Kiến thức
Ngũ ấm ma trong chúng ta (I)
Thứ hai, 29/12/2020 03:30
Thiền hành, tập trung vào hơi thở, vào từng bước đi, nhằm đối trị bốn loại ma, ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma và tử ma và ta chiến thắng bốn thứ ma này.
Ý nghĩa lạy hồng danh Pháp Hoa
Hiện nay, hàng cư sĩ Phật tử học giáo lý nhiều, đó là điều tốt. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hành lại ít và những người áp dụng được pháp Phật trong cuộc sống thì lại càng ít hơn nữa. Như vậy, giáo lý Phật dạy không gắn liền với cuộc sống của người đệ tử Phật thì đó không phải là mục tiêu của Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này. Đó là điều mà tôi muốn trao đổi với quý vị hôm nay. Thật vậy, khi chúng ta học giáo lý nhiều, thường thấy ngay trong giáo lý cũng có những điểm khác biệt, đôi khi khác đến mâu thuẫn và trên thực tế, những người tu hành cũng có những quan niệm và pháp hành khác nhau, cũng mâu thuẫn nhau. Điều này khiến cho nhiều người không biết pháp nào đúng và nên tu theo ai, để rồi cuối cùng rơi vô tâm trạng khủng hoảng.
Phật giáo Nhật Bản xưa kia đã từng trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất. Lúc bấy giờ, các nhà Sư đã tự võ trang và chém giết lẫn nhau, chỉ vì phát xuất từ sự mâu thuẫn trong giáo lý cho đến mâu thuẫn trong nhận thức và tiến đến mâu thuẫn trong cuộc sống. Nhưng may mắn thay, sau những cuộc xung đột nguy hiểm ấy, người ta đã rút ra được nhận thức đúng đắn rằng giáo lý Phật dạy khác nhau, tuy có nhiều vô số, nhưng tất cả các pháp đều là phương tiện nhằm giúp chúng ta an lạc và có cuộc sống tốt đẹp. Không phải chấp chặt vào giáo lý để sanh tâm bất mãn, buồn phiền, đau khổ, chống phá nhau.
Phật giáo Việt Nam chúng ta được may mắn từ khi đất nước thống nhất, Phật giáo cũng được thống nhất. Nhờ đó, chúng ta bắt đầu có thuận duyên để hóa giải những mâu thuẫn trong sinh hoạt Phật giáo. Nếu trước kia, khi Phật giáo chưa thống nhất, thành thật mà nói thì các tu sĩ thuộc những hệ phái khác nhau khó hòa hợp với nhau. Và nặng hơn nữa, khi mang ý thức bảo thủ cực đoan thì thường tìm cách nói những điều không tốt của người khác. Đó là điều cấm kỵ nhất trong đạo Phật, vì Phật dạy trong kinh Viên Giác rằng người tu giác ngộ thấy lỗi mình mà không thấy lỗi người. Thấy lỗi người, không thấy lỗi mình, chắc chắn bị đọa. Phật giáo Việt Nam cũng có một thời kỳ rơi vô tình trạng này. Đức Phật dạy rằng lỗi thực của người, chúng ta còn không nói, huống chi là không thực.
Tôi nhờ có một khoảng thời gian dài, đọc tụng, suy tư kinh Viên Giác, nghĩ về sự giác ngộ và những người đi trước để tự điều chỉnh mình. Tôi thấy rõ Phật dạy rất đúng, nếu chúng ta làm theo, nhất định được kết quả tốt đẹp trong cuộc sống. Điều chỉnh đầu tiên là tôi bắt đầu thấy lỗi mình, không thấy lỗi người; nhờ đó người có thể tiếp xúc, trao đổi với tôi được. Nếu chỉ thấy lỗi người, thì hai người như vậy gặp nhau là cãi nhau không dứt, người ta thường cho đó là vì khắc khẩu. Nhưng theo tôi, không có khắc gì cả, vì cả hai chỉ thấy lỗi của nhau, không ai thấy lỗi mình, nên tất yếu phải có cãi vã, xung đột.
Thực hành lời Phật dạy, áp dụng pháp tu tìm lỗi mình và khi được bạn chỉ thêm lỗi của mình, như vậy, ta sẽ thấy rõ tất cả lỗi mình để tự sửa cho trong sạch hoàn toàn. Giống như vết dơ trên mặt mình, nhưng ta không thấy, nhờ bạn chỉ giùm mà ta thấy được vết dơ đó. Phật dạy tất cả đệ tử nên lóng nghe những người xung quanh phê phán thế nào, theo đó tự sửa đổi là tu hành. Đó chính là truyền thống Phật giáo, phải lóng nghe và thành thật sửa mình. Lóng nghe người chỉ trích, ban đầu chúng ta thấy khó chịu, muốn cãi lại; nhưng nhớ lại Bảo Vương Tam muội, Phật dạy rằng oan ức không cần biện minh. Nếu biện minh, việc càng rắc rối thêm. Việc gì qua, hãy buông bỏ nó về quá khứ và cứ sống với những gì hiện tại.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rằng dòng đời cứ trôi chảy mãi như dòng sông, có bao giờ nó dừng lại đâu. Và chúng ta đứng trên bờ, thanh thản nhìn tất cả mọi vật trôi xuôi ra biển đời mênh mông. Đừng bận tâm đến nó, hãy để cho tất cả trôi đi vào quá khứ, lòng chúng ta sẽ được an lạc. Riêng tôi thường áp dụng pháp này trên bước đường hành đạo. Tôi luôn lóng nghe và nhìn sự việc cho nó trôi lần về quá khứ, để lại tâm mình sự yên tĩnh kỳ diệu. Tăng Ni, Phật tử, ai áp dụng được pháp này, sẽ hưởng được phước lạc đầu tiên là tâm hồn thanh thản. Phật dạy đó là phước báo lớn nhất trong năm tướng phước trên cuộc đời này. Theo Phật có năm phước thế gian, đứng đầu là tâm an lạc, rồi mới đến giàu sang, địa vị, sức khỏe và bạn bè. Nhưng trong năm tướng phước này, nếu đánh mất phước căn bản là tâm an lành thì bốn tướng phước còn lại sẽ khó giữ được, rồi cũng sẽ mất.
