Sách Phật giáo
Nghĩ về "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển" của Giáo hội
Chủ nhật, 07/03/2018 08:03
Đạo Phật Việt Nam đã gắn liền với dân tộc xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, đạo Phật cũng theo đó mà có thịnh suy. Trong những giai đoạn biến thiên của lịch sử, đều có những bậc cao tăng đắc đạo, trí tuệ tuyệt vời nên đã đoàn kết hòa hợp, vận chuyển bánh xe chính pháp, thực hành Bồ Tát hạnh, luôn khế hợp với chân như. Quý ngài thể hiện đạo phong phạm hạnh đã vân du trên con đường hoằng pháp lợi sinh và chỉ dạy đường lối tu hành cho mọi người để đạt đến giác ngộ giải thoát.
Nhìn lại chiều dài lịch sử, đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển trên khắp hành tinh, dù ở quốc gia nào, dù thời đại nào thì Phật giáo cũng đều lấy giới luật làm nền tảng để tu tập và hoằng hóa chúng sinh, chính nhờ vậy mà đạo Phật không đánh mất đi bản sắc của một đạo giác ngộ và giải thoát. Thời đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ dùng đạo hạnh để giáo hóa, để giữ vững kỷ cương, kiện toàn tổ chức giáo đoàn. Ngài cũng rất quan tâm đến giới đức của hàng đệ tử xuất gia.
Trong các bộ Kinh, bộ Luật đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhiệm; chân chính lãnh thọ học tập và thực hành các giới đã học và lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh”.
Đạo Phật thời Lý Trần đã kế thừa, biết vận dụng bánh xe chính pháp, đem đạo vào đời, cho nên Ngài Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông đã thống nhất được Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Tông, Thảo Đường trở thành Thiền phái Trúc Lâm. Thống nhất phương pháp tu hành, thống nhất giáo dục, hoằng pháp, tăng sự và nghi lễ để thuận duyên cho sinh hoạt trong tăng đoàn.
Ngài đã xây dựng thiền viện, tăng xá, giảng đường để xác định đường lối tu tập, phương thức giảng dạy, học tập. Soạn thanh quy, lập phương hướng hoạt động cho xuất gia, thọ giới, chứng nhận điệp đàn, san định nghi lễ sinh hoạt hàng ngày trong chốn thiền môn, giữ gìn giới luật, oai nghi tế hạnh trang nghiêm tự thân, giữ vững giềng mối kỷ cương cho Giáo hội Thiền phái Trúc Lâm. Trên đường hóa đạo, Ngài cũng thường đi vào trong dân gian xem bệnh, phát thuốc cho dân nghèo, chẩn bần cho người khốn khổ và khuyên dạy mọi người làm lành lánh dữ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, khuyến hóa thọ Tam quy, trì Ngũ giới, hành Thập thiện để lợi ích cho tự thân và thanh bình cho xã hội.
Phật giáo Việt Nam ngày nay đã thống nhất, hình thành và phát triển qua 35 năm theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội Chủ nghĩa”. Đại hội kỳ VIII lần này lại nêu cao 8 chữ vàng: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.
Trí tuệ:
Trước hết, nói đến trí tuệ thì đức Phật đã chỉ dạy trong các kinh: Trí tuệ là Giác ngộ, Thiền tông gọi là Kiến tánh, là thấu rõ lại chính mình để làm chủ cho mình đạt đến chỗ tự do tự tại, an lạc giải thoát vĩnh viễn, xa lìa tất cả khổ đau.
Chúng ta là người xuất gia, là thành viên của Giáo hội đòi hỏi mỗi thành viên phải ý thức, trách nhiệm, bổn phận của người xuất gia, hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát. Do vậy, cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự Đạo pháp và Dân tộc một cách vô điều kiện, vì đây là sứ mạng cao cả của sứ giả Như Lai. Có như vậy, thì kỷ cương, giới luật của đạo Phật mới được duy trì.
