Kiến thức
Người chết đi về đâu trong 7-7-49 ngày và gia quyến nên làm gì để lợi ích cho người chết?
Thứ ba, 04/04/2023 02:27
Con người chết đi về đâu không chỉ là câu hỏi thắc mắc của gia đình có người mới mất mà đó cũng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay.
Với trí tuệ của bậc Thế gian giải, Đức Phật khẳng định thế giới tâm linh là có thật. Con người có hai phần: Một là thân xác vật chất; hai là tâm hồn hay còn gọi là tâm linh. Khi chúng ta sống, tâm là thứ điều khiển, chi phối thân. Khi chúng ta chết, bỏ thân xác (nếu chưa chứng đắc đạo giải thoát) thì phần tâm linh lại tiếp tục đi vào một chu trình tiếp theo mà đạo Phật gọi là luân hồi, tái sinh. Và trong 49 ngày kể từ khi bỏ báo thân là khoảng thời gian chờ nghiệp quả phán xét cảnh giới tái sinh của người mất đó.
Vậy trong thời gian chờ đợi ấy, thần thức của người chết đi về đâu và thần thức đó tồn tại như thế nào? Để tìm ra lời giải đáp này, xin kính mời quý Phật tử cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.
Sau khi rời bỏ thân xác, thần thức người chết đi về đâu?Trong lịch sử Phật giáo có kể câu chuyện khi Đức Phật về hoàng cung giáo hóa Hoàng tộc. Với thắc mắc về nơi mà người chết bất đắc kỳ tử sẽ tới, đại tướng Ma Ha Nam (anh ruột của Ngài A Na Luật - Bậc có Thiên nhãn đệ nhất) đã tới bạch Đức Phật và được Ngài dạy rằng: Như cái cây bị nghiêng về một bên, nếu có người đến cắt gốc thì cây đó sẽ bị đổ về phía bị nghiêng. Cũng vậy, một người sau khi chết dù là chết bất đắc kỳ tử thì cũng sẽ theo nghiệp họ đã gây tạo mà tái sinh.
Theo đó, có hai trường hợp có thể xảy ra với thần thức của người sau khi chết: Thứ nhất là đi tái sinh luôn, thứ hai là tồn tại ở dạng thân trung ấm. Để hiểu rõ hơn về các trường hợp này, chúng ta cùng tìm hiểu qua hai mục sau:
1. Tái sinh luôn vào các cõi tương ứng với nghiệp đã gây tạo
Theo lời Đức Phật dạy, một người sau khi chết, nếu có phước báu lớn, ba nghiệp được thanh tịnh hoặc chứng đắc pháp tu trong Phật Pháp thì người đó có thể sinh về cảnh giới của chư Phật. Nếu tu được mười việc thiện hoặc tu tập Bát quan trai giới tinh nghiêm thì được sinh lên cõi Trời. Nếu thực hành tốt 5 giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa, nghiện ngập thì được tái sinh về làm người ngay lập tức.
Còn với những người tạo tội cực nặng như ngũ nghịch trọng tội (giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu, giết A-la-hán) thì thần hồn của người đó lập tức đọa xuống địa ngục và phải chịu sự đau khổ trong muôn nghìn kiếp.
2. Tồn tại ở dạng thân trung ấm trong 49 ngày
Với những người chưa có định nghiệp thì sau khi chết thần thức sẽ tồn tại ở dạng vật chất gọi là thân trung ấm. Thân ấy có hình dáng giống như thân tiền kiếp của người đã mất nhưng có chiều cao thấp hơn. Như trong sách Tử thư Tây Tạng có ghi rằng, với người trưởng thành thì thân trung ấm có chiều cao khoảng bằng đứa trẻ lên bảy tuổi.
Ngoài ra, theo góc nhìn của nhà Phật thì thân trung ấm còn có đặc điểm là rất nhẹ và đặc biệt là có thể đi xuyên qua tường, qua vách. Thân trung ấm tồn tại trong khoảng thời gian từ một tuần cho đến hết bảy tuần (tức khoảng 49 ngày) và mỗi tuần sẽ tái hiện cảnh lúc nó chết một lần.
Theo lời dạy của Đức Phật trong kinh Địa tạng, vì chưa biết tội phước của bản thân nên trong 49 ngày này, thần thức của người mất ở trạng thái vơ vẩn, mịt mờ như ngây như điếc hoặc thần thức sẽ ở các ty sở (tòa án lương tâm) để tra khảo, luận tội theo nghiệp quả mà người đó đã tạo tác kể từ khi còn sống trên dương thế cho đến lúc từ giã cõi đời.
Nếu nghiệp bất thiện nặng, sẽ chìm xuống ba đường dữ: súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Ngược lại, nếu nghiệp thiện nhiều hơn thì có thể tái sinh về làm người, sinh lên cõi Thần hoặc cõi Trời. Tuy nhiên không phải tất cả vong hồn đều tồn tại ở thân trung ấm trong đủ 49 ngày rồi mới đi tái sinh.
