Sách Phật giáo
Nghiệp và thấy biết sai lầm (P.3)
Thứ ba, 02/04/2017 10:43
Cất bước trên đường đời hay trên đường đạo cũng vậy, mỗi người hãy tự trang bị cho mình một hành trang, sẵn sàng đón nhận tất cả tốt hay xấu để vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Đối với các bậc hiền thánh, muốn làm Phật thì phải đối diện với các thứ ma mị. Những gì người đời gọi là bất hạnh, với họ chỉ là thử thách. Khó khăn, thử thách là điều mà con người ai cũng có thể gặp phải, nhưng người có ý chí và tin sâu nhân quả sẽ vượt qua một cách dễ dàng hơn.
TU CÓ CHUYỂN ĐƯỢC NGHIỆP HAY KHÔNG?
Nhiều người nói số phận đã an bài không thể thay đổi được, nhưng trong Phật pháp cho rằng, nghiệp không cố định, có thể thay đổi được. Bởi vì sao, nghiệp được huân tập từ thân-miệng-ý lâu ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó có sức mình chi phối, sai sử ta.
Cũng như gió, tuy không thấy hình tướng cụ thể của gió đâu hết, nhưng khi lá cây rung rinh thì ta biết, trời đang nóng nực, khi nghe mát ta biết có gió, nếu sức gió mạnh có thể trở thành phong ba, bão táp cuốn phăng tất cả mọi sự vật. Nghiệp lực cũng lại như thế.
Tuy nhiên, nghiệp phát xuất từ thân-miệng-ý, khi chưa biết tu ta hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, chơi bời lêu lỏng. Nhưng khi biết tu rồi, ta ý thức lại, thấy những hành động đó làm cho ta hao tiền, tốn của, mất thời gian vô ích, và cuối cùng có hại cho sức khỏe, làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân và xã hội.
Chính ta ý thức được điều đó là tai hại, nên ta quyết định buông bỏ, không bám theo những thứ đó nữa thì coi như ta chuyển được nghiệp xấu, hút thuốc, rượu chè, cờ bạc và nhiều thứ xấu khác nữa.
Bản thân chúng tôi là một bằng chứng thiết thực, khi xưa si mê, ngu dại nên lao đầu vào cờ bạc, rượu chè, hút xách, đàn điếm, vì quan niệm chết là hết nên mặc tình gây tạo tội lỗi. Tôi nhờ có người mẹ hiền tế độ và gặp được Phật pháp, đã giúp cho tôi làm mới lại cuộc đời bằng sự tu học và dấn thân đóng góp, phục vụ tùy theo khả năng của mình.
Thiền viện Thường Chiếu hiện nay, tăng ni tu học trên một ngàn người dưới sự trực tiếp chỉ dạy của Hòa thượng thượng Nhật hạ Quang, Viện trưởng thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, trụ trì Tổ đình thiền viện Thường Chiếu, và là trưởng Ban quản trị thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Tôi bây giờ là một thiền sinh đang tu học và lao động, được sự chỉ dạy tận tình của sư phụ từng bước đã giúp tôi chuyển hóa dần những thói hư, tật xấu, nhờ vậy mà tôi mới được tồn tại cho đến ngày hôm nay. Cho nên, ai nói rằng nghiệp là cố định thì không đúng, chúng tôi xin xác quyết điều này qua sự trải nghiệm và tu tập của bản thân.
Từ lâu, chúng ta thường nghe nói, gieo nghiệp nào thì phải chịu kết quả nấy, tức là ai gieo nhân gì thì phải thọ quả báo y như vậy, có đúng không? Đây là điều mà tất cả chúng ta phải tìm hiểu cho rõ ràng, tường tận, vì nhiều người mới tu còn hoang mang chỗ này, không biết tu có chuyển được nghiệp hay không? Bản thân chúng tôi xin thề rằng, nếu tu mà không chuyển được nghiệp xấu, tôi sẽ bị đọa địa ngục suốt đời, suốt kiếp thay thế cho tất cả chúng sinh.
Nhưng nếu trước đã nói gieo nghiệp nào sẽ phải chịu quả nấy, thì chúng ta tu đâu có lợi ích gì? Tu là cốt chuyển ba nghiệp tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ và từ bi, nếu ta tạo nghiệp nào thì phải thọ nhận quả nấy, thì tu làm sao cho bớt khổ và hết khổ được? Nếu ai cũng nghĩ theo nghĩa nông cạn, đơn giản, mà không có sự thể nghiệm là gây nghiệp nào thọ quả nấy, thì ta sẽ thối Bồ đề tâm mà bỏ tu.
