Chùa Việt

Ngôi chùa Việt ở đất Phật Nepal

Chủ nhật, 25/07/2020 10:40

Tại thánh địa Lumbini - nơi đức Phật đản sinh dưới chân dãy Himalaya, một quần thể kiến trúc với cổng tam quan, ao sen, chùa Một Cột và tòa chính điện hiện ra bình yên bên những rặng tre, như đang ở một vùng quê Việt Nam.

Ngôi chùa có hệ thống tường xây khắc nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam

Lumbini thuộc Nepal, nằm giáp biên giới Ấn Độ, là một những điểm hành hương linh thiêng nhất của các Phật tử. Từ Việt Nam, có thể đến Lumbini bằng cách qua các ngả sân bay ở Bangkok hoặc Kuala Lumpur tới thành phố Kathmandu - thủ đô của Nepal. Sau đó đi tiếp bằng đường bộ khoảng 9 tiếng hoặc bằng máy bay chỉ mất chừng 45 phút là đã đặt chân đến nơi đức Phật chào đời.

Các nhà sư địa phương ngồi tụng niệm quanh gốc cây bồ đề cổ thụ ở trung tâm thánh địa Lumbini từ sáng sớm mỗi ngày.

Các nhà sư địa phương ngồi tụng niệm quanh gốc cây bồ đề cổ thụ ở trung tâm thánh địa Lumbini từ sáng sớm mỗi ngày.

Tuy nhiên, hầu hết khách hành hương Việt Nam hiện nay chọn cách sang Ấn Độ để thăm viếng các thánh địa khác của đạo Phật rồi nhập cảnh Nepal và thăm Lumbini - nơi cách biên giới Ấn Độ chỉ khoảng 20km. Điểm quan trọng nhất ở đây là ngôi đền Maya Devi - nơi thờ vị hoàng hậu đã sinh ra người sau này trở thành đức Phật. Cạnh đó là chiếc trụ đá cao hơn 6m do Hoàng đế Asoka cho dựng từ hơn 2.200 năm trước để đánh dấu vị trí đức Phật đản sinh.

Trung tâm của thánh địa Lumbini là đền Maya Devi lưu giữ hòn đá đánh dấu nơi đức Phật đản sinh. Cạnh đó là hồ nước thiêng, tương truyền là nơi Hoàng hậu Maya tắm cho Thái tử Siddharta - người sau này trở thành đức Phật.

Trung tâm của thánh địa Lumbini là đền Maya Devi lưu giữ hòn đá đánh dấu nơi đức Phật đản sinh. Cạnh đó là hồ nước thiêng, tương truyền là nơi Hoàng hậu Maya tắm cho Thái tử Siddharta - người sau này trở thành đức Phật.

Ngoài những nơi này còn có một địa chỉ đặc biệt nữa khi đến Lumbini là ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự nằm cách đền Maya Devi một đoạn đường ngắn. Công trình này gắn liền với tên tuổi của sư thầy Huyền Diệu - người có công khởi dựng chùa từ vùng đầm lầy vào thời điểm Lumbini còn hoang tàn. Ngôi chùa Việt cũng chính là công trình đầu tiên góp phần lấy lại danh tiếng cho Lumbini và giúp vùng thánh địa được quy hoạch ở tầm quốc tế như hiện nay.

Cổng tam quan và cây cầu hình bản đồ Việt Nam nhìn từ tòa chính điện.

Cổng tam quan và cây cầu hình bản đồ Việt Nam nhìn từ tòa chính điện.

Ngay từ xa, chiếc cổng tam quan xây theo lối kiến trúc truyền thống hiện ra khiến ta có cảm giác như đến một ngôi làng đặc trưng nào đó ở Bắc Bộ. Bước qua cổng là khuôn viên rộng khoảng 2ha mang các hình ảnh về quê nhà thân thương như ao sen, rặng trúc, bụi chuối và mái chùa quen thuộc. Khi đã vào đây, ấn tượng về việc đang ở Nepal dường như tan biến để nhường chỗ cho cảm giác mình đang ở chính Việt Nam.

Ngoi-chua-Viet-o-dat-phat-Nepal 4

Quả chuông nặng 9 tấn, gần 100 năm chưa một lần được đánh

Nổi bật nhất trong khuôn viên chùa là tòa chính điện được xây khá cao, phía trên những quả núi giả tượng trưng cho dãy Himalaya. Hầu hết các công đoạn xây chùa đều do nhóm nghệ nhân từ trong nước qua Nepal thực hiện. Những người thợ Việt này thi công để đảm bảo từ các chi tiết nhỏ nhất như hoa văn mai - lan - cúc - trúc đến hình tượng long - lân - quy - phụng đều mang đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.

Từ tòa chính điện nhìn xuống sẽ thấy rõ hình bản đồ Việt Nam được tạo dựng như một cây cầu bắc qua ao sen, trên đó khắc tên từng tỉnh, thành. Chiếc ao lớn này có nguồn nước từ một mạch ngầm trong lành, hầu như không bao giờ cạn. Ngay cạnh đó là phiên bản chùa Một Cột được xây với tỷ lệ 1:1. Điểm xuyết giữa những công trình này là các bức tượng mục đồng cưỡi trâu thổi sáo bên rặng tre và tạo hình chiếc cổng nhỏ giống như tại một làng quê Bắc Bộ.

Đôi sếu đầu đỏ nhảy múa tự nhiên và rất dạn người.

Đôi sếu đầu đỏ nhảy múa tự nhiên và rất dạn người.

Điểm đặc biệt nữa của ngôi chùa Việt gây ấn tượng cho khách viếng thăm là sự xuất hiện của những đôi sếu đầu đỏ cao lớn. Chúng nhẩn nha đi tìm mồi trong khuôn viên chùa và khá dạn dĩ với con người. Người phụ trách coi sóc chùa cho biết, những con sếu này rất hiếm khi bay đi. Trong số nhiều ngôi chùa ở Lumbini, chúng chỉ chọn chùa Việt để bay về như một minh chứng tự nhiên cho khái niệm “đất lành chim đậu”.

Đình Chính (Báo Khoa Học)

loading...