Sách Phật giáo

Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần 1)

Chủ nhật, 10/10/2013 10:21

Giáo lý về Ngũ uẩn của Đức Phật là giáo lý nói về con người bởi vì Ngũ uẩn hay năm uẩn là năm thành phần cấu tạo của con người, của cái con người bằng xương bằng thịt thực sự 

Ngũ uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người.

Mang gánh nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời…

Lời Phật dạy

 

LỜI NÓI ĐẦU

Ngay trong câu mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh đã nói đến Ngũ uẩn trong câu: Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách . Vậy Ngũ uẩn là gì ?

Ngũ uẩn là một giáo lý rất quan trọng mà Đức Phật đã giảng dạy tại vườn Lộc Uyển ngay từ những ngày đầu tiên trong quá trình hoằng pháp của Người, cùng với các bài giảng về Tứ diệu đế Mười hai nhân duyên. Do vậy đã là phật tử thì không thể nào bỏ qua được việc am hiểu giáo lý Ngũ uẩn.

Tài liệu này cố gắng tránh những từ ngữ Phật học khó hiểu và những vấn đề mang tính triết học, mà chú trọng giới thiệu những nét cơ bản nhất để các Phật tử dễ dàng tìm hiểu và nhận thức một cách nhẹ nhàng về một trong những giáo lý cơ bản của đức Phật giảng dạy, nhằm giúp cho con người biết để tự lo hóa giải hết những ô trược, phiền muộn trong cuộc sống và biết cách diệt được mọi nỗi khổ trên trần thế để có an lạc, hạnh phúc ngay trong cái thế giới có sinh có diệt này. Tuy nhiên, phương pháp trình bày có những vấn đề cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần để cho quá trình nhận biết được dễ dàng đối với những độc giả mới tiếp xúc lần đầu với giáo lý Ngũ uẩn. Mong được thông cảm.

Vì trình độ còn hạn hẹp, nhưng với tâm nguyện nhiệt thành muốn đóng góp phần nào vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên rất mong chư vị thiện trí thức, các phật tử mười phương và quý vị độc giả vui lòng đón nhận món quà tặng nhỏ mọn này và lượng tình chỉ dẫn những điều còn sai sót.                                 

Tác giả kính ghi

PHẠM ĐÌNH NHÂN

Pháp danh Chánh Tuệ Định

 

I. MỞ ĐẦU

Ta biết rằng ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã giảng giải về Tứ thánh đế, Ngũ uẩn Mười hai nhân duyên.

Từ đó, giáo lý về Tứ thánh đế, Mười hai nhân duyên cùng Ngũ uẩn đồng quyện với các giáo lý Duyên Khởi, Vô thường, Vô Ngã, Tính không, Bát nhã v.v…khi ẩn, khi hiện suốt mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, kể từ vườn Lộc Uyển, các tịnh xá thuộc thành Xá Vệ đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng.

Trong Tứ diệu đế, Đức Phật đã nói về tám nỗi khổ. Trong tám nỗi khổ đó, ngoài bảy nỗi khổ gồm sinh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, còn có nỗi khổ thứ tám là ngũ uẩn xí thạnh khổ (Kinh Tương Ưng II, phẩm Chuyển pháp luân).   Nỗi khổ thứ tám đó cho ta biết nếu cứ chấp vào ngũ uẩn sẽ gây ra đau khổ. Vậy ngũ uẩn là gì và tầm quan trọng của giáo lý Ngũ Uẩn như thế nào ?

1. Định nghĩa ngũ uẩn là gì ?

Ngũ uẩn hay năm uẩn là năm yếu tố gồm có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm yếu tố đó nương tựa vào nhau để tạo thành con người gồm: thân thể (yếu tố vật lý) gọi là sắc và các yếu tố về tinh thần, tâm lý gọi chung là danh như thọ (cảm giác thọ nhận), tưởng (tri giác, ấn tượng), hành (hành xử tạo nghiệp) và thức (ý thức, sự nhận biết).

Ngũ uẩn tiếng Phạn là Panca Skandhah, Trung Hoa dịch ra nhiều nghĩa khác nhau. Có thể kể ra ba loại chính :

Thời kỳ đầu, vào những năm đầu của thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Ngũ uẩn (Panca Skandhah) được dịch theo âm tiếng Phạn, phiên âm chữ Skandhah ra chữ Hán là Kiền độ hay Tắc kiền độ.