Có những người chỉ sau tuần đầu tiên là được chuyển kiếp, có người lại tái sinh sau tuần thứ hai, tuần thứ ba,... Nhưng muộn nhất là đến ngày thứ 49 (tức tuần thứ 7) là các vong hồn sẽ đều chuyển kiếp tái sinh vào cảnh giới tương ưng với nghiệp của họ.
Từ đây chúng ta hiểu rằng, thân trung ấm chính là thân nối tiếp giữa kiếp trước với kiếp sau. Sau khi chết chúng ta sẽ tùy theo nghiệp đã gây tạo mà tái sinh.
Gia quyến nên và không nên làm gì để lợi ích cho người chết trong 49 ngày?Trong kinh Địa tạng, Đức Phật dạy: “Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho”.
Tiếp đó, trong kinh Tương Ưng bộ 5, chương 56, Tương Ưng sự thật, phẩm Năm sanh thú, Đức Phật cũng dạy: Chúng sinh ở cõi đời này sau khi thân hoại mạng chung, số chúng sinh đủ phước duyên tái sinh trở lại làm người ít như đất ở móng tay, còn chúng sinh đọa làm ngạ quỷ, địa ngục thì nhiều như đất ở đại địa.
Tìm hiểu Phật Pháp, chúng ta cũng biết rằng nếu đọa vào cõi ngạ quỷ, địa ngục thì sẽ phải chịu muôn vàn nỗi thống khổ. Vậy để làm những việc lợi ích nhất cho thân quyến đã mất cũng như giúp cho họ không rơi vào cảnh giới khổ, chúng ta nên và không nên làm gì?
1. Nên phát nguyện tu tập, tụng kinh, làm các việc phúc thiện trong 49 ngày
“Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc sanh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích”.
(Trích kinh Địa tạng phẩm 7, Lợi ích cho kẻ còn người mất)
Y lời Phật dạy, khi gia đình có thân quyến qua đời chúng ta nên bố thí, phóng sinh, sám hối,... Trong trường hợp tư duy người thân có thể sinh về cõi ngạ quỷ thì chúng ta nên tụng đọc các bộ kinh sau:
Trường hợp 1: Nếu khi làm người vong linh đã tạo phúc lành thì họ sẽ không thuộc chúng sinh đói khổ, đau đớn, họ chỉ do chấp kiến. Vậy nên khi chúng ta tụng kinh cho họ nghe, họ giác ngộ mà được siêu thoát. Trong trường hợp này, chúng ta nên tụng kinh Bát Đại nhân giác, kinh Nhân quả và kinh Tam Bảo.
Trường hợp 2: Nếu khi còn sống mang thân người vong linh không tạo công đức phước báo mà lại tà kiến, tạo nhiều nghiệp ác thì họ sẽ bị đói khổ, đau đớn. Trường hợp này chúng ta nên tụng các bài kinh có ý nghĩa về năng lực của công đức phước báu và lợi ích khi được hưởng công đức phước báu ấy để vong linh giác hiểu và hoan hỷ nhận phần phước báu do gia đình làm công đức hồi hướng cho họ. Theo đó các bài kinh nên tụng đó là kinh Địa Tạng, kinh Vu lan, kinh Ngạ quỷ ngoại bức tường,…
2. Nên cúng tế đồ chay cho người mất
Đây là việc lợi ích mà chúng ta nên làm để hồi hướng phước báu cho thân quyến đã khuất. Bởi trong kinh Tế Đàn, Đức Phật dạy: “Những loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn liên hệ đến sát sinh, ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán không có đi đến”. Ở đây, Đức Phật nói tất cả những đàn lễ có sát sinh bò, lợn, gà, trâu,… thì Ngài đều không tán thán đàn lễ đó.
Trong kinh Địa tạng Bồ Tát Bổn Nguyện phẩm 7, Đức Phật dạy những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến thuộc chết, nếu có thể làm món chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thì kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích.
3. Nên cầu siêu cho vong linh đã mất
Theo lời Đức Phật dạy, việc cầu thỉnh chư Tăng tác lễ cầu siêu sẽ giúp cho người mất được chư Tăng khai thị, từ đó giác ngộ về nhân quả, được quy y Tam Bảo trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn, được phát tâm Bồ đề tu hành theo chính Pháp và hơn thế là họ có cơ duyên được tái sinh vào những nơi cao quý tốt đẹp. Đây là việc làm báo hiếu rất lợi ích của người con Phật đối với gia quyến của mình.