Lý nhân quả nghiệp báo của đạo Phật không cố định là tác nhân nào thọ quả nấy, mà cũng không phải khi đã gây nhân mà không thọ quả, nó rất phức tạp và đa dạng, tùy theo khả năng tu tập của mình mà nghiệp có thể thay đổi nhiều hay ít.
Trong kinh A Hàm, Phật dạy, “Người gây tạo nhân xấu ác làm hại người vật, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ được đổi thay nhiều hay ít tùy theo khả năng. Nếu ai đã lỡ tạo nghiệp xấu ác rồi mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì sẽ gây nhân nào mà chịu thọ quả báo đúng như vậy. Đó là nhân nào quả nấy như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, và khi ta gây nhân mà biết thay đổi, chuyển nghiệp, thì quả cũng sẽ chuyển theo tùy theo khả năng của ta”.
Phật đưa ra một ví dụ rất cụ thể, “nếu ta bỏ một nắm muối vào trong ly nước lạnh, thì nước ấy mặn không uống được; nếu ta bỏ cũng nắm muối đó vào trong bình nước lớn có dung tích chứa vài ba trăm lít, thì nước trong bình ấy sẽ uống được, nhưng vị nước hơi măn mẳn; và nếu nắm muối được bỏ vào trong một ao nước có sức chứa nước quá nhiều, thì nước không còn mặn, mà có thể dùng xài bình thường”.
Nghiệp xấu ác Phật dụ cho vị mặn của nắm muối, được hòa tan trong ly nước thì kết quả muối và nước ngang nhau, nên nước bị mặn, không dùng xài bình thường được. Nếu vị mặn của nắm muối được hòa tan trong bình nước lớn thì quả mặn của muối bị loãng ra, nước có thể tạm giải khát được nhưng còn măn mẳn. Nhưng nếu vị mặn của muối được hòa tan trong ao nước lớn thì vị mặn của muối không đủ sức phân hóa nước, nên nước ấy có thể dùng xài bình thường.
Cũng vậy, trong cuộc sống của chúng ta, với dòng đời nghiệt ngã ai mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm, thì khi tạo nhân xấu ác sẽ trả quả xấu ác nguyên vẹn, Phật dụ như nắm muối bị hòa tan trong ly nước, không giải khát được vì quá mặn.
Nhưng nếu chúng ta biết tu thân, tu giới, thì Phật dụ như nắm muối được tan trong bình nước lớn, tuy vị nước có hơi măn mẳn nhưng cũng tạm dùng được không đến nỗi phải bỏ đi.
Còn ai biết tu thân, tu giới, tu tâm, Phật dụ như nắm muối bị hòa tan trong ao nước lớn, tuy có nắm muối mặn, nhưng vì nước trong ao quá nhiều, nên muối không đủ sức chi phối, ta có thể dùng nước xài bình thường.
Chính vì vậy, nếu ai biết tu thân, tu giới, tu tâm, thì nghiệp nhân được chuyển hoàn toàn, sẽ không thọ quả báo đúng như khi mới gây nhân ban đầu. Cho nên, nếu ta lỡ gây nhân xấu ác mà không biết tu thì coi như không chuyển được nghiệp cũ. Chính vì vậy, ta gây nhân nào, thọ quả ấy không sai chạy. Nếu ai lỡ lầm gây nhân xấu ác mà biết tu thân, tu giới là có thể chuyển nghiệp và sẽ chịu quả báo nhẹ hơn lúc ban đầu. Còn nếu ta gây nhân xấu ác mà biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gần như chuyển hoàn toàn được nghiệp xấu, và bản thân tôi là một bằng chứng thiết thực. Cho nên, chúng ta tu là chuyển nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Thế giới chúng ta đang sống tương tàn tương sát lẫn nhau theo nguyên lý duyên khởi, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, người giết người, người giết vật và ngược lại. Cho nên, khó có ai từ nhỏ đến già là người hoàn toàn trong sáng, thiện lành, trừ các vị đại Bồ Tát và chư Phật. Chính vì vậy, ai đã từng sống trong cuộc đời, không ít thì nhiều cũng sẽ làm đau khổ cho nhau, gây oán giận, thù hằn không có ngày thôi dứt.
