Kiến thức
Nghĩ về tánh không
Chủ nhật, 06/03/2022 08:06
Làm “trống không” một tách nước không có nghĩa là uống cạn cái tách đó. Làm “trống không” có nghĩa là có được một trải nghiệm thuần khiết,
Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều là ý tưởng về hữu. Tánh Không chúng tôi muốn bàn đến ở đây không giống như bạn có thể nghĩ về nó. Bạn không thể đạt đến một sự hiểu biết đầy đủ về tánh Không với tư duy hay với cảm xúc của bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta tập ngồi thiền.
Chúng tôi có một từ là shosoku để nói về cái cảm giác của bạn khi bạn nhận được một lá thư từ nhà gởi đến. Dù cho là không có hình ảnh gì cụ thể nhưng bạn cũng biết đuợc một điều gì đó về nhà mình, mọi người ở nhà đang làm gì và cây hoa nào đang trổ bông. Đó là shosoku. Mặc dù chúng ta không có thư từ liên lạc gì với thế giới tánh Không nhưng chúng ta cũng mơ hồ biết được những gì đang xảy ra trong thế giới đó – và đó có thể gọi là sự giác ngộ. Khi bạn nhìn thấy một bông hoa đào nở hay nghe âm thanh một viên sỏi va vào một cành tre thì đó là tin tức đến từ thế giới tánh Không.
Vô ngã và tánh không trong đời sống
Ngoài cái thế giới mà chúng ta có thể miêu tả ra, còn có một loại thế giới khác nữa. Tất cả những sự miêu tả về thực tại đều là những lời diễn đạt hạn chế về thế giới tánh Không. Tuy nhiên chúng ta lại trói buộc mình vào những sự miêu tả đó và nghĩ rằng chúng là thực tại. Đó là một sự sai lầm vì cái được miêu tả không phải là thực tính đích thực và khi bạn cho rằng đó là thực tại thì ý tưởng của riêng bạn đã can dự vào đó. Đó là một ý niệm thuộc ngã tính.
Nhiều Phật tử mắc phải sai lầm này. Chính vì vậy mà họ chấp vào kinh điển hay những lời Phật dạy. Họ nghĩ rằng những lời Phật dạy là quý giá nhất và cách gìn giữ những lời Phật dạy là ghi nhớ những gì Ngài nói. Nhưng những gì Đức Phật nói chỉ là tin tức đến từ thế giới của tánh Không, chỉ là một gợi ý hay là một chút giúp đỡ của Ngài. Nếu có một ai khác đọc ngôn từ đó thì có thể là nó không có ý nghĩa gì cả. Bản chất những lời của Đức Phật là vậy. Để hiểu được những lời Phật dạy, chúng ta không thể trông cậy vào trí óc suy nghĩ thường ngày của chúng ta. Nếu bạn muốn đọc được tin tức đến từ thế giới Phật, bạn cần phải hiểu thế giới của Phật.
Làm “trống không” một tách nước không có nghĩa là uống cạn cái tách đó. Làm “trống không” có nghĩa là có được một trải nghiệm thuần khiết, trực tiếp, không dựa vào hình dáng hay màu sắc của sự vật. Thế cho nên trải nghiệm của chúng ta hoàn toàn trút bỏ hết những định kiến của chúng ta, ý tưởng của chúng ta về sự vật, ý tưởng của chúng ta về lớn hay nhỏ, tròn hay vuông. Tròn hay vuông, lớn hay nhỏ không thuộc về thực tính mà chỉ là những ý niệm. Làm cho “trống không” cái tách nước là như vậy đó. Chúng ta không có ý niệm gì về nước cả mặc dù chúng ta nhìn thấy nước.
Khi chúng ta phân tích trải nghiệm của chúng ta, chúng ta có những ý tưởng về thời gian hoặc không gian, lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Cần phải có một loại thước đo nào đó và chúng ta trải nghiệm các sự vật với nhiều loại thước đo khác nhau trong đầu chúng ta. Tuy nhiên, sự vật tự nó không có thước đo nào hết. Đó là cái chúng ta cộng thêm vào thực tại. Bởi vì chúng ta luôn luôn sử dụng một cái thước đo và lệ thuộc rất nhiều vào thước đo ấy nên chúng ta nghĩ là cái thước đo có thực. Nếu nó có thực thì ắt hẳn nó hiện hữu cùng các sự vật. Sử dụng một cái thước đo bạn có thể phân tích một thực tính thành nhiều thực thể, lớn hoặc nhỏ và ngay khi chúng ta khái niệm hóa một cái gì thì cái đó đã trở thành một trải nghiệm chết.
