Chùa Việt

Ngôi chùa cổ xứ Đoài

Chủ nhật, 23/04/2019 05:12

Chùa ở Hà Nội thì nhiều, nhưng chùa mà giữ nguyên được vẻ cổ kính và kiến trúc thuở ban đầu thì rất hiếm, nhất là không gian xung quanh vẫn gợi được nét truyền thống của làng quê Việt thì đặc biệt hiếm. Chùa Mía ở thị xã Sơn Tây may mắn có được cả hai điều ấy.

>>Những ngôi chùa Việt độc đáo 

Đến chùa Mía cảm nhận không gian cổ kính, nguyên sơ và mộc mạc

Đến chùa Mía cảm nhận không gian cổ kính, nguyên sơ và mộc mạc

Hồn cốt làng Việt cổ

Bài liên quan

Tôi bước vào chùa Mía, ấn tượng đầu tiên là mái chùa thấp lè tè suýt chạm đầu. Các kiến trúc đình, chùa của làng Việt cổ vốn không cao, một phần do kiểu thiết kế đặc trưng, một phần có lẽ để chống chọi với thiên nhiên tàn phá, mái đình chùa thấp thì nguy cơ bị đổ sập, sét đánh giảm đi. Ngày xưa mái chùa Mía thực tế không thấp, nhưng có lẽ do những lần trùng tu, tôn nền móng, nên bây giờ bước vào gian thờ chính như thấy đầu chạm mái. Tôi bỗng có một cảm giác mà lâu lắm rồi mới thấy khi đến các ngôi chùa ở Hà Nội, đó là được đắm mình trong cái không khí nguyên sơ, mộc mạc của thuở ban đầu.

Cái không khí cổ kính ấy, thoạt không để ý thì tưởng dễ tìm, nhưng không phải. Hầu như các ngôi chùa bây giờ đều được tu tạo, xây mới, không gian xưa cũ, hoài cổ là rất hiếm. Chùa Mía thì khác, bước vào trong chùa là có ngay cảm giác bâng khuâng khi lọt vào một không gian lạ lẫm, khác biệt. Vì rằng, đứng trong cái ánh sáng mờ đục bởi hàng mái thấp lè tè, bởi những pho tượng trường tồn hàng trăm năm ủ ê sương khói bỗng thấy mình được bao bọc trong không khí của một làng Việt cổ.

Mà đúng là làng Việt cổ thật. Xã Đường Lâm - nơi có ngôi chùa Mía - vốn là một làng cổ hiếm hoi của miền Bắc còn giữ lại được ít nhiều không gian xưa. Làng quê là nơi tôn vinh những người con ưu tú của quê hương. Tôi vào thăm chùa Mía và biết rằng, cái không gian cổ kính của chùa là đóng góp của một người đàn bà vốn sinh quán ở đất Đường Lâm. Đó là Bà chúa Mía, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Dao, Vương phi của chúa Trịnh Tráng. Câu chuyện kể về bà mang những nét tương đồng với câu chuyện kể về nguyên phi Ỷ Lan với lần viếng thăm vùng Kinh Bắc của vua Lý Thánh Tông.

Nơi thời gian đọng lại

Những pho tượng cổ độc đáo của chùa Mía

Những pho tượng cổ độc đáo của chùa Mía

Chùa Mía sở hữu những di sản mà không phải ngôi chùa cổ nào cũng có được. Đây là ngôi chùa từng được tôn vinh là ngôi chùa có nhiều tượng cổ nghệ thuật nhất nước với 287 pho, bao gồm cả tượng gỗ, tượng đồng, tượng đất luyện. Ở chùa Mía có nhiều pho tượng nổi danh như tượng Tuyết Sơn, tượng Quan âm tống tử, tượng Hộ Pháp, tượng bà chúa Mía... Tôi đến thăm chùa vào một buổi trưa vắng khách, một mình trong ngôi chùa cổ với hàng trăm pho tượng cổ, hàng trăm dáng vẻ, hàng trăm khuôn mặt, một cảm giác rất đặc biệt như đang đối thoại với người xưa với mùi thời gian còn lưu luyến từ hàng trăm năm trước.

Bài liên quan

Nhưng ngay ngoài khuôn viên chùa có một không gian mở như một cái chợ nhỏ của vùng quê Bắc bộ. Người dân bán rất nhiều nông sản, đặc sản trong vùng. Những nải chuối vàng ruộm, những rổ quả cà chua đỏ rực, những quả mít xù xì bốc mùi thơm phức. Từng thúng, từng thúng chè lam vẫn còn nguyên cả miếng lớn, người bán đợi có người mua mới cắt thành bánh nhỏ, cho vào túi. Như tôi đã nói từ đầu, chùa Mía không những đặc sắc bởi giữ được kiến trúc nguyên sơ mà còn được cộng hưởng một không gian của làng quê Bắc bộ làm cho sự hoài cổ, thanh bình càng trân quý.

Tôi ngồi nghỉ dưới chân một ngọn tháp rêu phong. Ngồi dưới bóng mát của cây cổ thụ, lắng nghe tiếng chim trên vòm lá và nhâm nhi một khúc chè lam mua ngay trong sân chùa để lót dạ, tôi tự hỏi với lòng mình, liệu ta còn gì với thời gian, lòng người có đủ thanh thản, thanh tịnh khi vào thăm nơi trang nghiêm cổ kính này? Nghe tiếng gió xào xạc quét những tiếng lá khô trên sân gạch là thấy tiếng lòng ngẫm ngợi về đời mình những được mất, hay dở, thức tỉnh. Đó chẳng phải những điều thu được mỗi khi đến thăm một nơi thanh tịnh, trang nghiêm đó sao?

Trích theo bài viết của Nhà văn Uông Triều (Nguồn: An Ninh Thủ Đô)

loading...