Chùa Việt
Ngôi chùa Khmer hơn 200 năm tuổi ở vùng biên An Giang
Thứ bảy, 14/08/2023 04:00
Chùa Tà Ngáo nằm sâu trong sóc Tà Ngáo, xã An Phú, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), cách biên giới Campuchia vài cây số. Chùa có tuổi đời hơn 200 năm, mang nét đặc trưng và bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer.
Theo Sư Chau Khi, vào dịp hè, nhà chùa tổ chức các lớp học Khmer ngữ cho các em học sinh dân tộc. Hoạt động này đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa Khmer, đồng thời giúp các em học sinh trên địa bàn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích.
Đến chùa, các em ngoài được học về ngôn ngữ, chữ viết Khmer còn được các sư sãi giáo dục về đạo đức, lối sống, những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người, những truyền thống quý báu về bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội.
Hàng năm vào dịp hè, nhà chùa dạy cho gần 100 em học sinh, trong đó có 10 em học và ở tại chùa. Hoạt động dạy chữ Khmer trong các chùa luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí.
Bên cạnh đó, nhà chùa còn gìn giữ, bảo tồn nhiều loại văn hóa của dân tộc như múa Rô băm, nhạc ngũ âm để phục vụ đồng bào vào các dịp lễ lớn như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay (Tết mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer), lễ hội Sen Dolta (còn gọi là Ph’chum-Banh, là một nghi lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer; lễ hội bắt đầu tổ chức vào ngày 29/8 âm lịch hàng năm và kéo dài trong vòng 3 ngày, nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân; thể hiện sự tri ân đối với những người đã khuất, cầu mong cho gia đạo được bình an); lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng, một lễ hội dân gian lớn trong năm của người Khmer tổ chức khi kết thúc vụ mùa, để bày tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi, no ấm cho người dân ở phum, sóc).