Chùa Việt
Ngôi chùa tên chỉ có một chữ và xây dựng từ một giấc mơ
Chủ nhật, 09/03/2020 03:27
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km, tọa lạc tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) có một không gian thiền tự đặc biệt với tên gọi chỉ có một chữ duy nhất, và không gian kiến trúc tại chùa được xây dựng theo những hướng dẫn trong giấc mơ của vị sư bà trụ trì nơi đây: chùa Giấy.
Ngôi chùa nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng sống
Chùa có tên chữ là Thiên Đại tự, nằm cách mặt đường lớn xuôi về khu đô thị Ecopack khoảng 100m. Qua tìm hiểu được biết các văn bia, chứng tích về chùa hiện tại đã không còn, do thời chiến tranh loạn lạc đã bị phá hủy.
Nhưng theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì chùa Giấy gắn với huyền thoại về một thầy phù thủy ở thời của Cao Biền (khoảng năm 887). Thầy phù thủy này đã đưa một ngôi chùa ở Hà Nội bay về tọa lạc tại đất Đa Tốn theo hình thức một ngôi chùa giấy biết bay. Khi người dân kêu mất chùa, đi khắp nơi tìm, và về đến xã Đa Tốn thì nhận ra đây chính là chùa của họ. Tên gọi chùa Giấy được hình thành và lưu truyền từ đó.
Sư trụ trì Thích Đàm Trí (sinh năm 1959, người Nam Định) cho biết: Ni sư về tu tập tại chùa Giấy từ năm 1984. Lúc đó, chùa chỉ nhỏ như một chiếc am, do hai sư bà Thích Đàm Hòe (quê Nam Định) và Thích Đàm Thuyết (quê Đông Anh, Hà Nội) trông nom.
“Đến năm 2001, sau khi đi chùa Thiên Trù, chùa Hương về thì tôi có những giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, các Ngài hướng dẫn cách trùng tu, xây dựng lại chùa. Và từ đó đến nay đã gần chục năm, tôi các công trình dần được hoàn thiện và bài trí theo giấc mơ đó” – ni sư trụ trì chia sẻ.
Theo đó, không gian xây dựng tại đây được chia làm 3 nhánh, với trục chính chạy thẳng từ cổng Tam Quan vào đến Tiền đường, Trung điện và Thượng điện, nằm song song với nhau theo bố cục hình chữ Tam (三). Nhánh bên phải gồm gian thờ Bồ-tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhà thờ Tổ. Bên trái là gian thờ Bồ-tát Địa Tạng và nhà mẫu.
Không gian chùa Giấy khá rộng, lại chỉ có vị sư trụ trì tuổi đã cao trông nom nên trong thôn Thuận Tốn thường thay phiên nhau tới công quả, chăm sóc không gian thiền tự, đồng thời thành lập đạo tràng trợ duyên cùng chùa tổ chức các sự kiện Phật giáo, qua đó nhắc nhở người dân tích cực làm những điều lành, tránh những diều dữ.