Sách Phật giáo

Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần 3)

Chủ nhật, 14/10/2013 09:17

Các uẩn trong ngũ uẩn đều có tính chất lôi kéo nhau, liên hệ với nhau. Ví dụ có sắc mới có thọ. Có thọ rồi mới có tưởng, nhưng để có tưởng phải nhờ có thức

III. SỰ VẬN HÀNH CỦA NGŨ UẨN

1.Tính chất của ngũ uẩn :

1.1. Ngũ uẩn được xếp theo thứ  tự là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có cái nọ rồi mới có cái kia, không thể xếp đảo lộn[1]. Bởi vì có sắc mới có thọ, có thọ mới có tưởng, có tưởng mới có hành v.v…

1.2. Con người ta là một thể thống nhất gồm có phần vật chất là thân con người tức sắc uẩn và phần tinh thần thuộc về tâm là bốn uẩn : thọ, tưởng, hành, thức, biểu hiện ở tâm hồn, cảm giác, suy tư, lý trí và ý thức. Do đó thân và tâm thống nhất là một mới hình thành con người. Nên tính chất của uẩn là sự kết hợp, hòa quyện không rời nhau giữa tâm và thân. Không thể tách bỏ riêng ra từng phần, nghĩa là không thể thành con người nếu chỉ có thân mà không có tâm. Và ngược lại cũng không thể thành con người, nếu chỉ có tâm và không có thân.

1.3. Trong mỗi một uẩn đều có nhiều yếu tố, ví như trong sắc uẩn bao gồm thân tứ đại gọi là phù trần căn và hệ thần kinh gọi là tịnh sắc căn, trong thức uẩn cũng có nhiều thức khác nhau như tiền ngũ thức, ý thức, mạc na thức và tàng thức.

1.4. Các uẩn trong ngũ uẩn đều có tính chất lôi kéo nhau, liên hệ với nhau. Ví dụ có sắc mới có thọ. Có thọ rồi mới có tưởng, nhưng để có tưởng phải nhờ có thức.       

1.5. Sự kết tụ của năm uẩn là khổ. Nên bản chất của con người là khổ đau. Kinh Đại Bát Nhã có nói : “Cái thân con người là một đống khổ não kết tụ với nhau, là tướng của khổ đau, của sinh già bệnh chết, của tham sân si mạn vv…”.

2. Quá trình vận hành của ngũ uẩn.

Nói một cách tổng quát : Cơ thể con người mà cụ thể là năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, là hiện tượng sinh lý có sự sống mà chưa có nhận thức (ta gọi là sắc). Sự vật hay cảnh sắc bên ngoài là một hiện tượng vật lý chưa có sự sống và chưa có nhận thức (ta gọi là trần). Còn cảm giác mà ta cảm nhận được là hiện tượng tâm lý đã có sự sống và có nhận thức nhưng chưa có phân biệt. Như vậy, trong ngũ uẩn, sắc tiếp xúc với trần sinh ra thức hay nói khác đi sinh lý tiếp xúc với vật lý sinh ra tâm lý mà giai đoạn đầu tiên của tâm lý là cảm giác tức thọ uẩn.

Quá trình vận hành của ngũ uẩn có thể diễn đạt cụ thể như sau (đối với từng căn một):

2.1. Đối với con mắt (nhãn căn) :

Khi con mắt nhìn bức tranh mỹ thuật treo trên tường, tức nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì con mắt là sinh lý còn bức tranh là vật lý, hai thứ đó gọi chung là sắc uẩn. Đó mới chỉ là hình tướng mà chưa có phần tâm linh. Khi giây thần kinh thị giác của con mắt tiếp xúc với bức tranh mới tạo ra sự rung động, tạo ra những cảm giác thích thú hay không thích thú, cảm giác vui hay buồn, dễ chịu hay khó chịu thì đó gọi là thọ uẩn, tức là mới cảm nhận nhưng chưa có sự phân biệt được cái thích thú, vui buồn là do cái gì và như thế nào. Nhưng khi bộ óc và hệ thần kinh tiếp xúc với những cảm giác đó thì mới có tư tưởng tức là tưởng uẩn. Và khi đó tưởng uẩn mới phân biệt được bức tranh ấy đẹp hay xấu, màu sắc nền nã hay sặc sỡ, bố cục bức tranh hài hòa hay lộn xộn, chân thực hay không chân thực, có sức truyền cảm hay không ? Nhưng để phân biệt so sánh những điều đó thì tưởng uẩn phải nhớ lại mới có thể so sánh, phân biệt. Những cái cần nhớ lại đó là những cái đã có trong số các ký ức, kinh nghiệm, kỷ niệm, những chủng tử thiện ác nằm trong thức uẩn mà cụ thể là trong tàng thức vì tàng thức chỉ là một trong tám thức khác nhau. Ở đây cần nói thêm, Phật giáo quan niệm cái biết của con người tức thức uẩn bao gồm tám loại thức khác nhau (như đã nói ở phần trên) mà tàng thức là thức thứ tám.

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tưởng uẩn không thể tự mình có cái để mà phân biệt so sánh vì những cái đó nằm trong tàng thức, nên tưởng uẩn phải nhờ thức thứ 7 tức Mạc na thức đưa tư tưởng vào thức uẩn (tàng thức) mới có thể so sánh, phân biệt giữa những cái vừa thấy với những cảm xúc, chủng tử, kinh nghiệm, ký ức đã xảy ra trong quá khứ đã ghi lại nằm trong tàng thức. Cụ thể ở đây là trong tàng thức đã có sẵn những ký ức về những tác phẩm mỹ thuật mà người ta đã lưu giữ từ cuộc sống trong quá khứ để lại, nên có thể so sánh, phân biệt và đánh giá, thưởng thức được. Khi so sánh xong, thì tư tưởng biến thành ý thức (thức thứ 6) để sai khiến thân và khẩu thực hiện những gì nó muốn tức là hành uẩn, tạo ra các nghiệp thiện và ác cho con người. Ví dụ đối với một người chơi tranh nghệ thuật, sau khi xem tranh xong nảy ra ý định muốn có bức tranh ấy về treo trong nhà, nhưng khả năng tài chính không đủ tiền để mua bức tranh đó thì lòng dằn vặt đau khổ, tìm mọi cách để có tiền mua được bức tranh đó về. Sự dằn vặt cùng với nỗi lo toan làm sao để có tiền đã làm cho anh ta sống không yên ổn, đó là nỗi khổ của anh ta. Còn đối với kẻ có lòng tham thì khi vào bảo tàng xem tranh, thấy bức tranh có giá trị nảy ra thủ đoạn ăn cắp và tìm mọi cách để đoạt được bức tranh đó, gây ra tội vi phạm pháp luật và kết cục nghiệp anh ta phải gánh chịu là ngồi tù trong trại giam, chịu sự khổ sở trong đời. Sở dĩ có như vậy là do tư tưởng, ý niệm xuất phát từ tưởng uẩn gây ra. Do đó tưởng uẩn là nguồn gốc tạo ra các nghiệp để đưa con người vào con đường đau khổ, con đường sinh tử luân hồi. Người ta còn gọi tưởng uẩn là nguồn gốc của mọi sai lầm chủ quan của con người, vì nếu chủ quan thì tưởng uẩn sẽ dẫn đến mọi cách giải quyết công việc không đúng và gây ra sai lầm tội lỗi. Như vậy tưởng uẩn là cội nguồn gây ra hành uẩn, tạo các nghiệp lực để đưa con người vào con đường thiện hay ác mà thường là con đường đau khổ.