Tâm an lạc sẽ thể hiện trong tướng giải thoát. Vì thế, ta thấy người tu vô tâm, vô sự, dáng vẻ rất thanh thản, tự nhiên. Người tính toan, lo âu, buồn phiền, tướng của họ luôn biến đổi. Đạo Phật lấy tướng giải thoát làm chính, giàu cũng thế mà nghèo cũng không sao, tâm không lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, tức giận, si mê. Phật tử tu hành cần nhớ giữ tâm an lạc, không để lo sợ, buồn giận, si mê chi phối tâm mình. Người hiện tướng giải thoát có dáng đi nhẹ nhàng, tự nhiên như mây bay. Từ thuở nhỏ, tu hành, tôi tập tướng giải thoát trong bốn oai nghi. Học giáo lý nhiều, nhưng thực hành mới quan trọng. Trong đạo Phật có ba cách đi. Cách thứ nhất là kinh hành, cách thứ hai là Thiền hành và cách thứ ba là phi hành. Tập được phi hành thì tướng đi nhanh, nhưng thân không dao động, tưởng họ đứng một chỗ mà người không chạy theo kịp; giống như mây phủ trên núi, nhìn thấy dường như mây không bay, nhưng một lát sau, mây bay qua, trả lại núi xanh. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Vô Não cầm dao rượt theo Phật, nhưng không theo kịp là vậy. Ngày nay, chỉ có một số vị Lạt Ma Tây Tạng áp dụng được thuật phi hành.
Sự kỳ diệu đích thực của Đức Phật và Giáo pháp
Người đạt được thuật phi hành đã thể hiện pháp Thiền của họ đến đỉnh cao. Nhưng dưới một nấc, chúng ta tập Thiền hành là tập đi trong vô tâm. Lúc ấy, tâm chúng ta không nghĩ việc gì, tâm chỉ tập trung vào bước chân đi, vào hơi thở, nên đi vô tâm, không quan tâm đến sự vật bên ngoài. Công phu tu như vậy để đạt được gì? Thiền hành như vậy, chúng ta phải có cái được gọi là đắc Thiền, hay chứng Thiền. Thiền hành, tập trung vào hơi thở, vào từng bước đi, nhằm đối trị bốn loại ma, ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma và tử ma và ta chiến thắng bốn thứ ma này.
Trở lại tướng phước thứ nhất là tâm an lạc, thực tế cho thấy tâm an lạc là hạnh phúc nhất của con người. Người giàu có hay quyền thế càng nhiều dễ mất ăn, mất ngủ vì phải giữ gìn tài sản, chức vụ, phải đối phó với tất cả những việc đụng chạm đến tài sản hay chức quyền. Giám đốc, Chủ tịch mà tôi tiếp xúc đều nói như vậy. Biết tu hành, Phật tử không bị những thứ này chi phối, không có gì để lo lắng, ăn no ngủ yên. Tôi nhận rõ tâm bình an sẽ cho chúng ta sức khỏe tốt. Tâm không an, sức khỏe theo đó bị tiêu hao dần cho đến phát sanh bệnh tật. Thực hành Thiền, chúng ta thấy rõ điều này. Thiền sư dạy chúng ta điều chỉnh hơi thở thôi, nhưng đó là pháp tu cao nhất. Theo hơi thở, chúng ta kéo tâm hoài vọng quá khứ trở về hiện tại, kéo tâm mong cầu tương lai trở về hiện tại và kéo tâm biến động trong cuộc sống trở về hiện tại. Vì tất cả những gì lệ thuộc vào quá khứ, lệ thuộc vào tương lai, lệ thuộc vào sự biến động đều vô ích.
Thật vậy, Đức Phật dạy rằng chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện; nghĩa là khi tâm tập trung được ở đỉnh cao thì không có việc gì không giải quyết được. Tâm tán loạn, chúng ta không thể nhìn sự việc chính xác, nên không thể tháo gỡ được gút mắc, dẫn đến quyết định sai lầm. Đối với một số người bị căng thẳng vì quá nhiều công việc khó khăn bao vây, tôi khuyên họ tạm thời buông bỏ hết, đừng nghĩ đến và ngồi yên tĩnh tâm trong mười lăm phút thôi thì trí sáng ra; vì có định mới sanh huệ, mới thấy việc chính xác. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ nhiều thêm nữa, trí óc quá căng thẳng, chẳng những không giải quyết được việc mà còn có nguy cơ bị gục tại chỗ vì đứt mạch máu não. Công thức này có thể áp dụng ở mức thấp trong sinh hoạt của mọi người, cho đến đạt được quả vị Phật. Tuy nhiên, người bình thường, hay hàng Nhị thừa, Bồ tát và Phật, tùy vị trí của mỗi người mà áp dụng công thức tu này khác nhau.
*Trích từ bài giảng tại Trung Tâm tịnh xá và chùa Phổ Quang, ngày 25-9-2005
(Còn tiếp)