Sách Phật giáo

Nghi thức Lễ Hằng thuận (P.5)

Chủ nhật, 07/06/2014 09:55

Hôn nhân là việc hệ trọng trong đời người không thể “Yêu cuồng sống vội”, dễ dàng “Thề non hẹn biển” với người mà mình chưa biết gì về lai lịch nhân thân, cha mẹ và nhà cửa. Cần xin ý kiến nhận xét dạy bảo của cha mẹ và các bậc trưởng thượng.


Có nhiều thanh niên nam nữ Phật tử băn khoăn nghĩ ngợi về việc chọn bạn trăm năm và nhờ tôi tư vấn. Theo tôi, các Phật tử lo lắng là chính xác, bởi cưới một cô vợ hay ưng một chàng trai làm chồng là một quyết định cực kỳ quan trọng trong đời người, nên cần phải bình tĩnh sáng suốt và thận trọng để lựa chọn, vì đây là người “bạn đời” sẽ chung sống với ta bên nhau đến suốt cuộc đời, không phải “ăn xổi ở thì”.

Do đó, theo tôi việc chọn bạn trăm năm, cần phải có tiêu chuẩn tối thiểu, sau đây là 8 tiêu chuẩn cần phải có, được xem xét: từ thấp đến cao, từ thô thiển dễ nhìn dễ thấy đến tinh vi tế nhị:

1. DUNG MẠO: Tức là mặt mày vóc dáng. Đối tượng định chọn làm bạn “trăm năm” là người phải có khuôn mặt, vóc dáng tương xứng với mình. Mặt khác, dung mạo cũng phản ảnh phần nào tính tình nết na phẩm chất đạo đức của con người. Cho nên khi chọn dâu chọn rể, người xưa có tục: “Coi mắt nàng dâu, xem mặt chàng rể”. Tuy nhiên, cái đẹp cái duyên, tùy quan niệm thẩm mỹ của mỗi người, có khi đẹp với ta, nhưng xấu với người khác, chỉ cần ta cảm thấy khả ái dễ thương dễ mến, “hạp nhãn” là được.

2. TUỔI TÁC:
Người Phật tử nên kết hôn trong độ tuổi từ 18 – 30, chẳng nên sớm hơn hoặc trễ hơn. Theo nghiên cứu của các nhà y học và xã hội học: Tuổi tác vợ chồng cũng không nên cách biệt quá xa, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hạnh phúc gia đình. Nam nữ kết hôn và sinh con trong độ tuổi từ 25 – 28 là tốt nhất. Vì lúc đó con người đã trưởng thành chững chạc, cơ thể đã hoàn thiện, sinh kế đã ổn định. Nếu kết hôn trước 18 tuổi là phạm luật Hôn nhân, nếu kết hôn tuổi muộn hoặc lớn tuổi mới sinh con, dù vợ chồng sống gương mẫu, chịu cực chịu khó, nhưng vì tuổi tác cách biệt quá lớn, không thể nắm bắt được tâm lý tình cảm của con cái, do đó việc nuôi nấng dạy dỗ con cái sẽ khó khăn và ít hiệu quả !

3. HỌC VẤN: Trình độ học vấn rất cần thiết trong nhiều lĩnh vực hoạt động, vì kiến thức chính là chìa khóa vàng mở cửa các kho tàng văn minh nhân loại, nhờ có kiến thức, chúng ta dễ thành công, dễ lập nghiệp, dễ thăng quan tiến chức, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong sinh hoạt gia đình điều quan trọng hơn học vấn, chính là sự hiểu biết nhau, tôn trọng nhau, thông cảm với nhau và khôn khéo xử lý các tình huống khi va chạm với thực tế.

4. NGHỀ NGHIỆP: Kinh tế là huyết mạch của gia đình, muốn có cuộc sống ổn định, gia đạo bình an, nhà đất thịnh vượng, hạnh phúc lâu bền, cần phải có nghề nghiệp chân chính, nhờ đó mà sinh ra tiền của hợp pháp và hợp với đạo lý. Đồng thời phải biết cúng dường Tam bảo, phụng sự cha mẹ, giúp đỡ bà con, san sẻ người nghèo khó hoạn nạn. Được vậy chúng ta sẽ hưởng thụ được lâu dài.

5. SỨC KHỎE: Tục ngữ có câu: “Sức khỏe quý hơn vàng”. Thật vậy, có sức khỏe ta thấy cuộc đời đáng yêu hơn; vợ chồng hạnh phúc hơn; có sức khỏe ta có thể làm ra tiền của vàng bạc, nhà cửa ruộng vườn. Ngược lại, nếu ta đau bệnh triền miên hoặc bệnh nan y, thì tiền bạc chẳng có nghĩa lý gì? Thế nên ta phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ chừng mực, làm việc và vui chơi vừa phải, tâm hồn lạc quan yêu đời. Do đó, khi chọn bạn trăm năm yếu tố sức khỏe và nề nếp sinh hoạt của người bạn cũng là điều rất đáng lưu ý.