Nếu hiện tại, chúng ta tu mà vẫn phải trả quả xấu hoàn toàn như cũ, thì quý thầy cô và phật tử tu có được lợi ích gì? Thế cho nên, chúng ta phải biết, tu là chuyển nghiệp, tức thay đổi nhân xấu thành quả tốt, nhưng tuỳ theo khả năng mỗi người tu nhiều hay ít mà cho ra kết quả trong hiện tại.
Như vậy, chúng ta đã thấy, tuy cùng tạo nhân ác, nhưng tùy theo khả năng tu tập của mọi người có cao thấp khác nhau mà chịu quả sai khác, không ai giống ai. Nếu chúng ta biết tu thì quả liền chuyển, không cố định như người chấp nhận số phận đã an bài, nên càng ngày sống trong biển khổ, sông mê.
Khi chúng ta biết rõ ai có tu thân, tu giới, tu tâm thì sẽ chuyển được những nghiệp quả xấu trước kia, tuy nói chuyển mà không phải hết hoàn toàn. Thân ta có thể bị đau nhức, nhưng tâm ta vẫn trong sáng, thanh tịnh, nên thường biết rõ ràng, thân đau mà không khởi lên niệm than van, oán trách. Có nghĩa là nắm muối vẫn hòa tan trong ao nước lớn, nhưng vì nước trong ao quá nhiều, nên chúng ta nếm thử không thấy mặn.
Như vậy, tất cả mọi người chúng ta hiểu rõ lý nhân quả nghiệp báo thì phải biết tránh nhân xấu mà cố gắng gieo tạo nhân tốt. Nếu ta biết tránh nhân xấu mà vẫn tạo nhân tốt thì quả xấu làm gì đến để chi phối và sai sử chúng ta được? Người biết tránh nghiệp xấu ác, biết tạo nghiệp thiện lành, tốt đẹp là người tốt trong hiện tại và mai sau.
Ai biết tránh nghiệp xấu ác thì không phải lo lắng hay băn khoăn về chuyện phải quấy, tốt xấu, đúng sai, thương ghét, không lo lắng, sợ hãi về hậu vận rủi may, ta chỉ cứ một bề trải lòng thương yêu chân thành đến với tất cả chúng sinh và dấn thân đóng góp, làm lợi ích cho mọi người, lòng không so đo hay toan tính, hơn thua.
Chúng ta thường hay có những cái bất công vô lý mà không tự thấy, ta không chịu yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia đến với tất cả mọi người, mà ta cứ mong mình luôn được an vui, hạnh phúc là điều không thể có được.
Cũng vậy, con người ai cũng muốn đời mình hoàn toàn được an vui, hạnh phúc, không muốn khổ đau chi phối, vậy mà khi tạo nghiệp thì không chọn thuần nghiệp lành mà cứ để lẫn lộn những điều xấu ác vào thì thử hỏi làm sao được quả an lạc, hạnh phúc hoàn toàn?
Chẳng hạn như các đấng mày râu muốn cho thân thể cường tráng khỏe mạnh, tinh thần thông minh, sáng suốt mà lại hút thuốc, uống rượu say sưa, gây cái nhân bịnh hoạn về sau thì thử hỏi làm sao được khỏe mạnh, sáng suốt.
Ai muốn cho thân thể khỏe mạnh, tâm sáng trong, nhẹ nhàng thì phải sống có điều độ, có chừng mực, biết cách dung hòa, ăn uống, làm việc, vui chơi, giải trí, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng đễ giữ thân tâm trong sạch, lành mạnh, sáng suốt.
Còn các cô thiếu nữ đại diện cho phái đẹp, ai cũng muốn trẻ đẹp, tươi vui, vậy mà lúc nào cũng nhăn nhó, quạu quọ, buồn giận hoài, cứ hay bà tám rồi sinh tâm ganh ghét, tật đố, tham chấp đủ thứ thì thử hỏi làm sao vui tươi, trẻ trung, yêu đời cho được.
Phái nữ muốn trẻ trung, đẹp đẽ, duyên dáng thì phải sống vui vẻ, lành mạnh, nhờ vui vẻ, hồn nhiên nên mới tươi tắn, mà đã vui thì ít ganh ghét, hờn giận, nhờ vậy mà giảm bớt phiền muộn, khổ đau. Vậy nếu có ai lỡ làm phiền một chút thì nên hoan hỷ bỏ qua, đó là ta biết tạo nhân vui vẻ, trẻ trung, yêu đời mà làm tròn bổn phận trong gia đình, và phục vụ tốt cho xã hội.
