Chùa Việt

Ngôi chùa lưu giữ ba pho tượng bằng đá quý hiếm

Thứ năm, 12/12/2012 11:01

Căn cứ vào bia và phong cách nghệ thuật điêu khắc được thể hiện như hình rồng trơn, không có vây, không có bờm, hoa sen mãn khai phô tám nhị, cho thấy đây là nét đặc trưng của văn hóa thời Trần

Chùa Ngọc Khám có tên chữ là “Linh Ứng tự” thuộc làng Ngọc Khám, xã Gia Đông (Thuận Thành), được xây dựng từ thời Trần thế kỷ XIII. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi chùa bị phá hủy nhiều lần chỉ còn lại 3 pho tượng Tam thế tạc bằng đá - những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.


                                               3 pho tượng đá chùa Linh Ứng.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Tỉnh: Hiện trên cả nước còn lưu giữ được rất ít những hiện vật có giá trị lịch sử độc đáo như ba pho tượng đá được tạc từ thời Trần thế kỷ XIII có chiều cao cả bệ là 2,7m, cấu tạo thành 3 phần: bệ tượng, tòa sen và thân tượng đều ở trong tư thế và sắc tướng của tượng Tam thế trong tòa Tam bảo. Mặc dù giống nhau về trang phục nhưng ở mỗi pho tượng vẫn có những chi tiết, họa tiết riêng thể hiện cá tính và sắc thái tư duy khác nhau.

Pho tượng thứ nhất ngồi ở tư thế đang thuyết pháp, hai ngón bàn tay phải chỉ lên trời, tay trái để ngửa trước lòng, vẻ mặt từ bi, áo thụng có hoa dây.

Pho tượng thứ hai, trên bàn tay phải, ngón 3, ngón 4 và ngón út đang chỉ lên trời. Phần bệ có 5 bậc, bậc 1 chạm rồng và sóng nước cách điệu, bậc 2 chạm rồng mây, bậc 3 chạm hoa cúc cách điệu, bậc 4 chạm cánh hoa sen, bậc 5 chạm rồng ẩn hiện trong mây. Phần tòa sen có 2 lớp cánh sen gồm 16 cánh. Hiện tại, tượng bị vỡ một bên đùi trái. Đài sen bị hư hại nay gắn tạm bằng xi măng.

Pho tượng thứ ba, phần tòa sen có 16 cánh sen, trong mỗi cánh sen đều được trang trí hình rồng cuốn, phần bệ được chạm hình hổ phù, hình rồng và hoa chanh cách điệu.

Theo các nhà nghiên cứu, căn cứ vào bia và phong cách nghệ thuật điêu khắc được thể hiện như hình rồng trơn, không có vây, không có bờm, hoa sen mãn khai phô tám nhị, cho thấy đây là nét đặc trưng của văn hóa thời Trần thế kỷ XIII.

Tìm đến ông Nguyễn Phú Thật, 80 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, thôn Ngọc Khám (Gia Đông - Thuận Thành) người có công lớn trong việc gìn giữ ba pho tượng đá, ông kể: “Năm 1952, do chiến tranh, chùa bị giặc phá hủy gần như toàn bộ, chỉ còn lại 3 pho tượng trên nền chùa cùng nắng, mưa. Một pho tượng đổ, đầu bị gẫy. Một số người dân đã định đập tượng đem đi nung vôi, còn một số hộ lấn chiếm gần hết diện tích chùa. Năm 1978, Nhà nước phát hiện đây là 3 pho tượng đá rất quý hiếm, cần có biện pháp bảo tồn khẩn cấp”.

Khi đó, ông Thật là Ủy viên Thường trực Văn hóa xã, được giao Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Linh Ứng, đứng lên vận động nhân dân dựng lại tượng, xây lại chùa. Năm 1980, ông Thật vận động nhân dân làm được 3 gian nhà tre lợp rạ để bảo vệ tượng. Tiếp đó, ông thuyết phục các hộ dân trao trả phần diện tích đất lấn chiếm của chùa. Sau hơn 20 năm kiên trì vận động, nhờ đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương phát tâm công đức, năm 2005, chùa Linh Ứng được khánh thành khang trang.

Ghi nhận những đóng góp đối với việc gìn giữ, bảo vệ 3 pho tượng và phục dựng ngôi chùa, ông Nguyễn Phú Thật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc.  



Tác giả
Đức Quý
Nguồn: Bắc Ninh Online
loading...