Kiến thức
Nghiệp chướng sâu nặng được nhìn từ chỗ nào?
Chủ nhật, 24/12/2022 09:00
Có người đến nói với tôi: “Pháp sư, có người nói xấu Ngài.”. Tôi có thể không nghe, tôi có thể dùng lời nói để chuyển sang đề tài khác, không cho họ nói tiếp. Đây là gì? Là bảo vệ chính mình, là bảo vệ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của chính mình.
Chúng ta là phàm phu có nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng sâu nặng được nhìn từ chỗ nào? Chính là ác niệm của chúng ta, người xưa thường nói là “ác ý”, từ trước đến nay không xem người khác là người tốt. Đây chính là ác ý. Những điều nhìn thấy đều là lỗi lầm của người khác, sau khi nghe thấy lại đi tuyên truyền. Tất cả đều là chuyện đúng sai hay dở của người khác, chúng ta không biết được điều đó là đại ác.
Chúng ta lại quan sát tỉ mỉ những người tu hành, vì sao họ có thể làm Bồ-tát, có thể làm Phật? Thành thật mà nói chính là câu mà Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Người chân thật tu hành không nhìn lỗi thế gian” . Chúng ta nên lấy câu nói này làm lời răn cho chính mình, chân thật để vào trong tâm, chăm chỉ học tập không nhìn lỗi thế gian thì chúng ta liền thành tựu. Cho dù người thế gian có lỗi thì đó là lỗi của họ, đâu có can hệ gì với ta. Nếu ta đem lỗi của họ để vào trong tâm thì đó chính là lỗi của mình rồi. Tại sao lại làm việc ngu ngốc này chứ?
Tôi học Phật bốn mươi tám năm, có được một chút lợi ích trong Phật pháp cũng chính là từ điều dạy này mà được. Có người đến nói với tôi là có người huỷ báng tôi, nhục mạ tôi. Tôi không nghe và nói là: “Không cần nói nữa, tôi biết hết rồi, không cần nói thêm nữa”. Thậm chí họ còn đem văn tự đến cho tôi xem, tôi liền bỏ vào thùng rác, còn có người đem băng ghi hình đến cho tôi, tôi liền gửi trả lại băng ghi hình đó. Tôi không nghe, tôi không xem. Vì sao vậy? Vì trong tâm vĩnh viễn giữ ấn tượng tốt nhất đối với người khác. Như vậy tâm của chúng ta mới thiện được, tuyệt đối không cho phép trong tâm có tơ hào ấn tượng xấu ác nào. Tôi biết có ấn tượng ác ở trong A-lại-da thức thì quả báo tương lai sẽ ở trong ác đạo. Tôi vì sao phải làm như vậy chứ? Người khác hủy báng tôi, tôi quyết không hủy báng người khác mà tôi tán thán họ. Người khác nhục mạ tôi thì tôi cảm ơn họ đã thay tôi tiêu tai, thay tôi tiêu nghiệp chướng nên tôi cảm ơn còn không kịp, làm sao có tơ hào ác niệm, ác ý chứ.
Tôi hiểu được mục tiêu, phương hướng tu học của chúng ta chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, tâm từ bi. Tôi ngày ngày tu dưỡng những điều này. Nếu như thích nghe những chuyện thị phi nhân ngã, thích thăm dò những chuyện này thì sẽ làm hỏng năm loại tâm này. Ai làm hỏng vậy? Không phải người khác có thể làm hỏng được mà chính chúng ta làm hỏng chính mình. Bạn làm sao có thể trách người khác được chứ? Tôi biết cách giữ gìn, người khác muốn phá hỏng thì tôi nhất mực từ chối.
Có người đến nói với tôi: “Pháp sư, có người nói xấu Ngài.”. Tôi có thể không nghe, tôi có thể dùng lời nói để chuyển sang đề tài khác, không cho họ nói tiếp. Đây là gì? Là bảo vệ chính mình, là bảo vệ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của chính mình. Người không biết sẽ tự làm tổn thương chính mình. Khi nghe thấy người khác nói là có người nói xấu bạn thì lập tức yêu cầu: “Anh nói cho tôi nghe đi”, sau khi nghe xong thì sẽ nghĩ cách báo thù họ. Bạn xem, đây chính là tạo tác ác nghiệp. Lời mà người khác nói rốt cuộc là thật hay là giả, nếu không suy nghĩ tìm hiểu, không cân nhắc mà vội vàng tin tưởng, bạn nói xem người này có ngốc hay không? Chính mình làm hỏng đạo tâm của chính mình, cơ hội khó gặp được Phật pháp trăm nghìn vạn kiếp mới có được lại tùy tiện làm hỏng mất rồi.
Ma đến phá hoại, năng lực của ma cũng chỉ lớn đến như vậy mà thôi, nếu bạn không tiếp nhận thì chúng không làm gì được bạn, nếu bạn hoan hỉ tiếp nhận, bạn hợp tác với chúng thì năng lực của chúng mới biểu hiện ra ngoài. Nếu bạn không hợp tác với chúng, không nghe chúng, không để ý chúng thì pháp lực của ma có cao đến đâu đi nữa cũng không làm gì được bạn. Điều này khi Thế Tôn thị hiện tám tướng thành đạo hàng ma đã làm một tấm gương tốt cho chúng ta xem. Chúng ta vì sao không ghi nhớ, vì sao không chịu học tập?