Bằng ngược lại, ta cứ buồn thương, giận ghét, hết phiền muộn người này lại ghét bỏ người kia, mà oán ghét, giận hờn thì lòng ta đâu có an ổn, nhẹ nhàng. Cho nên, ta ăn không ngon, ngủ không yên, đó là cái nhân dẫn đến thân bệnh hoạn, tiều tụy, hốc hác, và tâm hồn bị dằn vặt bởi bám víu vào những cái được mất, hơn thua, giận hờn nên sống trong đau khổ, lầm mê.
Nếu ta biết rõ ràng, gieo nhân xấu sẽ đưa tới quả xấu thì chúng ta tìm cách tránh xa không nên làm, đừng muốn một đàng mà lại làm một nẻo. Vậy, ta muốn được an vui, hạnh phúc thì ngay bây giờ, mình phải biết buông xả những tập nghiệp gây đau khổ cho người, vật.
Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy tin sâu nhân quả nghiệp báo, giúp chúng ta nhìn đúng lẽ thật mà biết cách sống an lành, trở thành người gan dạ, mạnh mẽ, không nhát nhúa, yếu đuối, mình làm gì phải chấp nhận chịu chứ không đổ thừa cho ai.
Ví dụ, có ai đó vì không điều phục được cơn nóng giận, hờn mát nên lỡ tay đánh mắng chửi người. Khi đánh chửi xong, biết mình tạo nhân ác nên thấy ăn năn, hối lỗi, vì mình biết chắc chắn rằng quả báo xấu sẽ đến với mình trong nay mai. Nên khi bị người uy hiếp, đánh đập lại, ta phải gan dạ chịu đựng chớ không nên đối kháng lại, làm cho nhân quả oán giận, thù hằn không có ngày thôi dứt.
Ngược lại, khi ta đánh mắng chửi người thì hăng hái làm như vẻ ta đây, đến khi bị người uy hiếp trở lại thì kêu trời, trách đất đủ thứ hết. Đó là người yếu đuối, không thấy được nhân xấu mà mình đã tạo ra trước đây. Nhân quả chỉ dừng hẳn khi hai bên biết thông cảm và tha thứ cho nhau. Vậy muốn được quả an vui, hạnh phúc, thì ta phải gan dạ bỏ những thói quen xấu xa, tội lỗi mà luôn tạo nhân thiện lành, tốt đẹp. Hai bên cùng tạo nhân thiện lành thì cái quả xấu ác sẽ dần dần yếu đi cho đến khi hết hẳn.
Khi hiểu được lý nhân quả nghiệp báo, đối với những sự việc không như ý xảy ra, chúng ta sẽ không oán trách trời đất hay người mà chỉ tự trách mình. Do ta trước kia si mê, dại dột, không tránh nhân xấu ác, làm tổn hại cho người nên bây giờ chịu quả xấu. Ta sẵn sàng đón nhận quả xấu một cách sáng suốt, biết bình tĩnh nhận định đúng sai để tìm cách vươn lên và vượt qua số phận tối tăm.
Chúng ta thường thấy trong một gia đình hai ba anh, chị, em sống chung với nhau. Khi có một người trong gia đình lỡ làm bể một cái ly hay cái dĩa, vì sợ bị cha mẹ rầy nên ém nhẹm phi tang, không dám nhận trách nhiệm về mình. Đến khi ba hay má hỏi, không ai nhận là mình làm bể, thái độ như thế là nhát nhúa, hèn nhát, không có tinh thần trách nhiệm, lỡ làm thì gan dạ thú nhận lỗi của mình để người khác không bị hàm oan, không bị vạ lây bởi cái xấu dở của mình.
Lý nhân quả nghiệp báo giúp cho con người có tinh thần trách nhiệm, sáng suốt, biết lựa chọn nhân tốt để làm và tránh xa nhân xấu ác. Nếu ta lỡ tạo nhân xấu rồi thì sẵn sàng can đảm chấp nhận quả xấu một cách gan dạ, không sợ sệt, không đổ thừa hay lẩn trốn. Vì không tin sâu lý nhân quả nghiệp báo nên ta mới có thái độ tránh né, chối cãi, phủ nhận sự thật rồi làm xằng bậy. Cuối cùng, ta đi vào con đường xấu ác một cách dễ dàng.
Thế cho nên, người phật tử tu hành chân chính đầu tiên là phải tin sâu Tam bảo, kế đến tin sâu nhân quả, và cuối cùng tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. Khi hiểu và biết rõ như thế rồi thì ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa, biết nhân nào tốt đẹp nên làm, biết nhân nào xấu ác nên tránh, đó là chúng ta đang từng bước tiến bộ trên con đường giác ngộ, giải thoát.
Hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, tuy công việc làm ăn có bộn bề, bận rộn, ta phải giao tế đối tác với nhiều người, nhưng nếu chúng ta biết tránh nhân xấu ác, chọn nhân thiện lành, thì từ suy nghĩ cho đến lời nói và việc làm lúc nào cũng lương thiện, vừa giúp ta hoàn thiện chính mình, vừa làm hài lòng, vui vẻ mọi người, đó là chúng ta đang tiến bộ trên đường đi đến Phật quả.
Chúng ta là phật tử, phải biết tu trong mọi hoàn cảnh, tỉnh giác tu từng tâm niệm của mình. Khi có niệm xấu khởi lên hại người vật, ta liền buông, không chạy theo nó và cứ như thế mà buông xả hoài cho đến khi tâm ta sáng suốt, thanh tịnh, nhưng thường biết rõ ràng chớ không phải chờ đến chùa sám hối, tụng kinh, lạy Phật mới tu, ngoài giờ đó ra nếu có ai đụng chạm đến là ăn thua đủ, tu như vậy là sai lời Phật dạy. Phật đâu khuyên ta tu với Phật mà dạy ta tu với gia đình, người thân, bà con, chòm xóm, bạn bè và người ngoài xã hội. Thế cho nên, tu hoài mà không hết khổ là lỗi tại chỗ đó.
Vì ta tu mà chỉ biết tu với Phật, không chịu tu với chúng sinh, cũng không chịu tu với chính mình nữa. Phật đâu có cần chúng ta tu với Ngài, vậy mà ta cứ một bề tu với Phật, Bồ Tát mà thôi, còn ra ngoài xã hội đối với mọi người thì ta không chịu tu, không chịu nhường nhịn, hễ có chuyện một chút là quyết ăn thua đủ. Đối với Phật, dù ta có khen hay chê, Ngài cũng không vui, không buồn, không mừng, không giận, Ngài cũng không bao giờ nói một lời nào, mà Ngài chỉ khuyên ta tu với tất cả mọi người.
Bởi ta đang sống với thấy biết sai lầm nên ai cũng dễ sinh hờn ghét, buồn giận. Do đó, chúng ta phải tu với họ, biết nhường nhịn, tìm cách an ủi, chỉ dẫn, thì mình bớt khổ mà người cũng bớt khổ. Ta biết tu với nhau là tự mình đem lại an vui, hạnh phúc cho nhau, đem lại sự bình an và thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết.
Phật dạy, chúng ta tu là tu với tất cả chúng sinh, tu với con người chớ đâu có bảo ta tu với Ngài. Vậy mà đa số quý phật tử chỉ biết tu với Phật mà thôi, đến chùa thì lạy Phật, Bồ Tát lia lịa, thậm chí có người vuốt bụi Phật trét vào mình, cho đó là linh thiêng, Phật sẽ gia hộ cho.
Nếu ta đợi đến chùa mới tu, đợi sám hối, tụng kinh mới tu, đợi ăn chay mới tu, tu như thế thì quá ít. Một tháng ta đến chùa mấy ngày, chỗ này chúng ta nên xét lại. Chúng ta tu là phải thường xuyên quay lại chính mình, nhìn thấy từng ý nghĩ, rồi phát xuất ra lời nói bằng hành động cụ thể, nếu tốt thì ta duy trì, gìn giữ, phát huy thêm, nếu xấu thì ta phải dừng lại, đó mới là thật biết tu.
Thậm chí, có nhiều phật tử nói hôm nay là ngày tôi đang tu vì tôi ăn chay. Nếu ta đợi đến ăn chay mới tu, một tháng ăn chay có bốn ngày hoặc sáu ngày nên ta chỉ tu có mấy ngày đó, còn lại hai mươi mấy ngày kia ta cứ tự do làm việc xấu ác, làm tổn hại cho người, vật? Vậy những ngày ăn mặn là không tu sao? Quý phật tử hãy nên chính chắn suy nghĩ lại chỗ này kẻo hiểu lầm lời Phật dạy.
Chúng ta tu ngay từ thân-miệng-ý của chính mình, tu như vậy mới đúng theo lời Phật dạy, vậy mà đa số quý phật tử thích cầu khẩn, van xin nhiều hơn là thường xuyên áp dụng tu tập trong mọi hoàn cảnh.