Chúng ta làm trống không những ý tưởng về lớn hay nhỏ, tốt hay xấu ra khỏi trải nghiệm của chúng ta vì cách đo lường chúng ta sử dụng thường dựa vào bản ngã. Khi bạn nói tốt hay xấu, cái thước đo là chính bạn. Và thước đo ấy không phải chỉ có một. Mỗi người có một thước đo khác nhau. Vì vậy tôi không nói là thước đo luôn luôn sai, nhưng chúng ta có khuynh hướng dùng cái thước đo thuộc ngã tính của chúng ta khi chúng ta phân tích hay có ý tưởng về một điều gì đó. Cái phần bản ngã đó cần phải trút bỏ hết đi. Muốn trút bỏ hết phần đó đi thì chúng ta phải tập ngồi thiền và sẽ trở thành quen với việc chấp nhận sự vật như nó vốn vậy, không có ý nghĩ gì về lớn hay nhỏ, tốt hay xấu.
Khi họa sĩ hay văn sĩ muốn diễn tả trải nghiệm trực tiếp của họ, họ có thể vẽ hay viết. Nhưng nếu trải nghiệm của họ rất mạnh mẽ và thuần khiết, họ có thể từ bỏ mọi nỗ lực miêu tả trải nghiệm đó, “Ôi thôi! đành chịu”. Chỉ vậy thôi.
Tôi muốn làm một khu vườn thu nhỏ quanh nhà tôi, nhưng khi tôi đi đến con suối, nhìn thấy những tảng đá tuyệt vời và dòng nước chảy, tôi từ bỏ ý định ấy. “Không, tôi sẽ không bao giờ cố gắng tạo một khu vườn có đá tảng. Tốt hơn là tôi nên dọn sạch con suối Tassajara, vớt hết giấy vụn và những cành cây gãy trong con suối lên.
Trong thiên nhiên có cái đẹp vượt ra ngoài cái đẹp. Khi bạn nhìn một phần của nó, bạn có thể nghĩ nên xoay tảng đá này về phía này, tảng đá kia về phía khác và rồi nó sẽ thành một khu vườn hoàn chỉnh. Bởi vì bạn giới hạn cái thực tính đích thực bằng cách sử dụng cái thước đo mang ngã tính nhỏ bé của bạn cho nên mới có khu vườn đẹp và khu vườn không đẹp và bạn muốn thay đổi một vài tảng đá. Nhưng nếu bạn nhìn thấy bản thân sự vật như nó vốn vậy với một cái tâm thoáng đạt hơn thì sẽ không cần phải làm gì cả.
Bản thân sự vật vốn là trống không nhưng bởi vì bạn cộng thêm vào nó một cái gì đó, nên bạn làm hỏng thực tại. Do đó nếu ta làm cho sự vật trống không ta sẽ không làm hỏng chúng. Khi bạn ngồi theo cách shikantaza, bạn đừng để cho âm thanh làm cho xao nhãng, đừng để cho trí não vận động. Có nghĩa là đừng dựa vào bất kỳ một giác quan nào hay là vào trí óc của bạn và bạn chỉ tiếp nhận tin tức đến từ thế giới của tánh Không. Đó là shikantaza.
Làm cho trống không không phải là từ chối. Thông thường, khi chúng ta từ chối một cái gì, chúng ta muốn thay thế cái đó bằng một cái khác. Khi tôi từ chối cái tách màu xanh thì có nghĩa là tôi muốn cái tách màu trắng. Khi bạn tranh luận và từ chối ý kiến của một người khác, có nghĩa là bạn muốn người đó phải chấp nhận ý kiến của bạn. Thông thường chúng ta làm như vậy. Nhưng bây giờ chúng ta làm khác đi. Bằng cách làm trống không phần phụ thuộc những ý niệm quy ngã của chúng ta, chúng ta làm thuần khiết việc quan sát sự vật của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy và chấp nhận sự vật như chúng vốn vậy, chúng ta không cần phải thay thế cái này bằng cái khác. Đó là ý nghĩa của việc làm trống không các sự vật.
Nếu chúng ta làm trống không các sự vật để cho chúng như chúng vốn vậy thì lúc đó mọi việc sẽ tốt đẹp. Khởi đầu, các sự vật có liên quan với nhau và chỉ là một, và như là một hữu thể, nó tự mở rộng ra. Để cho nó mở rộng ra, chúng ta làm trống không các sự vật. Khi chúng ta có thái độ này thì chúng ta có tôn giáo mà không cần ý tưởng gì về tôn giáo cả. Khi chúng ta không có thái độ này trong việc thực hành tôn giáo thì tôn giáo tự nhiên trở thành thuốc phiện. Làm thuần khiết trải nghiệm của chúng ta và quan sát các sự vật như chúng vốn vậy tức là hiểu được thế giới của tánh Không và và hiểu được lý do tại sao Đức Phật đã để lại quá nhiều lời dạy như thế.
