Sách Phật giáo
Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần 2)
Chủ nhật, 13/10/2013 10:16
Sắc uẩn nói chung gồm bốn thành tố là: đất, nước, gió, lửa. Đối với con người, bốn chất cơ bản đó tạo thành các bộ phận cơ thể của thân xác mà nhà Phật gọi là thân tứ đại gồm địa đại, thủy đại, phong đại và hỏa đại.
II. NỘI DUNG CỦA NGŨ UẨN
1. Các thành phần của Ngũ uẩn :
Ta biết rằng theo tinh thần Phật giáo, con người được sinh ra là do sự hòa hợp của nhiều nhân duyên, của tất cả những nghiệp duyên có từ trong những đời quá khứ từ trước mà tạo ra trong kiếp này. Do vậy thân con người là sự kết hợp, tạo thành của ngũ uẩn biểu thị thành hai phần: phần thân xác (gọi là sắc) và phần tâm linh (gọi là danh), nên được gọi là danh sắc (danh sắc là một mắt xích trong 12 mắt xích, nói trong giáo lý Mười hai nhân duyên). Hay nói khác đi, con người phải có đầy đủ 2 phần danh và sắc gồm thân thể (sắc) và phần tinh thần hay tâm linh (danh), không thể thiếu một phần nào cả.
Phần sắc tức là phần vật chất, là phần thân xác của con người, có hình dáng vật lý, gọi là sắc uẩn. Phần danh tức là phần tinh thần hay tâm linh không có hình sắc bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Vậy ngũ uẩn là một danh từ dùng chỉ cho con người được biểu thị bằng năm thành phần là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đó là quan niệm của Phật giáo về con người : Con người phải có đầy đủ cả vật chất và tinh thần hay còn gọi là tâm linh, tâm lý, tâm thức, nghĩa là phải có đầy đủ năm uẩn xếp theo thứ tự : sắc, thọ, tưởng, hành, thức[1]. Nói một cách ngắn gọn Ngũ uẩn chỉ cho con người bao gồm Sắc là thể xác, Thọ là cảm giác, tình cảm, Tưởng là tri giác, lý trí, Hành là ý chí quyết đinh, Thức là nhận thức.
Ngoài ra, khi tìm hiểu về Ngũ uẩn, không phải chỉ biết nội dung của uẩn mà cần phải biết thế nào là thủ uẩn. Thủ tức là nắm giữ, vì vậy khi nói đến cái Tôi thì bao giờ cũng có cái Của Tôi. Uẩn là chỉ cái Tôi còn thủ uẩn chỉ cho cái Của Tôi. Chính uẩn và thủ uẩn là nguồn gốc làm cho con người tự tạo ra cho mình những khổ đau phiền muộn do tham ái và cũng vì vậy uẩn và thủ uẩn là nguồn gốc tạo ra những nghiệp lực dẫn dắt con người đời đời kiếp kiếp.
2. Nội dung của từng uẩn:
2.1. Sắc uẩn:
Sắc uẩn là sự kết tụ, sự chứa chất của vật chất để tạo ra những hình tướng như thân thể và cảnh sắc hay cảnh vật. Vì vậy tất cả mọi sự vật, cảnh sắc trong thế giới, vũ trụ đều gọi là sắc; từ các tinh tú trong vũ trụ, đến núi non, sông ngòi, cây cối, nhà cửa (mà các vị tổ xưa thường gọi là sơn hà đại địa), cho đến mọi đồ đạc, tất cả có hình sắc đều gọi là sắc. Riêng đối với con người, sắc chính là phần thân thể bằng xương bằng thịt.
Sắc uẩn nói chung gồm bốn thành tố là: đất, nước, gió, lửa. Đối với con người, bốn chất cơ bản đó tạo thành các bộ phận cơ thể của thân xác mà nhà Phật gọi là thân tứ đại gồm địa đại, thủy đại, phong đại và hỏa đại. Còn khoa học ngày nay gọi tứ đại ấy là bốn trạng thái hay bốn thể chất. Đó là thể rắn, thể lỏng, thể khí và thể nhiệt. Phần sắc trong con người thể hiện dưới bốn thành tố đó là :
Đất hay chất rắn (hay địa đại) chính là các bộ phận thân thể của con người như tóc, da, thịt, xương, tim, gan, phổi, ruột v.v…
Nước là chất lỏng (hay thủy đại) chính là máu, nước mắt, nước tiểu, đờm, nhớt, mồ hôi các loại dịch trong con người v.v…
Gió là chất khí hay chất hơi (phong đại) là hơi thở, chất khí vận hành trong người v.v…
Lửa là chất nóng hay chất nhiệt (hỏa đại) tạo thành sự nóng, ấm áp của cơ thể còn được gọi là thân nhiệt.
Tóm lại, phần cơ thể vật chất của con người gồm có bốn thành tố này (bốn đại) hợp lại tạo thành, nên nhà Phật thường gọi con người là “cái thân bốn đại”.
Nhưng những thành phần sắc uẩn trong giáo lý Ngũ uẩn này được biểu hiện cụ thể bằng các giác quan của thân con người mà nhà Phật gọi là các căn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (tức nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn). Tuy nhiên, phần sắc tức là phần thân thể con người cũng có hai phần là sắc thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trong đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, còn gọi là phù trần căn (các căn bề nổi phía ngoài) và phần tịnh sắc căn tức là các giây thần kinh. Các giây thần kinh này chính là phần ý căn của con người và vì vậy thường gọi là sáu căn tương ứng với sáu trần.
Vậy tại sao lại chỉ lấy các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gọi là các căn trong sắc uẩn mà không lấy các cơ quan khác của con người như tim, phổi, thận, gan, ruột v.v…làm sắc uẩn để nghiên cứu ? Bởi vì các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mới là các cơ quan của con người tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp xúc với các cảnh trần bên ngoài. Chính các cảnh trần bên ngoài là đối tượng tiếp xúc của các căn và gọi là các trần. Cụ thể : đối tượng tiếp xúc của mắt (nhãn căn) là các cảnh sắc bên ngoài mà mắt nhìn thấy nên gọi là sắc trần. Đối tượng tiếp xúc của tai (nhĩ căn) là tiếng động, âm thanh mà tai nghe thấy nên gọi là thanh trần. Đối tượng tiếp xúc của mũi (tỷ căn) là mùi, hương mà mũi ngửi thấy nên gọi là hương trần. Đối tượng tiếp xúc của lưỡi (thiệt căn) là mùi vị mà lưỡi nếm được nên gọi là vị trần. Đối tượng tiếp xúc của thân là những gì mà thân tiếp xúc được nên gọi là xúc trần. Ngoài ra đối tượng của ý (ý căn) là cảnh biết của ý thức chỉ được nhận biết từ trong nội tâm nên gọi là pháp trần.
Tóm lại trong sắc uẩn có các căn và các trần tương ứng. Các căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tương ứng với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trong đó :
Sắc trần : cảnh sắc mà mắt nhìn thấy bao gồm tất cả những vật thể có hình dạng từ cái to nhất đến cái nhỏ nhất.
Thanh trần: âm thanh mà tai nghe được gồm tiếng nói, tiếng cười, tiếng khóc v.v…của con người ; tiếng động của trời đất vũ trụ như tiếng sấm, tiếng gió rít, tiếng sóng vỗ v.v… do thiên nhiên gây ra ; âm thanh của các vật thể có tác động của con người như tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ v.v…do con người tác động mới có.
Hương trần: mùi do mũi ngửi được bao gồm mùi thơm, hôi thối v.v…do con người và thiên nhiên gây ra.
Vị trần: mùi vị do lưỡi nếm được như cay, đắng, ngọt, bùi v.v…
Xúc trần: cảm xúc do thân biết được như đói, no, khát, nóng, lạnh, mềm, rắn, ngắn, dài, to, nhỏ v.v…
Pháp trần: cảnh biết do ý thức nhận được, nghĩa là tất cả những gì là đối tượng của ý, của nhận thức đều gọi là pháp.
Trong đó sáu trần gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Các căn và trần tạo thành sắc uẩn.
2.2. Thọ uẩn :
Thọ uẩn là sự thụ nhận sáu trần bởi sáu căn. Sự thụ nhận hay cảm nhận đó có được do từng căn trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc tương ứng với từng trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Cụ thể nhãn căn thụ nhận sắc trần, nhĩ căn thụ nhận thanh trần, tỷ căn thụ nhận hương trần, thiệt căn thụ nhận vị trần, thân căn thụ nhận xúc trần, ý căn thụ nhận pháp trần. Có thể lấy ví dụ sau đây cho rõ, như :
- Khi mắt nhìn một bông hoa đẹp thì cảm nhận được màu sắc tươi sáng, vẻ thanh lịch của bông hoa đó làm cho ta vui vẻ, khoan khoái. Khi nhìn một dòng sông rộng, nước chảy xiết, đỏ màu phủ sa làm cho ta thấy lo ngại khi phải bơi qua vì sông rộng và nước chảy xiết. Khi nhìn thấy một tà áo dài tha thướt làm cho ta cảm nhận thấy cái duyên dáng, cái thanh tao của tà áo hay của người mặc áo. Vậy do mắt (nhãn căn) tiếp xúc với cảnh vật (sắc trần) mới có thọ uẩn.
- Hoặc như khi tai nghe một bài thuyết trình của một diễn giả danh tiếng thì cảm nhận được cái hay, cái ý nghĩa của từng lời nói làm cho ta xúc động, ta vui hay thích. Nhưng nếu tai nghe những lời khiếm nhã của một kẻ nào đó thì lòng cảm thấy buồn bực. Tai nghe một bản nhạc hay thì cảm nhận được cái vui, cái buồn của bản nhạc đó khiến cho tâm hồn ta rung động. Vậy do tai (nhĩ căn) tiếp xúc với âm thanh (thanh trần) mới có thọ uẩn.
- Khi ta bước vào chính điện cùa một ngôi chùa, mũi ta ngửi thấy mùi hương bay thơm một cách nhẹ nhàng thoang thoảng ta cảm nhận thấy tâm hồn thư thái thanh tịnh, hoặc khi mũi ta ngửi những làn hương thơm ngào ngạt khi ta đứng trước một vườn hoa, ta cảm thấy vui, nhưng khi ta đi qua một bãi rác bốc mùi hôi thối thì ta cảm thấy khó chịu. Vậy do mũi (tỷ căn) tiếp xúc với mùi hương (hương trần) mới có thọ uẩn.
- Khi lưỡi ta nếm được món ăn ngon, ta cảm nhận được vị thơm ngon làm cho ta vui thích, sung sướng, hoặc khi lưỡi ta đụng phải vị cay của ớt thì ta cảm nhận vị cay đó làm ta khó chịu. Vậy do lưỡi (thiệt căn) tiếp xúc với mùi vị (vị trần) mới sinh ra thọ uẩn.
- Khi tay nhận món quà của người trao tặng thì cảm thấy vui. Khi tay ta sờ vào một chiếc áo lông ta cảm thấy sự mềm dịu làm ta vui thích hoặc tay ta sờ phải cái gai thì cảm nhận thấy đau. Vậy do tay (thân căn) tiếp xúc với vật thể (xúc trần) mới có thọ uẩn v.v…
Tất cả những cái đó là sự thụ nhận tức là thọ uẩn. Bản thân các căn riêng biệt (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mà không có sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì không thể có thọ nhận được, tức không có thọ uẩn. Như vậy thọ có được là do có sự tiếp xúc giữa các căn và các trần tương ứng.
Trong Phật giáo, thọ được chia làm ba loại: lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.
- Lạc thọ là sự cảm nhận được niềm vui, cái sung sướng ở thế gian do sự tiếp xúc mà ra.
- Khổ thọ là cảm nhận nỗi buồn, sự đau khổ hay bất hạnh do cuộc đời đưa đến.
- Xả thọ hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Lúc nào cũng trước sau như một. Thí dụ mắt thấy đối tượng nào đó mà lòng vẫn dửng dưng, chẳng vui mà cũng chẳng buồn.
2.3. Tưởng uẩn:
Tưởng uẩn là sự nhận biết các tri giác như màu sắc, âm thanh, mùi vị…Sau khi lục căn tiếp xúc với lục trần (tức khi đã có thọ uẩn) để thấy được các cảnh khổ vui, xấu đẹp và sau đó bắt đầu so sánh phân biệt. Đó chính là giai đoạn tưởng uẩn. Nếu không có sự so sánh, phân biệt của tưởng uẩn thì tất cả các pháp đều bình đẳng như nhau. Vì thế cần phải có tưởng uẩn mới phân biệt tất cả các sự vật hiện tượng. Đó là tác dụng của tưởng uẩn.
Tưởng uẩn là những ấn tượng tri giác, những ấn tượng đó được sinh ra là do các hình ảnh, cảnh sắc, do âm thanh, ngôn từ, khái niệm v.v… được lưu giữ lại trong tâm hay óc con người[2]. Ví dụ khi người ta nhìn một cành hoa hồng, cành hoa đó, màu sắc đó là sự thọ nhận tức thọ uẩn. Nhưng để phân biệt so sánh với các loại hoa hồng khác hay với các loài hoa khác thì phải cần đến tưởng uẩn, nó được lưu lại trong tâm. Một ví dụ khác, người ta thường biết có nhiều loại cầu qua sông, nhưng chưa biết thế nào là chiếc cầu dây văng, khi đã một lần thấy cầu dây văng thì để lại ấn tượng trong đầu. Khi ở một nơi nào đó sẽ xây dựng một chiếc cầu dây văng, dù nó chưa được xây dựng nhưng ta đã tưởng ra được chiếc cầu dây văng sẽ xây dựng như thế nào. Một ví dụ khác : ban đêm khi ta nhìn ra cánh đồng nghĩa địa thấy những đốm ánh sáng do chất lân tinh từ trong thể xác dưới mồ bốc lên, gặp không khí trong đêm cháy sáng thì ta tưởng là ma. Đó là tưởng, nó là hình ảnh trong tâm, chứ không phải là tư tưởng mà ta thường gọi.
2.4. Hành uẩn:
Hành có nghĩa là tạo tác, là thực hiện bằng lời nói, bằng việc làm, bằng suy nghĩ điều gì đó, tức là thực hiện tạo tác bằng thân, khẩu, ý, tất cả đều gọi là Hành
Hành uẩn là những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng uẩn. Sau khi so sánh phân biệt (qua giai đoạn tưởng uẩn), thì ý niệm (tư duy, suy nghĩ) tức là tưởng uẩn bắt đầu thực hiện ý đồ nên đã sai khiến thân (chân tay) và khẩu (miệng nói) thực hành những gì ý muốn. Việc thực hiện này chính là hành trong giai đoạn hành uẩn. Vì thế ý nghiệp là nhân, còn thân nghiệp và khẩu nghiệp là kết quả của nó. Vậy hành uẩn là việc thực hiện những hành động tạo tác gây ra các nghiệp thiện và ác trên đời.
2.5. Thức uẩn:
Thức tức là sự nhận thức, nhận biết được cái gì đó. Vì vậy, thức uẩn là cái được hình thành do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà tạo nên. Đó là sáu thức. Chính sáu thức là cái giúp cho người ta phân biệt được màu sắc, âm thanh, mùi vị… Ngoài ra, thức uẩn còn chính là cái kho chứa những ý thức, tư duy, suy nghĩ, kỷ niệm, các chủng tử, ký ức...giúp cho việc thực hành hành uẩn, tạo ra nghiệp lực.
Thức bao gồm tám loại khác nhau gồm năm thức đầu tiên, còn gọi là Tiền ngũ thức. Đó là nhãn thức (cái hiểu biết của mắt), nhĩ thức (cái biết của tai), tỷ thức (cái biết của mũi), thiệt thức (cái biết của lưỡi), thân thức (cái biết của thân), rồi đến Ý thức (cái biết của ý là thức thứ sáu), Mạc na thức (thức thứ bảy) và A lại gia thức (thức thứ tám) hay còn gọi là Tàng thức[3] là cái kho chứa mọi hiểu biết, kinh nghiệm, tư duy, chủng tử, ký ức, thói quen, nghiệp lực, nó quyết định cuộc sống kế tiếp của con người.
3. Nhiệm vụ từng uẩn trong Ngũ uẩn
Ta đã biết rằng ngũ uẩn là thân con người. Đã là người thì phải có ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Con vật cũng có thân ngũ uẩn, chỉ khác con người ở chỗ những con vật đó không có lý trí, không có tri thức, hiểu biết, nhận thức. Hay nói khác đi thức uẩn của con vật ở mức độ rất thấp. Con vật chỉ thuần túy sống theo bản năng, không biết nhận thức cái tốt và cái xấu, không biết sáng tạo ra của cải vật chất. Như vậy, con vật tuy cũng có ngũ uẩn, nó có sắc uẩn là cái thân của nó, có thọ uẩn vì có thụ nhận cảm giác, ví như con trâu, khi người nông dân dùng roi điều khiển, con trâu thụ nhận cảm giác mà thực hiện theo điểu khiển của người nông dân, có tưởng, hành và thức uẩn, song cái thức uẩn của con vật vô cùng thấp và không thể phát triển như thức uẩn của con người. Chính vì vậy, đạo Phật nói rằng loài súc sinh là ngu si, là vô minh.
Một điều cần chú ý là cần phân biệt ngũ uẩn với sáu căn của con người là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bởi vì với mỗi một căn trong sáu căn của sắc uẩn đều được vận hành theo trình tự các uẩn tiếp theo là thọ, tưởng, hành, thức.
- Nhiệm vụ của sắc uẩn : Nói một cách dễ hiểu, sắc uẩn tức là phần vật chất của thân con người tiếp xúc với ngoại cảnh. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, gọi là sáu căn tiếp xúc với phần cảnh sắc bên ngoài là sáu trần gồm có sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Cả hai hợp với nhau thành sắc uẩn. Sắc uẩn có nhiệm vụ tạo sự tiếp xúc giữa con người với cảnh vật bên ngoài, nghĩa là căn tiếp xúc với đối tượng tương ứng của nó là trần.
- Nhiệm vụ của thọ uẩn : Sau khi căn tiếp xúc với trần tương ứng của nó, ví như mắt tiếp xúc với cảnh vật, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi tiếp xúc với mùi hương, lưỡi tiếp xúc với mùi vị, thân tiếp xúc vật chất, ý tiếp xúc với pháp thì tạo những cảm giác vui buồn hay không vui cũng không buồn thì gọi là thọ uẩn. Vậy thọ uẩn có nhiệm vụ cảm nhận những cảm giác từ sắc uẩn, nhưng những cảm nhận đó là cái biết chưa phân biệt được, vì vậy nó phải nhờ vào tưởng uẩn.
- Nhiệm vụ của tưởng uẩn : Một khi đã có thọ uẩn, tức là đã có cảm giác nhưng chưa phân biệt rõ rệt được những cảm giác đó như thế nào thì những cảm giác và cái biết đó được đưa thẳng vào hệ thống trung ương thần kinh não bộ tức là bộ óc, từ đó tưởng uẩn mới phân biệt và so sánh rõ cái hay, cái dở, cái vui, cái buồn, cái đẹp cái xấu. Nhiệm vụ của tưởng uẩn là so sánh, phân biệt những thọ uẩn. Tưởng uẩn là cái biết có so sánh phân biệt.
- Nhiệm vụ của hành uẩn : Nhờ tưởng uẩn làm nhiệm vụ so sánh, phân biệt dẫn đến tư tưởng thích hay không thích, vui hay buồn, muốn hay không muốn thì tư tưởng biến thành ý để sai khiến thân và khẩu thực hành những gì nó muốn, đó là nhiệm vụ của hành uẩn. Hành uẩn tạo ra nghiệp do ý nghiệp sai khiến thân nghiệp và khẩu nghiệp thực hiện. Những nghiệp đó dẫn dắt con người sinh tử luân hồi trong các kiếp và khắp các cõi.
- Nhiệm vụ của thức uẩn : Nhưng khi tưởng uẩn tạo ra sự so sánh phân biệt thì tự nó không thể làm được mà phải nhờ vào thức uẩn. Vì nhờ có thức uẩn chứa đựng những cái biết, những kinh nghiệm, ký ức, kỷ niệm, các chủng tử thiện và ác nằm trong tàng thức, thì tưởng uẩn mới có cái để so sánh phân biệt, từ đó mới dẫn đến việc thực hiện những gì nó muốn, mới đưa đến hành uẩn mà thực hiện nghiệp lực được.
Có thể lấy một ví dụ về con mắt. Con mắt (nhãn căn) nhìn bức tranh (sắc trần) tạo thành sắc uẩn. Do con mắt nhìn bức tranh tạo nên có cảm giác thọ nhận tức là thọ uẩn. Nhưng những cảm giác của thọ uẩn đó chưa phân biệt được bức tranh đẹp hay xấu như thế nào thì khi đó phải nhờ đến tưởng uẩn mới phân biệt so sánh xấu hay đep được. Nhưng tưởng uẩn không tự mình làm được nên phải nhờ thức uẩn vì thức uẩn có tàng thức chứa đựng các chủng tử, kỷ niệm, kinh nghiệm, ký ức mới so sánh được. Và sau khi so sánh phân biệt được, tưởng uẩn mới tạo ra ý định khiến hành uẩn thực hiện nhiệm vụ của mình là điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp tạo ra nghiệp lực của con người.
Đó chỉ là một ví dụ về căn mắt, các căn khác như các căn mũi, lưỡi, thân, ý cũng thực hiện theo cách như vậy.
[1] Cũng có quan điểm cho rằng cần hiểu theo một trật tự khác như trong bài viết Ngũ uẩn trong giáo lý nguyên thủy của Ðức Phật của Thích Nguyên Tạng. Trong bài viết này, tác giả xếp theo thứ tự Sắc, Thức, Tưởng, Thọ, Hành. (http:/www.quangduc.com/Thien/43nguuan.html)
[2] Trong chữ Hán, chữ Tưởng (想)có chữ Tướng (相)ở trên chữ Tâm (心), nói cách khác là trên chữ Tâm có chữ Tướng. Có hàm ý là cái tướng (hình ảnh, cảnh sắc) còn lưu lại đặt ở trong tâm mình.