Một ví dụ khác về con mắt tức nhãn căn: Có một chàng thanh niên trong buổi kỷ niệm mừng sinh nhật của người bạn thân đã  gặp các cô gái cùng đến dự. Mắt của anh ta nhìn chăm chú đến một trong những cô gái đến dự, nghĩa là nhãn căn tiếp xúc với sắc trần tạo nên sắc uẩn, nhưng sắc uẩn đó chỉ là hình tướng chưa có phần tâm lý. Sau đó giây thần kinh thị giác của con mắt do nhìn thấy cô gái mới tạo nên sự rung động, nảy sinh cảm giác có cảm tình với cô gái đó, tức là giai đoạn thọ uẩn và qua quá trình vận hành từ thọ uẩn đến tưởng uẩn, rồi từ tưởng uẩn nhờ vào sự so sánh, phân biệt với các tình cảm, kỷ niệm, ký ức, các chủng tử của cuộc đời của anh ta có sẵn trong tàng thức (thức thứ 8) làm cho anh ta nảy sinh ra ý niệm yêu đương trìu mến, về nhà thì thương vụng nhớ thầm, cái tham ái nổi lên làm cho anh ta đau khổ.

2.2. Đối với cái tai (nhĩ căn):

Khi tai ta nghe thấy tiếng sấm rền, tiếng gió rít trên không trung, tức nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần thì cái tai là sinh lý, còn tiếng sấm và tiếng gió là vật lý, hai thứ đó gọi chung là sắc uẩn. Đó mới chỉ là hình tướng mà chưa có phần tâm linh. Khi giây thần kinh thính giác của tai tiếp xúc với âm thanh của sấm và của gió mới tạo ra sự rung đông, những cảm giác vui hay buồn, ghê sợ hay không ghê sợ thì đó gọi là thọ uẩn, tức là mới cảm nhận nhưng chưa có sự phân biệt được cái ghê sợ, vui buồn là như thế nào. Nhưng khi bộ óc và hệ thần kinh tiếp xúc với những cảm giác đó thì mới có tư tưởng tức là tưởng uẩn. Và khi đó tưởng uẩn mới phân biệt được những âm thanh đó sẽ đưa đến cái gì, một trận mưa hay trận bão sắp kéo đến ? Nhưng để phân biệt so sánh những điều đó thì tưởng uẩn phải nhớ lại mới có thể so sánh, phân biệt. Những cái cần nhớ lại đó là những cái đã có trong số các ký ức, kinh nghiệm, kỷ niệm, những chủng tử thiện ác nằm trong thức uẩn mà cụ thể là trong tàng thức. Tuy nhiên, tưởng uẩn không thể tự mình có cái để mà phân biệt so sánh vì những cái đó nằm trong tàng thức, nên tưởng uẩn phải nhờ thức thứ 7 tức Mạc na thức đưa tư tưởng vào tàng thức mới có thể so sánh, phân biệt giữa những cái vừa nghe thấy với những cảm xúc, chủng tử, kinh nghiệm đã xảy ra trong quá khứ đã ghi lại nằm trong tàng thức. Cụ thể ở đây là trong tàng thức đã có sẵn những ký ức về những tiếng sấm rền, tiếng sét đánh, tiếng gió gào, tiếng mưa rơi đã lưu giữ từ quá khứ để lại, nên có thể so sánh, phân biệt và đánh giá kết quả sẽ như thế nào. Khi so sánh xong, thì tư tưởng biến thành ý thức (thức thứ 6) để sai khiến thân và khẩu thực hiện những gì nó muốn tức là hành uẩn, tạo ra các hành động như tìm cách phòng chống thiên tai, củng cố nhà cửa cho vững chắc, hoặc sơ tán gia đình, cùng súc vật và của cải để chống mưa, bão, lũ lụt có thể sắp sảy đến.

Một ví dụ khác, có một đại gia trong một lần đi xem một vở cải lương, anh ta được nghe một giọng hát từ một nữ tài tử. Tai anh ta  nghĩa là nhĩ căn tiếp xúc với tiếng hát tức thanh trần tạo nên sắc uẩn, nhưng sắc uẩn đó chỉ là phần vật lý tiếp xúc với phần sinh lý và chưa có phần tâm lý. Sau đó giây thần kinh nhĩ giác của tai do nghe được tiếng hát của nữ tài tử mới tạo nên sự rung động, nảy sinh cảm giác say mê tiếng hát và có cảm tình với tiếng hát hay đó, tức là sang giai đoạn thọ uẩn và qua quá trình vận hành từ thọ uẩn đến tưởng uẩn, rồi từ tưởng uẩn nhờ vào sự so sánh, phân biệt với các những âm thanh, tiếng hát, những kỷ niệm, ký ức, các chủng tử của cuộc đời của anh ta có sẵn trong tàng thức (thức thứ 8) làm cho anh ta nảy sinh ra ý niệm say mê tiếng hát và cảm thấy cuộc sống của anh không thể không có tiếng hát ngọt ngào và say đắm lòng người của người nữ tài  tử kia. Rồi sinh ra yêu đương trìu mến muốn có người nữ tài tử là của riêng của mình để một mình mình hàng ngày được nghe tiếng hát. Từ cái thủ uẩn đó đã phát sinh lòng tham ái, yêu đương rồi tìm cách để chiếm được nữ tài tử về nhà cho mình mà gây ra bao đau khổ phiền não cho cuộc đời anh ta khi không được thỏa mãn lòng khao khát yêu đương đó.

2.3. Đối với cái mũi (tỷ căn) :

Khi mũi ta ngửi thấy mùi hương trầm trên chính điện của ngôi chùa, hay mùi hương của những bông hoa cúng Phật, tức tỷ căn tiếp xúc với hương trần thì cái mũi là sinh lý, còn mùi hương hoa trong chùa thuộc về cảnh trần tức là phần vật lý, hai thứ đó gọi chung là sắc uẩn. Đó mới chỉ là hình tướng mà chưa có phần tâm linh. Khi giây thần kinh khứu giác của lỗ mũi tiếp xúc với mùi hương hoa trong chùa mới tạo ra sự rung động, những cảm giác vui hay buồn, dễ chịu và thanh thản thì đó gọi là thọ uẩn, tức là mới cảm nhận nhưng chưa có sự phân biệt được cái dễ chịu, vui buồn là như thế nào. Nhưng khi bộ óc và hệ thần kinh tiếp xúc với những cảm giác đó thì mới có tư tưởng tức là tưởng uẩn. Và khi đó tưởng uẩn mới phân biệt được mùi hương trầm và mùi hoa ấy thơm như thế nào, nhẹ nhàng hay ngào ngạt ? Và để phân biệt so sánh những mùi hương đó thì tưởng uẩn phải nhớ lại mới có thể so sánh, phân biệt. Những cái cần nhớ lại đó là những cái đã có trong số các ký ức, kinh nghiệm, kỷ niệm, những chủng tử  nằm trong thức uẩn mà cụ thể là trong tàng thức. Tuy nhiên, tưởng uẩn không thể tự mình có cái để mà phân biệt so sánh vì những cái đó nằm trong tàng thức, nên tưởng uẩn phải nhờ thức thứ 7 tức Mạc na thức đưa tư tưởng vào thức uẩn (tàng thức) mới có thể so sánh, phân biệt giữa những mùi hương, mùi hoa vừa ngửi thấy với những cái đã có trong các chủng tử, kinh nghiệm đã tiếp thu được trong quá khứ nằm trong tàng thức. Cụ thể ở đây là trong tàng thức đã có sẵn những ký ức về những mùi hương hoa mà con người đã lưu giữ từ cuộc sống trong quá khứ để lại, nên có thể so sánh, phân biệt và đánh giá, thưởng thức được. Khi so sánh xong, thì tư tưởng biến thành ý thức (thức thứ 6) để sai khiến thân và khẩu thực hiện những gì nó muốn tức là hành uẩn, tạo ra các nghiệp thiện và ác cho con người. Ví dụ đối với một người Phật tử thuần thành khi ngửi thấy mùi hương hoa trong chùa thì lòng thấy nhẹ nhàng, tâm thanh tịnh, tăng trưởng lòng thành tín với Phật pháp, thấy cuộc sống thường ngày bớt khổ hơn, thấy con đường đi theo Phật pháp là con đường đưa ta đến từ bi hỷ xả, từ đó tăng thêm công đức làm việc thiện, tạo rất nhiều nghiệp thiện trong đời.  Còn đối với những kẻ không có lòng tin theo đạo Phật thì chỉ thấy mùi hương là mùi hương, mùi thơm của hoa chỉ là mùi thơm của hoa không mảy may tác động đến đời sống tâm linh của anh ta. Sở dĩ có như vậy là do tư tưởng, ý niệm xuất phát từ tưởng uẩn gây ra. Do đó tưởng uẩn là nguồn gốc tạo ra các nghiệp là vì thế.

