Chùa Việt

Ngôi chùa với giai thoại chiếc niêu cơm thần cứ ăn vơi lại đầy

Thứ bảy, 29/06/2023 02:36

Chùa Tam Giáo ở làng Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) là một trong 8 ngôi chùa tạo nên Bát Cảnh sơn xưa. Đây là ngôi chùa gắn với giai thoại chiếc niêu cơm thần cứ ăn vơi lại đầy.

Audio

Trong bản trường ký “Sự tích Đức Thánh Tiên Ông” của Lê Quý Đôn có viết: Khi Đức Thánh Ông xây dựng chùa Tam Giáo chỉ có một niêu cơm và túi thức ăn cho gần một trăm người thợ làm chùa.

Tương truyền, chùa Tam Giáo được Đức Thánh Tiên Ông, vị Bồ Tát Chân Nhân và cũng là Thành hoàng làng Quang Thừa xây dựng. Chùa nằm dưới chân núi Tam Giáo, nơi đây có nhiều hang động cây cỏ tốt tươi lại có nhiều hồ nước rộng mênh mông, khung cảnh hoang sơ và kỳ vĩ.

Những câu chuyện kỳ lạ xung quanh ngôi chùa có báu vật nằm trong tổ mối

Chùa Tam Giáo ở làng Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)

Chùa Tam Giáo ở làng Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)

Trong bản trường ký “Sự tích Đức Thánh Tiên Ông” của Lê Quý Đôn có viết: Khi Đức Thánh Ông xây dựng chùa Tam Giáo chỉ có một niêu cơm và túi thức ăn cho gần một trăm người thợ làm chùa. Đây là niêu cơm và túi thức ăn thần, cứ vơi lại đầy, ăn mãi không hết. Chùa Tam Giáo vì thế nối dài trăm gian khang trang, uy nghiêm hiện lên nơi tiên cảnh.

Gần đây, người dân làng Quang Thừa phát hiện cạnh chùa Tam Giáo có những tấm bia cổ ghi công đức đóng góp của muôn dân trăm họ xây dựng chùa và cho rằng sự tích niêu cơm thần chính là công đức đóng góp của nhân dân, nguồn lực trong dân là vô cùng vô tận như niêu cơm thần cứ vơi lại đầy.

Dưới sự trụ trì của Đức Thánh Tiên Ông, ngôi chùa trở nên nổi tiếng trấn Sơn Nam, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử về hành đạo, nhân dân khắp trong, ngoài trấn nô nức về chùa lễ bái cầu phúc, cầu tài, cầu cho nước thịnh dân an. Đức Thánh Tiên Ông tinh thông giáo lý truyền giảng cho dân, giữ nếp nghiêm cẩn tại chùa, góp phần tôn vinh đạo Phật và nền văn minh từ bi trong vùng Bát Cảnh và toàn trấn Sơn Nam. 

Cảnh đẹp chùa Tam Giáo thu hút du khách hơn bởi ở đây có hang nước chảy quanh năm không lúc nào ngừng. Dòng nước ấy mát trong được ví như nước phúc, nước lộc, mọi người đến lễ chùa đều muốn lấy về làm khước cầu may mắn, hanh thông.

Tương truyền kế bên trên nguồn nước còn có khe nhỏ hằng ngày chảy ra gạo, ra tiền để những tăng, ni chấp sự và những người phục vụ trong chùa hằng ngày có bữa ăn đạm bạc. 

Ngôi chùa kỳ bí chứa cổ vật từ vạn năm trước

Một ngày kia, có vị tăng trẻ mới về hành sự vốn có tính hiếu kỳ đã đục khe tiền gạo to ra với ý muốn tiền gạo chảy ra nhiều hơn, nhưng không ngờ từ hôm đó, tiền gạo không chảy ra nữa. Đây là biểu hiện của chữ “tham” mà “tham” là từ đầu tiên Phật tổ răn dạy phải tránh, vậy mà vị tăng trẻ kia đã phạm phải nên lộc trời, lộc nước dứt mạch không trở lại.

Xung quanh Tam Giáo tự còn có nhiều thần tích truyền lại đến ngày nay, như: sự linh ứng phù Lê diệt giặc Minh được vua Lê ban tặng mỹ tự và tặng bộ kiệu bằng gỗ dâu; hóa dữ thành yên giúp thủ lĩnh nghĩa quân Đề Yêm đánh giặc Pháp. Đây cũng là căn cứ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh, là kho tiếp liệu của công binh xưởng sản xuất vũ khí Liên khu III… trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Hà Nam.

Chùa Tam Giáo qua tám thế kỷ cho đến tháng 5 năm 1954, trước khi rút khỏi bốt Chùa Ông, giặc Pháp đã hủy hoại chùa. Nơi thờ tự linh thiêng, một trong Bát Cảnh hoang tàn, đổ nát. Sau hòa bình lập lại, nơi đây là khu vực trồng cây lấy gỗ của địa phương, chùa Tam Giáo có nguy cơ chìm khuất. 

Nhưng may thay, năm 1995 huyện Kim Bảng có chủ trương quy hoạch về cảnh quan du lịch, trong khi các ngôi chùa thuộc cụm Bát Cảnh chỉ còn dấu tích thì chùa Tam Giáo và chùa Đức Thánh Tiên Ông được xây dựng lại hoàn toàn mới.

Người có công đầu trực tiếp gắn bó và xây dựng chùa Tam Giáo là bà Đặng Thị Gạo. Bà Gạo là vợ liệt sĩ, quê ở Ứng Hòa (Hà Nội) với sự tha thiết với đạo và sự sùng kính Đức Thánh Tiên Ông, bà đứng lên quyên góp xây dựng chùa. 

Vẫn gắn bó cho đến nay, bà được nhân dân tôn kính gọi là cụ chùa. Dù tuổi đã ngoài 80, sức khỏe suy yếu nhưng cụ vẫn nhiệt tình kêu gọi công đức để mở mang chùa Tam Giáo ngày càng bề thế và to đẹp hơn. Chùa mới hiện nay có tam quan, nhà khách, chùa chính, nhà tổ và điện thánh Mẫu. 

Cảnh chùa u tịch thanh bình là nơi lui tới của người dân trong vùng và du khách, nhất là khi mỗi độ Tết đến Xuân về.

loading...