Khi chúng ta thực hành shikantaza, chúng ta không tìm kiếm gì hết, bởi vì khi chúng ta tìm kiếm một điều gì thì một ý niệm thuộc ngã tính sẽ xen vào. Sau đó chúng ta cố gắng đạt được một điều gì đó để đưa cái ý niệm thuộc ngã tính đi xa hơn. Đó là điều bạn đang làm khi bạn cố gắng, nhưng sự cố gắng của chúng ta là để loại bỏ cái hoạt tính quy ngã. Đây là cách chúng ta làm thuần khiết trải nghiệm của chúng ta.
Chẳng hạn như bạn đang đọc sách, vợ bạn có thể nói, “Anh uống một tách trà nhé?”. Bạn có thể trả lời “Ôi, anh đang bận. Đừng làm phiền anh”. Khi bạn đang đọc sách kiểu như vậy, tôi nghĩ bạn nên cẩn thận. Bạn nên sẵn sàng nói, “Uống trà bây giờ thật là tuyệt. Cho anh xin một tách trà đi”. Rồi bạn ngừng đọc sách và uống trà. Sau khi uống trà xong, bạn tiếp tục đọc sách.
Trái lại, thái độ của bạn là, “Bây giờ anh đang rất bận!”. Như vậy là không được tốt lắm, bởi vì lúc đó trí óc của bạn không phải thực sự đang hoàn toàn hoạt động. Một phần trí óc bạn đang hoạt động tích cực nhưng phần khác thì không. Bạn có thể đang mất thăng bằng trong hoạt động của bạn. Nếu hoạt động đó là đọc sách thì có thể không sao cả, nhưng nếu bạn đang viết thư pháp mà tâm trí bạn không ở trong tình trạng trống rỗng, công việc của bạn sẽ nói cho bạn biết, “Tôi không ở trong trạng thái trống rỗng”. Vì vậy bạn nên dừng lại.
Nếu bạn là người học thiền, bạn nên hổ thẹn vì bạn viết thư pháp như vậy. Viết thư pháp là thực hành tọa thiền. Vì vậy khi bạn đang viết thư pháp nếu có ai đó nói, “Xin mời anh uống một tách trà” và bạn trả lời, “Không, cám ơn. Tôi đang viết thư pháp”. Thì lúc đó thư pháp của bạn sẽ lên tiếng, “Không, không phải vậy”. Bạn không thể tự dối gạt mình được.
Tôi muốn bạn hiểu công việc chúng tôi đang làm tại Trung tâm Thiền. Đôi lúc tập thiền như một cách rèn luyện cũng chẳng sao cả, để làm cho việc tập thiền được mạnh mẽ hơn và để cho hơi thở của bạn được êm dịu và tự nhiên hơn. Có lẽ đó cũng là một phần của việc tập thiền, nhưng khi chúng tôi nói shikantaza thì tập như vậy không phải là điều chúng tôi muốn nói đến. Khi chúng tôi nhận được tin tức đến từ thế giới của tánh Không, thì lúc đó việc thực hành của chúng tôi đang có kết quả.
Chú thích:
1. “Shikantaza (Hán ngữ là Chỉ quản đả tọa) thường được dịch là ‘chỉ ngồi thôi’; nó cũng có thể được diễn tả là ‘không ngăn chặn và không mê đắm vào tư duy’. Nhưng Suzuki có nhiều cách khác nhau để diễn đạt từ này: “Hãy sống trong từng phút giây’ hay là ‘Hãy thở ra cho hết’ hay là ‘Shikantaza là hãy là chính mình’. Đây là một trong những từ có thể giải thích vô tận hoặc là chẳng giải thích gì cả và chắc chắn rằng nếu có lúc nào bạn dừng lại và tự hỏi “đây” có phải là shikantaza không, thì chắc hẳn là không phải”. – ED Brown, trích từ bài giới thiệp tuyển tập Not Always So.
Shunryu Susuki Đại sư (1904-1971) là người sáng lập Trung tâm Thiền San Francisco và là một khuôn mặt chủ chốt trong việc truyền bá đạo Phật sang phương Tây. Những bài giảng của ông đã được in trong tập sách kinh điển Zen Mind, Beginner’s Mind và trong tập Branching Streams Flow in the Darkness: Zen Talks on the Sankodai.