Như trên đã lấy 3 căn mắt, tai, mũi để chứng minh cho sự vận hành của ngũ uẩn. Đối với các căn khác là lưỡi, thân, ý, sự vận hành của ngũ uẩn cũng đều như thế. 

3. Tầm quan trọng của Ngũ uẩn:

Có thể tóm tắt quá trình vận hành của ngũ uẩn như sau:

Quá trình vận hành của ngũ uẩn diễn ra tuần tự xuất phát từ các căn tiếp xúc với các trần tạo thành sắc uẩn. Nhưng sắc uẩn mới chỉ là hình tướng mà chưa có phần tâm linh. Khi giây thần kinh tiếp xúc với sắc trần mới tạo ra sự rung động, tạo ra những cảm giác thích thú hay không thích thú, cảm giác vui hay buồn, dễ chịu hay khó chịu thì đó gọi là thọ uẩn. Nhưng thọ uẩn mới cảm nhận được mà chưa có sự phân biệt và so sánh được cái cảm nhận đó như thế nào, đến khi bộ óc và hệ thần kinh tiếp xúc với những cảm giác đó thì mới có tư tưởng tức là tưởng uẩn. Khi đó tưởng uẩn mới phân biệt và so sánh được tính chất và trạng thái của cảm giác. Nhưng để phân biệt so sánh thì tưởng uẩn phải nhớ lại mới có thể so sánh, phân biệt. Những cái cần nhớ lại đó là những cái đã có trong số các ký ức, kinh nghiệm, kỷ niệm, những chủng tử thiện ác nằm trong thức uẩn mà cụ thể là trong A lại da thức tức tàng thức. Tuy nhiên, tưởng uẩn không thể tự mình có thể phân biệt so sánh, nên tưởng uẩn phải nhờ thức thứ 7 tức Mạc na thức đưa tư tưởng vào thức uẩn tức tàng thức (thức thứ 8) mới có thể so sánh, phân biệt được. Khi so sánh xong, thì tư tưởng biến thành ý thức (thức thứ 6) để sai khiến thân và khẩu thực hiện những gì nó muốn tức là hành uẩn, hành uẩn tạo ra các nghiệp thiện và ác cho con người. Ta thấy, tư tưởng tức thức thứ 6 chi phối mọi hoạt động của con người thông qua hành uẩn, sai khiến thân và khầu tạo tác các nghiệp. Vì thế tư tưởng, ý niệm có phát lên được là do có thức uẩn tức là tàng thức, cho nên nếu con người đánh mất thức uẩn thì không thể nào phát khởi lên bất cứ ý niệm nào được.

Một khi thân và khẩu tạo tác ra nghiệp thì tất cả những chủng tử thiện ác do nghiệp gây ra lại sẽ được chứa trở lại trong tàng thức của thức uẩn. Vậy thức uẩn là cái kho tàng chất chứa tất cả những chủng tử của kinh nghiệm, ký ức, kiến thức cùng với tất cả những chủng tử thiện, ác hay không thiện không ác từ trước tới nay. Do đó, cái nhân mà con người đã tạo tác được chứa trong tàng thức, một khi có đủ duyên thì sẽ phát khởi mà sinh ra quả báo thể hiện đúng theo quy luật của nhân quả.

Trong từng giai đoạn vận hành của ngũ uẩn, sự hình thành của từng uẩn đều tác động đến đời sống con người. Ví như giai đoạn thọ uẩn, người học Phật cần phải hiểu chữ thọ một cách sâu sắc. Ta nhận thấy rằng khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tất nhiên ta cảm nhận hay thọ nhận những cái vui hay cái buồn, cái hay hay cái dở, cái sung sướng hay khổ đau, tức là thụ nhận cái lạc thọ hoặc cái khổ thọ hay cái không lạc và không khổ. Cả 3 cái thọ đó đều có thể gây ra đau khổ.

Khi tâm ta thọ cái vui, cái sung sướng (tức lạc thọ) thì sẽ bị lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) lôi kéo làm cho tâm ta không sáng suốt, dễ mê lầm. Ví như mắt ta nhìn thấy những bông hoa đẹp ta thấy vui thích tức lạc thọ, muốn hưởng cái niềm vui đó mãi và vì vậy muốn ngắt những bông hoa đó về cho mình dù không phải là của mình. Cái lạc thọ đó đưa đến lòng tham. Hoặc khi ăn một món cao lương mỹ vị, của ngon vật lạ, ta thấy khoái khẩu, đó là lạc thọ và cứ muốn có mà ăn mãi. Và nếu không được ăn như thế luôn thì cảm thấy thiếu thốn, thèm khát. Nỗi thèm muốn đó thôi thúc làm mọi cách để thỏa mãn lòng tham muốn đó, sẽ gây ra những nghiệp gây hậu quả khổ sở sau này. Khi đi qua một người giàu sang có sức mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng và quý phái, ta thèm muốn có được loại nước hoa đắt tiền đó để dùng, đó là lạc thọ, mà nếu không có được thì  sinh ra buồn khổ day dứt, tự gây khổ cho mình. Do đó chạy theo lạc thọ là chay theo lòng tham muốn đưa đến nghiệp lực phải chịu quả khổ, chạy theo lạc thọ tức là chay theo nỗi khổ sinh tử luân hồi.

Còn khi ta có những chuyện đau buồn tức là ta cảm nhận những đau khổ đắng cay của cuộc đời (tức khổ thọ) thì tâm ta càng không yên ổn, sự bực tức xuất hiện làm cho tâm sân phát triển. Một khi tâm sân phát triển ta không thể nào tránh được những hành xử không đúng và dĩ nhiên dễ gây ra nghiệp bất thiện. Do đó khổ thọ cũng có thể đưa con người ta vào vòng sinh tử luân hồi.

Vi vậy Đức Phật dậy hàng phật tử phải hiểu thật sâu rộng cái chữ thọ, phải thấy tác dụng của thọ uẩn đưa đẩy con người ta vào vòng sinh tử luân hồi như thế nào.

Trong  bộ Lương Hoàng Sám có nói đến nguồn gốc của oán thù đau khổ như sau : “Chính vì mắt tham sắc, tai tham tiếng, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân tham xúc tế nhị nên chúng sinh thường bị các ngoại trần ràng buộc, nhiều kiếp ở trong đêm dài mờ mịt, không được giác ngộ và giải thoát”..

Đến đây, ta có thể thấy mấy vấn đề cơ bản sau :

- Sắc thân con người là phần vật chất cấu tạo do bốn yếu tố mà nhà Phật gọi là đất, nước, gió, lửa. Khoa học hiện đại gọi là bốn trạng thái hay bốn yếu tố chất rắn, chất lỏng, chất khí và chất nhiệt. Tuy nhiên thân cũng có hai phần là sắc thân tứ đại còn goi là phù trần căn và phần thứ hai gọi là tịnh sắc căn tức là hệ thống thần kinh não bộ. Vì vậy, khi con người chết, phần vật chất tức thân tứ đại chết ngay, tim ngừng đập, nhưng tịnh sắc căn chưa chết. Đạo Phật cho rằng phải ít nhất là tám tiếng đồng hồ sau đó thì tất cả các giây thần kinh mới ngừng hoạt động. Vì thế trong khi một người hấp hối cần có hộ niệm và khi tim ngừng đập, không còn hơi thở, phải chờ đến từ tám giờ đồng hồ trở lên mới được động đến thi thể để cho thần thức thoát ra ngoài được trọn vẹn.

- Phật giáo cho rằng phần tâm linh của con người gồm có 4 tâm khác nhau. Bốn tâm đó bao chứa tám thức của con người gọi là bát thức tâm vương:

+ Tâm thứ nhất gọi là tiền ngũ thức tức, chính là năm thức đầu tiên gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức, còn gọi là trực tâm. Đó là cái cảm giác, là cái biết nhưng chưa có sự phân biệt của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đó là cái biết của trực giác cho ta những cảm giác đầu tiên.