Thực hành theo lời Phật dạy và thể theo lời cầu thỉnh của nhân dân, Phật tử, tại chùa Ba Vàng vào các ngày 14, 30 âm lịch (hoặc 29 tháng thiếu) hàng tháng có tổ chức lễ cầu siêu cho vong linh. Buổi lễ sẽ diễn ra vào khoảng 7 rưỡi, 8 giờ sáng. Nếu quý Phật tử có mong muốn cầu siêu cho thân quyến quá vãng thì quý vị gửi thông tin (họ tên người mất, ngày mất, nơi an táng) về chùa trước 1 tuần để quý Thầy làm lễ.
4. Nên cúng dường Tam Bảo và chúng Tăng tu hành thanh tịnh
Trong bài kinh Ngạ quỷ ngoài bức tường thuộc Kinh tạng Nam truyền - Tiểu bộ kinh tập 3, Ngạ quỷ sự, phẩm con rắn, Đức Phật có dạy:
“Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc, than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.
Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa,
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân”.
Vậy nên việc than khóc không mang lại lợi ích gì cho thân quyến đã quá vãng. Để thân quyến đã mất được hưởng lợi ích lâu dài, chúng ta nên phát tâm cúng dường Tam Bảo và chúng Tăng. Bởi Tam Bảo là ruộng phước vô lượng của chúng sinh và cũng là chỗ cứu độ duy nhất cho chúng sinh, không có một nơi nào, chốn nào, không có một ai ngoài Tam Bảo có thể cứu độ chúng sinh. Còn chư Tăng là đại diện cho Tam Bảo, nhờ có chư Tăng thực hành và hoằng truyền lời Phật dạy mà Phật Pháp được trụ lâu dài ở thế gian. Cho nên, y theo lời Phật dạy, việc thiết lễ cúng dường lên Tam Bảo và chúng Tăng là điều chúng ta nên làm khi có thân quyến qua đời.
5. Tuyệt đối không sát sinh, cúng tế quỷ Thần
Trong kinh Địa tạng bổn nguyện, phẩm 7 có ghi rằng: “Những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái. Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”.
Như người đi đường xa, không ăn uống trong ba ngày vì đã hết sạch lương thực, đồ vật của người đó mang vác lại nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gửi một ít đồ vật, vì vậy mà người đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm. Cũng vậy, nếu chúng ta sát sinh để cúng tế hoặc làm các việc không lành thì người chết không những không thọ hưởng được mà còn khiến cho họ tăng thêm nghiệp ác và có thể bị khổ hơn hoặc chậm sinh về cảnh giới an lành.
Lại nữa, trong kinh Tiểu Bộ 4, phẩm 18, bài kinh “Đồ Ăn Cúng Người Chết” (Tiền Thân Matakabhatta) có kể câu chuyện:
Thuở xưa, có một vị bà-la-môn tinh thông kinh Vedas, là một danh sư nổi tiếng bốn phương. Khi ấy, vị bà-la-môn này muốn cúng tế đồ ăn cho người đã chết. Ông cho bắt một con dê và sai các đệ tử cho dê ra sông tắm rửa, cho ăn lúa, chải chuốt và đeo vòng hoa cho nó. Khi đứng ở bờ sông, bỗng con dê phát ra tiếng cười như cái ghè bằng sành bị đập bể. Cười xong, dê rống lên khóc thảm thiết và nước mắt chảy giàn giụa. Thấy lạ, ông bà-la-môn đem sự việc thuật lại cho một vị Tôn giả đã chứng đắc lục thông. Vị Tôn giả giải thích nhân duyên đó là: Vì con dê này nhớ được tiền kiếp của nó. 499 kiếp trước đây, nó cũng là người và đã giết một con dê để cúng tế cho người chết. Do nghiệp ác ấy mà nó phải bị chém đầu trong 500 lần sống chết. Kiếp này là lần bị chém chết cuối cùng để nó hết nghiệp nên nó cười. Còn nó khóc là vì thương ông bà-la-môn. Nếu ông giết nó thì lại chịu quả báo giống nó trước kia.
Ông bà-la-môn nghe xong, sợ hãi và hứa sẽ không giết con dê. Nhưng thật không ngờ, khi con dê được thả ra, tự do gặm cỏ gần một tảng đá, có tia sét làm tảng đá vỡ ra, mảnh vỡ văng ngay vào cổ con dê khiến nó đứt cổ mà chết.
Cho nên, là người đệ tử Phật khi đã được học hiểu về nhân quả thì chúng ta nên y lời Phật dạy và làm các việc thiết thực nhất để hồi hướng phước báu cho thân quyến đã quá vãng.
Chết là quy luật tất yếu, tự nhiên của cuộc sống, chúng ta sinh ra ai rồi cũng phải chết. Tuy nhiên, chết đi về đâu và tái sinh vào cảnh giới nào mới là điều quan trọng. Hy vọng qua bài viết này mỗi người sẽ ứng dụng, thực hành lời Phật dạy, biết bỏ các việc xấu ác làm những điều thiện lành, giữ gìn năm giới của người Phật tử tại gia; từ đó tăng trưởng thiện tâm và lợi ích cho mình cũng như thân quyến lúc lâm chung.