Thời kỳ thứ 2 vào khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên, Ngài Cưu Ma La Thập (344 – 413), từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 402 đã dịch theo ý nghĩa chữ Phạn Panca Skandhah là Ngũ ấm, với ý nghĩa ấm là phủ khuất, ngăn che, làm cho tối đi, mờ đi, làm cho người ta không biết được thực tính bình đẳng của sự vật,

Thời kỳ thứ 3 vào những năm của thế kỷ thứ VII, Ngài Tam tạng Pháp sư đời Nhà Đường là Huyền Trang (595 - 664) dịch  chữ Phạn Panca Skandhah sang chữ Hán theo nghĩa thực chất là Ngũ uẩn. Uẩn (Skandha) nghĩa là một sự tập hợp, sự tích tụ, một nhóm họp theo từng loại với cùng những tính chất giống nhau, nên gọi là nhóm, là tổ hợp, là tụ tập, là chúng. Vì vậy Ngũ uẩn tức năm uẩn còn được gọi là năm ấm, năm chúng, năm nhóm, năm tụ. Nói một cách tổng quát năm uẩn là năm nhóm yếu tố hay năm tổ hợp biểu thị sự cấu tạo toàn bộ thân và tâm của con người.

Ngày nay trong các kinh sách, tài liệu về giáo lý Phật giáo, người ta thường dùng ngũ uẩn, năm uẩn, năm nhóm, năm tụ đều cùng một nghĩa.

 

2. Vì sao Đức Phật dạy về Ngũ uẩn ?

Giáo lý Ngũ uẩn có một tầm quan trọng trong đời sống người học Phật. Một khi con người cứ bám víu vào năm uẩn, vào sắc, thọ,  tưởng, hành, thức, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì sẽ xuất hiện sự đau khổ. Ý niệm về "thân thể tôi", "tình cảm tôi", "tư tưởng tôi", "tâm tư tôi", "nhận thức của tôi"... hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ, từ đó mọi khổ đau phát sinh. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về "cái tôi" và "cái của tôi"  ấy.

Cho nên, Đức Phật đã chỉ rõ : "Khi nào người Phật tử không thấy rõ nguồn gốc sinh tử khổ đau là do sự ham muốn tham lam cái thân năm uẩn thì người đó chưa hiểu được Phật pháp".

Ngũ uẩn thường ngăn che trí tuệ sẵn có trong con người như những đám mây che lấp ánh sáng mặt trời. Con người do những dục vọng luôn nảy sinh làm cho mê mờ, không nhận thấy được cái ta chân thật, cái Phật tính tiềm ẩn trong mỗi con người. Con người thường hay bám vào cái ta, cái của ta, đuổi theo dục vọng lại càng bị trói chặt trong cuộc sống tội lỗi, khổ đau. Do đó, nếu không thấy rõ và không nắm vững giáo lý ngũ uẩn thì chính ngũ uẩn làm cho con người luôn luôn đau khổ, trở thành gánh nặng của con người.

Vì vậy, trong Kinh Tương Ưng Bộ[1], phẩm Gánh nặng có một bài kệ nói rõ điều này:

Ngũ uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người.

Mang gánh  nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời .

Đặt gánh nặng xuống xong
Không mang thêm gánh khác.

Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát
Được giải thoát tịnh lạc

Cũng trong Phẩm Gánh nặng của bộ kinh  này, Đức Phật đã giảng giải gánh nặng chính là sự bám giữ các thủ uẩn : cái ta, cái của ta mà gây ra đau khổ. Vì thế, chính ngũ uẩn là gánh nặng mà kẻ gánh cái gánh nặng ấy chính là con người có danh tính, có địa vị chức tước. Việc mang gánh nặng lên chính là mang lòng tham ái, níu kéo, chấp thủ cái ta, cái của ta. Việc đặt gánh nặng xuống tức là sự rời bỏ lòng tham, đoạn diệt khát ái một cách hoàn toàn, là sự từ bỏ, sự xả ly mọi phiền muộn chấp trước, sự giải thoát đi đến giác ngộ.

Từ góc độ quan sát thân ngũ uẩn là gánh nặng đeo đẳng làm cho chúng ta khổ, một số người chủ trương thoát ly thân ngũ uẩn, đoạn diệt ý tưởng, xa lìa cảm thọ, trốn tránh cái khổ để tìm đến Niết bàn an vui. Đây là nhận thức sai lầm lớn không thể chấp nhận được.

Vì vậy, khi đã là Phật tử, việc học Phật cần phải nắm vững giáo lý về Ngũ uẩn. Con người ta không ai thoát khỏi những nỗi đau, buồn giận, những bế tắc về nội tâm, những trắc trở trong cuộc sống. Trong những trường hợp ấy, người có trí tuệ thường ứng dụng những điều giáo lý mà Đức Phật đã dạy trong Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, Ngũ uẩn để cân bằng lại đời sống nội tâm của mình. 

Tóm lại những ai muốn học hỏi, nghiên cứu và tu tập theo chánh pháp, không thể không biết đến giáo lý Ngũ uẩn.  Ðó là một trong những giáo lý vô cùng quan trọng và phải được hiểu rõ một cách tường tận, chính xác để có thể tu tập rốt ráo cho có hiệu quả. Và cũng chính vì vậy mà Đức Phật đã giảng giải rất rõ giáo lý Ngũ Uẩn ngay trong những bài học đầu tiên trên bước đường hoằng pháp của Người.

3. Đối tượng nghiên cứu của Ngũ Uẩn :

Giáo lý về Ngũ uẩn của Đức Phật là giáo lý nói về con người bởi vì Ngũ uẩn hay năm uẩn là năm thành phần cấu tạo của con người, của cái con người bằng xương bằng thịt thực sự (sẽ trình bày rõ trong phần sau). Do vậy, Phật tử hay bất kỳ ai muốn biết quan niệm về con người như thế nào trong giáo lý của nhà Phật, không thể không nghiên cứu đến Ngũ uẩn. Giáo lý Ngũ uẩn không phải là một giáo lý chung chung về một đối tượng tổng quát trong thế giới vũ trụ này mà chính là giáo lý về con người thực thụ. Đối tượng nghiên cứu của giáo lý này là con người. Nói đúng ra, Phật tử hay bất kỳ ai muốn tìm hiểu về con người thì phải biết đến cả giáo lý Mười hai nhân duyênNgũ uẩn. Giáo lý Mười hai nhân duyên giúp ta nghiên cứu tìm hiểu một cách tổng quát về sự hình thành và cơ cấu con người lưu chuyển theo thời gian và nghiệp lực cùng với luật nhân quả chi phối con người, chi phối cuộc sống của các kiếp người. Còn Ngũ uẩn là giáo lý giúp ta tìm hiểu bản chất thực của con người để diệt trừ đau khổ.

Vậy con người là gì và từ đâu có. Đó là một vấn đề mà khoa học và nhân loại từ bao đời nay tìm cách lý giải bằng rất nhiều giả thuyết mà cho đến nay vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu. Nhưng ngay từ khi đức Phật còn tại thế, do đã đắc Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác, với khả năng lục tận thông, giác ngộ hoàn toàn, Đức Phật đã giải đáp về nguồn gốc con người, nguồn gốc vũ trụ và quá trình hình thành con người và vũ trụ trong một bản kinh, đó là kinh Khởi thế nhân bản. Nhưng điều đó không thuộc phạm trù của tài liệu này.

Tóm lại, đối tượng nói đến trong giáo lý Ngũ uẩn của Đức Phật là con người trên trần thế. Vì thế là phật tử, cần phải tìm hiểu và học giáo lý này để mong được đặt gánh nặng xuống, để tiến tới đoạn trừ tham ái, xả bỏ chấp thủ, phiền não, tiến tới diệt trừ mọi khổ đau, đạt tới cuộc sống an lạc, thanh tịnh tiến tới giải thoát ngay trong cõi đời này.

còn nữa...

Trích tập sách "Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ" của tác giả Phạm Đình Nhân
Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn


[1] Đại tạng kinh Pali, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập III: Thiên Uẩn, Chương I: Tương Ưng uẩn, Phẩm Gánh nặng. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

loading...