
Nghĩ đến quả trước khi gây nhân
Thứ hai, 26/02/2021 10:35
Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống.
Chúng ta đã thấy rõ những ích lợi do sự hiểu biết luật nhân quả đem lại cho mỗi chúng ta. Đến đây chúng tôi muốn dành riêng một đoạn, để nhấn mạnh vào một điểm vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta biết triệt để khai thác trong khi áp dụng luật nhân quả, thì lợi ích sẽ vô cùng rộng lớn. Đó là trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả, mà trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ những người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhắm cái đích, rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân.
Câu chuyện sau đây có thể chứng minh một cách hùng hồn ý nghĩa nói trên:
Xưa có một vị hiền giả nêu ở giữa chợ một tấm bảng như sau:
"Ai chịu trả một ngàn lượng vàng,
Tôi sẽ bán cho một bài học".
Tấm bảng treo đã nhiều ngày mà không ai thèm hỏi đến. Một hôm, một vị vua, nhân đi dạo chơi ngang qua chợ, trông thấy, động tánh hiếu kỳ, mới đến chỗ hiền giả, lấy một ngàn lượng vàng, hỏi mua bài học ấy.
Sau khi nhận đủ số vàng, nhà hiền triết đưa bài học ra. Bài học vỏn vẹn chỉ có một câu giản dị như sau: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau:
Các quan tùy tùng thấy vậy, xầm xì với nhau: "Nhà vua bị gạt! Một câu nói như thế, có hay ho gì đâu mà phải mua đến một ngàn lượng vàng?"
Trong lúc đó, nhà vua cũng phân vân, không hiểu bài học giản dị ấy, tại sao lại đắt giá đến thế?
Khi về cung, nhà vua cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy. Trong lúc ấy như mọi đêm khác, trong cung đều có mở yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ ca hát suốt đêm, để nhà vua mặc tình vui chơi với tửu sắc. Nhưng hôm nay, vì bị bài học của nhà hiền triết ám ảnh, bắt vua suy nghĩ:
"Nếu ta say mê tửu sắc mãi như thế này, thì kết quả sẽ ra sao? Thân thể sẽ suy nhược tinh thần tiều tụy và mau chết, việc triều đình phế bỏ, rồi sẽ đi đến chỗ mất nước, dân chúng trở thành nô lệ cho ngoại bang, đời đời nhục nhã và khổ đau! ..."
Hạnh phúc khổ đau không do vận mạng
Nhận thấy rõ cái kết quả xấu xa nghuy hiểm của tửu sắc như thế, vua liền truyền lịnh dẹp ngay yến tiệc, ca hát, và từ đó vua lo chỉnh đốn lại nước nhà, sửa sang binh bị...
Hai năm sau, một nước láng giềng đem binh đến cướp nước, nhà vua nhờ sớm giác ngộ, lo xây dựng cho nước được hùng cường, nên đã đuổi lui được quân giặc. Bấy giờ nhà vua mới tự bảo: "Bài học của nhà Hiền triết quý giá lắm! Một ngàn lượng vàng còn rẻ".
Nhà vua bèn ra lịnh chép bài học ấy, dán khắp tất cả mọi nơi, cho đến mâm cơm, chén nước cũng truyền khắc vào.
Một hôm có người trong hoàng thân muốn tiếm đoạt ngôi vua, nên thuê quan Ngự y một số tiền lớn để thừa lúc vua đau, tráo dâng thuốc độc. Lãnh tiền xong, quan Ngự y sau khi chế thuốc độc xong, lén rót vào chén, định dâng lên vua uống, nhưng khi nhìn thấy mấy chữ khắc trong chén: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau". Quan Ngự y sực tỉnh và suy nghĩ: "Tội thí vua này, nếu bị phát giác ra, sẽ bị tru di tam tộc, chứ không phải tầm thường". Quan Ngự y sau khi xét kết quả việc làm của mình gớm ghê như thế, nên đã đổ chén thuốc và thú tội với nhà vua. Nhà vua thấy quan Ngự y đã biết ăn năn hối cải như thế, nên rộng lòng ân xá và còn ban cho một số tiền bạc to tát nữa. Nhờ bài học này, nước nhà khỏi mất, dân tộc khỏi làm nô lệ cho ngoại bang, nhà vua khỏi chết, nên vua cho bài học này là vật báu vô giá.
Vậy chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của nó sẽ là vong gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần đòi hỏi. Khi lăm le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn, đa mang tật bệnh, danh giá chôn vùi. Khi nóng giận muốn làm hại người, nên xét cái kết quả của nó về sau là "oan oan tương báo", hại người tất sẽ bị người hại lại. Khi móng niệm tham lam tiền bạc của cải của người, nên xét kết quả về sau là tù tội gông xiềng...
Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân quả này mà áp dụng trong tất cả mọi công việc làm hằng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sái quấy sẽ giảm bớt, và từ địa vị người vượt lên địa vị thánh, hiền, không phải là điều không làm được.