+ Tâm thứ hai chính là tư tưởng, là ý thức (thức thứ 6). Tâm này dựa vào  sự làm việc của bộ óc để phân biệt, so sánh cái phải, cái trái, cái tốt, cái xấu, cái hay, cái dở…Vì vậy, tâm thứ hai này rất quan trọng vì nó quyết định đi đến hành động của con người, đưa con người đến với nghiệp lực hoặc bị đọa lạc hay được hưởng hạnh phúc. Vì lẽ đó, Đức Phật đã dậy trong kinh Pháp cú :

Tâm dẫn đầu các Pháp

Tâm làm chủ tạo tác.

Đối với tâm nhiễm ô

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như bánh xe lăn theo

Dấu chân con vật kéo

                             (Pháp cú 1)

Tâm dẫn đầu các Pháp

Tâm làm chủ tạo tác.

Đối với tâm thanh tịnh

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình

                             (Pháp cú 2)

Hai bài kệ trên là hai bài kệ mở đầu bản Kinh Pháp cú[2], cho ta thấy vai trò làm chủ của tâm, ý đối với thân và khẩu rất rõ ràng. Đồng thời cho thấy mối tương quan nhân quả từ nơi tâm ý con người mà có quả báo thiện hay ác. Do đó, hạnh phúc hay khổ đau đều từ tâm ý con người kiến tạo ra và phải thọ nhận.

Vì vậy người Phật tử hay hành giả có thể điều khiển được cái tâm, ý thức để thoát ly được sinh tử luân hồi, đi đến giải thoát, giác ngộ.

+ Tâm thứ ba là thức thứ bảy tức là mạc na thức. Tâm này có nhiệm vụ giúp cho thức thứ sáu (tư tưởng, ý thức) nhằm lựa chọn sự so sánh, phân biệt những gì có lợi cho cái Ta và cái của Ta nằm trong tàng thức (thức thứ tám) để rồi quyết định bằng cách điều khiển tiền ngũ thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức) thực hiện hành động để tạo ra nghiệp. Vì thế tâm này thường được gọi là tâm nghiệp, vì nó là công cụ giúp cho tư tưởng tức thức thứ sáu lục tìm những chủng tử đã có trong a lại da thức để so sánh phân biệt, giúp cho tư tưởng tức thức thứ sáu tạo nghiệp.

+ Tâm thứ tư là tâm sau cùng, cũng là thức thứ tám là kho chứa tất cả kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, kỷ niệm và tất cả những chủng tử thiện, ác, tốt, xấu, không tốt cũng không xấu v.v...từ vô thủy tới nay.

Ngày nay khoa học cho rằng bộ óc con người là nơi dung chứa tất cả mọi sự hiểu biết của con người, nhưng giáo lý đạo Phật thì không cho là như vậy. Bởi vì nếu sự hiểu biết của con người chứa trong bộ óc thì  khi con người chết, thân thể hủy diệt thì bộ óc cũng bị hủy diệt, vậy sự hiểu biết cũng phải hủy diệt theo. Nhưng trên thực tế, khi con người chết, bộ óc bị hủy diệt nhưng thần thức tức tất cả những chủng tử chứa trong tàng thức thoát ra khỏi xác chểt (ít nhất là sau tám tiếng đồng hồ) rồi bay vào không gian qua giai đoạn thân trung ấm để đầu thai vào thân xác mới. Nhiều cuốn sách nói về cái chết đã chứng minh điều đó. Đây là chỗ khác nhau giữa khoa học hiện đại và đạo Phật.

Chỗ khác nhau nữa giữa khoa học hiện đại với đạo Phật còn thể hiện ở chỗ : Những chứng minh của khoa học hiện đại nói về các bộ não siêu việt của các nhà bác học vĩ đại, cho rằng những bộ óc đó có rất nhiều ngăn tinh tế được sắp xếp một cách phức tạp hơn những bộ não bình thường và cho rằng đó là những ngăn chứa những tư tưởng khác thường, tạo ra những phát minh vĩ đại.