Kỷ cương:
Để thành tựu được trí tuệ và nêu cao tinh thần nghiêm trì giới luật, kỷ cương thì người xuất gia trong sinh hoạt hàng ngày phải chọn pháp môn hành trì như: niệm Phật, trì chú hoặc tham thiền mới có đủ năng lực, trí tuệ khi dấn thân vào cuộc đời hoằng pháp lợi sinh. Mỗi pháp môn hành trì đều có tông chỉ riêng biệt của pháp môn đó.
- Niệm Phật thì phải nhất tâm bất loạn, niệm đến vô niệm thì chẳng nhọc khảy móng tay tức cõi Phật hiện tiền, cho nên kinh nói: Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ hoặc nói tùy tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh theo.
- Trì chú thì phải tam mật tương ưng (thân, khẩu, ý phải phù hợp nhau) trì đến vô trì gọi là chơn trì thì mới thành tựu như chơn sở nguyện.
- Tham thiền thì tham đến vô tham gọi là Chơn tham mới được Chơn ngộ.
Tất cả các pháp môn tu tập đều lấy Tín - Nguyện - Hành làm kim chỉ nam để thực hành, không cho gián đoạn trong mọi sinh hoạt hàng ngày, mới mong có ngày được giác ngộ giải thoát. Như trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật đã dạy: Phật bảo A Nan: Người thường nghe ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật tạng là: Nhiếp tâm thành giới, từ giới sinh định, từ định phát huệ gọi là ba Vô Lậu học.
- A Nan làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?
- Nếu chúng sinh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng dâm dục thì chẳng theo dòng sinh tử tương tục.
- Người tu chánh định cốt ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dù cho có nhiều trí tuệ thiền định hiện tiền. Nếu chẳng đoạn dâm, ắt phải lạc vào ma đạo. Hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dâm, hạng dưới thành nữ.
Bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng thành đạo Vô thượng, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn ma dâm này sôi nổi trên thế gian, thịnh hành tham dâm, tự xưng là thiện tri thức, khiến chúng sinh sa vào hầm ác kiến, lạc mất đạo Bồ đề. Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, trước nhất phải dứt dâm dục, ấy là lời dạy bảo rõ ràng trong sạch gọi là nghĩa quyết định thứ nhất của chư Phật.
A Nan! Nếu chẳng dứt dâm dục mà tu thiền định cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ là cát nóng. Tại sao? Vì cát vốn chẳng phải là cơm vậy. Nếu lấy thân dâm mà cầu diệu quả của Phật, dù được khai ngộ cũng chỉ là gốc dâm. Cội gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam ác đạo chẳng thể thoát khỏi. Vậy làm sao có thể tu chứng đạo Niết bàn. Ắt phải khiến thân tâm đều dứt hết sự dâm, kể cả cái dứt cũng chẳng có thì mới có thể chứng quả Bồ đề. Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng nói như thế là tà ma nói.
Ở đây chúng tôi chỉ trích một đoạn trong Kinh Lăng Nghiêm để sáng tỏ trí tuệ do tu hành mà thành tựu. Chớ không phải là trí tuệ được hiểu theo cách thông thường đó là một tri thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, đó là do có học vị cao mà biết, ghi nhớ biết, suy nghĩ biết và cao hơn là tùy duyên biết. Trí tuệ này, do có tác ý để phán đoán, phân biệt, xác định một vấn đề theo trình tự mà thẩm xét mới đưa đến quyết định.
Mặc dù chúng ta chưa đạt đến cứu cánh nhưng cũng có chút ít trí tuệ do hành trì mà thành tựu, xét xem mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày tinh tế hơn, chuẩn xác hơn để tránh đi những phù hoa, cám dỗ của cuộc đời. Cho nên Kinh Pháp Hoa đức Phật đã chỉ dạy: “Thị Pháp Trụ Pháp Vị, Thế Gian Tướng Thường Trụ” là người xuất gia, là thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, là người giữ gìn kỷ cương, quy tắc thì phải nghiêm trì giới luật, nêu cao phạm hạnh cho tăng đoàn đệ tử Phật.
Ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phải nghiêm chỉnh tôn trọng thực hành theo Hiến chương và Nội quy Tăng sự của Giáo hội, mặc dù trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có quy định, bao nhiêu chương, bao nhiêu điều. Phân cấp lãnh đạo từ trung ương đến tỉnh, thành và quận, huyện mỗi người đều có vị trí lãnh đạo và các ủy viên của từng cấp Giáo hội. Tăng ni phải đứng theo đúng vị trí của mình ở đâu, và phải làm cái gì để tròn bổn phận mà Giáo hội và tăng ni tin tưởng giao phó.
Cho nên là thành viên của Giáo hội phải có học, phải có tu đúng với chính pháp, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới, định, tuệ, thực hành lời Phật dạy như Kinh Lăng Nghiêm Phật đã nói: Người tu hành cốt giác ngộ bản tâm, thấu rõ bản tánh, ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục, tâm sát hại, tâm trộm cắp chẳng đoạn trừ thì chẳng ra khỏi, mặc dù hiện tiền có nhiều thiền định trí tuệ mà chẳng dứt tâm sát hại, tâm trộm cắp, ắt phải lọt vào đạo quỷ thần, tinh linh, la sát thì không thể phán xét, phân biệt một cách chính xác được, như trí tuệ của người tu đúng chính pháp theo lời Phật dạy.
Hội nhập:
Chúng ta đã hội nhập vào xã hội từ lâu, của từng giai đoạn, của từng thành viên, từng cương vị và nhiệm vụ của mình để lợi ích cho xã hội, tốt đạo đẹp đời. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự văn minh tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, nhất là sự bùng nổ lan tràn của các trang mạng xã hội đã làm thay đổi cuộc sống nhanh chóng, trong đó có sinh hoạt của hàng ngũ tu sĩ.
Phật giáo Việt Nam được xem là một tôn giáo có khả năng thích ứng với mọi đổi thay của hoàn cảnh, thế nhưng trên thực tế thì khả năng thay đổi để thích nghi hòa nhập hầu như chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, điều này khiến cho Phật giáo ngày nay từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự, từ quan niệm, khuynh hướng đến cách thức điều hành dường như chưa thể bắt nhịp được sự phát triển nhảy vọt của thời đại.
Mặc dù trong hiến chương Giáo hội đã quy định có các ban, ngành, viện và các phân ban từ trung ương đến địa phương, mỗi ban, viện đều có nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, thiết nghĩ lãnh đạo Giáo hội Trung ương cần phải có định hướng hội nhập như thế nào? Hành trang, phương tiện, dấn thân vào xã hội làm tốt đạo, đẹp đời ra sao? Nếu có lỗi lầm thì phải xử phạt thế như thế nào? Để xứng danh đạo Phật là đạo giác ngộ, bi trí song hành để không cô phụ người xưa đã dày công xây dựng, bồi đắp trang nghiêm ngôi nhà chính pháp của Giáo hội. Không hổ thẹn với người đời sau và xứng đáng là một tu sĩ thời hiện đại.
Phát triển:
Phát triển có nghĩa là hướng đi lên từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Cái mới vững chắc tốt đẹp hơn ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ hợp tình hợp lý hơn ra đời thay thế cái lạc hậu. Cho nên người xưa nói, người có đạo đức trang nghiêm, hạnh giải tương ưng là thạch trụ của thiền môn trong mọi thời đại. Thế thì chúng ta phải sắp xếp cho từng thành viên của Giáo hội, ứng dụng như thế nào cho phù hợp với đạo pháp, cho dân tộc, với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay.
Có phải chăng, lấy giới luật làm nền tảng, kỷ cương, lấy Hiến chương và Nội quy Tăng sự làm mô phạm và quy tắc của các tự viện đã đề ra, hướng dẫn tăng ni thực hành nghiêm chỉnh để trở thành một tu sĩ chân chính của đạo Phật ngày nay.
HT.Thích Minh Hiền, Uỷ viên Ban Hoằng pháp Trung ương
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII