Kiến thức
Ngũ phần hương là gì và có ý nghĩa như thế nào?
Chủ nhật, 29/09/2020 02:35
Ngũ phần hương cũng gọi là ngũ phần pháp thân hương, là năm phần công đức, năm phần pháp thân trong giáo lý, Đức Như Lai hiệp lại thành pháp thân.
Ý nghĩa của thắp 3 nén nhang, 3 vái, 3 lạy
Ngũ phần hương là gì?
Ngũ phần hương cũng gọi là ngũ phần pháp thân hương, là năm phần công đức, năm phần pháp thân trong giáo lý, Đức Như Lai hiệp lại thành pháp thân. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ tát, thanh văn tu đạo giải thoát, thanh tịnh Tăng mới có những công đức. Năm phần công đức nầy thuộc xuất thế gian, bao gồm các công đức như sau:
1. Giới pháp thân: Tu trì giới hạnh của Đức Như Lai, giữ gìn tam nghiệp (thân, khẩu, ý) lìa khỏi các sự lỗi lầm sai lạc si mê.
2. Định pháp thân: Tu pháp thiền định của Đức Như Lai đặng đắc chơn tâm tịch diệt, lìa khỏi tất cả các vọng niệm điên đảo.
3. Huệ pháp thân: Tu pháp trí huệ của Đức Như Lai đặng đắc chơn trí viên minh, quán đạt pháp tánh.
4. Giải thoát pháp thân: Tu cho đắc tâm thân của Như Lai, giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, say mê, tức là thể nhập các đức Niết Bàn.
5. Giải thoát tri kiến pháp thân: Là bậc chứng đắc quả vị tối thắng, lìa tất cả mọi vọng chất thô tế, chí như quả vị giải thoát, mình đã thể nhập cũng không khởi niệm thấy biết là mình là kẻ đã chứng đắc, tâm tánh rỗng rang sáng suốt, tự tại như nhiên, thanh thoát an nhàn.
Có bốn hàng Thánh giả: Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật đều đắc đủ ngũ phần pháp thân. Các vị ấy có đủ ngũ phần pháp thân nên được xưng là bậc giải thoát. Các Ngài là những bậc đã dừng bước chân trên cuộc đời, sống trong đời sống đạo giải thóat, bậc đã bước đến bờ bên kia tức đến thế giới Niết Bàn (Theo Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn).
Trong Kinh Tam Bảo của Cụ Đoàn Trung Còn soạn dịch có bài nguyện hương nói về ngũ phần hương như sau:
1. Giới hương.
2. Định hương.
3. Dữ huệ hương.
4. Giải thoát.
5. Giải thoát tri kiến hương.
Quang minh vân đài biến pháp giới
Cúng dường thập phương tam bảo tiền
Nam mô hương cúng dường Bồ tát ma ha tát.
Nghĩa là trong năm phần pháp thân Phật có các công đức như: hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến. Năm thứ hương hoa nầy là hương đạo lý giải thoát không còn bị ràng buộc trong thế gian mà đem dâng cúng dường cho Đức Phật, mười phương Chư Phật, mới xứng đáng công đức xưng tán, cúng dường, dâng những hương thơm ngào ngạt lên Đức Phật. Khi bạn muốn cúng dường cho ngôi Tam bảo thì chắc chắn Bạn phải có một tâm hồn cởi mở, không bị tham sân si cấu uế, không còn phiền não ràng buộc, không còn cưu mang nghiệp chướng trần lao thì lúc bấy giờ chính đó là những phần ngũ pháp thân hương dâng dâng lên cúng dường mười phương chư Phật, cúng dường pháp giới Phật. Pháp giới Phật lúc bấy giờ cũng chính là ngũ phần pháp thân hương vậy.
Ý nghĩa của những con số lẻ khi thắp hương
Ý nghĩa của ngũ phần hương
Theo đạo lý giải thoát của Phật giới, định tuệ là ba môn tu vô lậu, khi vào chùa. Thầy hỏi tu ba môn vô lậu là gì, tức là tu giới định tuệ đó. Làm tăng mà không rõ tu giới định tuệ là gì, không thực hành giới định tuệ, mà nói chuyện giải thoát là cách nói của kẻ hào hoa hư ngụy, không đứng đắn khi làm Thầy của Nhơn Thiên, làm thầy của chư đệ tử chốn thiền lâm.
Giới: là giới hương, giới phần hương, giới pháp thân hương, là đường tu hành chính chân chính đẳng, chính giác. Giới là thềm thang thứ lớp đưa đường dẫn lối cho người con Phật một hướng đi đích thực, theo từng thứ lới đẳng bậc, như năm giới, mười giới, thập thiện giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát giới, tam tụ tịnh giới, giới khai gia trì phạm, giới tâm...Giới luật là con đường đi vững chắc, theo bước chân của chơn sư, những bậc niên cao kỷ trưởng, hạ lạp thiền đức, sơn tăng, thạch trụ. Giới là hàng rào ngăn không cho làm, làm là vi phạm lời dạy Đức Phật, Luật là là những giới điều tín điều quy định phạm lgiới luật Phật, phạm tới đâu, phạm ở tụ giới nào. Nhơn có giới luật mà tam nghiệp người tu thêm thanh tịnh. Sự thanh tịnh giúp cho người tu hành đắc đạo giải thóat mọi khổ đau phiền toái trong cuộc đời. Giới luật còn giúp cho người Phật tử có cơ sở tiến tu theo chánh pháp, không vi phạm những ác, làm tất cả việc thiện, thế gian trở lại tốt lành, trở thành thế giới Cực lạc Tây phương. Người con Phật lấy đó mà làm tiêu chí tiến thủ mà cúng dường Phật
Định: là định hương, định phần hương, định pháp thân hương, là đường tu hành từ sự giữ giới thanh tịnh, tam nghiệp không lẫy lừng, các pháp bất thiện không dấy sanh, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân khẩu ý thanh tịnh. Giới đức tinh nghiêm, vọng niệm vong bặt, không còn những dư nghiệp dấy sanh, sắc thân chứng pháp đại định, tam muội hiện tiền, các pháp thần thông xuất hiện, không còn có những ác độc xâm lấn pháp thân, chứng nhập vào đại định. Với đại định nầy, hành giả đem dâng lên cúng Phật gọi là định hương.
Huệ: là huệ hương, huệ phần hương, huệ pháp thân hương, là đường tu hành tiến đến giải thóat. Nhờ giữ giới tinh nghiêm mà pháp thân trong sạch. Pháp thân sạch tức huệ sanh, huệ sanh có huệ lực đưa thân tâm tiến đến giải thoát mọi phiền não khổ đau. Nhờ có trị tuệ mà hành giả thấu đáo đường đi nước bước của ma nghiệp, tránh được những lỗi lầm của ma đưa đường dẫn lối người tu lọt vào hố thẳm chông gai, sanh lão bệnh tử, tham sân si hỷ nộ ái ố ai lạc dục.
Huệ phần hương chính là hương hoa bay khắp bốn phương trời, chiếu sáng những tối tăm khiến cho con người thấy rõ đường lành, không sanh những tật bệnh trầm kha, dập dùi chúng sanh trong sáu nẽo luân hồi. Chính huệ là ánh sáng chiếu soi muôn dặm đen tối, giúp cho tam nghiệp chúng sanh thanh tịnh, phần hương thanh tịnh đó được dâng lên cúng dường Đức Phật, cúng dâng lên mười phương chư Phật, soi tỏ từ chốn thiên đường đến cõi địa ngục tối tăm, giúp cho người si mê tìm về ánh sáng. Đó là hương hoa trí huệ dâng lên Phật.
Giải thoát: là giải thoát hương, giải thoát phần hương, giải thoát pháp thân hương, nghĩa là đem thân tâm thanh tịnh, giữ giới trong sạch, không có pháp bất thiện dấy sanh dâng lên cúng dường mười phương chư Phật. Giải thoát là không bị ràng buộc bởi thế gian, ràng buộc những tài sắc danh thực thùy, ràng buộc những tham sân si hỷ nộ ái ố, ràng buộc bởi những tri kiến, những kiến giải theo ý riêng của mình, giải thóat những tư duy lỗi thời lạc hậu, những sự cố chấp mê lầm, nhất là chấp thân nầy là thật, tâm nầy là thật, pháp nầy là thật, thân ta là thật.
Phá chấp là phá những lầm lạc cho rằng tấm thân là vô thường, khổ, vô ngã, đi đến mê lầm xả bỏ báo thân một cách vô lý. Xả bỏ những rừng tà kiến cho rằng thân nầy là giả tạm, tạm bợ không có lối thoát mà xả bỏ một cách vô lý. Biết thân này vô thường nhưng không có không được, thân nầy vô ngã, nhưng không phải không có, có để tu hành, có để sử dụng vào việc làm lợi lạc chúng sanh. Đem tất cả những tâm hương hoa nầy từ tận đáy lòng dâng lên cúng Phật, chính đó là giải thoát hương.
Giải thoát tri kiến giải thoát tri kiến hương, giải thoát tri kiến phần hương, giải thoát tri kiến pháp thân hương. Giải thoát sự hiểu biết về thế gian. Tất cả những gì thuộc thế gian, làm bất lợi cho sự giải thoát, theo sự giải thoát của Phật pháp. Giải thoát trong thế giới nhà Phật mà còn biết mình giải thoát thì chưa giải thoát chút nào. Giải thoát mà còn biết mình giải thoát gọi là giải thoát trong vòng tri kiến, trong vòng lẫn quẫn của tam giới. Vòng tri kiến Phật mà còn biết mình thấy Phật, nghe Phật, giải thoát như Phật thì người đó chưa đạt đến giải thoát cùng tột, chưa thấu tình đạt lý trong thế giới nhà Phật.
Tri kiến là sự cố chấp về hiểu biết của mình, mình cao hơn người, mình giỏi hơn người, mình là thánh sống, mình là Phật như một số tự xưng Giáo chủ hiện nay. Họ ngang nhiên xưng mình là giáo chủ, mà không biết có đắc đại hay chưa mà xưng là Giáo chủ. Xưng Giáo chủ như thế gọi là tri kiến, biết mình là Phật, biết mình có trí tuệ, biết mình được giải thoát, biết mình có của báu...chính đó là tri kiến, tri kiến thế gian pháp. Riêng giới đệ tử nhà Phật thì nguyện tu giải thoát tri kiến, không có chỗ sở tu, sở chứng sở đắc. Đó chính là giải thoát tri kiến phần hương dâng lên mười phương chư Phật.
Giới định và huệ phần hương
Tâm không thanh tịnh cúng dường Phật tiên
Pháp thân giới định đến thiền
Phần hương cúng Phật đủ phần mới dâng.