THẤY BIẾT SAI LẦM
Đã làm người trong trời đất, ít nhiều ai cũng từng nóng giận. Nóng giận là thói quen xấu làm mọi người đau khổ. Có một chú Sa-di nọ, tính tình nóng nảy, cộc cằn, tuy đã xuất gia hơn mười năm, nhưng vẫn chứng nào tật nấy, lúc nào chú cũng thô lỗ với mọi người. Một hôm, Sư phụ trao cho chú một túi đinh và căn dặn kỹ càng rằng, “khi nào con nổi nóng hoặc nặng lời với ai, con lấy một cây đinh đóng vào hàng rào gỗ phía sau chùa, rồi con tự suy gẫm lại việc làm của mình, coi đó là hành động xấu hay tốt”.
Ngày đầu tiên, chú Sa-di đã đóng mười tám cây đinh vào hàng rào. Những ngày kế tiếp, chú cố gắng tìm lại nguyên nhân, vì sao mình nóng giận thì số đinh đóng lên hàng rào ít hơn. Dần dần, chú nhận ra rằng, nếu mình bình tĩnh để đối đầu và giải quyết vấn đề, xem ra dễ dàng hơn là nóng nảy, để rồi phải đóng những cây đinh vào hàng rào.
Qua một thời gian dài áp dụng lời Phật dạy, tự soi sáng lại chính mình, kết hợp với tu tập và hành trì pháp môn đóng đinh; Giờ đây, chú Sa-di đã trở thành một thầy Tỳ-kheo chững chạc, không còn nóng nảy và cộc cằn, thô lỗ như xưa nữa.
Với tâm từ bi rộng lớn của sư phụ, sau khi tán thán, khen ngợi đệ tử của mình, thầy đưa ra một đề nghị mới, “cứ một ngày trôi qua, nếu con không làm ai buồn phiền, con hãy nhổ bỏ một cây đinh trên hàng rào.” Chẳng bao lâu, thầy Tỳ-kheo ấy đã nhổ bỏ hết những cây đinh trên hàng rào. Thấy vậy, sư phụ bèn dắt thầy ra nơi hàng rào và nói tiếp, “con đã làm rất tốt con ạ! Tuy nhiên, con thấy hàng rào bây giờ không còn trơn sạch như trước mà bị những dấu đinh loang lổ, làm nó không được nguyên vẹn và đẹp đẽ như xưa. Những gì con đã thốt ra trong lúc nóng nảy, giận dữ làm cho người đau đớn, khổ sở, tạo ra những vết thương lòng. Từ đó, có thể nảy sinh hận thù, ân oán, vay trả lẫn nhau, khó lòng xoá đi được, giống như những vết đinh trên hàng rào này”.
Nhân quả, nghiệp báo sẽ không chừa một ai khi hội đủ nhân duyên và điều kiện, cho dù lúc ấy ta có nói lời xin lỗi bao nhiêu hay sám hối lỗi lầm cũng không thể làm cho vết thương lành lặn hoàn toàn được. Bởi những vết thương lòng rất khó chữa lành, dù cho người thân thương như cha me, vợ con, anh em ruột thịt cũng khó mà hàn gắn. Vết thương chỉ có thể lành hẳn khi ta có tình yêu thương chân thật, biết cảm thông và tha thứ cho nhau bằng trái tim yêu thương, hiểu biết với tấm lòng vô ngã vị tha.
Vì ai cũng có nghiệp riêng của mình, nên đạo Phật đã dạy ta không trốn chạy mà cần phải đối diện với cuộc đời từ những hiểu biết, nhận định đúng đắn về sự thật của con người và mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này. Đức Phật dạy, có hai hạng người ta cần phải biết:
+ Thứ nhất là hạng người như bèo dạt mây trôi, cuộc đời như thế nào chẳng cần tìm hiểu, suy xét, cứ sống cho qua ngày tháng theo phong tục, tập quán xã hội. Cũng như con dơi khi nó nghĩ nó là loài chim vì nó bay bằng hai cánh, khi nó nói nó là loài có vú vì nó có thể bò bằng chân. Đây là thái độ sống như bèo dạt mây trôi, chẳng cần tìm tòi, suy nghĩ, định hướng để tìm ra lẽ thật cuộc đời, đành chấp nhận trôi lăn theo dòng sinh tử, ai làm sao mình làm vậy, chẳng cần tìm hiểu đúng sai. Hạng người như thế chiếm đại đa số trên thế gian này. Từ nhận thức như vậy nên con người đã phó mặc đời mình cho đấng thần linh, thượng đế mà chấp nhận số phận đã an bày. Họ đành cam chịu cuộc sống như lục bình trôi theo con nước lớn ròng, muốn trôi đi đâu cũng được.