6. TÍN NGƯỠNG:


a. Chúng ta là con nhà Phật, tổ tiên chúng ta từ hai ngàn năm trước đa phần cũng theo đạo Phật, chính quyền ngày nay cũng rất tôn trọng và hỗ trợ nhiều hoạt động Phật sự của đạo Phật. Đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại, chỉ có ngày Đản sinh của Đức Phật là được thế giới tôn vinh ngưỡng mộ cao nhất. Ngày 15-12-1999 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định công nhận: “Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa và tôn giáo thế giới”. Đại lễ Vesak chính là Đại lễ Phật đản; Đại lễ Vesak có nghĩa Đại lễ Tam hợp tức là cuộc lễ đánh dấu ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật là: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Chúng ta, may mắn được theo đạo Phật là niềm vinh dự, niềm tự hào của chúng ta, dòng họ ta và dân tộc ta. Thế nên, người bạn đời của chúng ta phải là người theo đạo Phật. Những đứa con đứa cháu tương lai của chúng ta, cũng phải là những người Phật tử thuần thành chân chính, phát tâm hộ trì Tam bảo.

b. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo đa tín ngưỡng, trong quan hệ xã hội mọi người vẫn thường tiếp xúc gặp gỡ nhau, từ đó dẫn đến nhân duyên lứa đôi khác tín ngưỡng. Trong trường hợp này, người Phật tử có bổn phận khuyến hóa bạn mình hướng về Tam bảo hoặc chọn giải pháp “Đạo ai nấy giữ”. Không được “cải đạo”. Nhưng qua thế hệ sau, người Phật tử có trách nhiệm hướng dẫn con cái của mình trở về với Tam bảo, tức là trở nguồn cội tâm linh của tổ tiên ông bà, bởi tổ tiên chúng ta xưa kia đều theo đạo Phật. Đạo Phật là đạo của dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc và đã hiện diện trên đất nước này hơn hai ngàn năm lịch sử. Thế nên, mọi người cùng có trách nhiệm bảo tồn và phát huy Phật pháp.

7. TÍNH TÌNH:
Người có tính tình ôn hòa nhã nhặn, ăn nói khôn khéo lịch sự sẽ dễ thu phục nhân tâm, dễ thành công trong giao tiếp, và công danh sự nghiệp. Trong hôn nhân đây là yếu tố rất quan trọng: “Ý hợp tâm đầu”, hai người “hạp nhau” nhờ đó mà tình chồng nghĩa vợ gắn bó keo sơn, yêu quý nhau nhiều hơn, cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu tính tình không hòa hợp, sẽ sinh ra cãi vã, hờn giận, trách móc, có thể dẫn đến ly tán.

8. ĐẠO ĐỨC: đạo lý và đức hạnh, tức là những khuôn phép lề lối chuẩn mực ở đời do thánh hiền chỉ dạy, để mọi người noi theo. Theo nhân thừa Phật giáo, làm người Phật tử phải có lòng hiếu kính cha mẹ và giữ gìn năm giới. Năm giới này chính là năm điều đạo đức căn bản để hoàn thiện tư cách của một con người. Năm giới gồm có các điều như sau:

- Giới thứ nhất: Không được sát sinh.

- Giới thứ nhì: Không được trộm cắp.

- Giới thứ ba: Không được tà dâm.

- Giới thứ tư: Không được nói dối.

- Giới thứ năm: Không được uống rượu và không sử dụng các chất gây nghiện khác. (Xin mời quý vị tham khảo phần Nghi thức truyền Tam quy ngũ giới trang 39 phía trước có giảng giải).

Nếu người nào vi phạm một trong năm giới nêu trên, đến mức phải ra cơ quan chính quyền xử phạt thì ta nên lánh xa họ, chớ có thân cận với họ, chớ có kết bạn trăm năm với họ, vì hạnh phúc gia đình tương lai sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:

Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân với tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân người quân tử
(Pháp cú 78).

Tóm lại, hôn nhân là việc hệ trọng trong đời người không thể “Yêu cuồng sống vội”, dễ dàng “Thề non hẹn biển” với người mà mình chưa biết gì về lai lịch nhân thân, cha mẹ và nhà cửa. Cần xin ý kiến nhận xét dạy bảo của cha mẹ và các bậc trưởng thượng.


Trong 8 tiêu chuẩn nêu trên, đạo đức, tính tình và tín ngưỡng là những điều kiện then chốt. Riêng với nữ giới, còn phải đặc biệt lưu ý: không được dễ dãi trong quan hệ nam nữ. Nếu chưa thành hôn, tuyệt đối không trao thân gởi phận và phải thường tự dặn lấy mình:

Đêm khuya, gác bóng buồng the,
Ngọc vàng mình hãy nâng niu lấy mình.
(Truyện Kiều)

Ngược lại, hậu quả sẽ khôn lường mà nữ giới bao giờ cũng chịu lắm thiệt thòi. Hãy cẩn thận!

Thượng tọa Thích Chơn Không

(Còn nữa…)
loading...