Nhưng đạo Phật  cho rằng : trên thực tế, những phát minh mới lạ của các nhà bác học cũng phải trải qua rất nhiều công phu tìm tòi trong phòng thí nghiệm, phải giải quyết nhiều bài toán về toán học, vật lý học, hóa học, thiên văn vũ trụ học v.v…Mà muốn giải những bài toán ấy cũng phải dựa vào những cái đã có tức là những phát minh đã có, những bài toán đã có, những định đề, những định luật và định lý khoa học đã có từ trước mới phát triển lên và mới phát minh ra được.

Như vậy rõ ràng là phải có “những cái đã có”  để mà so sánh phân biệt. Những cái đã có đó đã nằm trong tàng thức, bỏi vì muốn nhớ lại “những cái đã có” thì phải quay về cái kho chứa “những cái đã có” trong thức uẩn tức trong tàng thức mà ta thường gọi một cách tổng quát là những ký ức, kỷ niệm, kiến thức, kinh nghiệm và các chủng tử.     

Điều trình bày trên cũng chứng minh cho lý thuyết duyên khởi của Đạo Phật. Đạo Phật nói rằng mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều phải có nhân và có duyên hòa hợp với nhau mới tạo thành. Vì vậy, các phát minh sáng tạo của các nhà bác học trong quá trình nghiên cứu đều phải quay về với những cái đã có trong tàng thức là nhân và từ đó nghiên cứu, tìm tòi, phát triển thêm tức là thêm duyên để tạo thành kết quả là các phát minh sáng tạo.  Những phát minh sáng tạo tức là tưởng uẩn, tức tư tưởng sau đó mới sai khiến chuyển sang hành uẩn tức là chuyển sang thực hành.

Còn đối với một người bị bệnh thần kinh mất trí nhớ có nghĩa là một bộ phận trong bộ óc bị hỏng, nên họ có dùng tưởng uẩn để nhớ lại thì cũng không thể nào tìm được gì trong thức uẩn (tàng thức) vì tư tưởng tức tưởng uẩn của họ không còn tác động với bộ óc vì một bộ phận bộ óc bị hỏng, nên không vào được thức uẩn (tàng thức) để tìm kiếm so sánh phân biệt mặc dù thức uẩn tức tàng thức vẫn còn đó.

Tóm lại, khi con người sắp chết, thân tứ đại rã rời và rồi sắc uẩn ngừng hoạt động, hệ thần kinh cũng ngừng hoạt động nên không còn cảm nhận cảm giác tức là thọ uẩn cũng mất. Một khi bộ óc ngừng hoạt động thì tư tưởng cũng ngừng theo nên tưởng uẩn cũng biến mất. Do tưởng uẩn không còn nên hành uẩn cũng không còn nữa. Chỉ còn có thức uẩn là vô hình và không tùy thuộc vào bộ óc con người nên thức uẩn vẫn tồn tại khi thân xác con người bị hủy diệt. Cái thức uẩn bao gồm những kiến thức, kỷ niệm, ký ức, kinh nghiệm, thói quen và các chủng tử thiện ác vẫn tồn tại và thoát ra khỏi thân con người để đi vào một cõi khác.

Còn nữa...

Trích tập sách "Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ" của tác giả Phạm Đình Nhân
Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn


[1] Tuy nhiên cũng có nhà nghiên cứu xếp theo một thứ  tự khác như trong chú thích ở điểm chú thích 1. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng nên sắp xếp theo thứ tự sắc, thọ, thọ, tưởng, thức, hành.

[2] Kinh Pháp cú  là cuốn kinh chọn lọc những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế bao gồm những lời dạy tinh túy về giáo lý và mang tính chất triết học cho cả hai giới xuất gia và tại gia.  Cuốn kinh này gồm 26 phẩm, 423 bài kệ. Ở Việt Nam cuốn kinh này đã được Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang Việt ngữ.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần 2)

  • Ngũ uẩn, bài học về diệt khổ (Phần 1)



  • loading...