Nếu ta chịu khó tìm tòi, suy nghĩ một cách chín chắn thì trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có khả năng suy xét, nhận định và phát minh tư duy sáng tạo, làm được những việc không thể nghĩ bàn, làm gì có ai đủ khả năng sắp đặt hay định đoạt cho ta? Nếu có thì chỉ là tiến trình diễn biến của nhân quả, may rủi, được mất, nên hư, thành bại… Tất cả mọi việc tốt xấu trong cuộc đời này đều do ta hành động bằng thân-miệng-ý mà cho ra kết quả.
Vậy nghiệp là do cái gì tạo thành mà nó gần như chuyện đã định sẵn vậy? Ba năm sau ta sẽ bị gì? Mười năm nữa ta sẽ được gì? Dường như những gì xảy ra trong cuộc đời đều được sắp đặt trước. Tuy nhiên, đi vào phân tích tỉ mỉ, ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như mọi người thường lầm tưởng. Nghiệp lực dường như cũng đã được quy định trong tiến trình diễn biến của một đời người có thể làm việc thiện hay việc ác bất cứ lúc nào, dù cho muốn làm khác cũng khó bề mà cưỡng cầu.
Ở đây, chúng ta nên tìm hiểu cho chính chắn hơn, chính tư tưởng của ta khởi lên rồi phát xuất ra lời nói và dẫn đến hành động mà tạo ra nhân cách tốt hay xấu trong hiện tại. Người hay nuôi dưỡng tâm thánh thiện, luôn giúp đỡ, sẻ chia, an ủi, nâng đỡ mọi người, chắc chắn đời sau người này sẽ có nhân cách phi thường, không ai có thể so sánh kịp.
Do sự biến thiên thay đổi tư tưởng của con người, nên có lúc ta thích làm việc thiện, đôi khi ta thích làm việc ác, hành động làm thiện ác không nhất định, có khi ta đối xử tốt với người này, nhưng lại thô bạo, xấu xa với người khác. Do đó, ta khó lý giải được đầy đủ về sự diễn biến hiện tại của một con người.
+ Thứ hai là hạng người luôn hiếm hoi và ít có trong cuộc đời, như những nhà khoa học, bác học, giáo dục, đạo đức, tâm linh…. Họ luôn tìm tòi, phát minh, sáng tạo, tu tập để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời. Họ không chấp nhận số phận mình do một ai định đoạt, họ quyết tâm tìm ra đáp án bằng sự học hỏi, nghiên cứu, tu tập bằng sự dấn thân đóng góp để phục vụ đời sống con người ngày càng được tốt đẹp về mọi mặt.
Tóm lại, hạng người thứ nhất là đa số, họ hay sống thả trôi theo dòng đời, không cần muốn suy nghĩ hay tìm tòi, suy xét gì cả, chỉ muốn sống hưởng thụ cho qua ngày tháng, ai làm sao họ làm vậy mà chẳng biết phân biệt đúng sai. Họ luôn chạy theo sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, ngủ nghỉ, tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tật đố, sân giận, si mê mà không chịu tự hỏi lại mình, “ta từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu?” Họ cam đành chấp nhận cuộc sống trong hiện tại như bèo dạt mây trôi, ai làm sao ta làm vậy. Ngoài xã hội loài người còn có các loài thú, loài có chân, loài có cánh, loài trên cạn và loài dưới nước v.v… Có câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Trong các loài thú hoang dã ở núi rừng, sư tử được cho là loài chúa tể sơn lâm, với loài có cánh thì phượng hoàng được phong là vua. Một hôm, đến ngày sinh nhật của sư tử, tất cả mọi loài đều phải có mặt đầy đủ để chúc mừng sinh nhật chúa sơn lâm. Riêng hôm ấy, loài dơi không có mặt. Sau khi điểm danh, sư tử nổi trận lôi đình ngay tại chỗ, liền ra lệnh cho gọi loài dơi về ngay gấp để trị tội. Trước mặt chúa tể sơn lâm, lũ dơi run lẩy bẩy, sợ đến tím cả người. Sư tử hỏi, “tại sao hôm nay là ngày sinh nhật của ta mà lũ dơi nhà ngươi dám cả gan vắng mặt, các ngươi dám khinh thường ta nghĩa là sao? Lũ dơi các ngươi xứng đáng nhận lãnh tội chết vì tội dám khinh thường ta là chúa tể sơn lâm?”
Lũ dơi nghe sư tử phán vậy, cả bầy run lên lập cập nói không nên lời, “kính xin chúa tể sơn lâm, Ngài nên mở lượng hải hà, tha chết cho lũ dơi chúng con, bởi họ nhà dơi chúng con không phải là loài thú có chân, mà chúng con là loài có cánh, có vú nên thuộc quyền quản lý và cai trị của chúa phượng hoàng. Ngài bắt tội như thế là oan cho chúng con lắm Ngài ơi, xin Ngài hãy suy xét lại cho kỹ càng”.
Trước những lời lẽ lý luận sắc bén của dòng họ nhà dơi, sư tử ta không thể nào bắt tội dơi được. Sư tử đành ngậm ngùi cay đắng mà tuyên bố tha tội chết cho dòng họ nhà dơi, nhưng trong lòng tức giận vô cùng.
Mấy tháng sau, đến kỳ sinh nhật của chúa phượng hoàng. Khi điểm danh các loài đến dự, loài dơi lần này cũng vắng mặt. Chúa phượng hoàng nổi trận lôi đình, quát nạt đủ thứ, cho rằng loài dơi quá khi dể ta, bởi vì lần trước, nhân ngày sinh nhật của chúa sơn lâm, tất cả họ nhà dơi đều vắng mặt, bị chúa sơn lâm quở trách, dơi nói rằng chúng nó thuộc loài chim, nên không bị bắt tội. Bây giờ đến ngày sinh nhật của ta, lũ dơi vẫn coi thường ta nên mới không đến. Phượng hoàng liền chiếu chỉ tìm gấp loài dơi về để trị tội.
Lần này, trước mặt chúa phượng hoàng, dơi không còn run sợ như lần trước mà an nhiên, bình thản thưa rằng, “sở dĩ hôm nay họ nhà dơi không đến dự sinh nhật Ngài là vì chúng tôi không phải là loài chim, mà chúng tôi thuộc loài thú, thuộc quyền quản lý của chúa sơn lâm, bởi chúng tôi có vú và đi bằng chân. Ngài không thể bắt tội chúng tôi”.
Nghe dơi trình bày, phượng hoàng trong lòng tức giận, nhưng suy xét lại, dơi nói như vậy quả không sai, nên chúa phượng hoàng cũng không bắt tội loài dơi kia nữa.
Câu chuyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam trên cho ta một bài học lý thú về cuộc đời. Không có gì là cố định cả, thiện là thiện suốt kiếp, ác là ác suốt đời, không thay đổi được. Loài dơi nói như thế là muốn vượt ra khỏi hai chủng loài: loài chim và loài thú.
Nếu nói theo thực thể cố định như có một cái gì quy định sẵn? Không thể được. Ta cần phải vượt qua rào cản và giới hạn của nó do sự định đoạt hay sắp đặt nào đó theo cách nhìn của một định tính, cố định, bất di bất dịch, như các nhà tôn giáo cổ xưa quan niệm là do đấng Phạm thiên, hay theo quan niệm của Bà-La-Môn giáo cho rằng có linh hồn bất tử, ai như thế nào thì phải chịu như thế đó, người chết sinh người, trời chết sinh trời, thú vật chết sinh thú vật. Trời sinh ra vạn vật để phục vụ cho con người và đấng tối cao. Đây là nói theo cách nhìn cố định của thời xa xưa.
Ý thứ nhất của câu chuyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam cho ta cách nhìn thông thoáng hơn, vượt lên trên cả hai chủng loại. Ý thứ hai lại cho ta cách thức lý luận thụ động, ai thế nào ta như thế ấy, chẳng cần tìm hiểu làm gì, chấp nhận sống cuộc đời “bèo dạt mây trôi” tuỳ theo con nước lớn, ròng. Xưa như thế nào, bây giờ ta phải như thế ấy, không cần tìm hiểu đúng sai để cố gắng vươn lên, làm mới lại chính mình.
Nếu ta sống theo lối chấp nhận số phận đã an bài là ta vô trách nhiệm đối với những hành vi tạo tác trong hiện tại của mình, hễ khi có xảy ra việc xấu làm cho ta bất hạnh, khổ đau thì ta lại đổ thừa là do số mệnh của ta như thế, và chấp nhận sống trong đau khổ, lầm mê.
Đ